Kỳ án
I.Không! Chưa có đơn khởi kiện, hồ sơ chưa có, án chưa thành, toà chưa mở, sao gọi là kỳ án được? Nhưng ở phường Văn Xá mọi việc cứ rối lên như canh hẹ. Ngoài đường phố, trong ngõ hẻm, đâu đâu người ta cũng xôn xao cho là một kỳ án. Bởi vì sự việc lạ lùng quá, thê thảm quá, từ xưa đến nay dân Văn Xá chưa thấy bao giờ. Cũng chẳng thể ngờ, nhân vật chính trong kỳ án lại là một chị nông dân hiền lành như đất, chưa từng to tiếng với ai bao giờ. Phải, mọi việc đều có thể…
Ảnh chỉ mang tính minh họa
II. Heo may trở lạnh. Cái lạnh đầu mùa se se không buốt giá nhưng chị vẫn co ro, so vai, khép áo cho gió khỏi lùa vào. Chiếc áo rách để hở bờ vai của người đàn bà chưa đầy ba mươi tuổi. Không phải chị không biết may vá để đến nỗi không vá nổi mụn vai. Dù vai áo khó vá, nhưng với chị không khó. Ngay từ hồi lên chín lên mười, mẹ mất sớm, chị đã nổi tiếng là một chị cả khéo tay chăm lo bếp núc, thêu thùa may vá cho các em. Chỗ rách trên vai áo lúc sớm mới sứt chỉ, bây giờ đã toang ra. Giá như chị có thời gian khâu lại chỗ sứt ngay từ đầu thì có lẽ sự việc sẽ khác. Khốn nỗi, hơn một tuần nay chồng nằm viện, ngày nào chị cũng đầu tắt mặt tối ra đi từ lúc tang tảng sáng cho mãi đến khi nhá nhem tối mới trở về, chưa kịp bước vào trong nhà, chỉ kịp treo chiếc nón lên vách là lại sấp ngửa chạy sang nhà chị Mùi đón thằng cu Tý. Thằng cu Tý mới bốn tuổi, chiều tối mà không có mẹ là cứ khóc ngằn ngặt, chị Mùi lớp Mầm non dỗ thế nào nó cũng không nín. Vậy nên vừa mới về, chân ướt chân ráo là chị đã vội đi đón con. May mà có chị Mùi, cô bạn thân từ hồi còn đánh chắt đánh lú, nên hết giờ ở trường Mầm non, Mùi đem cu Tý về, nếu không thì chị chẳng biết xoay trở ra sao. Vồ vập đón con về, lại tất tả giặt giũ, cơm cháo cho con, tới khi trệu trạo nuốt xong miếng cơm thì đã khuya, mệt mỏi bã người, còn hơi sức đâu nữa. Vẫn biết đi ra ngoài mà mặc áo hở vai đối với người đàn bà là rất không nên. Nhưng chị đâu có thì giờ chăm lo cho bản thân mình. Tất cả đều dồn cho chồng cho con. Trong nhà có cái gì đáng tiền là đã bán hết, kể cả quần áo cũ, còn đâu mà nghĩ đến việc mua sắm may mặc nữa. Tối qua, khi phát hiện vai áo sứt chỉ, nhưng mệt quá lăn ra ngủ, sáng nay vội đi sớm nên không kịp khâu lại. Một tý sứt chỉ trên vai áo, mấy ai để ý mà thấy được. Chẳng ngờ một tý sứt chỉ ấy đã làm khổ chị. Nó hé lộ da thịt nõn nà thơm mát trên bờ vai tròn lẳn của người đàn bà một con. Chị không dám nghĩ nữa, vội co mình, khép áo, cum cúp bước đi tránh cơn gió lạnh. Nhưng miếng áo rách đã phơi trần cả một bờ vai cho gió thổi vào. Thực ra, cái gió trở mùa chưa đến nỗi buốt giá, nhưng chị vẫn run lập cập, bởi cái rét ở chị là cái rét từ trong gan ruột rét ra.
Chị len lén đi men mép đường, cái nón trên đầu nghiêng nghiêng che khuất khuôn mặt trắng xanh, bơ phờ, mệt mỏi và đầu tóc rối bù, xoã xượi. Chị cúi mặt xuống, sợ có người trông thấy. Vậy mà đến chỗ quẹo vẫn có tiếng hỏi: “Chị Phượng đấy a? Đi đâu về mà vội vã thế?” Bất chợt nghe tiếng người hỏi, chị giật mình, không dám ngẩng lên nhìn xem ai, chỉ ục ặc như cóc ngậm vôi và cúi gằm mặt rảo bước. Cảm giác của người ăn vụng bị bắt quả tang. Nếu đất có lỗ nẻ, chị chui xuống ngay. Dơ duốc! Còn gì nữa mà dám ngẩng lên nhìn mọi người. Càng không dám nhìn mặt chồng.
Anh Bảo đã dặn chị phải cảnh giác thằng Tuần. Bởi anh biết rõ hắn từ thời cùng học ở trường phổ thông. Hắn học dốt như bò, bài vở đều nhờ anh làm hộ. Hắn chỉ được cái đẹp mã, bẻm mép, mưu mẹo và sính gái. Nhờ thế mà hắn đã tán tỉnh được một cô gái, con của một vị lãnh đạo tỉnh, ả đã trót có thai với một lãnh đạo khác còn to chức hơn bố, rồi lấy ả làm vợ. Dựa vào bố vợ, hắn đã tiến thân không ngừng. Đến bây giờ hắn đã thành một chủ tịch quận nổi tiếng giàu có và quyền uy. Hắn cũng có bằng đại học, cả bằng Tiến sỹ nữa. Toàn là những bằng hàm thụ mà hắn dùng tiền mua. Cơ chế hành chính còn nhiều lỗ hổng. Một anh dốt nát, viết một báo cáo đơn giản cứ diễn đạt quanh co, chưa thoát khỏi lỗi câu và lỗi chính tả mà cứ cao giọng giao giảng bằng tiến sỹ và vênh vang lên mặt chủ tịch quận. Dưới hắn có cả một bộ máy giúp việc cồng kềnh đồ sộ, từ văn phòng, thư ký đến các nhân viên đủ các hạng. Việc gì cũng có người nghĩ thay, làm thay, hắn chỉ cần đọc cho trôi chảy bản báo cáo viết sẵn ở hội nghị là được. Công việc chủ yếu của hắn là tiếp khách, giao tiếp, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Những việc đó hắn có tài và hắn đã ra sức trổ hết tài năng nhằm nâng cao quyền hành, tài sản của hắn. Hắn không từ một thủ đoạn nào để đạt mục đích chính trị và kinh tế. Đối với hắn, tiền tài và quyền chức là hai mặt của một vấn đề, có tiền là có chức, có chức là có tiền, hai thứ đó bổ sung cho nhau, tôn vinh nhau lên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Dự án toà nhà Đa chức năng chỉ là một mẹo nhỏ của Tuần. Hắn thông đồng với chủ đầu tư chiếm hơn 7.000m2 đất. Lý do thật đơn giản: Thành phố mở rộng, huyện thành quận, đất ngoại ô thành đất nội đô, cần phải tạo một điểm nhấn về kiến trúc để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thiết kế, toà nhà cao 19 tầng, có 2 tầng ngầm, là một công trình kiến trúc to đẹp nhất ở cái huyện mới chuyển thành quận này. Hơn 7.000m2 đất nằm trong dự án, chỉ có 540m2 là đất và ao của ba hộ gia đình, còn lại là trường phổ thông cơ sở. Đối với trường, quận đã lập dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt cấp kinh phí xây một ngôi trường ba tầng to đẹp, cách địa điểm cũ 1km. Đối với ba hộ gia đình, Tuần biện luận: Dự án nằm trong quy hoạch đô thị của quận, đã được thành phố phê duyệt nên giá đền bù được áp theo giá Nhà nước, ở đây là 3.400.000đ/m2. Em vợ Tuần có 200m2 đất liền kề, khi cắm mốc, Tuần đã chỉ đạo không đưa vào dự án, mới đây đã có người hỏi mua với giá 50.000.000đ/m2. Như vậy mà Tuần vẫn ép dân, dùng mọi biện pháp hành chính bắt họ phải nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Chỉ riêng dự án toà nhà Đa chức năng, chưa tính số thiệt hại của dân, Nhà nước đã thất thoát hơn 300 tỷ đồng. Để leo lên đến cái ghế chủ tịch quận, ngoài ô dù, Tuần đã phải tiêu phí gần trăm tỷ đồng, bây giờ thu lại, bù vào gốc và còn phải có lãi. Không gì lãi bằng làm quan. Làm quan, cứ có dự án, có công trình xây dựng trong địa bàn mình quản lý là có tiền, tiền tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ là chuyện thường. Vì thế Tuần đã câu kết với một số người tiến hành bán đất, vơ tiền đút túi cá nhân. Nhà anh Bảo có 100m2 đất trong dự án, tính sơ sơ cũng thiệt hại gần năm tỷ đồng. Số tiền đó đối với vợ chồng Bảo Phượng là quá lớn, mấy đời người cũng không làm nổi. Vậy mà bỗng dưng bị mất! Như thể bị cướp giữa ban ngày. Cho nên Bảo đã cùng hai gia đình kia làm đơn khiếu nại, không bàn giao mặt bằng vội. Anh dựa vào các văn bản Nhà nước: Dự án toà nhà Đa chức năng là dự án hoàn toàn có tính chất thương mại của một công ty tư nhân, không phải dự án quốc phòng, dân sinh, lợi ích công cộng. Vì thế giá đất phải theo giá thị trường, do chủ đầu tư và người có đất thoả thuận với nhau. Luật pháp rõ ràng như thế nhưng Tuần đã gạt đi. Hắn chỉ đạo ban Giải phóng mặt bằng của quận đứng ra làm thay chủ đầu tư, dàn xếp mọi việc, bắt các gia đình phải nghe theo, không cho gặp chủ đầu tư. Đơn khiếu nại vừa mới gửi đi thì Bảo vướng ngay vào vụ tai nạn xe máy, gãy chân, gãy xương sườn, phải nằm viện và còn bị doạ là sẽ phải ra hầu toà. Thấy Phượng hoang mang, Bảo dặn vợ: Tai nạn xe máy là có kẻ dàn dựng. Chúng đã thuê một đối tượng nghiện hút gây ra vụ đâm xe để triệt hạ vợ chồng anh, buộc anh phải nhận tiền, bàn giao đất. Nhưng anh có lẽ phải, làm đúng các văn bản hướng dẫn của Nhà nước. Bọn thằng Tuần có cả một bộ máy tham nhũng, cửa quyền, móc ngoặc, chèn ép dân, nhưng chúng vẫn phải sợ công lý. Thế nào Tuần cũng cho người môi giới đến gây sức ép. Nếu chúng đến, phải cương quyết yêu cầu làm đúng các văn bản hướng dẫn của Nhà nước.
Đúng như Bảo dự tính, bà bác của Tuần tìm đến tận nhà gặp Phượng. Bà ta cho biết: Là chỗ bạn bè nên chủ tịch quận muốn bàn riêng với anh chị về đất đai. Còn vụ đâm xe máy, gia đình bên kia làm rất găng, không cẩn thận thì sẽ phải ngồi tù. Những việc này có Tuần đứng bên là xong ngay. Ghé sát tai chị, có vẻ bí mật, bà ta thì thầm: “Ba gia đình cỏn con làm đơn kiện cáo không thể đối đầu được với một bộ máy đồ sộ có rất nhiều quyền lực và tiền của đâu!” Phượng nghe, lúc đầu còn dửng dưng, vì biết là cái mẹo của Tuần định chia rẽ ba gia đình, nhưng rồi sau hoang mang, vì thấy rõ gia đình nạn nhân xe máy làm to chuyện. Người thanh niên bị xe đâm tuy không bị thương nặng như Bảo, nhưng gẫy chân cũng là tai nạn lớn. Chị đã bán hết tài sản trong nhà để thăm nom và đền bù mà họ chưa nghe, vẫn doạ ra toà. Chẳng lẽ để chồng đau yếu phải ra hầu toà hay sao? Thôi thì cứ đến, xem ý Tuần như thế nào rồi sẽ liệu.
Toà biệt thự màu xanh của Tuần nằm trong một khu vườn xanh mát và yên tĩnh ở ngoại ô. Với một thái độ hết sức nhã nhặn, hắn tỏ ý thông cảm và chia sẻ với Phượng những khó khăn chồng chất, bàn với chị nên giao đất để có tiền lo cho chồng. Nếu chị nghe, hắn sẽ dàn xếp mọi việc có lợi cho chị. Miệng hắn nói ngọt như rót mật vào tai, nhưng mắt hắn thì cứ nhìn chòng chọc vào chỗ sứt chỉ trên vai áo chị. Chị đã ý tứ kéo áo cho khỏi lộ bờ vai. Hắn vẫn nhìn như đóng đinh vào da thịt chị: “Em muốn chồng khỏi nạn mà không có tiền, cũng không chịu bàn giao đất? Giọng hắn mát ngọt như đường phèn - Thôi được, anh sẽ giúp, nhưng phải trả công anh”. Hắn ôm lấy chị, xé toang vai áo, cắn vào bờ vai. Chị cố vùng ra. Nhưng sức lực của người đàn bà đã suy kiệt vì phải thay chồng gánh vác quá sức, không thể đương nổi sức lực của một con đực đang hăng máu. Xong việc, hắn xoè ra trước mặt chị một xấp tiền. Chị ném trả xấp tiền vào mặt hắn rồi băng ra ngoài.
Ra đến ngoài đường, bơ phờ rã rượi, lại gặp ngọn gió heo may thổi tới, chị cảm thấy lạnh. So vai, khép áo, vẫn run lên. Nghe tiếng người hỏi, càng run hơn. Bây giờ mà về, mọi người nhìn thấy dáng vẻ tả tơi như thế này thì còn mặt mũi nào nữa? Càng không dám nhìn chồng nhìn con! Đi đâu về đâu bây giờ? Rời rã, buồn chán, chị ngồi bệt xuống vệ đường. Con đường ngoại ô trải bê tông phẳng lừ, chạy tít tắp. Bên đường, những ô thửa lô nhô, vườn cây, ao cá, lò trại, công trường đan xen nhau. Chị ngồi dưới gốc một cây gạo, gần đó là vườn cây ăn quả, xa xa là xóm làng, có vạt khói ngoằn ngoèo bay lên. Chị không chú ý đến quang cảnh xung quanh, nhưng cái màu xanh tươi mát đã làm cho chị bình tĩnh lại. Chị duỗi chân duỗi tay, vận động cho ấm lên. Một lúc sau lại sức, đầu óc tỉnh táo, chị đứng dậy, búi mái tóc cho gọn rồi xăm xăm quay trở lại ngôi biệt thự màu xanh.
Chị cảm thấy mình đang tròng trành giữa một vùng trắng toát. Cái màu trắng ấy bồng bềnh như sương như khói, như thực như hư. Lãng đãng như có những âm thanh ở đâu đó. Chị cố níu lấy những âm thanh mơ hồ, xa lắc. “Phượng ơi! Em ơi!...”. Âm thanh mơ hồ cô đọng lại thành dòng sữa. Chị uống từng giọt sữa trắng thơm, ấm ngọt. Dòng sữa tiếp sức cho chị. Chị gắng sức mở mắt. Cái màu trắng bao quanh chị không còn bồng bềnh hư ảo nữa. Nó đã định hình và chị ý thức được nó là vải trắng. “Tỉnh rồi! Mở mắt rồi. Em ơi, Phượng ơi!...” Dòng sữa cạn kiệt. Màu trắng lại bồng bềnh hư ảo và chị thấy như mình đang bay lơ lửng giữa trời cao. Dưới chân chị hiện ra một thành phố có nhiều vườn hoa, nhiều toà lâu đài vàng son tráng lệ. Toà lâu đài của chị ở dưới đó. Đã định bước xuống, nhưng nhìn kỹ, lâu đài biến thành nhà mồ, vườn hoa thành vòng hoa. “Mình đã chết đâu mà ở nghĩa địa”. Chị không bước xuống nữa, cố lấy sức cựa mình, hé mắt. Lại gặp dòng sữa ngọt. Chị uống sữa như ngày xưa bú bầu vú mẹ. Dòng sữa chạy râm ran thơm ấm trong cơ thể, tiếp sức cho chị. “Mẹ ơi!”Không phải sữa, là tiếng gọi. Chị uống những âm thanh ngọt lành vào trong người. “Mẹ Phượng ơi!...” Những âm thanh non tươi ấm ngọt lay thức chị. Tiếng nghe êm ái thương thương. Tiếng thằng cu Tý? Và lại nữa, những âm thanh thiết tha trầm ấm: “Em ơi, Phượng ơi!...” Tiếng anh Bảo, chồng chị? Chị níu lấy những âm thanh thân thương như thể người chết đuối vớ được cọc. Từ từ mở mắt, chị nhận ra gương mặt chồng, gương mặt con, có cả cô bạn Mùi và nhiều người khác nữa. Họ đến làm gì đông thế? Ai cũng mặc áo trắng. Giường nằm cũng trắng toát. Một người áo trắng nghiêng xuống nhìn chị rồi gật đầu: “Tốt rồi! Tiếp tục cho truyền máu là chóng hồi sức”. Chị đang nằm ở bệnh viện.
III. Phường Văn Xá chỗ nào cũng sôi nổi câu chuyện về chị Phượng. Ai cũng lắc đầu, xanh mắt, ghê rợn. “Này, thấy chưa? Con quỷ Tuần bị chị Phượng xẻo gọn cả cụm của quý đi đấy!”. “Rồi! Lưỡi lam sắc ngọt lắm mà! Nhưng không phải chỉ có thế thôi đâu. Từ việc này sẽ hé lộ những việc khác, làm phơi mặt chuột cả một lũ tham nhũng, lộng quyền, ức hiếp dân ra giữa ban ngày cho mà xem”. “Cũng có thể. Báo chí rồi sẽ lên tiếng. Nghĩ mà thương cho chị Phượng, nếu chỉ cắt bộ hạ của con quỷ, đừng cắt cổ mình có phải là hay không”. “Biết vậy! Nhưng phụ nữ mà bị làm nhục là đau đớn nhất, ối người muốn tự tử, chẳng riêng gì chị Phượng”. “Nghe đâu bác sỹ đã khám nghiệm, thấy có cả tinh dịch của thằng Tuần trong tử cung của chị Phượng”.“Giời ơi, lại còn thế nữa! Thật là một kỳ án!”
Tin cùng chuyên mục
Cha Mẹ tôi - Niềm tự hào của gia đình tôi
26/07/2014
Ký sự nhân vật của Nguyễn cao Thâm
16/07/2014
Sống thử
09/07/2014
Bến Mê
07/07/2014
Đau đáu Hoàng Sa
30/06/2014