Tình chợ

Hồng ngộ loay hoay trải mảnh ni lông xuống đất, vuốt mép cho phẳng rồi đổ mớ trai ốc trong vỏ bao bì NPK5kg ra. Nó phân thành các đống nhỏ để bán. Đổ xong Hồng gấp tư cái vỏ bao, kê vào đít ngồi rồi đưa những ngón tay cáu bẩn móc dử ở hai bên khoé mắt đỏ loèn, toét nhèm nhẹp gần như lộn mí ra ngoài.

Hồng giương đôi mắt mờ đục đã bị mộng thịt kéo gần hết con ngươi lên để chào khách mua hàng. Tiếng nó ồm ồm, nhát một:

- Mua đi!

- Bao nhiêu một mớ?

- Mười ngàn.

Rồi nó hí hoáy bốc trai hến vào vào túi cho khách. Rồi ngửa tay nhận tiền. Thường thường, người mua chỉ nhìn hàng chứ ít nhìn vào mặt nó. Riết cũng quen. Chắc nó cũng biết phận nó.

Bán xong hàng, Hồng đi vòng quanh chợ, đến các hàng thịt hàng cá, vừa mua những thứ rẻ mạt, vừa nhặt nhạnh những thứ đầu thừa đuôi thẹo, khi thì vài cái đầu cá khô rơi vung vãi ra đất, khi thì chút mỡ vụn, mẩu xương bò, xương lợn... Hồng nhặt tất, bỏ vào bao mang về.

Đến chiều, Hồng lại lần mò đi đến các ao, các đìa và lặp lại công việc như mọi ngày. Cứ thế bao nhiêu năm nay, trời nắng cũng như mưa, rất ít khi Hồng ngộ vắng chợ. Cuộc đời của nó như gắn chặt với cái chợ Sim này. Bởi chắc chắn rằng, vắng chợ hôm nào, nhà nó sẽ mất bữa hôm ấy. Cuộc sống chợ búa cũng làm Hồng ngộ khôn ra phết. Biết mọi người thương hại nên bao giờ nó cũng chèo kéo thêm, được đồng nào hay đồng ấy. Quả đáng tội.

Không ai biết tuổi thực của Hồng ngộ, chính Hồng ngộ cũng không nhớ tuổi thực của mình. Chỉ thấy trong vùng, từ người già đến đứa con nít đều gọi là con mẹ Hồng ngộ. Quả thật, Hồng ngộ đã có mặt ở cái chợ Sim này đến hơn hai chục năm. Hồi đó, Hồng ngộ chưa lẩm cẩm, mắt chưa đến nỗi bị mộng thịt kéo như bây giờ, và đi lại cũng có vẻ nhanh nhẹn lắm. Hồng thường ngủ đêm ở các góc lều chợ. Hằng ngày, Hồng đi quét thuê chỗ ngồi cho mấy bà hàng bánh, thỉnh thoảng đi múc nước hộ cho mấy bà hàng cá, hàng lươn, mỗi buổi chợ kiếm vài ngàn bạc sống qua ngày. Cứ tưởng chẳng ai đẻ ý đến mảnh đời rách nát ấy, thế mà Hồng ngộ cũng có người thương và trở thành "vợ" của người ta.

Hồi ấy, chợ Sim còn nghèo, chỉ dăm ba dãy lều tranh lụp xụp, chủ yếu người bán hàng ngồi ở ngoài trời. Các dãy lều tranh trở thành nơi tá túc cho ba con người, ba mảnh đời vất vưởng: Hồng ngộ và hai người đàn ông tên Nghĩa và Quang.

Ông Quang, nghe đâu người dưới xuôi, bị vợ con hắt hủi, bỏ nhà trôi dạt lên chợ Sim. Hằng ngày, ông đi vác thuê bàn ghế cho mấy nhà hàng xeo, gác lều. Ông dáng cao, gầy, bị hen xuyễn nặng, nước da mai mái, đi hơi còng và thường lao đầu về phía trước. mỗi lúc vác phải cái bàn nặng, ông thường thở dốc, tay ôm bộ ngực lép như ngực ve lảo đảo...

Ông Nghĩa, không rõ người nơi nào. Dáng người thấp tịt, nhỏ thó, da đen quắt và một khuôn mặt dị dạng do bỏng bom na pan. Hai con mắt gần như dính tịt, chỉ hở một kẽ nhỏ đủ để ông nhìn thấy đường đi. Cái mũi gần như không còn mà chỉ nổi lên một cái gờ với hai lỗ nhỏ đủ để ông thở. Cái miệng ngự trị trên một đám da loang lổ, nó méo xệch, bị kéo hẳn về một bên, môi dưới lộn ra, chảy sệ, môi trên rịt xuống khiến ông không cử động được miệng. Nghe nói, mỗi lúc ăn, ông đều phải đưa những ngón tay còng queo vén môi trên lên để đưa thức ăn vào miệng. Chưa ai được nghe giọng nói của ông. Mỗi khi cần biểu thị điều gì, ông dùng đầu gật gật hoặc lắc lắc, hoặc phát ra những âm thanh không rõ ràng. Ông Nghĩa cũng làm thuê những việc như ông Quang. Bản tính thật thà nên ông được nhiều người thương, thường dễ dãi trong việc trả công. So với ông Quang, ông Nghĩa thường kiếm được nhiều hơn. Tuy nhiên, ông cũng rất tự trọng, một kiểu tự trọng đến buồn cười. Ai muốn cho ông cái gì thì giả vờ mượn ông làm việc rồi đưa ông mới nhận, chứ tự dưng cho thì ông không lấy… Mỗi khi kiếm được nhiều đồ ăn, ông thường chia cho Hồng ngộ. Có hôm hai người còn ngồi ăn chung với nhau.

Thật trớ trêu, cả hai người đàn ông tội nghiệp ấy đều đem lòng thương Hồng ngộ. Và Hồng ngộ cũng đã đáp lại tình cảm của cả hai người.    Ban đầu, họ lên lịch để thay nhau “chăm sóc" Hồng ngộ. Rồi cứ sau mỗi "phiên" của mình, họ tìm cách "bù đắp" cho Hồng, khi thì nắm thịt vụn, khi thì vài con cá nhỏ... Cứ thế, cho đến một ngày kia, tình cảm của Hồng nghiêng về phía ông Nghĩa. Có lẽ, Hồng đã nhận ra tình cảm của ông Nghĩa không đơn thuần là tình cảm của đàn ông và đàn bà mà là mong muốn có một gia đình thực sự. Không biết bằng cách nào mà ông Nghĩa giúp Hồng nhận ra điều đó. Cũng từ đó, Hồng có vẻ lảng tránh ông Quang, nhiều khi còn tỏ ra chăm chút ông Nghĩa trước mặt ông Quang như buộc lại nút áo, phủi vài cái mạng nhện trên tóc... Một cuộc ẩu đả vì ghen giữa hai người đã xảy ra. Tức giận vì bị ông Nghĩa "nẫng tay trên" ông Quang phang ông Nghĩa ba ống điếu và đem tài sản duy nhất có giá trị của mình là cái ấm nhôm 1,5 lít méo mó ra làm quà "đính hôn". Hồng không nhận.

Ông Nghĩa cũng không vừa, không chửi được, ông cũng vớ 1/4 hòn gạch ném theo. Hồng đã nhận chiếc đèn pin Liên Xô cũ của ông Nghĩa. Và, hai mảnh đời rách bươm ấy vá víu với nhau, nên vợ, nên chồng.

Họ đưa nhau về dựng một túp lều ở cuối chợ sau dãy hàng rau, một bên dựa vào gian hàng bán phân hoá học, phía lưng tận dụng bức tường của dãy nhà vệ sinh công cộng cũ. Họ nhặt nhạnh tất cả những gì có thể để xây dựng "tổ uyên ương" của mình. Họ cũng xin được một ít xoong nồi, bát đũa để sau mỗi buổi ra chợ trở về cùng nấu nướng ăn. Có người còn trông thấy ông Nghĩa và Hồng ngộ gắp thức ăn cho nhau, cười lích rích, ra dáng một gia đình.

Rồi Hồng ngộ có chửa. Từ lúc biết vợ chửa, ông Nghĩa không cho Hông ngộ vác đồ nữa mà chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như quét lều, sắp ghế thôi. Những buổi Hồng ốm nghén thèm ăn vặt, ông Nghĩa đi kiếm quả sung, quả khế về cho Hồng. Gặp ai ông cũng ra hiệu để khoe cái việc vợ chửa. Nom bộ mặt quắt quéo ấy rạng ngời niềm hạnh phúc.

Hồng sinh đứa con thứ nhất. Đó là một buổi sáng tháng 3 năm Bính Tý. Hồng đang ở chợ, bỗng dưng đau bụng. Nghe tiếng Hồng ngộ la, mọi người biết Hồng sắp đẻ. Mấy bà bán cá trút dồn chậu, vào làng múc nước để đỡ đẻ cho Hồng. Hồng ngộ vật vã đến hơn hai giờ đồng hồ mới đẻ được. Một thằng cu. Không một mảnh lót, không một manh áo... Có người cởi chiếc áo ngoài bọc thằng bé. Vài bà bán quần áo vứt cho ít áo sơ sinh bán ế. Biết Hồng không đủ sức nuôi con, một chị hiếm muộn đã mua thằng bé với giá 100 ngàn đồng bạc. Hồng ngộ trao con cho người ta rồi lết về nhà. Ông Nghĩa lúc đó không có mặt, nghe tin vợ đẻ, ông nháo nhào tìm đến và hoá điên khi biết vợ đã bán con cho người ta. Mọi người phải xúm lại an ủi, giải thích mãi ông mới yên nhưng cũng mặt nặng mày nhẹ với Hồng...

Một năm sau, Hồng lại sinh thằng cu thứ hai. Lần này ông Nghĩa nhất định giữ cho được giọt máu của mình. Rồi hình như trời hiểu được nỗi khát khao của một người cha như ông nên năm sau lại "ban" tiếp cho vợ chồng ông một thằng cu nữa... Hạnh phúc đi liền với khó khăn. Ông Nghĩa và Hồng ngày càng yếu. Chợ không ai thuê họ nữa (vì chợ đã được xây dựng, bàn ghế họ để tại chỗ). Chỗ họ ở cũng đã có người thầu làm cửa hàng, thế là ông Nghĩa và Hồng ngộ mất chỗ. Theo chính sách bảo trợ xã hội, họ được chia một mảnh đất nhỏ ở vườn mít tận cuối xã Triệu Thành - một xã miền núi phía tây nam huyện Triệu Sơn. Họ dắt díu nhau về đó dựng túp lều để ở. Mắt ông Nghĩa ngày càng dính tịt lại, không thấy gì. Ông đành nắm đầu gậy để thằng con lớn dẫn đi ăn xin ở chợ. Hồng ngộ đi bắt cua bắt ốc để nuôi con.

Bẵng đi mấy năm, không thấy ông Nghĩa xuất hiện ở chợ nữa, mới hay rằng ông đã chết. Ông chết đi để lại cho Hồng ngộ một gia tài là hai đứa con trai còi cọc, nhỏ choắt và đen đúa như cha mẹ chúng. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của ông Nghĩa là khi ông chết có hai cây gậy khẳng khiu chống ở hai bên…

Lê Thị Hạnh

Giáo viên Trường THCS Hợp Thành, Triệu Sơn Thanh Hóa

(Bài đăng ở TÁC PHẨM MỚI số 3/2013)