Hồi ức cùng một dòng sông

Những năm đầu thập niên 60 thế kỉ trước không có đò mà là cây cầu Ca – rông bằng gỗ từ thời Pháp nối hai bờ sông: bên kia chợ Sắt, bên này chợ Thống nhất nên cảnh trên bến dưới thuyền lúc nào cũng huyên náo tấp nập. Chợ có đủ thứ hải sản từ Cát hải, Đồ sơn, rồi nông sản từ các vùng miền sông Hồng đưa về. Cạnh cầu Ca – rông thường xuất hiện những nhóm nghệ sĩ đường phố. Họ vừa bán thuốc chữa bệnh vừa diễn những trò xiếc người, xiếc thú, võ thuật có đông người xem reo hò cổ vũ. Sau chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 1 của Đế Quốc Mĩ (1964 – 1968 ) cây cầu gỗ và chợ Thống nhất không còn nữa. Đầu phố Cát cụt người ta làm cây cầu treo sang sông.


 

 

HỒI ỨC CÙNG MỘT DÒNG SÔNG

Hồ Tam bạc đã được chỉnh trang. Tôi đứng trên bờ hồ vào buổi sáng triều cường, nắng khô giữa thu lấp lánh ngọn nước nhấp nhô thơ mộng trong thanh bình. Tôi và dòng nước đã từng được chứng kiến những ngày cách đây tròn 42 năm ...
Hồ vốn là con sông Lấp, thông từ nhà Triển lãm ở trung tâm thành phố chia hai ngả ra cầu Xi măng và cầu Quay, mỗi ngả trên bờ có một ngôi đền thiêng thờ người có công xây dựng vun đắp cho Hải phòng. (Sau này con sông được ngăn lại bởi đập Tam kì và thành hồ). Dọc đường Nguyễn Đức Cảnh bên bờ sông Lấp tháng 12 năm 1972, các cơ quan, xí nghiệp và người dân phần lớn đã sơ tán ra ngoại thành. Bên kia sông là phố Quang Trung có chợ Sắt sầm uất mà giờ cũng vắng bóng người. Lệnh sơ tán được thực hiện nghiêm ngay từ giữa tháng. Xí nghiệp cao su Tân Thái Hoa chúng tôi có hơn 200 cán bộ công nhân viên. Đầu tháng 12 số người ở lại là 50, tiếp tục ra sản phẩm dếp cao su và dây cua roa. Nhưng từ 15/12 sơ tán gần hết, chỉ giữ lại 7 người trực chiến. Trong đó có tôi là một công nhân ép quai dép cao su, tuổi tròn 20, còn có anh Tiến, bác Quảng và 4 người nữa. Anh Tiến, nhỏ bé, vui tính. Sự vui tính giúp thêm nghị lực cho anh chịu đựng được gánh nặng nghèo khó và tạo ra niềm hạnh phúc gia đình trong một căn hộ ở khu tập thể An dương. Vợ anh trước là công nhân xi măng. Sau khi sinh cháu thứ hai, chị bị hậu sản phải nghỉ làm. Với lương thợ điện bậc ba, anh nuôi 4 người. Tiền thuốc thang cho chị, tiền quần áo cho con phải nhờ vào những ca làm thêm giờ, trực thêm ngày của anh ở xí nghiệp. Bác Quảng, công nhân cán cao su, ít nói. Vợ chồng bác bỏ nhau lúc đứa con trai tên Cường mới được 2 tuổi, giờ nó đã lên 12. Bác gửi nó sơ tán về Đông Triều và xung phong ở lại cùng chúng tôi.
Nhiệm vụ của 7 chúng tôi là chấp hành sự điều động của khu đội Lê Chân tham gia giải quyết hậu quả sau mỗi vụ máy bay Mĩ oanh tạc trên địa bàn khu phố. Chúng tôi cùng tự vệ tiểu khu tuần tra bảo vệ xí nghiệp, bảo vệ tài sản dân cư dọc bờ sông Lấp đường Nguyễn Đức Cảnh. Xí nghiệp tôi nằm giữa hai con ngõ là Hàng Gà và Đặng Kim Nở, mặt cổng nhìn ra bến đò ngang. Dưới gốc dừa cạnh bến đò chúng tôi làm một công sự phòng không.
Những năm đầu thập niên 60 thế kỉ trước không có đò mà là cây cầu Ca – rông bằng gỗ từ thời Pháp nối hai bờ sông: bên kia chợ Sắt, bên này chợ Thống nhất nên cảnh trên bến dưới thuyền lúc nào cũng huyên náo tấp nập. Chợ có đủ thứ hải sản từ Cát hải, Đồ sơn, rồi nông sản từ các vùng miền sông Hồng đưa về. Cạnh cầu Ca – rông thường xuất hiện những nhóm nghệ sĩ đường phố. Họ vừa bán thuốc chữa bệnh vừa diễn những trò xiếc người, xiếc thú, võ thuật có đông người xem reo hò cổ vũ. Sau chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 1 của Đế Quốc Mĩ (1964 – 1968 ) cây cầu gỗ và chợ Thống nhất không còn nữa. Đầu phố Cát cụt người ta làm cây cầu treo sang sông. Ngay bấy giờ bến đò ngang liền xuất hiện trước cổng xí nghiệp tôi. Đi đò ngang sang chợ Sắt là một thú vui vì được nghe hát xẩm trên đò với những bài dân ca Bắc bộ trữ tình đầy tính nhân văn, du dương trầm bổng theo nhịp chèo đò và các dụng cụ: nhị, gõ. Vào những ngày này, đò vắng khách, ông lái gác mái chèo, chuyện phiếm với chúng tôi bên công sự gốc dừa. Mẹ con bà hát xẩm đã đi sơ tán khỏi thành phố. Có hôm chúng tôi mời ông lái cùng ăn trưa. Bên trong xí nghiệp có 3 dãy nhà xưởng liền kề nhau. Máy móc theo dây chuyền cũ kĩ nhưng ngăn nắp. Sát cổng là ngôi nhà kiểu biệt thự hai tầng của Pháp để lại, dùng làm phòng ban gián tiếp. Dưới nền gỗ tầng 1 là móng đá xây kiên cố, chúng tôi sử dụng làm hầm trú ẩn, chứa các đồ quân dụng và cả lương khô, thực phẩm thiết yếu. Chúng tôi nấu cơm, luộc rau, kho cá bằng bếp dầu. Bữa cơm thời chiến đạm bạc, vui, ấm tình anh em, lại thêm ông lái có duyên kể chuyện tiếu lâm khiến chúng tôi cười giòn tan, chẳng còn thấy sợ hãi trước các đợt đánh bom của địch. Những trận chiến ác liệt ở Hà nội từ 18 rồi từ ngoài 20/12 trở đi lan đến Hải phòng và các vùng lân cận. Số B52 ( thần tượng của không lực Hoa kì ) bị hạ cứ tăng dần ( kết thúc 12 ngày đêm là 34 chiếc ) cũng đồng nghĩa với việc Mĩ leo thang tàn phá đô thị, cướp thêm bao sinh mạng dân lành. Thật kì lạ, dòng sông Lấp hiền hòa và những người ở lại như chúng tôi vẫn tĩnh tâm giữ đều nhịp thở cho thành phố Cảng thân yêu.
Chúng tôi luôn có mặt 5 người trực, còn 2 nghỉ luân phiên. Tối 22/12, tôi và anh Tiến được nghỉ trực. Cả tổ chỉ có một xe đạp, tôi nhường anh, còn mình thì cưỡi “căng hải” về nhà ( cách nói đùa thời ấy chỉ việc đi bộ ). Hai anh em chia tay ở cổng xí nghiệp lúc nhá nhem tối, anh hẹn sớm mai sẽ qua nhà đón
tôi vì vội về chở chị ( vừa từ nơi sơ tán ra) đi cắt thuốc bắc. Nhà tôi ở ngõ 32 chợ Cột Đèn. Thời ấy trong ngõ đường đi lát bằng những tấm xi măng, hai bên là ruộng rau muống. Cả xóm chừng dăm mái ngói, còn lại vẫn lợp giạ, vách đất trát rơm. Dân ở đây đi sơ tán, quanh nhà tôi chỉ còn ông cụ Bảy cụt ( một chân ) cùng con chó giúp trông nom cả xóm. Tôi gặp Bình, cô gái kém tôi ba tuổi, làm công ty Công trình Đô thị, đang bắc ống nước tận An Hồng, cách nhà hơn chục cây số cũng cuốc bộ về. Ba chúng tôi ngồi nhà ông Bảy, chuyện trò được hai lần cho nước vào ấm thì còi báo động vang lên. Tiếng đủ các loại đạn của lưới lửa phòng không xen lẫn tiếng gầm rú của máy bay tầm thấp. Chừng 15 phút, không gian yên tĩnh trở lại, rồi còi báo yên. Ra khỏi hố cá nhân, chúng tôi tụ vào, thắp ngọn đèn dầu, đoán già đoán non những khu vực bị bỏ bom. Sau đó câu chuyện về quê quán mỗi người đang dở lúc nãy được tiếp tục, tới khuya ai về nhà nấy, ngủ.
Tôi choàng dậy vì mặt đất rùng rùng. Đúng là bom chùm, chỉ có B52 tạo ra kiểu rải thảm đó. Nhìn đồng hồ, hơn 4.30 sáng. Khí lạnh như mang theo cả hơi bom tràn vào thấy ớn. Tiếng bom gần lắm, cách đây chỉ chừng nửa cây số. Con chó lúc tối thấy đạn phòng không đỏ trời kêu ăng ẳng, giờ chắc cu cậu sợ quá, nằm im re. Nhìn khói lửa ngút cao phía khu tập thể An dương, chúng tôi lặng lẽ. Cầu mong bình yên cho vợ chồng anh Tiến vì ở nơi sơ tán, hai đứa nhỏ đang đợi bố mẹ chúng trở về. Còi báo yên. Tôi chạy như bay , qua phố Cát cụt, dọc bờ sông Lấp, về đến xí nghiệp kịp nhập vào tốp xuống khu tập thể An dương theo lệnh của khu đội Lê Chân. Khu tập thể cao tầng này gần như đầu tiên của thành phố, thiết kế kiểu Triều Tiên, có đủ trường học, bệnh xá, chợ, cả bãi chiếu phim và sân bóng chuyền.Giờ đây những dãy nhà bị san phẳng, ngổn ngang đổ nát và điêu tàn. Bàn ghế một lớp học còn cháy dở. Cây cột gãy gục, trên đó phất phơ mảnh áo rách vương vào quả sứ cách điện ... Gần trăm người: bộ đội, công an, dân quân tự vệ ai vào việc nấy, khẩn trương giải quyết đống đổ nát. Những vành khăn tang trên đầu người thân của ai đó xấu số ...
Chúng tôi không cầm được nước mắt khi thấy thi thể vợ chồng anh Tiến. Họ bên nhau trong hầm tránh bom. Dấu vết giúp nhận ra căn hầm chính là chiếc xe đạp công nằm cong queo cạnh bức tường đầu dãy nhà chưa kịp đổ. Trên tường vẫn còn nguyên vẹn tờ tranh biếm họa vẽ viên tổng thống Mĩ, một tay thả những quả bom xuống, tay kia túm cổ bé gái như sắp cho vào cái miệng đang ngoác ra, dưới chiếc mũi diêu hâu nhọn hoắt. Dòng chữ: “Nixon, tên giết người!” in đậm trong tờ tranh. Ông ta làm thế giới căm giận khi gây ra đau thương cho nhân dân Việt nam. Chúng ta không bao giờ bị khuất phục. Xí nghiệp Tân Thái Hoa nhỏ bé với 200 lao động vẫn miệt mài cho ra sản phẩm nơi sơ tán. Con em họ ở đó vẫn hàng ngày tới trường. Họ gửi 7 chúng tôi thay mặt xí nghiệp ở lại chia sẻ đau thương kẻ thù gây ra, ở lại quyết giữ thành phố và dòng sông Lấp thân yêu.
Do anh Tiến mất, 5 người trực nên chỉ còn 1 được nghỉ luân phiên. Nhờ loa truyền thanh thành phố, chúng tôi biết hôm đó (23/12 ) bộ đội Hải phòng bắn rơi 2 B52, còn Hà nội, Quảng ninh cũng hạ thêm 2 máy bay cường kích của Mĩ.
Ngày Noel năm 1972, Mĩ nói ngừng oanh tạc một ngày nhưng cả thành phố vẫn cảnh giác.
Sau đó vài ngày là phiên bác Quảng nghỉ trực. Bác cùng ăn cơm trưa xong rồi sang đò ngang, về nhà. 5 người còn lại chưa kịp rửa bát dọn mâm thì còi báo động vang lên. Chúng tôi lao ra bờ sông, nhảy xuống công sự, chĩa súng CKC lên trời theo hướng có tiếng gầm rú. Một tốp 3 máy bay địch từ biển ập vào bỏ bom dọc bờ sông, đoạn từ Cát cụt đến xi nghiệp tôi. Hai tốp khác, cũng cũng vẫn mỗi tốp 3 chiếc hướng về cầu Quay và sau phố Quang Trung, trút vội bom rồi chuồn thẳng theo đường cũ, ra biển. Bọn “cắn trộm” này phá sập cây cầu treo qua sông đầu phố Cát cụt. Ngọn dừa bên công sự bị phạt gãy. Một hố bom sâu hoắm giữa đường Nguyễn Đức Cảnh. Hai nhà dân và công ty Rau quả cạnh xí nghiệp tôi trúng bom. Chắc chúng thấy ống khói cao ngất của nồi hơi xi nghiệp tôi nên bỏ bom, nhưng chệch. Tiếng kêu cứu. Chúng tôi vội tới. Thật không ngờ lại là bác Quảng bị mảnh bom găm vào. Theo lời ông lái kể: Đò đi chừng dăm mét, thấy còi báo động thì quay lại, vọt lên bờ và bị luôn. Ông lái may mắn hơn, chỉ bị sức ép nhẹ. Chúng tôi đưa bác Quảng vào cấp cứu ở bệnh viện Việt Tiệp gần đó. Do vết thương nặng, bác không qua được vào sáng hôm sau, vĩnh viễn không gặp lại đứa con trai của mình.
Chúng tôi còn lại 5 người, trực cả, không ai nghỉ: Ban ngày dùng đò chèo dọc sông vớt những vật bị bom đánh trôi dạt theo dòng nước. Đôi khi lẫn vào, có cả mảnh vụn các thi thể. Ban đêm đi tuần cùng tự vệ tiểu khu, trời đầu đông giá lạnh, lất phất mưa. Phố phường tĩnh lặng, an toàn ...
Hiệp định Paris được kí tắt. Điều đó có nghĩa là: Chúng ta đã chiến thắng trận cuối cùng 12 ngày đêm, hòa bình sẽ trở lại miền Bắc và ngày thống nhất sẽ càng gần hơn!
Bây giờ đã rất lâu kể từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, tôi được một mình đi dạo, ngắm nhìn con sông Lấp ngày xưa, nay là hồ Tam Bạc thơ mộng của dải trung tâm thành phố, thấy được bao sự đổi thay: Một khu chung cư tráng lệ ở vị trí xí nghiệp tôi. ( Còn xí nghiệp đã chuyển đi để tránh ô nhiễm cho cư dân thành phố. ) Thằng Cường con bác Quảng ( kém tôi 8 tuổi ) đang định cư tại Đức. Hai đứa con gái anh Tiến: Một cháu theo chồng vào Nam, cháu còn lại làm bác sĩ bệnh viện lao Hải phòng. Tôi và cô gái tên Bình ( gặp nhau ở chợ Cột đèn ) đã là vợ chồng, chúng tôi đều đã nghỉ hưu. Hai con trai chúng tôi đã có gia đình và chúng tôi có 4 cháu nội khỏe mạnh, học giỏi. Trong 4 người nữa ( cùng tốp ở lại trực xí nghiệp với tôi ) có anh bạn tên Vinh, thợ nồi hơi, giờ là phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hải phòng.
Nhìn hàng phượng vĩ soi bóng xuống mặt hồ ngay chỗ ngày xưa là bến đò ngang, tôi thấy mình và thế hệ chúng tôi thật tự hào đã từng góp sức, thậm chí cả xương máu để nơi đây mãi mãi thanh bình, tươi đẹp!
Bài viết kỉ niệm Việt nam thắng trận 12 ngày đêm/1972.
Cuối tháng 9/2012.( Đào Đức Trang )