Cha Mẹ tôi - Niềm tự hào của gia đình tôi

Nhân 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi xin được viết lên đây câu chuyện về truyền thống đấu tranh, tinh thần cách mạng, trong đó liên quan nhiều đến quãng đời hoạt động của Cha Mẹ tôi và đồng đội, gắn liền với xứ sở quê hương Gò Lũy - Nhị Bình - Châu Thành - Tiền Giang. Một xã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân, là nơi chịu nhiều mất mát, đau thương trong kháng chiến...

Cha tôi: Xã Đội Trưởng - Nguyễn Văn Bảy (Bí danh: Nguyễn Thái Hùng)  sinh ra và lớn lên từ đất Nhị Bình.
Cũng như bao nhiêu người trai trẻ thời bấy giờ, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cha đã gác lại mọi riêng tư để tiến lên phía trước nhằm góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu lấy đất nước đang trong cảnh lâm nguy, giải phóng cho dân tộc... với một khí thế trào sôi...
Ngay từ khi tham gia Cách Mạng, cha tôi đã gia nhập Vệ Quốc Quân, bộ đội chủ lực miền của tiểu đoàn 307 lừng danh, cùng những trận thắng vang dội oai hùng trong thời kì kháng Pháp mà sử sách còn ghi. Cha tôi cùng đồng đội đã theo chân tiểu đoàn xuôi ngược khắp miền, trong nhiều năm gian nan chiến đấu... Rồi, một trận chiến vô cùng khốc liệt với quân thù, dũng cảm giải vây cho đồng đội đồng thời cứu số tài liệu tối mật có cả sơ đồ chiến đấu khỏi phải rơi vào tay giặc mà cha đã can đảm lao ra trước nòng súng của quân thù... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng lần đó cha tôi đã bị trọng thương...

Trở về địa phương sau bao nhiêu năm dài chiến trận, dù đang trong lúc dưỡng thương nhưng cha cũng đâu thể ngồi yên với tình hình đất nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng... Thế là cha tôi phụ giúp Cách Mạng đi liên lạc, chuyển tài liệu công văn từ xã lên huyện và ngược lại. Bình phục, lành thương... bằng kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường, tài trí mưu lược trong quân sự, cha tôi được cấp trên tin tưởng giao cho chức vụ: Xã Đội Trưởng xã đội Nhị Bình...

Mẹ tôi: Xã Đội Phó - Phan Thị Niên (Bí danh: Lê Minh Châu) là con gái độc nhất của ông bà Ngoại, tuy không xuất thân từ gia đình giàu có nhưng cũng thuộc thành phần trung lưu trong xã hội lúc bấy giờ. Được cha mẹ cho ăn học tử tế ở Mỹ Tho, nhưng suốt thời gian sinh sống, học tập ở đây mẹ tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh chế độ đầy dẫy những bất công áp bức và bóc lột, tra khảo, cầm giam tù đày, giết chóc một cách hết sức dã man mà bọn thực dân dùng để đàn áp đối với những công dân yêu nước...
Mười sáu tuổi, mẹ tôi đành gác lại sự học sang một bên, cả gia đình ba người cùng xuống một chiếc ghe sống ngụy trang che mắt địch bằng nghề chài lưới, nhưng thực chất là cả nhà âm thầm giúp đở cho Cách Mạng...
Hai ông bà Ngoại vừa đi chài lưới kiếm sống vừa làm liên lạc, chiếc ghe vừa làm nơi sinh sống, trú ngụ vừa là phương tiện đưa rước cán bộ qua sông... rồi, mẹ tôi và ông bà Ngoại dần dần đi hẳn vào vùng kháng chiến...

Nuôi sẵn trong lòng nỗi căm thù quân xâm lược, mẹ tôi giác ngộ cách mạng rất sớm bởi người chị kết nghĩa đã dìu dắt mẹ vào kháng chiến, đó chính là: Dì Ba Ngọc Chi. Theo mẹ tôi, dì Ba Chi là một người rất đẹp, nói năng thật dịu dàng, giỏi giang việc nước với chức vụ Trưởng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Cứu Quốc xã Nhị Bình. Được dì Ba Ngọc Chi huấn luyện mẹ cũng tiến bộ nhanh. Sau một thời gian công tác thoát ly, với sự hoạt bát, thông minh, tính tình gần gũi, khéo léo trong dân vận nên mẹ dễ dàng có sự tin yêu từ quần chúng. Được kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau đó mẹ tôi lần lượt nhận những nhiệm vụ: Thư ký thường vụ; Phó Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Cứu Quốc; Sau đó là Trưởng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Cứu Quốc (thay chỗ cho dì Ba vì dì Ba Ngọc Chi được rút lên làm cán bộ huyện Châu Thành); Rồi cuối cùng là chức vụ Xã Đội Phó xã đội Nhị Bình. Với nhiệm vụ này, trong một lần được lệnh huyện đội triệu tập họp khẩn về quân sự, trên đường đi khoảng giữa Sao Đôi - Mỹ Phước (huyện Tân Phước) gặp máy bay địch oanh tạc, bỏ bom làm mẹ tôi bị thương rất nặng, mù một bên mắt cùng nhiều thương tích vĩnh viễn trên cơ thể... Đau đớn là vậy, nhưng nỗi đau của thân xác không thể nào khuất phục được một tinh thần gang thép đã được trui rèn qua chiến đấu, sau khi lành thương mẹ vẫn xin lãnh đạo cho giữ nguyên nhiệm vụ cũ để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội... kề vai sát cánh bên mẹ luôn có cha, dì Hai Dễ, dì Ba Giàu, cậu Ba Công với nhiều người khác nữa...
Và, như một định mệnh, cha mẹ đã cưới nhau... Bằng lễ tuyên bố gọn nhẹ nhưng trang trọng vì có cả người thân, đồng đội cũng như lãnh đạo cấp trên về tham dự. Tình yêu - như phút bình yên giữa chiến tranh, hạnh phúc và đẹp lắm...

Nhưng, chiến tranh, vốn không phải một trò đùa! Bởi ngày càng có nhiều hơn những đau thương, mất mát...

Tin buồn từ liên lạc làm lòng mẹ đau như cắt... Người chị mà mẹ tôi hết mực ngưỡng mộ, yêu thương, cũng là người thầy tận tâm dắt dìu mẹ trên bước đường Cách Mạng đã hy sinh trong lúc đang công tác nằm vùng ở xã Đông Hòa... Dì Ba Ngọc Chi trở thành liệt sĩ khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi, vừa đính hôn với người yêu còn bận chiến đấu ở chiến trường... Một lần vuốt mặt người thân cũng không làm được, mẹ đã khóc, khóc đến cạn luôn dòng nước mắt... May mắn bên cạnh mẹ vẫn còn có cha làm chỗ dựa tinh thần, mẹ luôn biết biến niềm đau thành ý chí... Nhưng, một lần nữa súng nổ lên, máu xương lại đổ! Trong một cuộc chạm trán với giặc Pháp vào một buổi sáng mùa đông, sương sa mù dày đặc che khuất tầm nhìn... Ở một khúc kênh Ba, nơi đồng lúa mùa phía sau Xóm Kiệu máu loang mặt nước...Tây chết nhiều, du kích Việt Minh ta hy sinh không ít. Lại một tổn thất lớn lao cho ban quân sự xã. Chưa hết, bởi tiếp theo là những đối mặt còn gian nan hơn thế. Có hôm, xung kích về kết hợp đánh đồn, người chiến sĩ trẻ tên Hòa quê ở Gò Công đã không ngần ngại giành lấy lá thăm từ tay đồng đội, để lãnh nhiệm vụ ôm kíp nổ vào đồn, với lý do hết sức giản dị bình thường nhưng vô cùng cao cả: "Anh còn mẹ già, vợ và con nhỏ. Tôi chỉ có một mình...". Đêm đó, đánh bót Lộ Quẹo thành công, nhưng anh thì ra đi mãi mãi, không tìm được dù chỉ một phần thi thể...

Ôi, máu đổ, xương rơi, hy sinh một phần hay trọn cả cuộc đời... trong chiến tranh chuyện thường tình là thế. Đã biết ra đi không hẹn ngày về, quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh, nhưng làm sao khỏi thấy lòng đau quặn thắt...?

Nhưng dù có đau đớn đến tột cùng thì mẹ với cha cũng không có quyền quỵ ngã, vì còn phải làm chỗ dựa tinh thần cho anh chị em dân quân du kích, cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu suốt chín năm...

1954. Đình chiến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc.

Cha và Mẹ tôi được Đảng phân công ở lại miền Nam, làm cán bộ nòng cốt bám trụ, lùi vào hoạt động bí mật. Âm thầm hướng dẫn nhân dân quần chúng đấu tranh vì hòa bình lâu dài và ổn định cho tương lai đất nước tươi sáng ở ngày mai...

Tuy không ngã xuống trong chiến tranh, nhưng cha mẹ tôi đã gởi lại một nửa cuộc đời nơi chiến trường xưa, gian nan, máu lửa và nước mắt... Giờ đây, cha mẹ tôi cũng đã lần lượt trở về sum họp cùng đồng đội, gởi trọn vẹn phần thân thể còn lại vào lòng đất của xứ sở quê hương, nơi mà cha mẹ đã góp công giành lại từ tay giặc Pháp.

Trong không khí trang trọng của ngày tháng ôn lại truyền thống này, bài viết của con thay một lời cảm ơn, một nén hương lòng, con xin gửi đến để sưởi ấm vong linh cha mẹ cùng đồng đội, những người không tiếc máu xương, đã ngã xuống khi xưa để đổi lấy sự bình yên cho thế hệ con cháu hôm nay...

Tôi rất tự hào là con của cha Nguyễn Thái Hùng và mẹ Lê Minh Châu, và tự hào hơn nữa vì mình là con của một gia đình, của một quê hương có truyền thống Cách Mạng. Hạnh phúc khi được sống trên xứ sở bình yên mà công lao cha mẹ mình đổ ra là không nhỏ...

27/7/2014
(Viết theo tư liệu gốc của gia đình).