Lặng Sóng

Cuộc đời của cha nó như biển khơi đầy những sóng gió ba đào. Phải, cả cuộc đời cha nó chịu đựng gian khó lẫn hy sinh, cuối cùng rồi cha cũng đã ra đi, đi thật xa về với cõi vĩnh hằng... Nhưng, kể từ lúc cha xuôi tay nhắm mắt, cánh cửa cuộc đời đã khép lại đối với cha, mọi đau khổ cũng vĩnh viễn bỏ lại phía sau lưng. Giờ đây thì nó tin chắc chắn một điều rằng biển đời của cha nó mãi mãi không còn những giông tố phong ba mà đã hoàn toàn được bình yên và lặng sóng...!

Dự lễ tổng kết ở trường về, nó rảo bước nhanh từ ngõ vào, vừa nhảy chân sáo lên thềm nhà miệng nó vừa hăm hở gọi:
- Mẹ, mẹ ơi, mẹ!
- Gì vậy, vào nhà cái đã nào, có chuyện gì vui vậy, con trai!
Mẹ nó vừa bước lên vừa hỏi.
- Mẹ!...
Nó lại sung sướng gọi, rồi dúi luôn phần tập vở mới được nhận thưởng vào tay mẹ, bằng một vẻ hết sức hớn hở vì kết quả học tập vừa đạt được.
Mẹ nó đỡ lấy, đọc lướt qua. Nó nhìn thấy rõ vẻ xúc động ánh lên từ một bên mắt mẹ, khi dừng lại thật lâu ở dòng chữ hoa in đậm trên tấm giấy khen "Em Nguyễn Lặng Sóng... đã đạt danh hiệu: Học sinh xuất sắc...". Đoạn mẹ cúi xuống ôm chầm lấy nó, giọng mẹ thật khẽ, nghẹn ngào vì xúc động:
- Con ngoan lắm, Lặng Sóng! Mẹ rất mừng vì đã không phụ lời dặn dò trăn trối của cha con...
Sóng lặng yên trong vòng tay mẹ. Nhưng chỉ một thoáng thôi, mẹ Sóng đã lấy lại được vẻ thản nhiên, buông khẽ nó ra và bảo:
- Thôi nào, vào trong thay quần áo đi con rồi ra ăn cơm với mẹ.
- Dạ.
Sóng lí nhí, nó quay đi thật nhanh, sợ mẹ phát hiện ra đôi mắt nó cũng đang rưng rưng, sắp khóc...
Nhưng nó không vội vào thay quần áo mà rón rén đến bên bàn thờ, thắp một nén nhang cắm lên, nó nói, giọng thì thào:
- Cha ơi, con là Lặng Sóng... con đã không quên lời dạy dỗ của cha... con... con nhớ cha, nhiều lắm...!
Sóng nghẹn ngào, nhìn di ảnh cha nhòa đi qua hàng nước mắt... Trong giây phút này, nó bỗng quay quắt nhớ đến cha và tâm hồn trẻ thơ lại như đưa nó ngược về vùng kỷ niệm của đau buồn...
Hôm ấy là một buổi chiều đông buồn, tê quắt. Nỗi buồn không thể giấu vào đâu cho hết, cứ bật thành nước mắt, tuôn tràn trên gương mặt còn quá ngây thơ của Sóng. Anh chị em Sóng, mẹ Sóng đều cùng chung tâm trạng giống y như Sóng vậy. Cái ngày mà cha Sóng qua đời, cái ngày mà Sóng đã bắt đầu trở thành một đứa bé mồ côi cha...
Còn mẹ của Sóng, một người mẹ trẻ nhưng tiều tuỵ đến tội nghiệp, vĩnh viễn mất chồng, mất một niềm yêu thương, một chỗ dựa vững chắc, an toàn... nỗi mất mát hết sức lớn lao đối với mẹ con của nó...
Cha Sóng nằm đấy, bất động, vẻ mặt ông như đang ngủ. Nét khắc khổ thường ngày không còn nữa mà gương mặt của cha thanh thản đến lạ kỳ...Có lẽ, lần đầu tiên trong đời Sóng mới thấy được nét mặt cha bình yên đến vậy.
Mẹ Sóng không kể lễ than van, chỉ ôm lấy xác chồng rồi khóc, khóc thật nhiều nhưng âm thầm đau đớn lẫn tiếc thương. Sóng biết, mẹ yêu cha và mấy anh chị em nó hơn mọi thứ trên đời. Và, cha cũng yêu mẹ con nó hơn cả bản thân ông. Cũng chính vì yêu mẹ nó mà cha đã phải hy sinh quá nhiều, cả một cuộc đời, đầy sóng gió...
Có khi Sóng hỏi:
- "Mẹ ơi, tại sao tên của con không phải gì gì mà lại là Lặng Sóng?"
- "Cuộc đời của cha con vì yêu thương mẹ, mà cứ như biển kia trong những ngày đầy sóng gió... Cái tên của con, thay cho một điều ước nguyện...!"
Sóng hiểu. Dù đời cha nhiều sóng gió, nhưng cha luôn chấp nhận điều đó không muộn phiền mà còn xem là niềm hạnh phúc của đời cha...
- "Ôi, cha ơi!"
Sóng chỉ có thể kêu lên được ở trong tận đáy lòng mình, bởi với Sóng, nỗi đau mất cha là vô cùng lớn, như chẹn cứng tất cả... Sóng chỉ có thể quỳ xuống bên xác cha, thinh lặng đến nghẹn ngào...

...Thời xuân trẻ, cha Sóng thương mẹ bằng cả tấm lòng thành. Mẹ Sóng, một cô gái biết quên mình vì Tổ Quốc... đã không may bị bom đạn giặc thù cướp đi bên mắt, nhưng đôi khi, tình yêu còn vượt trên sự tính toán, so đo hay những tự ti mặc cảm thường tình kể cả những thử thách cam go khắt khe trong cuộc sống.
Nhưng khi biết được cha mẹ Sóng yêu nhau, ông nội Sóng nhất định không bằng lòng vì ông cho rằng đến một lúc nào đó mắt mẹ Sóng sẽ hỏng luôn bên còn lại thì con trai ông phải gánh nặng suốt cuộc đời. Nhưng cha Sóng vẫn hạ quyết tâm...
Ông nội Sóng đùng đùng giận dữ:
- "Được rồi! Mày đã quyết cãi lời tao, tao cũng coi mày như thằng Chệt ở bên Tàu mới qua!"
Cha Sóng rất khổ tâm nhưng ông không còn đường lựa chọn, vì mẹ là tình yêu, là lẽ sống của đời cha rồi...

Ngược lại, ông bà ngoại Sóng thì thương cha mẹ nó hơn ai tất cả, vì hai ông bà chỉ có mẹ Sóng là con độc nhất.
Vốn ông ngoại Sóng là viên chức khi xưa, nhưng vì bất mãn chế độ của chính quyền thân Pháp, xem người như nô lệ, nên ông tìm vào vùng kháng chiến để cả nhà tiện bề hoạt động theo một lý tưởng vô cùng tốt đẹp vì cách mạng Việt Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ.
Đến một giai đoạn, giặc bố ráp hung hãn thì cả gia đình phải điều lắng nhiều nơi theo yêu cầu của tổ chức. Ông bà ngoại bảo bọc đỡ đần cùng cha mẹ Sóng trên bước đường công tác. Từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ. Cha Sóng thường xuyên hoạt động nằm vùng... Mẹ Sóng vừa chăm sóc các con  vừa âm thầm công tác bên dân vận, gây được tư tưởng tốt về cách mạng cho đông đảo chị em xung quanh vùng, khơi dậy ở họ về sự đấu tranh và lòng yêu nước mạnh mẽ... Cha Sóng thì ngụy trang bằng lớp vỏ của người làm vườn thuê, để tiện bề đi lại hoạt động ở bên ngoài, đồng thời có thêm chút tiền để duy trì một mái ấm nhỏ nhoi...
Thế rồi chị em Sóng cũng lần lượt ra đời, gánh nặng ngày một chất chồng trên hai vai cha Sóng. Một bên việc nước bên lại việc nhà. Vậy mà cha mẹ Sóng vẫn cứ quyết tâm, dù vất vả thế nào vẫn cố gắng lo cho mấy chị em nó được học hành tử tế.

Càng về sau thì cha Sóng càng phải nhọc nhằn hơn. Sóng thấy thân cha còm đi, gầy rạc, nhưng lúc nào cũng luôn sẵn sàng làm cây cao bóng cả để che chở đời con. Nhưng thử hỏi, có thân cổ thụ nào mà không đến một ngày khô cằn rồi ngã đổ? Trong lúc chị em Sóng còn đang tuổi ăn tuổi học, chưa chia sẻ được gì với cha nó cả, chúng còn quá vô tư, khờ dại đến nao lòng!

Rồi mẹ Sóng lại ốm đau, Sóng thật tình không thể biết được lúc đó, người chủ lái con thuyền gia đình, là cha nó đã phải một mình vượt qua cơn sóng gió như thế nào, khi chung quanh không còn ai chia sẻ được. Ông ngoại Sóng dù thương nhưng cũng đã qua đời trong những tháng ngày loạn lạc... Bà ngoại nó thì sức yếu tuổi cao. Bất chợt Sóng nhận ra cha nó già hẳn đi so với tuổi tác, vầng trán cha có nhiều nếp nhăn hơn, mái tóc thì ngày càng điểm thêm nhiều sợi bạc... Thương cha lắm nhưng Sóng chưa giúp gì được cho cha nó cả, bởi lẽ Sóng còn quá bé, quá nhỏ nhoi giữa cuộc đời này...

30-04-1975 Giải phóng!

Cha mẹ Sóng quyết định hồi hương.

Cha Sóng bồng bế cả nhà về quê nội ở miền Tây. Ngay khi đó, cha Sóng đã phải rơi vào cảm giác lạc lỏng bơ vơ trong tình ruột thịt, trên chính cố hương mình, họ hàng hờ hững. Bác ruột của Sóng thì bảo:
- Chú đã xa xứ quá lâu, tất cả phần đất đai gia sản của ông bà để lại ba má lúc còn sống đem chia đều cho tất cả các con có mặt... giờ chú về quê, phận làm anh để tui nhường lại chú một nền đất để cất nhà, lo mà sinh sống...!
Cha Sóng không khỏi phải đau lòng, bởi mười mấy năm xa quê đi làm cách mạng, ông chỉ mong đau đáu có một ngày giải phóng để được trở về quê, cùng người thân vui vầy sum họp. Thế nhưng, cái lạnh lẽo của tình thân còn trống lạnh hơn cả những lúc bôn ba lận đận ở xứ người. Nhìn lại một đám con còn đang nheo nhóc, ông buộc phải nhanh chóng ổn định để đối đầu với một cuộc chiến mới, một thứ giặc còn gay cấn hơn cả khi ông bòng súng ngang dọc sa trường, đó là giặc đói!

Quê nội Sóng sau chiến tranh bộn bề khốn khó, vậy mà còn gánh chịu thiên tai mùa màng mất trắng, Đồng bằng sông Cửu Long lũ lụt lớn lịch sử (1978) nước ngập tràn đồng, thế là thiếu đói!

Sóng theo cha đi câu cá, hái rau đổi gạo cũng không đủ sống qua ngày...

Một hôm, vào một buổi chiều, mà hình ảnh người cha mãi mãi đi vào trong lòng Sóng... Hôm mà, sự túng thiếu trong gia đình đã lên cực điểm, cha nó chỉ ăn uống qua loa vài ba củ khoai mì đỡ dạ, để nhường chỗ cơm của một người bà con thương tình đem cho, ông chia đều ra năm phần cho anh em Sóng, một ít dành cho mẹ nó ốm đau. Vừa đỡ chén cơm từ tay cha, Sóng đã nức nở nghẹn ngào, nước mắt thì cứ thi nhau tuôn tràn xuống má...
Làm như không hiểu, còn vỗ vỗ đầu nó, cha cười, nụ cười của cha sao mà héo hắt đến đau lòng.
- Ăn đỡ nghe con... có gì đâu mà khóc...!
Đưa tay áo lên, Sóng quệt vội đi dòng nước mắt:
- Dạ, con đâu có khóc đâu cha. Nhưng mà... cơm này nhiều chắc con ăn hổng hết... cha ăn bớt nghe cha, cho đỡ đói...
Cha chỉ lắc đầu, ôm chặt Sóng vào long. Nó thoáng ngẩng nhìn, chừng như đôi mắt cha lóng lánh vì xúc động, giọng cha thật khẽ, như cố nói để một mình nó nghe:
- Cha không đói đâu. Con cứ ăn đi, miễn con no là cha mẹ vui rồi, chỉ cần con chăm ngoan, ráng nghe lời cha siêng năng học tập, sau này con sẽ không phải chịu nghèo khó giống như cha. Thôi, để cha lau nước mắt cho, Lặng Sóng...!
Lời cha nó dỗ dành, giọng cha nhẹ nhàng như giọng mẹ lúc hát ru em... Cha ôm chặt nó hơn, Sóng cảm nhận cha cho nó cả một sự ấm áp tình thâm, không gì so sánh được. Thương cha quá, Sóng bá lấy cổ cha, hôn rối rít vào gò má cha của nó... chiếc gò má hóp sâu, nhăn nheo như chứng tích của những ngày dài miệt mài lao nhọc...

Nhưng, nghịch cảnh bất hạnh chưa bao giờ chịu buông tha cho cha nó cả. Cái đói, cái nghèo đã thật sự quật ngã cha nó bằng một căn bệnh ung thư gan quái ác... Ông ra đi, nhưng không quên căn dặn: - "Nếu khi cha không còn, anh chị em con phải biết đoàn kết, hòa thuận, đùm bọc và nâng đở lẫn nhau trong mọi lúc khó khăn... Hãy sống, hãy cố gắng vươn lên và lo lắng cho mẹ thay cha... Tội nghiệp mẹ con, không sung sướng ngày nào từ khi về sống với cha, mặc dù cha cũng đã cố gắng, bằng hết sức của cha...!"

Hôm tiễn cha đến nơi an nghỉ cuối cùng, mọi người ra về, nhưng Sóng thì ở lại thêm lúc nữa... Nhìn ngôi mộ cha vừa mới đắp nó thấy nỗi đau nghẹn thắt cả trái tim. Thật lòng nó không muốn bỏ cha lại một mình ngoài đồng vắng, như vậy cha cô đơn lắm, cha chỉ thích quây quần với mẹ, với các con thôi...
- Cha ơi!...
Bây giờ Sóng mới gào lên nức nở được thành lời...
-  Con sẽ không bao giờ quên cha, con mãi mãi, mãi mãi nhớ đến cha thôi...!

Như kẻ vô hồn Sóng lững thững tiến về phía bờ sông, nơi hai cha con thường ra giăng câu bắt cá... Bất giác, nó ngồi bệt xuống đất, lặng lẽ nhìn dòng nước mênh mông, về hướng mặt trời chiều... Ngay lúc bấy giờ thì Sóng hiểu, lời mẹ nói hoàn toàn là đúng. Cuộc đời của cha nó như biển khơi đầy những sóng gió ba đào. Phải, cả cuộc đời cha nó chịu đựng gian khó lẫn hy sinh, cuối cùng rồi cha cũng đã ra đi, đi thật xa về với cõi vĩnh hằng... Nhưng, kể từ lúc cha xuôi tay nhắm mắt, cánh cửa cuộc đời đã khép lại đối với cha, mọi đau khổ cũng vĩnh viễn bỏ lại phía sau lưng. Giờ đây thì nó tin chắc chắn một điều rằng biển đời của cha nó mãi mãi không còn những giông tố phong ba mà đã hoàn toàn được bình yên và lặng sóng...! Còn Sóng thì từ từ lớn lên, tự tin, rồi vững vàng trong vòng tay yêu thương của mẹ...

Năm 1984 Sóng mạnh dạn gia nhập vào quân đội. Tiếp nối truyền thống cách mạng của cả cha và mẹ. Lặng Sóng tự hào vì mình đã tiếp nối bước cha đi, góp một phần vào công cuộc bảo vệ quê hương, bình yên cho đất nước...!



(Nguyễn Quang Vinh - Châu Thành - Tiền Giang. ĐT: 01672950409)