Làng tôi với Điện Biên Phủ (đăng TÁC PHẨM MỚI số 7/2014)

Một đêm cuối năm 1953, một thuyền ván đinh chở đầy gạo đang đi trên sông Chanh thì bị đâm phải cọc, thuyền đắm. Dân Trung Trữ gọi nhau ra cứu. Người quang gánh, thúng mẹt, gầu chậu khẩn trương vớt gạo, chuyển lên sân đình phơi khô, người mang ván gỗ, cưa đục hàn vá thuyền. Gao được hong khô lại gánh xuống thuyền không hề hao hụt. Gạo lại ra chiến trường lên Điện Biên Phủ. Tiếp sau, một đoàn Dân công hỏa tuyến gồm trên 30 anh chị khỏe mạnh, hăng hái lên đường tải lương, sửa chữa cầu đường, phục vụ chiến dịch. Chiến công này càng làm dày thêm truyền thống anh hùng của làng Trung Trữ chi viện Điện Biên.

Từ Hà Nội về làng Trung Trữ xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình chỉ mất hơn một giờ xe khách, Từ Quốc lộ 1A rẽ vào làng là 2 đường bê tông rộng thênh thang 8 thước. Đường vào làng bây giờ sánh ngang quốc lộ thời chiến thắng Điện Biên mà Nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi “Đường ta rộng thênh thang 8 thước”.
Sáu mươi năm trước Trung Trữ không có đường vào làng. Mùa lũ lụt làng như một hòn đảo, bốn bề mênh mang sóng vỗ. Phương tiện đi lại là thuyền nam. bè mảng. Một vùng đồng trắng nước trong  bèo tây rong rêu bồng bễnh xuôi theo dòng trôi ra biển. Trong những đám rong bèo ấy có khi lẫn xác súc vật, đôi khi mang theo xác người chết đuối. Người làng lặn lội như con cò con vạc lần hồi kiếm con cá con cua sống qua ngày. Khi heo may về, mùa khô đến, nước rút, trơ lại ruộng thấp ruộng cao. Vài con đường ngoằn ngoèo dẫn bước chân người chân trâu ra đồng cày ruộng, cấy gặt. Nếu kể được thì có con đường từ xóm Nam qua nghĩa trang, qua quèn núi Dếnh, qua làng Phú Gia, La Vân ra Quốc lộ 1. Có lẽ đây là đường liên thôn đáng kể. Còn mấy con đường khác từ xóm Đông ra cầu Gỗ đi đồng mầu, từ xóm Nam đi Quán Vinh. từ xóm Tây ra Bến Hàng  đi thẳng ra nội Dện, ngoặt phải đi Bãi Trữ, đến thời kỳ Hợp tác hóa đi Bãi Trữ thay bằng đường Sau Đồng, Kể ra làng có đến 5 cửa ô  nhưng lầy lội không thể gọi là đường. Một trận mưa lụt làng lại như hòn đảo giữa biển nước mênh mông...
Làng Trung Trữ, nằm giữa 3 con sông Hoàng Long, sông Chanh, sông Đáy với Quốc lộ 1 và cầu Gian Khẩu nổi tiếng. Xa xưa là tiền tiêu của quân Tây Sơn Đô Đốc Vũ Đình Huấn tiêu diệt đồn Gian Khảu tiến về giải phóng Thăng Long mùa xuân Kỉ Dậu – 1789.
Tháng 12 năm 1948 Du kích Trung Trữ đã đánh lui trận càn lần thứ nhất, tháng 10 năm 1951 thắng càn lần thứ hai.  Làng Trung Trữ lập công lớn được Nhà nước tặng “Bằng có công với nước”. Xã Ninh Giang được Nhà nước phong tặng “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Du kích Trung Trữ đánh giặc theo cách riêng rất đăc sắc, ngoài việc phải xây dựng lực lượng mạnh về quân số, trang bị vũ khí, hậu cần, cứu thương, du kích dùng ngọn núi Chùa làm đài chỉ huy đánh nghi binh. Ông Đinh Thế Thư có dọng vang như sấm, dùng chiếc loa sắt phát lệnh thông báo hướng tiến quân của giặc lệnh Đại đội này Trung đội kia tiến đánh. Khiến địch hoang mang hò nhau vác xác đồng đội rút chạy. Từ bên kia bốt Hoàng Đan, địch tức tối cứ nhắm đỉnh núi đá mà nã đại bác. Khác nào đem trứng chọi đá, phí đạn, chẳng làm gì được Đinh Thế Thư lúc này đã ung dung ngồi trong hang đá an toàn.
Nhân dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điên Biên Phủ, ôn lại chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ấy, nhớ về thành tích của quân dân làng Trung Trữ chia lửa với chiến trường Điên Biên Phủ. Cũng như các địa phương miền đồng bằng Bắc bộ: Hải Phòng, Hải Dương trên đường số 5, từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nam. Hưng Yên , từ Tây Nguyên, Nam Bộ, ngày nào cũng có tin chiến thắng. Ngày 4/3/1954 quân ta đột kích sân bay Gia Lâm đốt cháy 18 máy bay, ngày 6/2/3/1954 đột nhập sân bay Cát Bi phá hủy hơn 50 máy bay. Tại Ninh Bình, ngày 15 tháng 10 năm 1953 địch mở chiến dịch Hải Âu sử dụng 22 tiểu đoàn đánh ra Rịa – Nho Quan. Chiến dich Tây Nam Ninh Bình này (Từ 15/10 đến 6 tháng 11) Đại Đoàn 320 đã tiêu diệt trên 4.000 tên địch.
Sau chiến thắng Tây Nam Ninh BÌnh, Đại đoàn 320 tiếp tục đánh mạnh giải phóng nhiều vùng rộng lớn Đồng bằng Bắc bộ. Ngày 21 tháng 1 năm 1954 dân làng Trung Trữ biết đêm mai Bộ đội sẽ đánh bôt Hoàng Đan, mọi người náo nức đón chờ chiến thắng. Chiều tối Bộ đội từ các nhà dân, tập hợp xuất quân. Bọn trẻ con tò mò, biết cái thùng phi thủy lôi dấu trong hang chùa đã được chuyển ra sông cái chờ tầu chiến địch từ Thị xã Ninh Bình lên chi viện. Ta đánh tầu chiến  chắc khi thủy lôi nổ  sẽ có một tiếng nổ long trời chuyển đất. Một cột nước cao lưng trời như rồng phun.Trẻ con háo hức chờ. Đúng vậy. Đêm 21 ta tấn công bốt Hoàng Đan, phục kích ở Bồng Xuyên đón tầu chiến địch. Kết quả ta tiêu diệt đại bộ phận tiểu đoàn 6 ngụy, 2 đại đội ngụy của tiểu đoàn GMVN, bắn rơi 2 máy bay. Giải phóng Hoàng Đan, mở thông con đường giữa vùng tự do Ninh Bình vào vùng địch hậu Nam Định, Thái Bình.
Đêm ấy súng nổ như sấm rền, pháo sáng, đạn các cỡ sáng rực ngã ba Gián Khẩu, dân làng Trung Trữ trèo cả lên núi Chùa hò reo nhìn thích mắt. Gần sáng, bộ đội dẫn giải về nào tây nào ngụy, cả vợ con chúng, từng xâu ngồi xếp xó một góc chợ Trữ. Mấy bà bán hàng chợ nhận ra mặt mũi mấy con vợ lính, còn nghe nó nói kia là hàng thịt chó ông Dục, hàng bún mắm tôm ông Vỵ. Thì ra từ bốt Hoàng Đan chúng nó vẫn mang hàng lậu sang đây bán, ăn nhậu, mua lương thực thực phẩm về.
Từ những ngày cuối năm 1953 người Trữ, lặng lẽ giúp bộ đội về làng. Bộ đội mượn nón mê, quần áo nâu sòng, cái giỏ bắt cua, cái liềm cắt cỏ hóa trang thành nông dân nem ra tận bờ sông Đáy ngã ba Gián đưa ống nhòm quan sát sự di chuyển của địch bên kia bốt. Cánh đông Lau hoang hóa từ ngày địch đóng bốt, lau lác mọc như rừng, che mắt bọn địch, ngụy trang bộ đội  đi trinh sát.
Ta thắng lớn nhổ được bốt Hoàng Đan, dân Trung Trữ hò nhau đi phá bốt. Cái bốt giặc án ngữ ngã ba sông đã gây bao tội ác. Hai lần càn vào làng đốt phá, cướp của. Chúng còn ngồi trên nóc bốt nhắm từng con trâu cày, ngắm cả người thợ cấy mà bắn như bắn bia. Cái bốt tội ác ấy đã bị nhổ trong một đêm.  Chiến công ấy làm nức lòng chiến sĩ Điên Biên. Sau này 5 anh Bộ đội làng Trữ vinh dự được đánh trận Điên Biên nói lại vậy. Đó là anh Đinh Văn Toại có 2 năm học pháo binh ở Trung Quốc, cuối năm 1953cùng đơn vị sang Trung Quốc nhận về 24 khẩu pháo 105 và 40 xe cam nhông chuẩn bị cho chiến địch Điện Biên Phủ. Đó là anh Ngô Quang Triên pháo binh - người đã tham gia chương trình của Lại Văn Sâm trên VTV3 đặc biệt xuất sắc vì anh là lính Điện Biên, anh nhớ từng chi tiết trả lời không sai một câu. Đó là anh Đinh Đức Thịnh pháo binh. Anh Đinh Túy cũng pháo binh. Đó là Bùi Trung Chử lái xe. Năm anh em chiến sỹ Điện Biên nay chỉ còn anh Chử đã ngoại 80 tuổi.
Một sự kiện thầm lặng nữa của Trung Trữ.
Trong chiến dịch Đông Xuân 53-54, vào một đêm cuối năm 1953 một thuyền ván đinh chở đầy gạo đang đi trên sông Chanh thì bị đâm phải cọc, thuyền đắm. Dân Trung Trữ gọi nhau ra cứu. Người quang gánh, thúng mẹt, gầu chậu khẩn trương vớt gạo, chuyển lên sân đình phơi khô, người mang ván gỗ, cưa đục hàn vá thuyền. Gao được hong khô lại gánh xuống thuyền không hề hao hụt. Gạo lại ra chiến trường lên Điện Biên Phủ. Tiếp sau, một đoàn Dân công hỏa tuyến gồm trên 30 anh chị khỏe mạnh, hăng hái lên đường tải lương, sửa chữa cầu đường, phục vụ chiến dịch. Chiến công này càng làm dày thêm truyền thống anh hùng của làng Trung Trữ chi viện Điện Biên.
Đầu năm 1954, anh Ngô Hoàng Châu quê Trung Trữ là sỹ quan Tuyên huấn Đại đoàn 320 về thăm mẹ, vui mừng ta đã nhổ gọn bốt Hoàng Đan liền tự làm một triển lãm tranh tranh ảnh treo dọc đường làng phục vụ bà con đi làm đồng về thỏa mắt xem và bình luận. Anh thu thập những mẩu tin trên báo và đặc biệt là những bức tranh biếm họa có biếm họa anh tự vè, xếp đặt theo chủ đề để bà con dễ hiểu dễ nhớ. Dân Trung Trữ thích thú nhất bức biếm họa tên tướng Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tướng Đờ Lát ĐờTát Xi Nhi ngồi bó gối khóc con trai là viên trung úy vừa chết trận tại Non Nước Ninh Bình.
Nhổ được bốt Hoàng Đan, làng Trung Trữ mở hội mừng chiến thắng.
Ở một làng quê đồng trắng nước trong, lần đầu tiên có đèn đường, lần đầu tiên có chiếu bóng, lần đầu tiên có văn công biểu diễn...
Đèn đường. Đúng vậy, cột đèn dựng bằng tre, cứ 50 bước chân dựng một cột đèn. Đèn tự tạo bằng cách lấy chai gù đựng dầu hỏa cắt hai đầu làm bóng. Không có dao cắt kính thì dùng lạt giang hoặc lạt tre, khoanh tròn vào chổ định cắt rồi tẩm dầu hỏa đốt một lát thấy được thì nhúng chai vào nước lạnh hai chỗ bị đốt ấy sẽ tách ra, thế là được cái bóng đèn che gió, đế đèn là gỗ, bầu đèn là lọ mực sạch, bấc đèn xe bằng chỉ trắng, dùng 2 sợi giây thép dóng lên làm quai xách. Tối tối thắp đèn treo lưng chừng cột. Đường làng có đèn sáng, tất nhiên không sáng bằng đèn điện bây giờ, nhưng đấy là nét trang hoàng độc đáo.
Buổi biểu diễn văn công đầu tiên. Cuối năm 1953, Bộ đội về làng. Đội Văn công  Sư đoàn được cử về biểu diễn phục vụ Nhân dân và Bộ đội. Có ca nhạc và diễn kịch. Vở kịch mang tên gì, tôi không nhớ chính xác nhưng tình tiết thì còn nhớ. Đó là câu chuyện về nông dân vùng lên đấu tố địa chủ. Người xem xúc đông quá, lòng căm thù sôi lên suýt nữa thì một chiến sĩ giương súng bắn nhân vật địa chủ trên sân khấu, may phát hiện kịp ngăn lại. Ít lâu sau Trung Trữ tự lập ra đội Văn nghệ của mình để phục vụ bà con.
Trước khi dân Trung Trữ được xem chiếu bóng do đội chiếu bóng số 41 về chiếu 2 tháng một tối, thì xem Bộ đội chiếu “Ảo đăng”. Chỉ có hình  nối tiếp nhau, xem hình trên màn ảnh nghe người thuyết minh nói. Dân chúng xem như xem hội. Bọn trẻ con bắt chước tự vẽ hình  rồi làm đèn chiếu lên tường cũng vui ra trò.
Đã 60 năm, khi còn là cậu học trò trường làng, những gì hào hùng nhất của quê hương góp phần vào chiến công chung chiến dịch Điên Biên Phủ toàn thắng, nay vẫn nhớ như in. Thắng trận Điện Biên Phủ, các anh bộ đội về làng, dạy thiếu nhi hát “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành, mang xòe Thái, nhảy Sạp, múa Nón dạy thiếu nhi múa. Chúng tôi cắt hoa văn bằng giấy màu dán vào khăn vuông làm váy Thái, vót gọng tre phết giấy màu làm ô xòe Thái, mang sào ra sân đình múa sạp.
Từ Điện Biên Phủ lan tỏa mọi miền đất nước âm vang tận hôm nay.
Hà Nội, tháng 3 năm 2014
Bài đăng Tác phâm mới số 7