Mùa thu quyến rũ

Tôi chợt nhớ đến những bức tranh nổi tiếng: Mùa thu vàng…của danh họa Levitan. Có lẽ ông là người yêu mùa thu nước Nga nhất trên quả đất này. Bằng chứng là vì quá yêu, nên ông đã dám liều mình đưa cả mùa thu vàng lên giá vẽ! Tôi tin chắc rằng, khi vẽ xong, ông đã cảm nhận sâu sắc rằng: Ông đã quá bé nhỏ và hoàn toàn bất lực trước sự toàn bích của mùa thu!!! Nhưng may thay, hậu thế đã yêu những bức tranh của ông, bởi tình yêu mùa thu đã làm mọi trái tim mộng mị, mê đắm và rộng lượng khôn cùng.


Tranh Mùa thu vàng của Levitan

 

- Nước Nga chỉ có ba mùa!

Đó là ý kiến của tôi. Còn Olia (Cô thư kí của văn phòng công ty Vietros chúng tôi, tại thành phố Kostroma) thì khăng khăng:

-      Nước Nga có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông...như tất cả các nước khác! Anh chẳng hiểu gì về khí hậu của nước Nga cả!!!

Cuộc cãi vã của chúng tôi ngỡ như không bao giờ kết thúc! Nhưng đến khi Olia đi lấy chồng tận bên Thụy Điển, một lần vào ngày đầu tiên của mùa Phục sinh, cô gọi về cho tôi hỏi:

-      Luận ơi! Anh chuẩn bị trứng đỏ chưa? Tuyết còn nhiều không? Sông Volga vẫn đông người câu cá chứ? Anh biết không! Bây giờ trong tôi không còn ba, bốn mùa như chúng ta vẫn cãi nhau nữa, mà chỉ còn một mùa thôi: Đó là mùa Nhớ!

“Mùa Nhớ ”! Olia cho tôi một thuật ngữ mới để mô tả nỗi nhớ thương về quê hương của những người xa xứ.

Khi đang viết những dòng này, tôi cũng đã xa nước Nga gần sáu năm. Hơn hai mươi năm sống trên lãnh thổ Liên Xô cũ và nước Nga bao la, tình yêu trong tôi chia đều về hai ngả: Nước Việt và nước Nga. Nước Nga luôn bên tôi trong Mùa Nhớ day dứt khôn nguôi, và trong Miền Nhớ mênh mang bất tận.

Mùa nhớ của tôi bắt đầu từ mùa Thu. Mùa Thu ở Việt Nam phải “cảm” mới “nhận” ra. Nó không thật rõ nét, nó không dễ bắt gặp. Hãy nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về mùa thu:

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…

Mùa thu Hà Nội thoang thoảng trong hương cốm, mơ hồ cùng gió heo may những sớm về chớm lạnh. Còn cái cảnh: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…thì đích thực chỉ là bức tranh nhớ thương của tác giả vẽ ra trong tưởng tượng mà thôi. Mùa thu ở Việt Nam, cây lá, đất trời xanh vời vợi!

Còn ở nước Nga lại hoàn toàn khác. Mùa thu nước Nga trong tôi là mùa đặc biệt nhất, mùa dâng đầy những rung động òa vỡ, những cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ tựa như những dòng nham thạch đỏ ối từ những miệng núi lửa phun trào, rừng rực lao xuống, lan tỏa trên triền núi như thác đổ. Ở thành phố Kostroma, bao giờ tôi cũng chào đón mùa thu bằng hai cách:

Cách thứ nhất là ngồi trên tàu thủy cánh ngầm, chạy trên sông Volga từ Kostroma sang Iaroslav, một thành phố cách chúng tôi gần 100 km đường bộ. Tôi không nhớ nổi, mình đã chiêm ngưỡng mùa thu vàng nước Nga, theo cách này bao nhiêu lần. Nhưng mỗi lần thu đến, tôi ngong ngóng đợi chờ những ngày rực rỡ nhất của mùa thu, để xuống tàu du ngoạn. Những ngày này, dòng Volga lặng như tờ. Mặt nước, bầu trời hòa vào nhau xanh biếc. Tất cả các loại cây, đều khoác những chiếc áo vàng lộng lẫy, tạo ra những thảm vàng rực rỡ hai bên bờ sông. Khi chiếc tầu thủy cánh ngầm tách bến, rú ga tăng tốc bay là là trên mặt nước, tôi bắt đầu như người mộng du bồng bềnh trong tiếng hát:

Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới

Cây cỏ hoa như nói lên lời, em hạnh phúc nhất đời

Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Bản tình ca Đôi bờ và con tàu cánh ngầm, nâng tâm hồn tôi bay bổng trong không gian huyền diệu của mùa thu. Đoạn sông Volga từ Kostroma đến Iaroslav, tàu cánh ngầm chỉ chạy khoảng một tiếng là đến nơi. Tôi thuộc đoạn sông này đến nỗi, nhắm mắt  cũng đoán được tàu đang lượn ở khúc cua nào! Hết đoạn cua ấy, phía tay phải nhất định sẽ xuất hiện một nhà thờ, với ba chóp hình củ hành dát vàng lấp lánh. Khi tàu hết cua, tôi mở mắt, lập tức nhà thờ đã hiện ngay trước mặt. Mọi hành khách đồng loạt đưa tay lên ngực làm dấu thánh. Tôi đồng thanh hòa cùng mọi người trong tiếng Amen! Đi trong mùa thu vàng, ngắm nhìn những chóp nhà thờ lóng lánh trong nắng sớm, ẩn hiện thấp thoáng đây đó hai bên bờ sông, tôi hiểu câu nói: Kostroma nằm trên vòng cung vàng phía bắc của Matxcơva…có nghĩa như thế nào!                                       Những đám sương mù buổi sớm như đang nuối tiếc, cố nán lại che phủ cho những mái nhà thờ thêm chốc lát, tạo ra một màn sương khói huyền hoặc của chốn thiên đường. Tất cả khung cảnh này, tôi cứ ngỡ chúng đang hiện ra từ hai câu thơ:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…

Phải chăng cụ Nguyễn Du đã từng sống trong mùa thu nước Nga hàng ngàn năm trước. Chỉ bằng hai câu thơ, cả mùa thu Việt Nam, và mùa thu nước Nga hiện ra, sống động và huyền ảo đến khôn cùng. Không biết người Nga yêu Puskin và những vần thơ tình bất hủ của ông như thế nào? Còn tôi, tôi yêu truyện Kiều và Nguyễn Du với một tình yêu lớn lao, một sự ngưỡng mộ dâng trào, một niềm tự hào sâu thẳm tận đáy lòng.

Nếu như cách bay lên giữa trời thu, cùng với tàu cánh ngầm trên dòng Volga làm cho tâm hồn tôi thăng hoa ca hát! Thì cái cách tản bộ trong công viên, trên những con đường trải đầy lá vàng mộng mị, lại làm cho tâm hồn tôi lắng xuống, tựa những nốt trầm và những quãng lặng trong bản giao hưởng tít mù, bất tận với cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường ngày.”…Mùa thu vàng nước Nga  như một đại mỹ nhân, trong chiếc áo hoàng bào lộng lẫy, đang thiêm thiếp trên long sàng, đôi môi phảng phất nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa* lừng danh!!!” Trong đầu tôi cứ quanh quẩn ý nghĩ ví von ấy. Tôi không dám bước mạnh trên những thảm lá vàng, tôi sợ đau những cánh lá. Tôi không dám động vào những cây bạch dương, vì bên tai tôi luôn văng vẳng câu nói: Xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng…Và nhất là không được khinh động tới những giây phút trầm tư của người đẹp”Mona Lisa”! Ôi mùa thu nước Nga!

Tôi chợt nhớ đến những bức tranh nổi tiếng: Mùa thu vàng…của danh họa Levitan. Có lẽ ông là người yêu mùa thu nước Nga nhất trên quả đất này. Bằng chứng là vì quá yêu, nên ông đã dám liều mình đưa cả mùa thu vàng lên giá vẽ! Tôi tin chắc rằng, khi vẽ xong, ông đã cảm nhận sâu sắc rằng: Ông đã quá bé nhỏ và hoàn toàn bất lực trước sự toàn bích của mùa thu!!! Nhưng may thay, hậu thế đã yêu những bức tranh của ông, bởi tình yêu mùa thu đã làm mọi trái tim mộng mị, mê đắm và rộng lượng khôn cùng. Tôi cũng yêu ông, nên trên tường nhà, tôi trang trọng treo một MÙA THU VÀNG…”hàng nhái”.

Nhưng có một MUÀ THU VÀNG… thật” luôn lóng lánh, xạc xào, run rẩy mãi mãi trong kí ức, trong tình yêu nước Nga đằm thắm, nồng nàn giữa trái tim tôi!

*Tranh của danh họa Leonardo Da Vinci

Huế 20/6/2013