Tản văn của Vũ Ngọc Cầm : BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI
Người Việt mình thường tính thời vụ bằng tháng âm lịch, như bây giờ gọi là sắp đến tháng 10 ta. Tháng mười ngày ngắn đêm dài, là tháng gặt của lúa vụ mùa. Trời hanh heo se lạnh, mờ sáng sương giăng phủ kín đường làng, ngõ xóm. Mọi người ngủ dậy sớm hơn bình thường và lục tục kéo nhau ra đồng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc bộ từ nhỏ nên hưởng trọn cái không khí rộn ràng của ngày mùa nơi đây. Tiếng người gọi nhau í ới xen lẫn liếng lộp cộp của những chiếc xe bò cải tiến gõ hai bánh gỗ xuống mặt đường theo nhịp bước chân của bà con cô bác. Chỉ đến gần trưa, khi mặt trời sắp đứng bóng là những chiếc xe gỗ ấy đã chở đầy lúa mới gặt về theo các ngả đường làng.
Bà nội tôi thường đọc cho tôi nghe câu ca dao : “ Bao giờ cho đến tháng mười/ Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”, nghe thế trí tưởng tượng của cái thời thơ bé trong tôi cứ nghĩ rằng vào tháng mười ta, mọi người an nhàn lắm. Nhưng không, càng lớn lên tôi càng thấy đến tháng mười – mùa gặt, mẹ tôi và mọi người trong gia đình phải lao động vất vả hơn nhiều. Từ sớm mẹ đã phải dậy nấu cơm, đợi cơm chín rồi nắm vào mo cau, thêm ít muối vừng gói đem theo để cả nhà ăn bữa trưa tại ruộng. Những bữa cơm trưa tại ruộng mới ấn tượng làm sao. Có vị mặn chát của mồ hôi pha lẫn mùi tanh nồng của bùn đất và hương lúa thoang thoảng bay...Những năm gần đây do có dịch vụ máy tuốt lúa ra đời người nông dân gặt lúa xong đã có máy tuốt lúa tại ruộng nên chỉ đem thóc về. Rơm rạ lại trả về cho đất. Còn những năm trước đây nữa thì đến tháng mười đêm đêm thường nghe tiếng đập lúa thình thịch khắp làng trên xóm dưới. Tiếng nói chuyện, bàn luận râm ran rồi gọi nhau vang động vào đêm khuya.
Lũ trẻ con chúng tôi trong dịp gặt mùa vẫn đi học. Tuy vậy sau những phút tan tầm đứa nào cũng ùa ra ruộng để giúp cha mẹ những phần việc mình có thể làm được. Có đứa vác lúa xếp lại các đầu bờ ruộng. Có đứa lại tranh thủ cắt các gốc rạ rồi chụm lại thành những mô, đợi mấy ngày cho khô và nhẹ đi thì gánh về làm thức đun nấu cho gia đình. Cây rạ bây giờ không quan trọng nữa vì nhiều gia đình đã không còn đun nấu bằng rơm rạ, không lợp mái nhà bằng rạ như xưa. Chỉ mấy chục năm trước thôi, rạ vẫn là vật liệu chính để lợp mái nhà (mái gianh). Giờ đây, những người thuộc thế hệ 8X về sau khó mà cảm nhận hết được vẻ dung dị và cái hay đến nao lòng trong câu thơ của Trần Đăng Khoa : “ Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”.
Cũng vào tháng mười ta này tôi có cái thú đi đánh túm rô. Cái “túm” được đan bằng cật tre rất khéo và chắc chắn, cá chỉ có một lối vào qua cái “hom” cũng làm bằng cật tre vót nhọn. Thứ vật dụng này chỉ giành riêng để bắt cá rô nên người ta gọi là túm rô. Cá rô mùa tháng mười rất béo bởi trước đó chúng được ăn các hoa lúa rụng ở các ruộng lúa. Đến mùa chúng ăn các hạt thóc chín sớm từ các bông lúa trĩu hạt rủ xuống mặt nước. Cha ông mình đã truyền lại kinh nghiệm cho con cháu cách ngâm hạt lúa để bẫy bắt cá rô trong túm khá hiệu quả. Những chú cá rô phàm ăn rất dễ sa bẫy. Lớn lên tôi rời xa quê đi công tác ở nhiều vùng miền nhưng không bao giờ có thể quên được cái cảm giác của ngày nào khi kéo túm rô lên khỏi mắt nước sau một đêm ngâm, cá rô giẫy sùng sục trong túm, nặng trĩu tay. Lại càng không thể quên được cái vị đằm thắm của món ăn cá rô rán dòn chấm với mắm cáy. Những con cá rô tháng mười béo mẫm, vàng ươm được rán chín dòn trên chảo mỡ. Nước chấm vùng quê tôi thường được làm từ con cáy con còng bắt về từ các vùng phù sa cửa sông. Mắm cáy vẫn có vị tanh của bùn cộng với vị ngọt của thứ Protit phân hủy từ thịt cáy, mùi thơm của trứng cáy, thêm chút chanh, tỏi, ớt để rồi chấm với cá rô rán sẽ tạo ra một sản vật đặc trưng ngon đến mê hồn và không thể lẫn với bất cứ món ăn nào. Món ăn giản đơn ấy của lũ trẻ vùng quê chúng tôi ngày nào bây giờ ai ngờ lại trở thành đặc sản ở các khách sạn sang trọng bậc nhất Hà thành và ở nhiều cửa hàng ăn cao cấp khác trong toàn quốc.
Tháng mười cũng là tháng mà trai gái quê tôi bước vào vụ cưới. Làng tôi có ngày diễn ra hai đám cưới. Có một thứ phong tục kỳ lạ không biết hình thành tự bao giờ : nếu hai đám cưới đón dâu mà gặp nhau thì quan viên hai họ sẽ rút ra những đồng tiền có mệnh giá nhỏ để thả xuống đường đi với một tâm nguyện là hai cô dâu sẽ tránh được những điều rủi ro.
Cũng đến tháng mười tôi thường thấy ông nội tôi thiến những con gà trống choai. Ông bảo là còn hơn hai tháng nữa là đến tết Nguyên đán, đến lúc ấy thì gà vừa béo. Đấy là những món ăn được chuẩn bị chu đáo để đón con cháu từ các nơi xa xôi về ăn tết ở quê nhà ...