Dòng đời
Cuộc đời của mỗi người có không ít những bất ngờ xảy ra nhưng may rủi, lớn nhỏ thì không hề biết trước được. Nếu cách đây vài tháng Ngọc không đánh bạo đẩy cổng nhà Luận bước vào nhờ mua dùm 10 tờ vé số chỉ còn năm phút nữa là tới giờ xổ, thì có lẽ giờ nầy Ngọc vẫn còn khổ sở chạy ngược chạy xuôi để tiêu thụ hết những tờ cuối cùng. Chỉ cần 10 lần bán ế như thế, Ngọc sẽ bứt vốn. Đó là điều mà Ngọc không bao giờ dám nghĩ tới.
Với dáng vóc nhỏ thó, tiều tụy, gương mặt hốc hác, khắc khổ, giọng nói trầm buồn, ánh mắt ẩn chứa đầy ắp những âu lo đã làm Luận xúc động nên cho biết sẵn sàng mua hết những tờ vé số còn lại trong những lần kế tiếp. Ngọc nghe rõ ràng từng tiếng một lời Luận nói. Ngọc như bắt được vàng, vui mừng ra mặt khi nghĩ đến nồi cơm hằng ngày của gia đình mình không còn thường xuyên phải độn khoai, độn sắn. Ngọc nhìn Luận với đôi mắt đầy hàm ân.
- Ngọc rất cám ơn anh. Nhưng Ngọc chỉ sợ làm phiền anh.
- Không phiền gì đâu. Biết đâu sau nầy tôi trúng thưởng lớn như trúng giải đặc biệt thì sao? Biết đâu chó ngáp… phải ruồi thì sao? Đời mà! Tôi có linh cảm Ngọc là vị thần mang đến may mắn trong quãng đời còn lại của tôi đấy? Sau những lời pha trò dí dỏm như thế, Luận bỗng bật cười hả hả, bầu không khí phút chốc đã trở nên vui vẻ, cởi mở, thân thiện.
- Nói cho cùng đây là việc mua bán, đổi chác không hơn không kém. Người bán được, được tiền, còn tôi, người mua, được hy vọng mà. Người tuyệt vọng thì nên chết phứt đi cho rảnh nợ. Ngọc đừng ngại làm gì.
- Ngọc mong hy vọng của anh sớm thành hiện thực. Có điều… bắt đầu từ giờ phút nầy, ngày nào Ngọc cũng được lời trọn vẹn còn anh thì thường thua không hà. Em…
Luận cười đùa:
-Thua thì thua chứ có hề gì, miễn ngày nào “người ta” mang đến cho Luận là Luận vui rồi hè!
Từ khi nghe Luận hứa như vậy Ngọc vẫn không nhận vé số nhiều hơn thường lệ và cố gắng bán cho hết, chỉ thi thoảng Ngọc để dành vài tờ cho Luận. Ngọc biết tự trọng, sợ dư luận và nghiêm cấm bản thân không được phép nghĩ rằng mình sẽ lợi dụng lòng tốt của người nào.
Hôm nay Ngọc bán hết sớm. Ngọc buồn rười rượi không muốn về thẳng nhà. Thằng con trai đã có vợ con mà không chịu tu tỉnh làm ăn. Từ ngày cha nó qua đời nó càng nhậu nhẹt nhiều hơn, cặp bè cặp lũ uống rượu như hủ chìm, chiều nào cũng xỉn, đập phá đồ đạc, đánh đập vợ con, mặt mũi, dò cẳng bầm tím, sưng húp. Tiền bạc đi làm thợ hồ mỗi tuần lảnh một lần, không khi nào thấy đem về cho vợ một đồng. Chịu hết nổi cái cảnh bị chồng hành hạ như cơm bữa, vợ nó đã trốn đi mấy tháng nay bỏ lại đứa con vừa tròn 12 tháng, ốm nhe ốm nhách như con chàng hiu, Ngọc phải vất vả dưỡng nuôi, nhất là mươi ngày đầu, nửa đêm giựt mình thức giấc vừa thiếu hơi hám của mẹ vừa khát sữa nó khóc ré lên như giặc chòm, kêu mẹ ơi mẹ hởi nhoi trời đất. Ngọc lấy cái áo mẹ nó thích mặc nhất quên đem đi hay cố tình để lại cho con hổng biết, đắp cho, lấy bình sữa cho bú, nó vẫn khóc. Chạnh lòng, Ngọc cũng không cầm được nước mắt.
Phải chăng sức mạnh của rượu ghê gớm, khủng khiếp đến nổi không có sức mạnh nào lung lay, xô ngã được kể cả nước mắt và máu của người đã từng đầu ấp tay gối, của các bậc sanh thành? Ngọc đã phải dọa nhiều lần nếu con không từ rượu mẹ sẽ đi cho con vừa bụng.Và Ngọc đã đi thật, nhưng “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” mà. Đúng một tháng Ngọc chịu thua đành phải quay về!
Thằng con bất tùng cuốc xuổng ấy đang đổ bệnh! Rượu đã làm da nó bủng sì, vàng ngoách, cái bụng đối lập với hai chân và mông. Chân và mông càng teo thì bụng nó càng bự, ấn sâu vô một cái rượu có thể sẽ trào ra ngay. Lúc đương thời nó đã chẳng từng lớn tiếng tuyên bố rằng trên đời nầy chỉ có rượu và bạn. Thiếu một trong hai thì kể như cuộc đời bế mạc. Thà bỏ vợ chớ nhất định không bỏ một giọt rượu nào mà. Giờ bệnh đi không muốn nổi phải chống gậy, có thằng bạn rượu mặt lớn mặt nhỏ, mặt méo mặt tròn nào đến thăm đâu. Nó đã sáng mắt ra chưa. Chỉ có mẹ nó, sớm khuya gì cũng chỉ có mình Ngọc!
Chiếc xe đạp cà tàng đưa Ngọc đi hết chỗ nầy đến chỗ nọ. Đây con sông Bà Nhựt, con sông nầy ngày xưa rộng, sâu và hẳm, con sông mà cách nay khoảng 20 năm những ngày đông gió bấc lạnh thấu xương Ngọc cùng vài người bạn những đêm triều kém ngâm mình mò tôm cá. Bên kia bờ, xa một chút, cánh đồng Bà Trang bát ngát, cánh đồng mà hồi còn con gái, mới bốn giờ Ngọc thức dậy í ới gọi bạn bè đi cấy. Câu hò, tiếng hát với lòng hăng say của tuổi hoa niên đánh bạt sự mệt mỏi bởi sức nóng gay gắt trưa hè. Và đây cái quán cà phê bàn ghế chiếm hết lề đường làm bít lối người đi bộ, ngày Ngọc đi bán đầu tiên và cũng là người khách đầu tiên Ngọc mời mua, đã dạy cho Ngọc bài học chua chát về tình người:
-Bà đi đi! Sáng sớm gặp cái bản mặt bà là làm ăn cất đầu lên không muốn nổi rồi hà!
Ngọc chóang váng trước câu nói hổn hào cùa người khách, tuổi đáng con mình. Tội nghiệp người phụ nữ quê mùa chân chất đứng chết trân, không có lấy một lời. Tinh thần Ngọc lung lay, dao động, tụt xuống thật nhanh. Cũng may, để ngầm phản đối thái độ bất lịch sự của cái thằng ranh con trẻ măng mặt búng ra sữa lên giọng khinh người nầy, ông khách già, đầu bạc trắng, đang phì phèo điếu thuốc trên môi, ngồi khuất sâu trong quán nhờ Ngọc xé dùm năm tờ số cặp.
Chiếc xe lại đưa Ngọc đi loanh quanh như dòng kỷ niệm tiếp tục chảy về, vô ý làm sao đã dừng lại trước cổng nhà Luận. Ngọc giật mình đánh thót định dẫn xe đi nhưng đã muộn, Luận đã đứng sờ sờ trước mặt.
Cả hai cùng im lặng, nhìn nhau. Ngọc cúi mặt bẽn lẽn.
-Còn bao nhiêu tờ cho anh đấy, Ngọc?
-Dạ! Ngọc bán hết rồi, anh!
Ngọc lúng túng thấy rõ. Luận cũng rất ngạc nhiên vì lần thứ nhất Ngọc đến trong tư thế như thế.
- Có chuyện gì xảy ra vậy Ngọc?
- Dạ, không có chi đâu, anh!
Qua giọng nói lí nhí và ánh mắt đỏ hoe như vừa mới khóc xong, Luận tin chắc rằng Ngọc đang có chuyện buồn lòng. Nếu Luận hỏi cho ra ngô ra khoai là vô tình khơi dậy nỗi buồn ấy ắt Ngọc sẽ khóc. Theo Luận, trường hợp nầy ngấm ngầm tìm hiểu, giúp đỡ, gỡ dần những khó khăn, rắc rối tùy khả năng Luận có, thì thiết thực hơn, có kết quả hơn.
***
Hiếu mua 15 tờ vé số, còn lại ba tờ Hiếu lấy hết cho Ngọc về sớm. Một điều thật kỳ lạ trong suốt thời gian hành nghề Ngọc chưa từng thấy có đồng nghiệp nào được diễm phúc như Ngọc. Sau lần “ ma ám” a tầm phù dừng xe trước cổng nhà Luận, mỗi ngày khoảng giờ nầy là gặp Hiếu dường như đã phục kích sẵn đâu đó đón mua. Thét rồi hai người lạ hoắc trở thành quen thân, thương nhau như ruột thịt. Đề tránh thắc mắc cho Ngọc, Hiếu nói trớ đi là Hiếu ở Tiền Giang, ngày nào cũng xuống Bình Đại và một số huyện khác có khi trụ lại vài ngày để nắm rõ tình hình tiêu thụ hàng hóa từng món, món nào bán chạy, món nào không, khách hàng cần mẫu mã gì. Hiếu cũng nhận luôn tiền bạc thanh toán của các đại lý và báo cáo về cho anh có hãng sản xuất ở Sài Gòn.
Chừng vài ba ngày, thậm chí những ngày gần đây, ngày nào Ngọc cũng không quên để lại năm tờ vé số cho Luận. Thấy vậy có lần Hiếu cười cười, hỏi vui:
-Bộ Dì Ngọc dành cho người yêu hả?
-Khỉ nà! Dì Ngọc nghèo, già, xấu, hung dữ nữa có ma nào dám thương cái mặt mốc của Dì Ngọc đâu.
Hiếu ngắm nghía Ngọc một hồi lâu, khẳng định:
-Với con thì Dì Ngọc không già lắm, trông khoảng bốn bốn, bốn lăm gì đó hà, đẹp, có duyên, má lúm đồng tiền và quan trọng hơn Dì có lòng nhân từ nữa. Dì đã chẳng nói với con nhiều lần gặp những đồng nghiệp già, tật nguyền Dì mua dùm mỗi người một tờ để an ủi, chia sớt chút ít cái khó khăn của họ đấy sao ? Có lần Dì kể cho con nghe Dì gặp chị gánh gánh khoai chín đi bán, bình thường như những người bán khoai chín khác thì có gì phải đáng nói, đằng nầy chị lấy dây buộc ngang eo ếch hai đứa nhỏ, con chị, rồi buộc vào eo ếch của mình. Chị đi thì chúng cũng đi, chị dừng thì chúng cũng dừng và chị chạy thì chúng cũng…lóc cóc chạy theo. Chứng kiến cảnh nầy trái tim Dì bỗng thấy nhói đau. Dì hỏi:
-Sao em không thả hai thằng nhóc ra, thấy tội lắm?
-Không được đâu. Nó chạy tùm lum tà la hà, rủi có chuyện gì thì càng khổ dì ơi!
Dì xúc động lục túi lấy vài ngàn cho chúng rồi thầm nghĩ tới hoàn cảnh mình và tự an ủi, nhìn lên thì mình không bằng ai, nhìn xuống thì không ai bằng mình. Dì Ngọc còn nhớ không?
-Nhớ chứ Hiếu. Nhớ như mới xảy ra hôm qua vậy. Không khi nào Dì quên đi cái hình ảnh thương tâm ấy mà Dì đã chứng kiến tận mặt có một không hai trong cuộc đời Dì đâu.
Hiếu nhìn đăm đăm vào mắt Ngọc hồi lâu, định đặt thẳng vấn đề vô cùng trọng đại, nhưng Hiếu thấy ngại ngùng nên kịp dừng lại. Ngọc cảm nhận được sự bối rối của Hiếu, liền hỏi:
- Có chuyện gì vậy Hiếu?
Hiếu thu hết can đãm trả lời, giọng rõ ràng, nghiêm túc:
- Nếu cha con xin cưới Dì thì Dì nghĩ sao, Dì Ngọc?
-Thôi đi Hiếu, đừng làm Dì tủi thân!
-Mẹ con vượt biên từ lâu. Hiện định cư tại Canada. Đã có chồng khác. Tiền bạc bà gởi về cho tụi con gầy dựng sự nghiệp và nuôi cha. Mẹ con điện thoại nhiều lần về xin lỗi, hỏi thăm sức khỏe và mong cha bước đi bước nữa cho bà đỡ ray rứt lương tâm.
Ngọc dứt khoát:
-Thôi đi Hiếu!
Ngọc cố tình xoay qua chuyện khác.
- Hôm nay Hiếu có thể đến nhà Dì Ngọc chơi được hôn?
- OK! Nhưng Dì đừng có bắt cóc con à nghen! Cha con sẽ chết đấy. Ổng cưng con nhất nhà chớ bộ!.
Con đường dẫn đến nhà Ngọc bằng đất thịt, quanh co, khúc khuỷu, mặt chỗ lồi chỗ lõm đi nhồi lên nhồi xuống muốn chết, thi thoảng có những đoạn quá hẹp, Ngọc phải cho xe vượt lên trước để tránh cho hai dì cháu khỏi đánh rầm xuống mương. Trời đang mưa. Những ngày tháng tám thường có mưa lâm thâm kéo dài hằng giờ, đường trơn như thoa mỡ bò lội bộ không bấm chặc mấy đầu ngón chân xuống đất là bị quăng gậy ngay lập tức, huống hồ gì xe đạp, xe máy.
Hai bên đường lác đác dăm ba căn nhà ọp ẹp lợp bằng lá dừa nước, vài đứa con nít đen nhẻm, mũi dãi lòng thòng, độ bảy tám tuổi, thấy có người lạ đứng nhìn lom lom, tuyệt nhiên không thấy một bóng người lớn. Có lẽ cha mẹ chúng cũng nghèo rớt mồng tơi, vừa mờ sáng đã bươn chải tìm cách mưu sinh.
Từ ngày đến chơi nhà Ngọc trở về, Hiếu mất ít nhiều sự vui vẻ hồn nhiên trước kia. Hiếu thường trầm ngâm suy nghĩ hình như có một vấn đề gì đó to tát, bức xúc cần phải giải quyết càng nhanh càng tốt. Phải chăng hình ảnh cái anh gì đó, người con hư của Ngọc, nằm trên giường bệnh thiếu thốn thuốc men, mặt tái mét, ánh mắt lờ đờ đã mất hết sinh khí, nằm im như khúc gỗ, chẳng khác gì một “thi hài biết thở”? Phải chăng hình ảnh mặt mày lem luốc, bẩn thỉu của thằng nhóc thiếu hẳn bàn tay chăm sóc thường xuyên và tình thương yêu, trìu mến của mẹ, đi luẩn quẩn trong nhà, cửa nẻo đều đóng kín mít ? Hay tại cái xoong cơm không còn lấy một hột làm thuốc trên bếp với mớ tro than lạnh ngắt, Hiếu nhìn thấy muốn rớt nước mắt? Hay tại cái số tiền 10 triệu đồng Hiếu năn nỉ muốn ráo nước bọt Ngọc mới chịu nhận, không đủ chạy chữa cho người thân? Có lẽ là tất cả chăng?!
***
Thằng con hư của Ngọc đã lành bệnh, bác sĩ bảo phải bỏ rượu và bồi dưỡng khoảng nửa tháng sẽ đi làm lại được. Ánh sáng tương lai đã le lói trong gian nhà u tối ngày nào. Thằng cha hư ấy biết lội ruộng bắt còng cho con chơi, biết tắm rửa sạch sẽ chở con đi hớt tóc, biết ôm con hôn chùn chụt không khi nào thấy đã. Mùi da thịt trẻ thơ thơm không có mùi thơm nào bì kịp đã làm ngẩn ngơ và hối tiếc hơn một năm qua không một lần bồng ẵm con mình. Thằng cha hư ấy lắm lúc phóng tầm mắt về nơi chân trời xa xăm vô định nhìn mãi một cánh chim bay không biết bao giờ mới quay về tổ cũ. Thằng chồng hư ấy đã nhớ đến vợ mình, người phụ nữ ốm tong teo, xanh xao, vàng vọt bởi những trận đòn thừa sống thiếu chết do chồng mình say rượu gây ra? Thằng chồng hư ấy bị lương tâm vò xé, cắn rứt sẽ hối hận, tu sửa bản thân hay vẫn ngựa quen đường cũ?
Tiếng nói bi bô lẫn tiếng cười trẻ thơ đã lâu lắm rồi Ngọc mới nghe thấy được. Ôi! Nó ấm cúng làm sao! Hạnh phúc làm sao! Ngọc có cảm giác như đời Ngọc đã lật sang một trang mới. Ngọc hy vọng rằng dòng đời không còn đầy rẫy những chông gai, chướng ngại, quanh co mà bằng phẳng, thẳng thớm cho đến ngày Ngọc nhắm mắt xuôi tay.
Ngọc nhớ đến Hiếu, người con gái tốt bụng đến không ngờ, từ trên trời rơi xuống cứu gia đình Ngọc. Hiếu đã ném phao cứu sinh cho Ngọc khi những hơi thở cuối cùng sắp đứt giữa mịt mù biển khơi. Nếu không có Hiếu, một mình Ngọc làm ra được 100 ngàn lời hằng ngày với đủ thứ chi tiêu đắt đỏ hiện nay chắc chắn rằng, một ngày không xa Ngọc đành thúc thủ.
Ngọc đang khóc. Những giọt nước mắt chân thành dù có tuôn ra thành suối cũng không thể nguôi ngoai được niềm thương, nỗi nhớ mà Ngọc dành cho Hiếu, người con gái Ngọc không hề mang nặng đẻ đau, không một ngày dưỡng dục. Ngọc gục đầu lẩm bẩm:
-Hiếu ơi! Có phải con là con ruột của mẹ không, Hiếu ơi?!
Ngọc tiếp tục bán vé số như cũ. Ngày nào đến đoạn đường lúc trước Hiếu thường phục kích đón mua, Ngọc cũng dừng lại có khi đến nửa giờ, có nhiều ngày Ngọc đến đó mấy lần, ngó quanh ngó quất tìm Hiếu nhưng người ơn ấy đã một tháng trời, Ngọc tưởng chừng như dài cả năm, vẫn bặt vô âm tín. Ngọc hoảng sợ thầm nghĩ:
-Hay là…hay là…Không! Không! Nhất định là không! Một người tốt bụng hiếm có như thế sẽ không bao giờ gặp chuyện chẳng lành. Dứt khoát không bao giờ, không bao giờ mà!
Dù có ý nghĩ cứng cỏi như thế nhưng thật sự trong lòng Ngọc vô cùng rối bời, hoang mang, lo sợ.
Bữa cơm chiều được dọn ra. Một xoong cơm gạo lứt nhão nhoẹt. Một nồi canh chua còng nấu với rau đắng biển, bốc khói nóng hổi. Một tô còng kho khô mặn với xả bằm nhỏ thơm phức. Những món ăn nầy không tốn một đồng nhờ thằng con của Ngọc tìm bắt mang về. Một mẹ, một con, một cháu, người chan húp rột rột, kẻ nhai còng rào rạo trông thật ngon lành. Bỗng thằng cháu nội nhìn nội, vụt hỏi:
-Sao hổm rày mình ăn còng không vậy nội?
Ngọc ấp a ấp úng:
-Tại…tại… con ốm yếu quá, ăn còng cho cứng xương đó con. Ngọc vội xây mặt vào vách, đôi vai run run, khi quay ra đôi mắt Ngọc vẫn còn ngấn nước.
-Ủa! Sao nội khóc vậy nội?
-Đâu có, con!
-Sao nước mắt nội chảy?
-À! Tại nội ăn ớt đấy con. Đồ quỷ! Ớt gì cay muốn xé gan, xé ruột hè!
Ngọc biết mình nói dối, bữa cơm nầy có miếng ớt nào đâu.
Chiều xuống dần. Bầu trời đen kịt những mây. Gió lạnh ùa về. Những hạt mưa to rào rào đổ xuống. Trên con đường quê loáng nước dẫn đến nhà Ngọc, chiếc xe máy mang hai người phụ nữ từ SàiGòn về đỗ xịt trước cửa. Cả hai cùng chạy xộc vô nhà. Một người nhào tới ôm thằng bé thật chặc, như sợ bị vuột ra, lại mất đi, vùa hôn vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng như những giọt mưa ngoài hiên. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, chỉ trong vài giây định thần, Ngọc nhìn rõ tất cả, liền đứng phắt dậy lao tới:
-Hiếu! Hiếu!
Ngọc ngất xỉu. Hiếu đã nhanh tay ôm được.
-Con đây! Con đây! Hiếu đây! Hiếu của Dì Ngọc đây!
Trong niềm hân hoan, tột cùng hạnh phúc nầy, những gương mặt buồn thảm, lo lắng trước kia giờ đã vui vẻ, tươi tỉnh trở lại. Để gở “khúc mắc” cho mọi người, nhất là cho Dì Ngọc, Hiếu tuấn tự kể lại:
-Con định bụng về Sài Gòn vài ngày rồi trở xuống tiếp tục công việc, không dè nhằm lúc người anh mở rộng phạm vi kinh doanh, con phải ở lại tạm thời trông coi hãng, giao dịch với khách hàng, điều hành công nhân. Hãng có sử dụng một số lao công nữ không có tay nghề làm những việc đơn giản như quét dọn, phụ bếp núc, rửa chén…v…v…Đặc biệt có một chị được làm tổ trưởng, rất giỏi, trội hơn hẳn những chị kia, con rất chú ý, chú ý đây không phải vì chị làm giỏi mà vì chị có gương mặt thật buồn, nhất là đôi mắt. Đôi lúc con thấy chỉ khóc. Con nhìn kỹ thì… Dì Ngọc ạ, đôi mắt ấy giống đôi mắt cháu nội của Dì như đúc. Bộ Dì khóc hả?
- Dì cám ơn con! Dì cám ơn con! Dì hiểu được hết rồi Hiếu ơi!
***
Một ngày đẹp trời. Hiếu chở Ngọc đi chơi lòng vòng, nào cảng cá Bình Thắng, nào cầu tàu Bến Đình, nào cống đập Ba Lai, nào đến thăm cô giáo Thu Lan, chủ quán trứng cút nổi tiếng bán rẻ. Hiếu tiếp tục cho xe chạy đi, chiếc xe mắt nhắm mắt mở nhè chạy ngang đường nhà Luận. Thấy Luận đứng trong sân, Ngọc chao đảo muốn té. Nếu có một mình, Ngọc sẽ chạy ào vào ôm Luận mà khóc cho thật nhiều, cho thật đã. Ngọc sẽ trút cạn nguồn cơn. Em đã…Em đã…
-Dì Ngọc sao vậy?
-Con cho xe chạy nhanh quá Dì sợ.
Hiếu cười khúc khích, nói thầm:
-Dì không giấu con được đâu. Dì càng giấu con càng thương Dì nhiều hơn đấy.
Hiếu vẫn cho xe chạy quanh quẩn một thôi một hồi rồi lại trở về con đường nhà Luận, thay vì chạy luôn, chiếc xe giở chứng chạy tuốt vô sân. Hiếu đứng nghiêm người, mắt sáng rực, giả bộ trịnh trọng giới thiệu:
-Dạ… thưa cha…đây là Dì Ngọc, người yêu “lý tưởng” của…
Hiếu quay sang Ngọc:
-Dạ… thưa Má Ngọc…đây là cha Luận, cha ruột của con, người yêu “lý tưởng” của…
Luận xúc động mạnh vội ôm Ngọc và con trong vòng tay, trách yêu:
-Con gái cưng của cha lúc nào cũng cà rỡn được hết á!
Ngọc như đang trong mơ.