Năm người đàn ông trong quán rượu
Bọn ta là năm đại diện cho năm nỗi khổ. Nỗi khổ này đố ai dám mua. Mà cũng chẳng ai bán được cho ai! Đúng là... cái ông nhà thơ nào đó nói chí phải: Nỗi khổ đau không phải của riêng ai!... Nghêkhoát tay một vòng: Cách cách... keng... -Cạn! Tôi tới “Bắc Cạn” trước các bác các chú! Rồi! Cạn bia... nhưng tình vẫn tràn đầy! Các bà xã... thế... mới hay! Mỗi bà một vẻ làm nên gia đình chúng ta! -Đúng! Làm nên cả một pho chuyện làng vô tận!
NĂM NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG QUÁN RƯỢU
Dưới bóng cây rợp mát, quán bia Hồng Nhẫn, sau mỗi ngày lao động, cứ chiều tà cánh mày râu lại tụ họp cụng ly ồn ào, náo nhiệt. Mé góc quán, mấy hôm nay lại vẫn năm gã đàn ông hay ngồi với nhau. Họ uống lúc trầm ngâm, lúc xô bồ như tự đánh thức tuổi mình chưa đến nỗi...Chiều nay, họ than thở: Xế chiều rồi! Một câu nhịn chín câu lành các ông ạ! Chấp các bà quần lĩnh, các mụ “sư tử Hà Đông” làm quái gì cho mệt! -Tuy thế, tình cây có lứa, tình người có đôi! Vắng các mụ, các ông mất một nửa. Như lão Mộc, lão Đặng ấy. Từ khi goá vợ, chả phát điên lên đấy à? Hay ho gì đũa gắp một chiếc....
Người đàn ông nhỏ thó, da đen sạm, chắc mịn như nắm cơm chiêm, nuốt đánh ực ngụm bia: -Bực cái mụ Gạo nhà em. Suốt ngày đày nắng, tối mặt chưa thèm về. Cấy xong còn vơ thêm gánh rạ. Ốm, lăn đùng, lại mang tiếng chồng con thiếu quan tâm! Cả ngày em xê la nhổ mạ, đánh vật với thằng giống mới, om cả lưng nách. Về nhà lại điệp khúc “nổi lửa lên em” lũ trẻ mới có cơm ăn. Nghĩ đàn ông đàn ang chui vào bếp, cực thật! Nào uống đi các bác! Anh ta đứng dậy khởi động. Mấy cái miệng quanh bàn bia ồn ào:
-Chú Đai có vợ cần cù thế, còn gì bằng! Nấu một vài bữa đã sao? Chả bù cho mẹ đĩ nhà tao suốt ngày chạy rông như ngựa vía... Ông Nghê ngồi cạnh Đai, nghiêng khuôn mặt hơi vâu, mi mắt lúc nào cũng cờm cợp thèm ngủ, hạ cốc bia xuống bàn: Chú Đai này! Tôi thấy thím Gạo nhà chú khoẻ thật! Săn sắt như cái máy. Xốc gánh lúa chắc nịch, lún cả bờ ruộng. Nhưng... thím cũng là người quá vô tư. Giữa đường giữa chợ, ăn nói cứ bô lô ba la, khoe cả mọi thứ như ở chốn không người...
–Đàn bà thuở yếm sồi sót lại ấy mà! Tính nhà em nó thế. Sửa nhà sửa cửa còn dễ hơn sửa tính sửa nết! Đai chép miệng. Ông Khiết, người cao đậm, áo cộc tay, gương mặt thoáng đãng, ngồi đối diện với Đai bác lại: –Nhà quê thật, nhưng cũng nhiều người họ đi đứng, ăn nói ý tứ, mềm dẻo và tế nhị. Nhà tôi cũng thẳng đuồn đuột, nóng hơn lửa. Nhưng vẫn thua cái vô tư của cô Gạo nhà chú Đai. Chú thông cảm mới nói nhé! Hôm nọ tôi gặp cô ấy giữa đường vừa vác cuốc, vừa vạch áo tô hô cho con bú. Gớm, thằng bé cứ gục xuống vít cái vú dài y vú bà Triệu. Chắc thằng cu này... bục kế hoạch à?
-Ha ha... Bác Khiết... tài để ý! Mốt đấy bác ơi! Ca sĩ nó hát phơi ngực phơi rốn kia kìa... Ông Mạo chun chun mặt, hếch cái mũi quá cỡ, xỉ gió ra phía sau, cười sằng sặc. Ông Khiết vẫn bảo vệ quan điểm: -Ca sĩ, người mẫu nó khác. “Nghề của nàng”. Với lại chúng nó măng tơ. Đằng này... quả mướp còn kém. Rồi ông lên giọng đàn anh: -Chẳng ai như chú! “Quang treo” ngoài chợ đầy, không mua một bộ “mốt” cho cô ấy. Cứ để buông... thỗn thễn trong chiếc áo cháo lòng! Có khi buộc được làm thắt lưng.
-Bác phê câu đó em chịu. Bọn em hiếm hoi, hai vịt liền. Do nhỡ, lại được thằng cu. Nên nhà em nó chiều lắm. Đi đâu cũng chẳng khác gì mẹ con chuột túi. Vợ em nó thật thà như đếm, cục mịch như đất! Chả biết làm tốt gì cả! Mặc cái áo mới cũng tõn tẽn. Thậm chí còn đem vò nước mấy lần cho xuống màu. Trẻ xóm em chúng gọi là người âm lịch. Chỉ cốt làm. Chỉ lo bồ thóc vơi, thùng gạo hết. Vừa đi vừa ăn bốc. Tối đến ba xoa một đập, chân lấm đi ngủ. Nằm xuống là kéo gỗ... Đai đỏ tía mặt, thú nhận: -Lại còn hẩu đoảng, ai nói đâu xâu đấy. Các ông anh khí cười...
-Nên cái dạo mợ ấy bị đinh râu... tẹm nữa thì cậu “gà trống nuôi con”?
-Bác Mạo lại đụng vào nỗi đau của em! Thuở đời nhà ai đi nghe thằng con cô Nhàn xui dại, quệt bọt axit đùn lên ở cực ăcqui bôi vào mụn đinh râu nặn non. Nhiễm trùng, sốt liền tù tì. Em mà không về kịp đưa đi viện cấp cứu có khi cũng mồ côi vợ lâu rồi! Nghĩ vừa thương vừa giận…
-Anh nghe đâu có bận mát giời... quá trái... Đài “tút tút”, cô em mới mắt nhắm mắt mở đi chợ. Thế quái nào lại mặc trái cả... cái quần lót... ra ngoài quần dài.... Ra ngõ trẻ con nó cười... mới biết. Phải không cậu? Mạo hỏi, rõ vẻ giễu cợt. Cả nhóm được phen cười nghiêng ngả. Tiếng cốc lại va cách cách.
-Chậc. Làng Đông nói hốc, làng Cốc nói thừa, làng La chạy tới thì vừa nói xong... Miệng làng tai họ.
-Khà... Số sao chịu vậy! Ông Mạo ngửa cổ uống một ngụm rõ sâu: -Nhưng tôi cho rằng vợ cậu Đai chất phác, thực thà, lại hoá hay. Lấy vợ hiền hoà làm nhà hướng nam. Nhà ông em hướng nam nên vợ hiền, con ngoan. Tớ hướng tây, gặp ngay “tướng bà” dở hơi. Trước không đến nỗi. Bây giờ đâm đĩ cẳng. Bán miếng đất hời được vài trăm triệu, chỉ khoe của, ra vẻ ta đây. Đít ngồi xe đạp, ngực đeo “xích vàng” vòng hết làng này làng khác y thằng cha “lợn cưới áo mới”. Ai cũng tưởng mụ xốc vác lắm! Nói thật với các ông, chả mấy khi anh em ta ngồi với nhau than thở cho khuây. Cái giống đàn bà có bánh lái mà không biết lái thì thằng đàn ông dễ chểnh mảng cửa nhà, sự nghiệp. Cái loại đàn bà... cậy cái “vốn tự có”... ăn độc với chồng thì là cái thá gì? Chỉ có thiệt...
-Ấy... Sao bác lại kể xấu chị Sợi em? Đai cắt ngang lời Mạo.
-Tao nói thực để cậu, dẫu xa dẫu gần cũng là em vợ, máu lỏng còn hơn nước lã, sang tai cho chị cậu rút kinh nghiệm! Mạo nhìn Đai, dằn giọng: -Sáng nào cũng cốt bát bún riêu, cốc sữa đậu vào bụng. Quà ăn như mỏ khoét. Ngang dạ. Cơm nước bê trễ. Chỉ cốt miệng mình. Không thiết chồng con. Vụ cấy mới rồi, cái Hậu con dâu nhà tôi nó phải đem hai đứa bé ra tận bờ ruộng vừa cấy vừa trông con. Tôi đi Nam Định về đến đầu làng nghe người ta nói, liền hơ hấc hơ hải chạy ra đồng. Nhìn hai đứa cháu bằng cái dãi khoai mặt mũi nhem nhuốc, lê la trên bờ ruộng, không cầm được nước mắt. Vội đón chúng về. Vào nhà đã thấy mụ nằm ngửa bật quạt điện ngủ trưa đến chợ chiều. Thì ra sợ trẻ quấy bẩn bộ cánh mới may!
Ông Khiết cắt lời Mạo, đi một bài văn hoa, vẻ nhạy bén thức thời: -Xã hội đổi mới, nông thôn đổi mới, người nông dân cũng phải tự đổi mới. Các ông xem ngày trước các cụ nhà ta cả đời tất bật cặm cụi, ngay thế hệ mình cũng “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Bây giờ cảnh bếp rạ, khói lam chiều chỉ còn trong nỗi nhớ. Nhà nhà sáng ra lót bún ăn phở, hai bữa chính nhằm vào trưa, tối, quạt mát điện sáng có khác gì hàng phố? Nên các bà ấy có “ngoạ sơn” tí giấc ngày cũng là mừng cho nông thôn ta đã từng bước văn minh! Các bà ấy giữ gìn sức khoẻ, giữ gìn thân thể, biết làm đẹp bản thân chính là giữ gìn cho các ông. Hay ho gì vợ con ốm vặt, tiền mất tật mang, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình! Khiết chợt dừng, nhìn Mạo vẻ quan trọng: -Hình như cô ấy vừa đi thẩm mỹ? Nom cái ngực phồng căng!
Chạm vào chỗ ngứa sâu kín, Mạo không hề giấu giếm: -Mẹ kiếp! Đúng là cái tuổi Tân Mão! Suốt ngày làm đỏm! Xem ti vi thấy người ta nói cũng xí xớn đi thời trang. Người thì bé mà hai cái vú bơm gì to... như hai quả bưởi! Trông y con chão chuộc đèo hai cái bìu trứng! Nhưng nào có làm đỏm cho chồng! Chỉ cốt giắt đẫy lưng, cốt đẹp cái chỗ mình nằm. Cái giường hoa hoét y giường công chúa, giường cô dâu mới. Giường chồng thì chiếu cũ với tấm ván ghép lại... Sao cũng có ngày như vụ “thẩm mỹ Cát Tường”
-Bác nói quá thế nào ấy? -Tao nói thực ba đời chưa hết... Chỗ đàn ông với nhau, cứ nói toẹt... Bụng đói cơm treo các ông có chịu được không? Nó ăn độc từ cả cái khoản…! Gia đình nào cũng vậy, muốn hoà bình hạnh phúc thì cứ phải “kim nhật kim thì” mới cân bằng sinh thái! Đàn bà như cái máy lạnh Tosiba, chỗ nào cũng mát... mới là đàn bà!
Lại một trận cười sóng sánh những vại bia rót tràn bọt. Biết Mạo phổi bò, dễ tính, dễ bốc, Đai không buông tha: -Tại anh. Đã hay rượu chè, lại thuốc lào hôi như rái cá nên chị em mới kỵ. Nghe đâu hôm nào anh cũng sang nhà chú Đạt phó mộc xếp bằng tròn với bàn cờ tướng suốt đêm. Bỏ trống “khung thành” lại còn chê chị em? –Đâu mà. Nói bậy. Tao bỏ rượu từ tám hoánh. Lâu nay chỉ đến đây uống vại bia với các chiến hữu cho vui. Mụ ấy “cấm vận” từ lâu rồi! -Bác cứ chịu khó làm việc, cật lực đồng áng xem bác gái có chiều như vua không? Gương vợ chồng nhà Xuân Mảnh đấy. Hồi chồng mất chức trưởng thôn, vợ quay ngoắt 180 độ. Ghét dơ, nói xấu đủ điều. Lại còn “khép cửa phòng thu”. Chửi mắng nhau, “triển lãm bằng mồm” không thiếu thứ gì. Chỉ oan cho cái bờ tường, giận vợ, lão Xuân vác búa phá từng bửng gạch. Nhưng từ ngày chồng cầu cạnh được chân làm ở Công ty Cấp nước, lương lậu đều đều, vợ cười như “liên xô”. Tối đến “mở cửa khẩu” liền... -Ừ... Thua có việc, có tiền... Vật chất tự nó sẽ điều hoà mọi mâu thuẫn. Các đấng mày râu phụ hoạ. Mạo phản ứng:
-Cậu lại bì phấn với vôi. Tao con nhà làm ăn ví với thằng Xuân dài lưng tốn vải, bất tài, mất làm cán bộ một tí đã lăn quay con gụ! Trước đây tao chân thuyền tay lái, mỗi lần về là mỗi lần chị cậu cơm bưng nước rót. Khi yếu gân cốt, tao nhảy lên bờ chuyển giao thế hệ cho con cái nó làm, mụ ấy mới sinh tật. Tuy vậy, tao cũng chẳng kém cậu. Cơm nước, lợn gà tinh tươm. Vậy mà mụ vẫn đổ công tao xuống bể, đi đâu cũng “buôn dưa lê” kể lể một vai gánh vác sơn hà. Còn tao... dài… chấm gio! Mạo dằn cốc xuống bàn: -Vợ mà phụ công chồng là không có hậu. Cậu bênh được à?..
-Ôi dào biết đâu mà nghe miệng đàn bà. Chợt ôngCát, người béo phì, thấp lùn như chai bia cổ rụt, lên tiếng. Từ sớm, Cát chỉ ngồi trườn cái bụng phệ trên ghế lắng nghe, ít tham gia. Nhưng thật tình nghe chuyện phái buồng the, lòng Cát cũng cồn cào sóng ngầm với nỗi buồn chua xót về cô vợ hằng yêu quí bấy nay. Quá mù ra mưa. Cô ta ngày càng coi chồng không ra gì. Đàn bà, lòng dạ như cái túi thủng, bao nhiêu thứ bỏ vào cũng ít. Chả lẽ cái gì cũng đổ tại cơ chế, tại thời thế? Cũng đầy đàn bà thời nay họ dịu hiền, đảm đang, đoan chính, có đòi hỏi quá quắt chi đâu? Đằng này, Thanh...
Thanh người Cát Hải, xinh đẹp, với thân hình lẳn, da trắng, mắt long lanh. Ngày ấy gặp Thanh ở bãi chiếu phim, Cát chết liền trước đôi mắt đa tình lúng liếng. Ngay màn đầu hai người đã bắt chặt. Cưới chưa đẫy tuần thì Cát có lệnh lên đường nhập ngũ. Trong chiến trường, Cát được tin Thanh đẻ con gái. Anh mừng lắm. Mặt trận vào sâu. Bom đạn liên miên. Không biết ngày nào được thấy mặt con? Một thời gian dài hai người bặt tin nhau. Chiến tranh kết thúc. May mắn, Cát trở về nguyên vẹn. Nhưng lại thấy trong nhà tòi ở đâu thêm một thằng bé? Cát bàng hoàng. Thanh gục xuống khóc nức nở: -Anh ơi… Chẳng qua vì hoàn cảnh dun dủi. Nếu còn thương thì cho em ở lại. Nếu không thì đường ai nấy đi!... Nghe Thanh nói vậy, lòng Cát như xát muối. Anh vẫn vương vấn thương Thanh, thương giọt máu đầu. Chiến tranh và đời người thật khó lường! Nhưng còn đó bao kỷ niệm và con đường phía trước. Căn nhà không thể vắng hơi thở và bàn tay người đàn bà! Cát chấp nhận. Một cuộc sống êm ả dưới mái tranh. Mặt ao trước nhà phẳng lặng những cánh hoa mướp vàng rụng xuống. Trồng cấy, chăn nuôi, chạy chợ, máy xát, máy tuốt... không thiếu việc gì họ không làm. Cuộc sống vợi dần những khó khăn. Cái nghèo qua đi. Có vốn, Thanh bắt mối với các chủ đầm nuôi tôm. Cô khoát hầu hết các đầm khu Nhà Mạc, củng cố được chân chạy tôm đem giao sản phẩm cho các công ty xuất khẩu thuỷ sản. Phải mỗi tội đi hôm về đêm. Đang nằm với chồng, gà gáy đã phải bật dậy choàng khăn, nổ xe máy ra đi. Lắm bận qua mấy đêm Thanh mới về, quẳng gói tiền to còn sặc mùi tôm cá cho Cát cất vào tủ. Ngôi nhà hai tầng mọc lên như mơ. Xóm láng ai cũng thấy bất ngờ, phát ghen.
Vợ chồng Cát Thanh làm ăn tựa nước lên! Tuổi ngoại ngũ tuần, hai người như có mùa xuân trở lại. Đặc biệt Thanh trẻ đẹp hẳn ra. Cái đẹp phát tiết của sự giàu có, viên mãn vật chất! Nhưng lại là lúc cơn bão lòng ở đâu ập đến. Cát nghe phong thanh vợ loằng ngoằng với tay Đào Thừ chủ một đầm tôm cỡ bự làng Liên Hạ. Thừ kém Thanh tới năm, sáu tuổi! Cát cố nén. Từ bóng gió, ám chỉ đến thăm dò. Nhưng cuối cùng... Một ngày, buộc anh phải tra hỏi Thanh. Thanh chối phắt: -Làm gì có chuyện! Chỗ chị em nhận, kết nghĩa với nhau cho dễ lấy hàng! Không tin vợ, anh lại tin những lời vớ vẩn? Chẳng qua người đời chúng nó ghen ăn tức ở!... Nhưng ở cái làng nhỏ này, tai người thính hơn mọi thứ ăng ten. Chuyện đồn thổi ngày càng nhiều hơn. Cát nổi máu: -Lỗ nhĩ tôi đầy mứa dư luận đây này. Cô có thể bỏ cuộc hành trình tôm cá được rồi đấy! Thanh phản ứng: –Bỏ để mà giã họng à? –Hết nay lẩu cá, lẩu dê, mai lại nhà bè, nhà nghỉ. Tôi còn lạ gì cô! Ngựa quen đường cũ! Thấy tôi bỏ qua chuyện xưa thì cũng phải biết nể chứ. Đằng này, được đằng chân lân đằng đầu, càng lùi càng lên nước. Không biết xấu hổ! –Xấu hổ gì thời buổi này? Nghèo nó khinh. Giàu nó ghét. Anh cứ giữ cái đạo đức cổ hủ ấy liệu có thành Phật được không? Phật cũng phải ăn hương ăn hoa! Cái nhà cao cửa rộng này do đâu? Do đâu? Thanh lấn tới: -Ngày về chân ướt chân ráo với chùm... dái không! Giận tím mặt, Cát gằn lòng cố giữ cái tát chực hắt ra: -Đừng có cậy mình cậy mẩy!
Bốn đứa con, đứa gái lớn đại học Kinh tế; đứa trai kia học nghề cơ khí bên Hải Phòng; hai đứa nhỏ học trường làng. Ngày đứa gái lớn thi thiếu điểm, Thanh giắt tiền lên Hà Nội ăn đợi nằm chờ, chạy chọt thế nào được thừa điểm cho con vào đại học. Tháng tháng cầm tiền ra bưu điện gửi cho con là mỗi lần Cát nuốt cái cục nghẹn xuống bụng do Thanh đặt vào: -Đấy! Toàn triệu là triệu! Ông đem gửi cho chúng nó. Trông vào đồng phụ cấp còm của ông được bao nhiêu? Tưởng tôi sung sướng lắm à? Một lần Thanh quên điện thoại di động ở buồng tắm. Cát mở. Thấy dòng tin nhắn: “Anh ở đâu, đang nằm với ai? Mai em xuống đầm, có tôm chưa? Nhớ nhiều…”. Anh bật ra số gửi. Mẹ kiếp! Lại thằng cha em nhận! –Cái gì đây? Cát dí chiếc di động vào mặt Thanh. Thanh vội giật, xem. Trán toát mồ hôi. Nhưng Thanh lại bình tĩnh được ngay: -Con ranh Nga bên Thuỷ Nguyên nó mượn di động gọi về nhà, nó nhắn đùa cho chú Thừ, trêu đểu tôi đây mà!
–Thôi, lột trần cái trò dối trá với cả chiếc áo trễ vú trên người cô đi. Đủ rồi! Thanh thách thức: -Giờ là mốt. Sao anh khố đỉn vậy? Tốt nhất muốn ăn ngon thì nên bé họng!...
Không ngờ tình hình lại biến đổi đến thế. Cát rất buồn, ngậm đắng nuốt cay. Hàng chiều, Cát ra quán bia mong giải toả nỗi niềm không biết để vào đâu. Men bia ngấm. Trời đất lơ mơ. Tiếng Thanh bỗng lởn vởn, văng vẳng trong đầu: -Thời buổi người lính các anh lăn xả vào bom đạn để cứu nước qua rồi! Bây giờ là thời của những người biết làm ăn xông pha xoá đói giảm nghèo cho dân giàu nước mạnh. Thời của doanh nhân, thương mại, ngoại giao! Anh cũng phải thức tỉnh! -Nhưng kiểu làm giàu đổi chác như cô không ai chịu được! -Nhiều khi cũng phải biết chấp nhận. Trong chiến tranh cũng có những cô gái biệt động phải ngủ với giặc để hoàn thành nhiệm vụ. Phim ảnh đã đầy! Mà anh cũng thừa biết! -Nước này thì đến luật sư cũng xin vái chào cô!... Cát đang tư lự, hờ hững cốc bia lưng nửa trong tay thì Khiết chợt vỗ vai:
-Thua vợ chồng bác Cát! Nhà cao cửa rộng. Con cái đứa đại học, đứa trung cấp. Thỉnh thoảng taxi cập tận ngõ đón đi Tuần Châu, Đồ Sơn du lịch du liếc muối mề. Bác gái lại như hoa xuân nở giữa mùa thu! -Nước mẹ gì! Sao bằng các ông? Cát giật thót, suýt rơi cốc bia. Anh líu ríu, khuôn mặt hai cằm ướt nháng mồ hôi: -Thua... tự do! Tự do... muôn... năm...! Khiết nháy nháy mắt nhìn khắp lượt: -Bác Cát nói đúng. Thua tự do! Bác bị bác gái cầm chân chứ gì? Chao ôi trái tim ngục tù! Chưa bằng em đây! Con vợ em, Hoạn Thư còn phải gọi bằng bu! Cát nhìn Khiết đăm đăm: -Chú Khiết làm sao đấy? Tôi thấy cô Thu nhà chú quá giỏi giang! Còn chê nỗi nào? Xinh giòn, to khoẻ. Béo bền nữa này. Chỉ tội cái hay ghen. Ớt nào mà chả cay! Ghen mới tốt. Chả bù cho anh... Khiết phân bua: -Không nằm chăn không biết chăn có rận. Nhà tôi nó tốt thật đấy, nhưng ghen dễ sợ. Nhân thể kể các bác nghe. Trên đời chẳng có cái oan nào giống cái oan nào.
Sáng hôm ấy đi ăn cưới con cô Lan về, thế quái nào Khiết bị “Tào Tháo” đuổi năm sáu trận liền từ chiều đến tối, mệt lử. Đúng là trăm thứ tội không bằng tội Tào Tháo. Bụng sủi òng ọc. Vừa xong, nằm chưa ấm chỗ, lại vội vàng chạy. Liệu cơ thấy êm êm. Ai dè lại xảy ra trận cuối khoảng mười giờ đêm. Do hờn mát vợ đã mấy hôm, nên Khiết không thiết nói năng gì. Sợ cả nhà thức giấc, Khiết rón rén mở cửa. Nhác thấy vợ nằm giường bên kia ngẩng đầu lên nhìn, Khiết vẫn lẳng lặng ra ngoài. Còn sức đâu mà nói. Ngồi trong nhà tiêu, Khiết nguột đi. Không ngờ sau đó, lâu không thấy tiếng dép chồng vào, Thu nghĩ: Lão này đi đâu? Điệu bộ lấm la lấm lét! Thế là Thu nghi Khiết hẹn hò với cô Ngái hay xem ti vi bên nhà bác Ninh. Ngái goá chồng đã mấy năm, phây phây, lẳng lơ, nhiều khách đàn ông ra vào. Tính Khiết vui vẻ, khéo tay. Thỉnh thoảng Ngái vẫn ghé nhờ mài giúp con dao, đắp hộ cái bếp lò. Ngứa mắt, Thu thường lẩm bẩm: -Dao rựa sao mà chóng cùn? Bếp núc gì chỉ dở hỏng? Ra quách chợ cho tiện, sao phải mượn người ta? Chẳng qua lấy cớ màn thưa che mắt thánh bà đây!...
Lúc này máu ghen ứa đầy ruột, Thu lao vào bóng đêm sang nhà Ninh. Mọi người đang xem phim “Bí mật tam giác vàng”. Tay giấu lăm lăm cái kéo sau lưng, nhòm vào không thấy chồng, Thu càng nghi hoặc, phăm phăm sang nhà Ngái. Bên trong nhà Ngái có ánh đèn đỏ hắt ra, cả tiếng thì thào, cười rinh rích. Đích thị thằng bợm con đĩ đây rồi! Không đắn đo gì, Thu đạp cửa, xô luôn vào giường, vén tốc màn lên, nghiến răng: -Này! Cấm cãi nữa nhá! Bà biết mà! Chỉ có sang đây! Nhưng ôi thôi! Hoá ra cô Ngái với lão Tình “rửa mặt bằng tăm” tít bên Mai Hoà vẫn mò về ăn ở với nhau già nhân ngãi non vợ chồng. Hai pho tượng khoả thân ú ớ. Bị nhầm, Thu chạy về nhà, đầy ấm ức: -Đồ quỉ tha ma bắt. Thằng xồng đánh đôi cái xệch!
Vào nhà tiêu định tè cho hả cơn tức, Thu ngồi ngay lên một đống lù lù: -Ối! Ai?
-Khiết... đây...! -Giời ôi! Ông Khiết! Sao lại ngồi chết giấp ở đây? Khiết lả gục, thều thào: -Té re... từ chiều... mất... nước... hết sức... rồi... -Thế sao không kêu, làm người ta cứ tưởng tơ tít giai gái nào?
Cả bọn cười ngặt nghẽo. Đai ôm bụng, lau bọt bia nơi khoé miệng -Chuyện ghen của vợ chồng chú cứ như bịa. Cười ra nước mắt!... Cát gật gù, khoái trá. Bỗng Mạo đứng dậy đề nghị: -Tất cả cùng nâng cốc mừng nỗi oan của ông Khiết được hoá giải! Nào, nào! Chúc mừng! Cạn nhá!...
Mạo ranh mãnh nhìn đảo khắp lượt và dừng trên khuôn mặt có đôi mắt lúc nào cũng thèm ngủ của Nghê: -Thế binh tình ra sao, tuần trước tôi thấy vợ bác Nghê với ông bà Bắc Kim ra uỷ ban, kiện cáo gì mà om lên vậy? -Có gì đâu. Chú lại nhắm sang anh đấy phỏng? Nghĩ một lát, Nghê chậm rãi: -Thôi, tớ cũng chẳng giấu. Khổ quá! Chuyện bé xé ra to! Từ khi sốt đất, thẻo đất chó ỉa cũng thành tấc vàng. Tôi thì tôi chả thiết. Quanh năm suốt tháng bán mặt cho biển, thỉnh thoảng mới tạt về nhà “nộp thuế”. Nhưng mụ Dinh nhà tôi nó tham lam, cổ hủ lắm! Bảo mãi không được, đâm phát ngấy. Công nhận đàn bà hay so đo, tham bát bỏ mâm. Vì tẹm đất mà đánh mất tình làng nghĩa xóm. Chết có mang được theo đâu. Tôi là tôi thẳng tính, cứ nói toạc, chẳng bênh vợ con. Sai, bố giời nào dám bênh! Chuyện thế này. Miếng đất phía tây nhà ông bà Bắc Kim giáp với đất nhà tôi, ngăn cách bởi hàng râm bụt lâu đời, từ thời cụ cố nội ông Bắc cơ. Đất chật, cần, thì cất mồm hỏi. Chắc người ta cũng cho nhượng thôi. Đằng này, mụ ấy nay bới một ít, mai khoét một tý. Đến nỗi nửa bờ dậu râm bụt héo rũ, ngã rạp sang sân nhà mình. Cái giống cây nó cũng như người, hốc chân, hốc rễ là biết ngay. Bên này mụ ấy vặn tỷ tỏi đám cây, phơi làm củi nấu. Bên kia, họ đã mấy lần nói cạnh nói khoé sang: “bán anh em xa mua láng giềng gần, tắt đèn tối lửa có nhau, đừng đem thói dích rào lấn đất!”. Dần dà dải đất trơ ra cũng tới gần một mét, chạy dài hơn chục mét. Thế là năm sau, nghe yên yên, lừa khi ông bà Bắc Kim đưa cô con gái đi Thái Nguyên thi đại học sư phạm, mụ đào móng xây luôn tường rào. Kết cục, đất mất quá nhiều, họ phải kiện. Mụ vợ tôi nó gớm lắm, cả vú lấp miệng em, cãi không ai theo nổi. Nó nhận vơ, quyết không nhả. Tôi định tẩn cho một trận... Nghê hạ giọng: -Việc đã rồi. Tôi sang xin lỗi ông bà Bắc Kim và xin đền một triệu gọi là thông cảm: “Nước đổ không hót lại được! Nhà cháu đã trót xây tường. Nếu ông bà không đồng ý thì cháu sẽ phá đi”... Đến đây, Cát bổ sung:
-Thời buổi tấc đất tấc vàng lắm chuyện đau lòng. Báo từng đăng tin: Để chiếm đoạt mảnh đất cha mẹ để lại, anh trai dìm chết cả em gái ruột xuống sông Hồng... Ngay quê mình, bên Phong Hải có gia đình nọ anh em tranh nhau từng ly đất, rồi đem ra toà kiện nhau. Lúc hấp hối, ông bố giận quá, bảo đàn con: “Đến mức cạn cả tình máu mủ thế này, cha chết, chúng bay đào huyệt chôn dựng đứng áo quan cho đỡ tốn đất cõi trần!”... Cát nhắm mắt như ngấm vị đời xa xót lẫn trong men bia, rồi rành rẽ bảo Nghê: -Củng cố tình cảm là chính. Chứ bác cho người ta thế là ít đấy! Ngộ họ đòi chín, mười triệu bác nghĩ sao? Khiết xua xua tay: -Nhưng lời nói chẳng mất tiền mua nhiều khi vô giá hơn cả vàng bạc! Gia đình ông bà Bắc Kim xưa nay nổi tiếng ăn ở tốt trong làng!
-Ôi chao! Những người đàn bà quê ta! Cát vươn vai, ngao ngán nhìn lên mái quán: -Giàu vì bạn, sang vì vợ. Nhiều bà làm cho chồng con, họ hàng mở mặt với xóm làng, với thiên hạ. Còn mấy mẹ đĩ nhà mình? Thấp cơ thua trí đàn bà, trông vào đau ruột nói ra ngại lời! Hoá ra anh em mình đều có những nỗi khổ! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh!... Cát la ngà, đếm: -Một, hai, ba... bốn, năm. Bọn ta là năm đại diện cho năm nỗi khổ. Nỗi khổ này đố ai dám mua. Mà cũng chẳng ai bán được cho ai! Đúng là... cái ông nhà thơ nào đó nói chí phải: Nỗi khổ đau không phải của riêng ai!... Nghêkhoát tay một vòng: Cách cách... keng... -Cạn! Tôi tới “Bắc Cạn” trước các bác các chú! Rồi! Cạn bia... nhưng tình vẫn tràn đầy! Các bà xã... thế... mới hay! Mỗi bà một vẻ làm nên gia đình chúng ta! -Đúng! Làm nên cả một pho chuyện làng vô tận!
Tin cùng chuyên mục
Một thoáng gió bay…
27/06/2014
Viết và đọc truyện ngắn
26/06/2014
Đôi gà
24/06/2014
Về chữ “dù” (và “dầu”) trong truyện Kiều
21/06/2014
Mặn mòi vị biển
19/06/2014
Mùi ốc quê
13/06/2014