Đôi gà
Cứ mỗi lần ông Sáu gọi điện đòi ra thành phố thăm con, thăm cháu, thằng con trai ông lại gàn: “ Ông già rồi đi tàu xe làm gì cho vất vả, thỉnh thoảng chúng con về thăm ông là được rồi.”. Thỉnh thoảng như nó nói là mỗi năm hai lần: Ngày giỗ mẹ nó và ngày Tết vợ chồng con cái nó kéo về. Bao giờ cũng chỉ ở trong ngày, thế thôi. Tuổi già, sống trong ngôi nhà hai tầng mênh mông và mảnh vườn hơn hai sào làm cho ông càng thấy vắng vẻ đơn độc.
Những buổi chiều hôm hay đêm vắng, ông càng nhớ hai đứa cháu nội ông đến quay quắt. Thân già gần đất xa trời, ông mong mỏi có bên cạnh ông những người thân yêu nhưng sao mà khó thế. Thấy cảnh ông sống đơn độc, vài năm trước, nhân ngày giỗ bà vợ ông, vợ chồng thằng con trai gợi ý thuê cho ông một bà giúp việc, lo cơm nước giặt giũ cho ông. Chúng sẽ trả lương cho bà giúp việc. Đứa con dâu vừa cười và nói: “ Chúng con sẽ đề nghị bà ấy ăn nghỉ tại nhà để lo sức khỏe cho ông…Nếu có thêm hợp đồng nào nữa thì ông bà …thỏa thuận…”. Ông giãy như đỉa phải vôi: “ Thôi, anh chị không phải lo cho tôi. Tự tôi cũng lo được, thêm người thêm phiền phức.” Trời thương ông nên đã gần tám mươi, ông vẫn khỏe mạnh, vẫn tự lo được mọi việc cho mình. Ông nuôi một đàn gà vài chục con. Gà mái dẻ cho ông đủ trứng ăn hàng ngày. Lúc thấy thèm, ông thịt một chú gà dò làm nồi cháo ăn cả ngày. Đất vườn rộng ông trồng mấy luống rau sạch vừa ăn vừa gửi bà hàng xóm ra chợ làng bán, mua thêm đồng mắm muối. Thỉnh thoảng vợ chồng thằng con trai gửi biếu ông ít tiền để ăn quà. Về đời sống vật chất được như ông ở làng quê cũng là mơ ước của nhiều người. Nhưng ông vẫn thấy buồn lắm.Nài nỉ mãi cuối cùng vợ chồng thằng con trai cũng đồng ý để ông ra thăm nhà nó và mấy đứa cháu. Nhưng nó giao hẹn với ông không được mang quà cáp gì cho nặng nề, vất vả, không được mang cái điếu cày ra hút ở nhà nó. Ông nghiện thuốc lào từ mấy chục năm nay. Hàng ngày ông vẫn làm bạn với cái điếu bát. Ở một mình ông thoải mái hút. Tiếng reo của cái điếu bát mỗi lần ông hút trở thành một bản nhạc sao mà vui thế. Nhưng thôi, vì con, vì cháu, ông tạm thời xa cái điếu và thói quen nghiện ngập của mình. Tối hôm trước chuẩn bị lên xe ra thăm con ở thành phố ông bâng khuâng không ngủ được. Ông lọ mọ thức cả đêm để chuẩn bị. Ông chọn đồi giày đẹp nhất, mấy bộ quàn áo mới nhất đút vào cái túi du lịch. “ Mình là dân quê ra thành phố cũng phải đàng hoàng, quyết không để họ coi khinh là “ cua đồng” được”. Ông ra chuồng gà chọn một đôi gà mái ghẹ béo ngon nhất bắt nhốt vào cái lồng ông đã đan sẵn từ mấy hôm trước. Đã đành chúng nó dặn không được mang quà cáp gì, nhưng ông vẫn thấy áy náy. Phải có quà quê cho cháu ông chứ. Hai chú gà mái ghẹ đã nằm trong lồng, ông cẩn thận lót báo ở dưới, cho vào túi ni lông cho kín đáo.
Hai chặng xe ôm, một chặng ô tô khách, ông đã đến được nhà vợ chồng thằng con trai vào buổi trưa. Dù đã mặc quần áo mới, đi đôi giày đẹp nhưng sau chuyến đi dài, đầu tóc quần áo ông cũng có chút luộm thuộm khi ông đứng trước cái cổng sắt to đùng của con ông. Ông mừng lắm vì cơ ngơi tự con ông tạo dựng, ông cũng chẳng giúp được gì cho chúng. Chắc giờ này con cháu ông không có nhà nhưng có bà giúp việc. Ông bấm chuông. Bấm một hồi lâu ông mới thấy bà giúp việc hớt hải chạy ra. Bà ta nhìn ông qua khe cổng: “ Ông cần gì, nếu cần của bố thí thì ông đi chỗ khác, ông bà chủ không có nhà”. Ô hay mình thế này mà bà ấy coi là hành khất sao ? “ Tôi là bố thằng Quang, tên con trai ông, ở quê ra chơi. Bà mở cổng ra cho tôi vào”. “ Có thật ông là bố cậu chủ không? Sao không thấy cậu mợ bảo gì ?”. “ Thật đấy thế chúng nó không dặn bà là hôm nay tôi ra chơi hay sao?”. “ Không! Ông chờ tí cháu gọi điện cho cậu chủ đã nhé!”. Khổ thân tôi, bố chúng nó chứ có phải trộm cắp, cướp giật gì đâu mà bà ấy cảnh giác thế!. Chắc có thông tin của cậu chủ nên bà giúp việc mở khóa cổng. “ Cụ tha lỗi ở thành phố nên cũng phải cẩn thận.” Ông lếch thếch bước vào nhà. Lâu ngày ông mới ra nên tròn mắt ngạc nhiên về ngôi nhà của vợ chồng con trai ông. Cái gì cũng đẹp, cũng sáng choang, sờ tay vào mát rượi. Ông hỏi bà giúp việc chỗ đi tiểu tiện. Bà ấy dẫn ông vào cái tolet cạnh phòng khách. Sao mà đẹp mà thơm thế! Giả quyết xong, ông đi ra phòng khách. Bà giúp việc bưng cho ông một cốc nước lọc. “ Cụ ơi ở ngoài này ông bà chủ tính rất cẩn thận. Nếu cụ đi giải cũng nên ý tứ, đừng cứ tồ tồ như thế.”. Chết! Đến đi đái cũng phải ý tứ sao? Phiền phức thật. Ông bảo bà giúp việc đưa đôi gà vào nhà. Bà ấy ngần ngừ mãi sau đành cho cái túi đựng gà vào tolet.
Chờ mãi đến chiều tối, con cháu ông mới về nhà. Hai đứa cháu đi học về, chào ông xong, chúng nó biến vào phòng riêng. Nhìn chúng nó hồng hào khỏe mạnh ông vui lắm. Đến bữa ăn cả nhà mới gặp nhau. Hai đứa trẻ ăn vội vàng rồi đứa nào lại về phòng đứa nấy. Ông muốn giữ chúng lại hỏi han đôi điều cũng chẳng được vì cả một đống bài tập về nhà chúng phải làm để ngày mai đến lớp. Cô con dâu hỏi ông vài điều sau đó cũng vào phòng riêng vì còn có nhiều việc phải làm. Chỉ có cậu con trai ông ngồi lại với ông, hỏi han về làng quê, về nhà cửa, về sức khỏe của ông, hẹn ông mai nó sẽ nghỉ làm để đưa ông đi dạo phố phường.
Khoảng chín giờ tối nó mở tivi cho ông xem và dặn ông nếu buồn ngủ thì vào phòng ngủ cạnh phòng khách. Thèm một chén nước chè, một mồi thuốc nhưng ông cũng chẳng dám nói ra. Lâu ngày đi đường cũng thấy mỏi, ông vào giường nằm. Nằm mãi mà cứ thao thức chẳng ngủ được, ông cứ nghĩ lan man. Ông đến nhà con trai mình mà sao như lạc vào một thế giới xa lạ. Phải chăng nếp sống thị thành, công việc tối mắt đã biến con cháu ông có cách sống khác, cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ông là một người chân quê, người cổ. Ông thấy khác quá. Ông không dám trách chúng nhưng ông vẫn thấy buồn. Cũng may ông còn giữ ngôi nhà xưa, sống giữa làng quê không bán nó đi để theo con ra thành phố. Trằn trọc mãi đến gần sáng, ông thiếp đi lúc nào không hay. Mới năm giờ sang ông đã tỉnh giấc. Ông lọ mọ đi vào tolet. Hai con gà làm quà của ông không còn trong đó nữa. Lúc đi ra, ông gặp bà giúp việc. Ông hỏi bà, bà ngần ngừ mãi mới nói nhỏ cùng ông : “ Cháu nói riêng với cụ, đừng cho ông bà chủ biết không cháu lại bị mắng. Nhà này chỉ ăn gà sạch trong siêu thị thôi cụ ạ. Để trong tolet hôi lắm, bà chủ sai cháu đưa chúng ra thùng rác đầu phố rồi”. Ông ngỡ ngàng như nghe nhầm. Đôi gà ngon thế ông lựa mãi đưa ra mà sao lại bị vứt đi? Ông không hiểu được chúng nghĩ gì mà lại làm như thế. Nhân lúc bà giúp việc mở cổng quét sân, ông lò dò đến gần thùng rác trước nhà. Trời đang sớm, chắc xe rác chưa đến, cái lồng gà vẫn nằm đấy. Ông vẫn nghe tiếng gà lục cục.
Ông vội vào nhà lấy túi quần áo. Mắt trước mắt sau, ông lấm lét đến bên thùng rác, xách vội cái lồng gà. Ông đi thật nhanh, mắt vẫn quan sát xem bà giúp việc có nhìn thấy mình không. May quá, bà ấy đang mải quét. Ông đi như chạy đến khúc ngoặt của dãy phố. Cũng may có bác xe ôm đang chờ khách. Ông bảo bác xe ôm chở nhanh ra bến xe. Ngồi trên xe rồi mà tim ông vẫn đập thình thịch. Để lại sau lưng cuộc sống tất bật của con của cháu, ông về quê, làm bạn với mảnh vườn, với đàn gà của ông vậy.
N Đ T