Kỷ niệm về một người lính

Con gái yêu của mẹ! Tháng bảy lại đến. Cái tháng nóng lắm, mưa nhiều - cái tháng khắc khoải trong mẹ một nỗi niềm nhớ thương da diết. Có một đêm tháng bảy, mẹ ngồi thẫn thờ bên ô cửa sổ, mắt dõi nhìn về phương Nam xa xôi trong hoài niệm, miệng khe khẽ hát một bài ca về người lính: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về Dòng tên anh khắc vào đá núi…” Hát đến đó, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi.

Tác giả Bùi Thị Sơn cùng cháu nội

Mẹ không biết con đã đứng sau lưng mẹ tự lúc nào. Bàn tay con nhẹ nhàng đặt lên vai mẹ mà không nói lời nào. Cử chỉ ấy đem đến cho mẹ niềm tin cậy: con gái mẹ đã 18 tuổi rồi! Tuổi của con là tuổi của hoa, của mộng. Mẹ cũng có một thời hoa mộng như thế, nhưng đó là những năm tháng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

 

Con yêu!

Đêm nay, mẹ lại một mình lặng lẽ dưới ánh trăng, lặng lẽ hát bài hát cho người lính của riêng mình mãi mãi dừng ở tuổi 18.

Khi miền Nam hoàn toàn đươc giải phóng, suốt ngày các loa đài công cộng ca vang khúc khải hoàn chiến thắng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Việt Nam! Ôi Tổ quốc vinh quang!” Tất cả mọi người như bay lên trong mơ, nghẹn ngào sung sướng. Trong niềm vui lớn lao của toàn dân tộc, mẹ nhìn đất nhìn trời đâu đâu cũng thấy mến yêu, nhìn trẻ già trai gái ai ai cũng thấy đẹp. Và thiêng liêng thay là tình yêu Tổ quốc! Nó làm cho mọi người xích lại gần nhau, thân ái như con trong một nhà. Không hề có bóng dáng của những kẻ nhỏ nhen, toan tính vị kỷ. Không có những lọc lừa,

dối trá xấu xa.

***

Ba tháng sau, mẹ nhận được tin người ấy đã hy sinh anh dũng ngay từ chiều 29/4, một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ bàng hoàng như không còn tin vào tai, vào mắt mình nữa, dù vẫn biết rằng chiến thắng nào mà chẳng có hy sinh,vinh quang nào chẳng đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Nhưng người ấy còn quá trẻ, chú ra đi mà chưa hề biết rằng: đã có một người con gái lặng thầm yêu chú từ lâu, người con gái hằng đêm vẫn trông ngóng chú trở về.

Ông ngoại con kể lại: ông và ông Phương (bố của chú Phi Sơn) là đôi bạn thân cùng chung chiến hào trên Đồi Độc Lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hai anh chiến sĩ trẻ tình nguyện ở lại xây dựng nông trường và kết hôn cùng hai cô “sơn nữ” quê ở Mường So - quen nhau trong dịp hai cô đi dân quân hoả tuyến, tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh Điện Biên Phủ. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, hai đứa trẻ sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùngđược hai ông bố hay chữ đặt cho một cái tên đầy ý nghĩa: Sơn - Hoài Sơn và Phi Sơn. Hai gia đình mổ gà, làm chung một bữa tiệc nhỏ mời mấy người hàng xóm chung vui.

Ông Phương (hồi ấy gọi là anh Phương) sau khi nhấp vài hụm rượu, mặt đỏ như cua rang, giả vờ khề khà nói với ông ngoại:

- Này Tâm! Con trai tớ đặt tên là Sơn là đúng quá rồi! Nó gợi lên khí phách mạnh mẽ, hiên ngang của người quân tử. Con gái thì nên tìm một cái tên dịu dàng, nữ tính hơn.

Ông ngoại con ngắt lời ngay:

- Cái tên tớ lựa chọn là tớ đã ngẫm nghĩ từ lâu, dù là con gái hay con trai tớ cũng đặt tên ấy.

Sau một hồi tranh luận, ông ngoại con kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình, vì thế mẹ mang tên là Hoài Sơn. Từ bé mẹ đã là một con bé hay nghịch ngầm, chú Phi Sơn thì hiền lành và gan lỳ như một con dúi.

Bà ngoại kể: “Hai đứa ngồi chung một cái cũi trong nhà trẻ. Con Hoài Sơn sắp mọc răng, ngứa lợi, nó giằng tay thằng Phi Sơn đưa lên miệng cắn hằn một vết đỏ. Thằng bé đau lắm, nhưng nó chỉ mím chặt môi, không khóc một tiếng, cũng không tìm cách đánh lại con bé. Được cái, bà ấy là người hiểu biết, nhân hậu nếu không thì... trẻ con lại làm mất lòng người lớn.”

Năm 1964, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc cũng là lúc mẹ và chú Phi Sơn cùng vào học lớp 1. Một lần, Mỹ ném bom xuống đúng khu nhà trẻ của nông trường. Biết vợ và một cô giữ trẻ khác không kịp đưa 35 cháu xuống hầm trú ẩn, ông Phương đang nhổ lạc vội chạy về hỗ trợ. Khi hai vợ chồng đang ôm hai đứa trẻ cuối cùng chạy ra hầm thì một loạt bom bi ập xuống. Ông bà Phương chỉ kịp đẩy hai đứa bé vào cửa hầm thì lăn ra bất tỉnh.

Buổi chiều hôm ấy là một buổi chiều vô cùng ảm đạm. Mây vần vũ dày đặc bầu trời, không khí oi nóng hầm hập. Gia đình 35 cháu và bà con hàng xóm quây quần khu tập thể nông trường tiếc thương vĩnh biệt đôi vợ chồng trẻ đã hy sinh cả tính mạng mình cứu lũ trẻ. Chú Phi Sơn đứng chết lặng nhìn trân trân vào hai chiếc quan tài đỏ thẫm đặt giữa nhà.

Từ đó, chú Phi Sơn về ở cùng một nhà với mẹ, được ông bà ngoại yêu quý, coi như con đẻ. Ông bà ngoại luôn căn dặn mẹ phải coi chú như một người anh ruột, không được làm anh buồn. Năm tháng dần trôi, nỗi đau thương mất mát nguôi ngoai dần, song trong đôi mắt thông minh, cương nghị của chú vẫn phảng phất nỗi buồn sâu lắng. Mùa hè năm 1974, chú Phi Sơn và mẹ cùng tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng loại giỏi. Ông bà ngoại bàn với nhau, sẽ cho cả hai đứa cùng thi vào trường Đại học sư phạm.

***

Một điều bất ngờ xảy ra ngoài sự tưởng tượng của ông bà ngoại và mẹ. Suốt 11 năm chung sống cùng gia đình, chưa bao giờ chú Phi Sơn giấu giếm hoặc làm một điều gì sai. Thế mà suốt mấy hôm liền, chú ấy xin phép ông bà ngoại lên thị trấn ôn thi cùng cậu Tiền Hải - một người bạn học cùng lớp với hai anh em. Bà ngoại bảo: “Thế thì con lấy xe đạp đèo Hoài Sơn cùng đi. Chú Phi Sơn vò đầu gãi tai, nói lí nhí: “Con sợ đi đường xa, Hoài Sơn mệt. Thôi mẹ để tối về, con và em cùng ôn lại bài.”. Mặc dù chú ấy giữ lời hứa nhưng cử chỉ điệu bộ rất ngượng ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Đúng là điệu bộ cử chỉ của người không quen nói dối.

Bữa cơm chiều hôm ấy thật im ắng khác thường. Chú Phi Sơn cứ nâng bát cơm lên tay lại đặt bát xuống mâm. Bà ngoại kín đáo đưa mắt nhìn ông ngoại rồi lại quay sang nhìn mẹ. Ai cũng ngầm hiểu sắp có chuyện hệ trọng gì xảy ra nhưng đều không ai nói. Im lặng một hồi, chú ấy ấp úng:

- Con xin lỗi bố mẹ! Đáng lẽ, con phải hỏi ý kiến của bố mẹ, nhưng con lo bố mẹ sẽ ngăn cản con nên đã giấu bố mẹ đăng ký đi bộ đội. Mọi thủ tục khám tuyển đã xong, hôm nay con đã nhận được giấy báo của Ban chỉ huy quân sự huyện. Ngày kia, con lên đường nhập ngũ, con xin bố mẹ tha lỗi cho con.

Ông ngoại ôn tồn nói:

- Trai thời chiến, lên đường giết giặc bảo vệ Tổ Quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, như bố con và bố khi xưa, nhưng bố mẹ con giờ đã mất, lẽ ra con nên hỏi ý kiến bố mẹ để cùng bàn bạc.

Bà ngoại giãy nảy lên:

- Không bàn bạc gì nữa! Sáng mai tôi sẽ lên huyện đề nghị cho Phi Sơn đi học đại học. Mẹ đã hứa với vong linh bố mẹ con là sẽ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Phi Sơn nói nhỏ nhẹ:

- Con nghĩ kỹ rồi bố mẹ ạ. Năm nay con 18 tuổi là vừa đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sự học là lâu dài. Khi nào chiến thắng, con lại về học tiếp.

Mẹ không nói được lời nào. Sự việc diễn ra bất ngờ quá! Mẹ đã quen có chú Phi Sơn bên cạnh như một người anh trai thực sự để mè nheo, để dỗi hờn vô cớ. Mẹ vẫn ngỡ sẽ tiếp tục cùng chú học lên Đại học.

Đêm ấy, mẹ buồn rầu bỏ đi ngủ sớm. Ông bà ngoại và chú Phi Sơn vẫn ngồi bên bếp lửa nói chuyện rì rầm suốt tận đêm khuya. Không biết chú đã nói gì để thuyết phục ông bà ngoại. Chỉ biết rằng sáng hôm sau, bà vẫn ra huyện nhưng không phải xin cho chú không đi bộ đội mà là đi mua xà phòng thơm, khăn mặt, thuốc bổ chuẩn bị cho chú lên đường.

Sáng hôm sau, ông bà vừa đi làm, chú rủ mẹ vào rừng chặt nứa rồi cặm cụi đan phên, rào lại mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mẹ làm mặt giận, làm hùng hục và không thèm nói một lời nào dù chú ấy cố pha trò hài hước.

Hôm sau, chú Phi Sơn lên đường. Hàng xóm, bạn bè, các cơ quan, đoàn thể đến tiễn chân rất đông. Lúc các tân binh xúng xính trong bộ quân phục mới chuẩn bị lên xe, mọi người thân xúm đến trao quà thì mẹ nhìn thấy cô Huyền và cô Na, bạn cùng học của mẹ và chú, mỗi người đều có một gói quà nhỏ tặng chú, mẹ mới thấy ân hận vì sự giận dỗi vô lý và thái độ cố chấp của mình. Bỗng nhiên, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi. Chú Phi Sơn nhoài từ trên xe giơ tay bắt tay mẹ. Bàn tay chú ấm mềm như có một dòng điện chạy dọc sống lưng mẹ.

***

Chú Phi Sơn đi rồi, mẹ mới cảm thấy trống vắng vô cùng. Mẹ mong chờ tin chú từng giờ từng phút để rồi 10 tháng sau mới nhận được tin chú đã hy sinh cùng một cuốn nhật ký chú viết trên đường hành quân gói trọn những tình cảm yêu thương nồng nàn chú dành cho bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi và “út Hoài Sơn - con chim sơn ca bé nhỏ của anh”. Trang cuối cùng của cuốn nhật ký viết dở , chú chép một bài thơ như là một linh cảm :

“Em ơi! Rất có thể

Anh chết giữa chiến trường

Đôi môi tươi đạn xé

Chưa bao giờ được hôn.

Nhưng dù chết, em ơi!

Yêu em, anh không thể

Hôn em bằng đôi môi

Của một người nô lệ”.(*)

Cuộc đời quân ngũ cho đến lúc chú Phi Sơn hy sinh thật là ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 7 tháng 10 ngày. Chú là một trong những người lính cuối cùng hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Tiền Hải - cậu bạn thân cùng trốn gia đình đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và cùng vào Nam chiến đấu với chú Hoài Sơn - sau này trở về Lai Châu, đã kể cho mẹ nghe tường tận về cái chết oanh liệt của chú Phi Sơn: Chú bị một loạt đạn thù bắn thủng ruột khi đang bảo vệ một điểm chốt trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chú Tiền Hải lao đến, cuống cuồng nhét vội mớ ruột bùng nhùng be bét máu vào bụng chú Phi Sơn rồi quay sang Phú, bạn cùng chiến đấu:

- Mình đưa Phi Sơn về tuyến sau giải phẫu, cậu ở lại canh chừng mục tiêu. Sẽ có người yểm trợ.

Chú Phi Sơn thều thào đứt quãng:

- Không kịp... nữa rồi, Phú, Hải ơi! Các... cậu... gắng giữ chốt. Quyển... nhật... ký. ..mình... để trong... ba... lô...

***

Con gái yêu quý!

Bây giờ thì chắc con đã hiểu: Vì sao mãi đến năm 30 tuổi mẹ mới lấy chồng, vì sao mẹ đặt cho con tên Hoài Nam. Vì mẹ luôn nhớ về phương Nam xa xôi, nơi chú Phi Sơn đã ngã xuống.

- Mẹ! Mẹ ơi! Thế bố con có biết chuyện này không?

- Có chứ! Vì bố con chính là chú Tiền Hải - Bạn thân của chú Phi Sơn ngày ấy.

- Ảnh bác Phi Sơn trên bàn thờ, ông bà ngoại và bố vẫn bảo bác là anh trai của mẹ. Con vẫn cứ ngỡ bác và mẹ là hai anh em sinh đôi. Mà sao bố con lại tên là Tiền Hải?

- À, hồi ấy bố con sinh ra ở Tam Đường nên ông bà nội đặt tên trong khai sinh bố tên là Đường. Bà nội nhớ quê gốc ở Tiền Hải (Thái Bình) nên cứ gọi tên bố là Tiền Hải. Thôi, khuya rồi, mẹ con mình xuống nhà cùng xem chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” với bố

***

Tôi nhìn mẹ. Ánh mắt xa xăm, buồn mênh mang như vụt trở về với thực tại, với tình yêu chồng con và trách nhiệm đời thường. Bố tôi đứng ở gian phòng thờ, kính cẩn thắp hương cho ông bà ngoại tôi và bác Phi Sơn.

--------------------------------

(*)Thơ Phùng Quán