Ơn sanh dưỡng

Nỗi đau của người cha làm thầy giáo phải bấm bụng cho con từ bỏ sách vở có khác nào nỗi đau của vị chủ tọa phiên tòa tuyên án tù giam cho chính con mình! Bây giờ đã khác hẳn. Các anh chị em Thùy đều đã trưởng thành, đã lập gia đình, dư ăn dư để. Còn Thùy nối nghiệp cha, hằng ngày trên bục giảng, mỗi tiết học, đứng trước hơn 30 em học sinh thân yêu mà trong ánh mắt chúng luôn sáng ngời khát khao học tâp, khát khao cống hiến, với Thùy, một kỹ sư tâm hồn không có vinh dự, hạnh phúc nào to lớn bằng. Kết quả sự thành đạt hôm nay phải chăng ngoài sự chuyên cần học tập của Thùy còn có sự hy sinh vô giá, đổ cả nước mắt, cả máu của cha mẹ Thùy ngày xưa?!

Cha Thùy dạy học, cái nghề mà dù một số đồng nghiệp, những lúc trà dư tửu hậu thường đùa là nghề bán cháo phổi. Thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng, cha Thùy vẫn nhất quyết không bao giờ rời xa bục giảng.

Gia đình gồm 9 miệng ăn, kể cả Nội Thùy tuổi ngoài 80, nay ốm mai đau.  Mỗi ngày gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng thêm trên đôi vai gầy guộc mẹ Thùy.
Trong tình huống thiên nan vạn nan ấy, trong thâm tâm cha mẹ Thùy âm thầm chia nhau gánh vác. Cha vừa tích cực lo việc trường lớp, vừa quán xuyến gia đình: nào cơm nước, giặt giũ, may vá, nào theo dõi, đôn đốc, động viên các con giữ vững tinh thần học tập. Mẹ suốt ngày chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách mưu sinh. Bất cứ việc gì, bất kể xa gần, nặng nhọc, vất vả đến mấy, mẹ vẫn không từ chối. Thùy nhớ rất rõ, một sáng tháng Chạp mưa lâm thâm, gió bấc lạnh thấu xương, mẹ tất tả, quên cả mang theo gô cơm và chai nước uống tháp tùng đoàn công an huyện thu hoạch vụ đông xuân, xuống tận đê Đông xa xôi mót lúa. Chiều về, một bao lúa đầy ắp, một nụ cười rạng rỡ trên môi, một ánh mắt sáng ngời tin yêu của mẹ, các anh chị em Thùy thấy ấm lòng, vui mừng khôn xiết. Mẹ khoe:
- Các chú công an còn trẻ mà tử tế, tốt bụng lạ kỳ. Đến bữa cơm các chú mời mẹ cùng ăn, sợ mẹ ngại, các chú ép mẹ ăn thật no. Trời đất ơi! Bao lúa nặng năm sáu chục ký như thế nầy nếu không có mấy chú giúp đỡ thì mẹ làm sao đem về tới đây được, mấy con!
Có lần, nhà Dượng Khuynh có chiếc ghe con, tới mùa nghêu thường chở mướn người đi bắt. Vì là ruột thịt và vì thọ ơn cha Thùy ngày xưa từng ra tay đùm bọc những lúc sa cơ nên không thu tiền công chở. Để chia sớt phần nặng nhọc cho gia chủ, mẹ Thùy tự nguyện chèo mũi, Dượng Khuynh chèo lái. Đoạn đường từ bến Bà Nhựt đến bãi nghêu Thừa Đức dài ngót 20 cây số đường sông, gặp mùa gió chướng thổi ngược chiều rất mạnh, ghe di chuyển chậm rì. Với sức vóc của người phụ nữ nhỏ con, mỗi một động tác “chèo” như thế, toàn bộ cơ thể đều liên tục hoạt động và để tranh thủ cho kịp nước, hai tay chèo càng cố gắng hết sức mình, cộng với một ngày đêm trầm nước bắt nghêu, mẹ Thùy chống chọi không nổi, phải đổ bệnh. Tròn một tuần lễ điều trị, mẹ Thùy mới bình phục, nhưng da dẻ vẫn còn mét chẹt, trên mặt và hai bàn tay những nốt đỏ muỗi đốt lấm tấm vẫn còn mờ mờ. Trong thời gian nằm bệnh vừa tốn tiền thuốc, vừa tốn tiền ăn, không thu nhập được đồng nào, gia đình Thùy gần như kiệt quệ. Cha Thùy, ngoài công việc thường lệ, đêm nào cũng ra ruộng soi cá, soi còng. Cá càng ngày càng ít, một đêm soi giỏi lắm mới được mươi mười lăm con cá kèo to bằng ngón tay trỏ, còn lại chỉ rặt còng là còng! Cá kèo rộng dồn cho nhiều, một phần dành bồi dưỡng cho Nội, còn bao nhiêu gởi ra chợ bán. Còng thì… được chế biến thành nhiều món ăn, bữa cơm nào cũng còng nấu canh chua rau đắng biển, còng kho xả, hoặc còng chiên, còng luộc… thế mà ngộ chứ, anh chị em Thùy vẫn ăn ngon lành. Đôi lúc Thùy thấy nước mắt mẹ trào ra!
Thời gian cứ lặng lẽ trôi trong thiếu thốn mọi bề. Mẹ Thùy hồi trước chuyên bán gạo rong nên rất rành từng loại. Một hôm, bà chủ vựa thuê mẹ Thùy qua tận Vàm Láng xem mặt gạo và phụ đỡ đần người bốc vác. Nhằm lúc trời chưa dứt hẳn cơn mưa, mặt đường đất thịt trơn như thoa mỡ, người bốc vác trợt chân té lăn đùng, sợ gạo bị thấm nước hư, mẹ Thùy lập tức dùng toàn lực kéo bao gạo vô hàng hiên cạnh bên. Không ngờ sự cố gắng vượt bậc ấy làm bụng mẹ quặn đau từng chập, càng lúc càng dữ dội, máu trong người bỗng tuôn ra dầm dề, ướt cả hai ống quần: mẹ Thùy bị sẩy thai!
Hoàn cảnh đã đưa gia đình Thùy đến ngõ cụt. Để có tiền chạy chữa cho vợ, cha Thùy lần đầu tiên trong đời đến họ hàng, bè bạn vay tiền. Đấy chỉ là việc chữa cháy trong giai đoạn nhất thời. Còn về lâu dài buộc cha Thùy phải suy nghĩ, tính toán, đắn đo tìm cách cứu vãn. Và cha Thùy đã bật khóc khi quyết định cho anh trai Thùy nghỉ học. Nỗi đau của người cha làm thầy giáo phải bấm bụng cho con từ bỏ sách vở có khác nào nỗi đau của vị chủ tọa phiên tòa tuyên án tù giam cho chính con mình!
Bây giờ đã khác hẳn. Các anh chị em Thùy đều đã trưởng thành, đã lập gia đình, dư ăn dư để. Còn Thùy nối nghiệp cha, hằng ngày trên bục giảng, mỗi tiết học, đứng trước hơn 30 em học sinh thân yêu mà trong ánh mắt chúng luôn sáng ngời khát khao học tâp, khát khao cống hiến, với Thùy, một kỹ sư tâm hồn không có vinh dự, hạnh phúc nào to lớn bằng.
Kết quả sự thành đạt hôm nay phải chăng ngoài sự chuyên cần học tập của Thùy còn có sự hy sinh vô giá, đổ cả nước mắt, cả máu của cha mẹ Thùy ngày xưa?!