Về hưu

"Ba cú điện thoại, khiến cho nét biểu cảm thay đổi bất thường, những nếp nhăn trên trán ông Hạnh như càng hằn sâu thêm. Mắt chớp chớp, hai thái dương giần giật làm cho khuôn mặt già nua càng thêm nhăn nhầu, méo mó. Ông thất thần ngả lưng ra sau ghế, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không chập chờn vô tận như gần, như xa. óc nóo ông chợt nhớ lại..."

VỀ HƯU

Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa (Hội VHNT Hòa Bình)

-         A lô! ừ! Thế mày xóa số của chú rồi à? Thôi…! Không sao! Cám ơn!

-         ừ! Thầy đây! Em còn nhận ra thầy à? Quý hóa quá! Thầy sắp nghỉ hưu rồi, hôm nay gọi cho em cũng vì chuyện ấy. ừ! Cũng chưa biết. Em bận khách à? Thế thôi nhé! Em làm việc đi! Hẹn gặp sau vậy!

-         Vâng! Anh Văn đấy ạ? Tôi Hạnh đây mà! Anh khỏe không? Tôi có một việc muốn nhờ anh giúp đỡ! Anh đang ở bên Mỹ? Vâng tôi sẽ chờ! Cám ơn anh!

Ba cú điện thoại, khiến cho nét biểu cảm thay đổi bất thường, những nếp nhăn trên trán ông Hạnh như càng hằn sâu thêm. Mắt chớp chớp, hai thái dương giần giật làm cho khuôn mặt già nua càng thêm nhăn nhầu, méo mó. Ông thất thần ngả lưng ra sau ghế, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không chập chờn vô tận như gần, như xa. óc nóo ông chợt nhớ lại.

… Mười lăm năm trước, từ quân ngũ trở về ông xin vào làm việc ở phòng nhà đất huyện. Tình cờ ông gặp lại Thịnh một cậu lính trẻ từng tham gia chiến tranh biên giới. Thịnh nắm chắc chuyên môn lại khá sắc sảo, năng động, nhạy bén trong công việc. Ông Hạnh rất quý Thịnh ở điểm này. Về phần mình, ông tự nhận là lớp người của “thời kỳ quá độ” không được học nhiều nên vừa làm vừa bổ túc thêm. Những gì ông không biết Thịnh đều giảng giải, hướng dẫn để ông tiếp cận. Từ chỗ giúp nhau về chuyên môn, quý nhau về nhân cách lại cùng sinh hoạt cựu chiến binh với nhau, nên hai người trở thành đồng nghiệp thân thiết. Ông coi Thịnh như cháu mình, không tính toán thiệt hơn. Ngược lại Thịnh cũng vậy, anh coi ông là bậc cha chú trong nhà, người thường xuyên bổ sung cho anh về kiến thức xã hội, cách ứng xử trong cuộc sống. Năm 2001, Thịnh được đề bạt phó trưởng phòng. ông Hạnh rất tự hào ai hỏi cũng nhận Thịnh  là cháu. Có người dồn đến cùng gốc gác họ hàng thì ông cười hề hề “ Cháu kết nghĩa”. Dẫu sao câu trả lời vui ấy cũng khẳng định tình cảm bền chặt hiếm có của đôi bạn vong niên. Tình cảm của họ lại càng được khẳng định sau sự kiện ông trưởng phòng đương nhiệm về hưu. Có thể là do dụng ý của người làm công tác tổ chức nên khi làm quy trình bổ nhiệm người thay thế lại có thông tin Thịnh và ông Hạnh là hai nhân vật được cân nhắc. Câu chuyện toàn dân làm công tác tổ chức đã giúp mọi người biết rõ đến phút chót chỉ cần đợi ý kiến bí thư huyện ủy nữa là xong. Nhiều người trong cơ quan bàn tán xì xào “Chức trưởng phòng vào tay ông Hạnh là cái chắc!”.Thịnh rất hoang mang khi nghe những thông tin trái chiều. Chuyến này mình mà không “khởi động” có mà đi tong, cơ hội ngàn năm có một. Ngay hôm ấy Thịnh về bàn với vợ:

-         Em ơi! Mình phải tổ chức bữa cơm mời ông Hạnh đến để thăm dò ý tứ rồi đàm phán thỏa thuận cái ghế trưởng phòng, nếu cần thì phải lật bài ngửa… Em thấy thế nào?

-         Tất nhiên là nên rồi anh ạ! Em nghe nói ông ấy thân với bí thư huyện lắm!

Bữa cơm gia đình chỉ có 4 người: Vợ chồng Thịnh, ông Hạnh và Long chột. Theo sự phân công của Thịnh thì trong khi tiếp khách cùng vợ chồng Thịnh, Long chột phải có trách nhiệm là người đứng trung gian, hay tìm cách giới thiệu mình là người ngoài cuộc thì càng tốt để vận động bằng được ông Hạnh nhượng bộ, rút lui chức trưởng phòng, nếu ông không đồng ý sẽ phải sử dụng phương án cài bẫy. Ông này máu gái mà! Mở đầu bữa tiệc, Thịnh tuyên bố trịnh trọng:

-         Thưa chú, cũng đã lâu rồi chú cháu mình không ngồi với nhau trên danh nghĩa gia đình, hôm nay vợ chồng cháu mời chú đến nhà chơi và cháu cũng muốn nhân đây để thưa với chú một việc.

Không đợi Thịnh nói hết câu, ông Hạnh đã bảo:

-         Chú hiểu ý vợ chồng cháu ngay từ khi nhận được lời mời rồi, bây giờ ta nâng ly chúc mừng buổi gặp mặt sau đó mình sẽ nói chuyện được không?

Vợ chồng Thịnh rất ngạc nhiên vừa mừng lại vừa sợ không hiểu ông Hạnh sẽ nói gì nhưng cũng không vì thế mà khó xử. Căn phòng chỉ lặng xuống trong chốc lát rồi nhanh chóng trở lại như ban đầu. Mọi người cùng nâng ly, tiếng lanh canh va đập vào không gian chát chúa. Đợi  cho mọi người cạn xong ly rượu khai vị, ông Hạnh nói:

-         Thịnh ạ! Chú rất ủng hộ cháu ngồi vào cái ghế trưởng phòng. Hôm qua chú đã chủ động gặp bí thư huyện ủy, ông ấy đồng ý cho chú rút rồi.

Thịnh không giấu nổi niềm vui reo lên:

-         Ôi! Thế thì còn gì bằng. Cháu cảm ơn chú!

Thế là tiếng cụng ly lại leng keng. Không khí bữa cơm thật vui vẻ, đầm ấm. Ông Hạnh rất mãn nguyện, vui lây cái vui của Thịnh và tự hào vì mình đã làm cho Thịnh vừa lòng. Tuy vậy, ông cũng hơi ngạc nhiên vì chợt nhận ra ở Thịnh có cái gì khang khác, nhất là sự bộc lộ thái quá khi nghe tin ông rút khỏi danh sách đề cử.

Câu chuyện Thịnh lên trưởng phòng lan nhanh trong khối ủy ban. Lại một dịp cho mọi người đàm tiếu: “Để cho phải đạo thì thằng Thịnh nên ngồi yên vài năm cho ông Hạnh làm trưởng phòng, khi ông ấy nghỉ hưu thì nó lên cũng chưa muộn”. “ Nghe nói vợ chồng nó lo lót khắp nơi mới có được cái ghế ấy”. “ Tôi mà là ông Hạnh thì không bao giờ nhé! Chú cháu với nhau nhưng nó coi ông có ra gì!”… Lời đàm tiếu rồi cũng chỉ là đàm tiếu. Trong những phát ngôn ấy, người tốt cũng có mà người xấu cũng không phải là ít. Xưa nay cứ sau mỗi lần làm quy trình hay bổ nhiệm chức vụ bao giờ chả có ý kiến trái ngược nhau ngay trong nội bộ những người làm công tác tổ chức lẫn cả dư luận vỉa hè. Nhưng nhìn chung, khi cơ quan công quyền ban hành quyết định với con dấu son đỏ chót thì mọi chuyện đã được an bài. Dư luận rồi sẽ chết yểu để tự chìm vào dĩ vãng. Theo ông thì ủng hộ Thịnh đi đâu mà thiệt. Tuy nó có mặt còn yếu nhưng công  tác cán bộ bây giờ ở đâu chả vậy, cầu toàn làm sao được? Không mạnh dạn đề bạt thì lấy đâu ra lãnh đạo?

***

Nhân vật thứ hai ông gọi điện ban nãy là cậu học trò cũ có cái tên thật đàn ông: Bùi Tiến Bộ. Phải nói rằng bố mẹ cậu thuộc diện chịu chơi và hay chữ nên đã tìm gặp tới ba ông thầy để tìm ra cái tên thật mỹ miều, hợp với mệnh của cậu con cả. Ngay từ nhỏ Bộ đã bộc lộ sự hãnh tiến, lanh lợi, ham hiểu biết, chịu khó học hành nên được bố mẹ quý mến. Học xong đại học Luật đang còn chưa định hình sẽ xin làm việc ở đâu thì đọc được thông báo tuyển dụng trên tờ báo địa phương, Bộ đã nộp hồ sơ xin vào sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Là một trong những ứng viên sáng giá nên Bộ rất tự tin, trả lời các câu hỏi rõ ràng, mạch lạc, được cán bộ phỏng vấn gật đầu khen ngợi. Nhưng chỉ ngay sau hôm phỏng vấn một ngày, Bộ đã nghe được một thông tin không lấy gì làm vui. ấy là cuộc phỏng vấn tuyển dụng vừa qua chỉ là hình thức, mọi vị trí cần tuyển đã được định sẵn. Họ mách Bộ đến nhà mấy tay chuyên cò mồi mà trao đổi, ngã giá, cứ tiền vào là xong hết. Bộ không tin có chuyện ấy. Cơ quan nhà nước luôn khuyến khích người tài, người có năng lực về công tác tại địa phương nên đã có những chính sách ưu đãi, tuyên bố công khai trên báo, trên đài. Bộ không hẳn là diện tài giỏi xuất chúng nhưng kết quả đại học cũng vào loại khá, các loại chứng chỉ đầy đủ theo yêu cầu, là đối tượng kết nạp đảng, lại tự nguyện về quê công tác, không lẽ nào...

Vậy mà Bộ trượt thật. Hôm đến xem kết quả, Bộ buồn quá, không nghĩ là mình lại trượt. Bấy giờ cậu mới thấm thía thông tin của dư luận là chính xác, giá như mình chịu khó lắng nghe và chọn lọc. Năm nay sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần người ở vị trí thanh tra. Công việc ấy thật hợp với Bộ. Vậy mà giờ đây hy vọng đã tan thành mây khói. Buồn quá, Bộ lang thang trên vỉa hè dưới tán cây bằng lăng đang mùa ra hoa tím ngắt. Mình biết ăn nói thế nào với mọi người, với bố, mẹ, nhất là với Hiền. Tuy chưa phải là vợ chồng nhưng Hiền đặt mọi niềm tin vào Bộ. Cô ta mong Bộ có việc làm, có địa vị để sau này đỡ vất vả. Hôm đi phỏng vấn, Hiền đưa Bộ đến tận nơi rồi ngồi đợi ở cổng sở đến khi phỏng vấn xong hai đứa cùng đến nhà dì Năm chơi. ở nhà dì Năm, Bộ khẳng định như đinh đóng cột là mình làm bài tốt, trả lời tình huống và câu hỏi phụ cũng rất xuất sắc. Vậy mà bây giờ Bộ nhận được một kết quả thật thê thảm… Đang mải mê với những suy nghĩ lộn xộn trong đầu thì chợt có tiếng hỏi đột ngột làm Bộ giật mình:

-         Có phải Bộ không?

Bộ ngơ ngác chưa kịp trả lời thì người đối diện tự giới thiệu: “Tôi là Hạnh đây. Ngày trước dạy ở  Đoàn kết…”

Bộ “à” lên một tiếng rồi ôm chầm lấy người kia :

-         Trời ơi! Thầy Hạnh! Em chào thầy! Lâu nay thầy làm gì ở đâu ạ! Năm ngoái em gặp Huyền nó bảo thầy đi bộ đội rồi chuyển công tác về Hà tĩnh có đúng không ạ?

- Cũng có chuyện ấy nhưng lại không phải là thế. Thầy chỉ chuyển ngành thôi. Em học xong đại học rồi phải không?

-         Thưa thầy em vừa ra trường, đang đi xin việc ạ.

-         Em đến đây là thầy biết rồi! Bây giờ vào chỗ thầy chơi ta nói chuyện!

Ông Hạnh dẫn khách về phòng làm việc, hai thầy trò tâm sự, hỏi thăm tình hình cuộc sống của nhau thật rôm rả. Thấy Bộ vẫn tỏ ra băn khoăn về việc làm, ông Hạnh liền bảo:

-         Thầy không dám hứa trước, nhưng có chỗ này vừa là phụ huynh học sinh vừa là bạn thân, ông ta là giám đốc sở đang muốn tìm một chân thư ký, để thầy giới thiệu cho.

Bộ mừng lắm nhưng thấy lạ nên thắc mắc:

-         Thầy ơi! Cấp sở làm gì có thư ký ạ?

-         Em chưa đi làm nên chưa biết đấy thôi, ngành nào chả có thư ký giám đốc, có điều họ nói chệch đi. Nào là chuyên viên tổng hợp, chánh văn phòng. Quyền hành trong tay họ thành lập bộ phận này, bộ phận kia, chức danh này, chức danh khác để phục vụ cho giám đốc điều hành công việc mà. Nhiều ông có biết gì đâu, chủ yếu là các trưởng phòng, các chuyên viên làm rồi trình lên giám đốc ký. Bản thân các ông ấy chỉ đi họp và tiếp khách tối ngày. Có ông chuyên ký đại. Chả thế mà ở tỉnh này đã có chuyện sếp ký giấy phép xây nhà lên cả hành lang an toàn giao thông. Ôi trời! Chuyện công sở bây giờ nhiều cái nực cười lắm.

Sau buổi đàm đạo tình cờ ấy ít hôm, Bộ được đi làm thật, mà lại là chỗ ngon hẳn hoi. Sở này nắm toàn bộ nhân sự các ngành, các địa phương. Ai muốn vào biên chế hay nâng bậc lương đều phải qua đây hết. Bộ không ngờ là mình lại gặp may đến vậy. Tự nhủ với bản thân là hãy làm hết sức mình để không phụ lòng giới thiệu của thầy Hạnh và còn có cơ hội để mà thăng tiến. Phải nói rằng con đường danh vọng của Bộ không có gì khó khăn cho lắm. Người ta bảo “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần” quả không sai! Nhân một lần tinh giản biên chế, sắp xếp lại nhân sự, Bộ lọt vào tốp cơ cấu cán bộ trẻ có các điều kiện a, b, c , lại là người nhà của thầy Hạnh; Thế là Bộ được đề bạt trưởng phòng, nghĩ lại tưởng như trong giấc mơ vậy. Từ ngày ngồi vào ghế trưởng phòng công việc bù đầu. Nào là thi tuyển công chức, nâng bậc lương định kỳ, xét duyệt biên chế v.v. Điện thoại của Bộ không mấy khi ngớt tiếng chuông. Thời buổi này nhiều người cần việc làm quá mà vị trị cần tuyển thì ít. Nhiều người không biết xoay xở bằng cách nào liền mang quà cáp, phong bì đến tận nhà cán bộ có chức quyền để làm thân, cầu  cạnh xin được giúp đỡ. Ban đầu Bộ không nhận của ai cái gì,  nhưng nhìn đi nhìn lại thấy mấy ông trưởng phòng “bên cạnh” cũng nhận quà của khách. Rồi có hôm vợ Bộ ở nhà tự nhận quà của người ta, đến khi Bộ hỏi thì cô ấy bảo: “Anh gàn vừa thôi! Bây giờ thế cả. Mình không tranh thủ, lương “ba cọc, ba đồng” làm sao sống nổi với giá cả leo thang từng ngày. Mọi việc anh cứ để mặc em”. Thế là phó mặc cho Hiền, Bộ chỉ biết đi làm ở cơ quan, tối về vợ đưa danh sách bảo anh phải lo cho trường hợp này, trường hợp kia, mãi rồi thành quen, không có ý kiến của Hiền thì Bộ không ký.

***

Từ hôm cô Khánh nhân viên phòng tổ chức cán bộ cơ quan đi làm thủ tục nâng lương trước thời hạn theo thông tư 03 năm 2005 của Bộ nội vụ đến nay đã gần một tuần rồi. Cả tuần đó ông Hạnh canh cánh một nỗi niềm về nhân tình thế thái. Ông còn nhớ  hôm đó từ trên thành phố về vừa bước vào phòng ông, Khánh bảo luôn:

-         Chú ơi trường hợp nâng lương của chú, cháu đã trình bày nhưng các anh ấy bảo còn phải đợi ý kiến của giám đốc sở. Nhưng theo cháu thì không phải thế, chú chịu khó đến gặp anh Bộ, chuyện tế nhị chú ạ, nếu không cháu nghĩ sẽ khó khăn đấy.

-         Tại sao chú phải làm thế? Chú được nâng lương đợt này là đúng quy định cần gì phải xin nhỉ? Hơn nữa ai chứ Bộ thì là học sinh cũ của chú để chú điện thoại xem sao.

Khánh ái ngại:

-         Chú ơi không được đâu! Cháu biết rõ mà. Hay là thế này, cháu ứng lương của chú làm cái phong bì kẹp vào công văn là xong ngay thôi ạ.

-         Không cần! Chú có thể cho quà con cái nó nhưng vào lúc này thì không nên! Cám ơn cháu đã giúp. Phần còn lại để chú lo.

Suy nghĩ mãi rồi hai ngày sau ông Hạnh đã gọi cho Bộ. Tiếng bên kia đầu dây:

-         Thưa thầy việc ấy em cũng đã cố gắng lắm nhưng tại cơ quan thầy gửi danh sách lên chậm nên hết hạn mất rồi. Thầy thông cảm em không thể làm khác được!

Vậy là đã rõ. Cuộc đời thật khốn nạn! Trong chuyện này lỗi ở ông cũng một phần. Những lần thầy trò gặp nhau ông hay giãi bày tâm sự về tiêu cực ngoài xã hội, rồi chuyện đạo đức suy đồi với Bộ, nhưng chả lẽ nó “áp dụng” cả với mình? Cho nó một cái phong bì có lẽ là xong thật! Mình gàn dở quá mất rồi!

Suy nghĩ, đấu tranh mãi cuối cùng ông cũng quyết định đợi ông Văn đi Mỹ về để đến nhà chơi rồi ngỏ lời nhờ ông ấy giúp. Với ông đây là chỗ dựa cuối cùng. Khổ thế đấy, việc đường đường, chính chính theo quy định rõ như ban ngày vậy mà vẫn phải trình bày, bẩm báo. Vài ngày sau ông điện cho Văn để xin gặp. Tiếng ông cán bộ cấp trên trong tổ hợp:

-A lô! Xin lỗi ai đầu dây?.... à tôi nhận ra rồi, bây giờ lại đang họp anh ạ!

Một lần khác: “Vâng! Anh Hạnh à? Tôi đang ở Hà nội, có việc gì anh cứ gặp bên chuyên môn nhá!” Nỗi thất vọng ê chề xâm chiếm tâm can. Ông ngồi hóa đá. Đến tay Văn cũng chả coi mình ra gì nữa. Vậy mà lúc họp hành gặp nhau lão ta tình cảm thân mật đến thế. Hôm gần đây xuống làm việc ở cơ quan ông lão ta còn nhắc “ Chuyện nâng lương anh cứ yên tâm để em xem lại. Mà này, mai kia bác nghỉ rồi bọn em gọi đi uống là phải sẵn sàng đấy nhé!”. Bỗng dưng ông Hạnh lẩm bẩm một mình “Sẵn sàng cái con…. Ông chưa nghỉ chúng mày đã tránh như gặp tà!”