Điểm dừng

"Cuộc đời con người là một chuyến đi, dài hay ngắn là do số mệnh, nhưng có điều là có đi thì cũng phải biết có điểm dừng. Ở đời cái quan trọng là biết dừng lại đúng lúc, đừng vì lòng tham danh, lợi mà làm thay đổi trật tự và quy luật thì mình phải trả giá mà có khi cái giá ấy nó quá đắt mất hết cả chữ “ tín” mà mình phải cố gắng tạo dựng cả cuộc đời mới có được. Khi đã mất lòng tin rồi thì không bao giờ lấy lại và không còn có cơ hội nào mà sửa lại được!" (Nguyễn Quang Tình)


Minh học của Nhà thơ Nguyễn TRọng Tạo

 

ĐIỂM DỪNG

 

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình

 

Tôi có ông bạn vong niên cùng cơ quan, làm việc với nhau đến vài chục năm nhưng mỗi người mỗi nghề, mỗi việc. Thỉnh thoảng vào lúc trao đổi công việc hoặc rỗi rãi, khi đi công tác họp hành ở xa trên cùng một xe có thời gian là lại nói chuyện. Ông ấy có tính xởi lởi, vui tính lại biết bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất, cười nói rất vô tư, đặc biệt ông có tài bắt chước tiếng nói của lãnh đạo các vùng miền, chuyện tiếu lâm hiện đại nên nhiều lúc đi trên xe được nghe chuyện của ông mọi người cứ cười nghiêng ngả. Những người làm cùng thuộc thế hệ trước bảo ông là người có thâm niên làm việc lâu nhất ở cơ quan này. Thấy ông già và làm công việc quản lý căng thẳng, bận bịu suốt ngày, sắp đến kỳ nghỉ hưu lãnh đạo quan tâm cho chuyển ông sang làm một công việc khác vừa để ông có thời gian nhàn rỗi đôi chút với lại làm cái công việc mà cả cơ quan chả ai làm và biết làm. Việc mới của ông thì cấp dưới chả thèm để ý, cấp trên không cần quan tâm, có nghĩa là cứ mặc cho ông làm được đến đâu thì làm, ông có thể ngồi chơi xơi nước cũng được, chờ đủ năm đủ tháng thì nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước quy định. Nhưng với ông thì ông lại không phải là con người như thế.

Ông bảo: Cả cuộc đời làm việc cần cù  chịu khó, chịu khổ theo trật tự, nội quy và nền nếp của nhà nước nó quen rồi, mình cầm tinh con lạc đà, càng già lại càng thích làm việc. Bây giờ có cho tôi ngồi không ăn lương tôi cũng không chịu được, tự mình xấu hổ và cảm thấy nhục nhã lắm! Vậy là ông vẫn đến cơ quan đều đặn, sáng đi sớm, chiều về muộn, rất ít khi thấy ông đau ốm.

- Có lúc tôi hỏi đùa ông: Ông không việc gì để làm ở nhà hay sao mà đến cơ quan sớm cho tốn điện, tốn nước?

Tưởng ông tự ái, nhưng ông bảo: Tôi nhiều tuổi rồi, đi làm hàng mấy chục năm nếu có lợi dụng được của nhà nước cái gì thì đã lấy xong rồi! Bây giờ ăn uống được bao nhiêu, phòng làm việc có mỗi cái máy điều hòa nhiệt độ cũ được trang bị gần mười năm rồi là to tiền nhất, tôi đến sớm một tiếng nhưng không bao giờ bật trước, vả lại  lãnh đạo quy định chỉ cho nhân viên bật, tắt đúng giờ thì tự mình có muốn làm mát cũng chả được!

Hôm rồi, tôi qua chỗ phòng của ông ngồi làm việc thấy ông viết liên tục trên máy, trước mắt là hàng tập, nhiều tập giấy a bốn được ông in ra biết bao nhiêu là chữ. Tôi không hiểu ông viết gì mà lắm thế, lúc nào cũng thấy ông viết, viết mải miết, cả ngày ít khi thấy ông đứng lên đi ra ngoài, cũng chả có ai đến làm phiền ông và cũng không người nào cần xin chữ ký của ông nữa vì bây giờ nó còn giá trị gì? Đặc biệt là người gọi điện đến trao đổi công việc, mua bán vật tư văn phòng, xin quảng cáo, đăng ký gặp lãnh đạo thì thưa hẳn, có đôi ba người cũ lâu không liên lạc và thiếu thông tin thì vẫn gọi nhưng khi nghe được câu trả lời của ông “Xin lỗi! Tôi không còn làm việc ấy nữa”. Thế là đối tác dập bỏ máy ngay lập tức, cứ có tý thời gian nào là ông lại tranh thủ viết, viết từ sáng đến trưa, trưa đến chiều, có hôm ăn cơm trưa xong lại thấy ông về ngồi miệt mài trên máy tính. Tôi nghĩ: cái ông này càng về già càng điên, viết gì mà cứ như người chưa bao giờ được viết, không khéo mắc bệnh ngộ chữ! Mà bây giờ có còn mấy người đọc nữa đâu mà viết?

- Tôi lại hỏi: Ông viết cái gì thế?

Dừng tay, nhìn tôi ông bảo: Tôi có còn quỹ thời gian lâu nữa đâu, những điều mình biết về cơ quan, đơn vị mình ghi lại để sau khi về nghỉ thì chuyển lại cho anh em. Còn một số chuyện kể về các anh em bạn cũ đã nghỉ trước có kỷ niệm với mình thì viết lại cho nhớ, sau này khi về già có mắc phải bệnh “mất trí nhớ”(Alzheimer) thì mang ra đọc lại, chuyện nào vui thì tự sướng, chuyện nào buồn thì bảo bạn bè, con cháu rút kinh nghiệm mà tránh cho khỏi xấu hổ, mất danh dự, uy tín!

- Tôi lại bảo: Sao ông không viết lấy một cuốn hồi ký dày dày để kể về công việc, chức vụ đã làm và đảm trách cùng các mối quan hệ trên dưới cho nó oai và “oách tơ nơ” rồi cho in đẹp làm tài sản riêng, dùng làm quà tặng và cũng để tự đánh bóng mình trước khi nghỉ?

- Ông phản ứng ngay: “ Ông hỏi thế và bảo tôi thế mà cũng là hỏi, bảo hay sao? Tôi đâu có làm vương tướng, phẩm hàm, chức tước gì ra hồn mà hồi với   ký, anh kỹ sư quèn đi làm ngày nào thì hưởng lương ngày ấy, tài cán hơn người gì mà dám tự phụ cao đạo lên mặt. Không bao giờ dám bảo ai phải làm cái này, đừng làm cái kia lại càng không dám nói và đụng đến mỹ từ “cống hiến” hoặc “công lao”… nghe nó buồn cười lắm!”

- Vậy thì cái chủ đề chính của ông là gì vậy?

- Tôi chỉ viết về phần cuối của cuộc đời, tức là điểm dừng, nên chỉ có đề cập chuyện đã xẩy ra chứ không bình luận mà chỉ để cung cấp thông tin còn bạn đọc tự hiểu!

- Ông cho tôi đọc trước một vài chuyện được không?

-      Ông bảo: Sẵn sàng, nhưng ông là người cũng sắp nghỉ chế độ thì nên đọc tập này! Mang tập chuyện ông đã viết về đọc thì cũng chả thấy có cái gì mới mẻ, đặc sắc mà đại loại là như thế này.

 

+ Chuyện A. Tôi được giám đốc phân công làm công tác tổ chức cho một cuộc chia tay anh Như Nguyễn – Cán bộ lãnh đạo cấp trên nghỉ hưu. Khi nói về tiểu sử và thời gian công tác, công lao cống hiến của anh với ngành mình đã gắn bó trên 40 năm…Kết thúc cuộc gặp mặt thân mật ấy, anh Nguyễn gặp tôi vỗ vai và bảo “ Không phải tớ sinh năm 194… ấy đâu, đấy là do mấy đứa tổ chức có tội, nó làm sai tuổi trong hồ sơ khi mình đang làm giám đốc mà chính mình lại quan liêu và chủ quan không để ý điều chỉnh, em trai và em gái tớ về hưu từ mấy năm nay rồi, tớ quả là thiệt thòi vì phải hy sinh và phấn đấu làm việc thêm mất 5 năm trời mới được nghỉ mà lương chả được tăng thêm bậc nào, hết bậc cuối cùng từ lâu rồi…thật quá khổ và thiệt thòi!”…

+ Chuyện B. Ông Trần Xi nghỉ hưu vào tuổi 63, Bộ chủ quản yêu cầu ông  sắp xếp chuyển giao công việc cho giám đốc kế nhiệm, ông này còn trẻ, du học ở bên Tây về rất giỏi chuyên môn lại là người thông minh hay chữ. Khi được thông báo nhận nhiệm vụ, ông đã chuẩn bị đề án cụ thể cùng kế hoạch điều hành theo phong cách mới. Nhưng ông Trần Xi vẫn không muốn nghỉ, chỉ muốn cống hiến và tiếp tục làm việc nên tìm mọi cách để không chịu bàn giao. Khi Bộ có quyết định chính thức ông đành phải nghỉ nhưng lại yêu cầu Bộ phải cho  được ở lại để làm cố vấn cho giám đốc mới. Nhưng ông tân giám đốc nói với tôi “Tôi không cần cố vấn. Nếu anh Xi vẫn thích làm việc thì sắp xếp một phòng để có chỗ cho anh ấy ngồi”

+ Chuyện C. Giám đốc Giảng nghỉ hưu đã 3 năm, nhưng do nhà ở gần cơ quan nên ông cứ sang chỉ đạo công việc cho những cán bộ đương chức. Ông nhắc cán bộ quản lý phải làm ngay việc này, nhân viên nọ phải thực hiện công việc như thế kia. Những người cũ đã làm việc với ông từ lâu ai cũng biết tính ông rất gia trưởng, độc đoán nên thấy ông nói họ cứ vâng, hoặc không nói gì lặng lặng bỏ đi chỗ khác. Có mấy anh nhân viên thấp cổ, bé họng không biết sợ là gì thì bảo lại ông “ Bác đã đến tuổi phải về nghỉ, mất chức, hết quyền rồi, sang đây làm gì? Lúc còn đương chức làm đã chả ra gì, bây giờ nói ai buồn nghe, có gì muốn nói, thèm quát thì về mà thể hiện với vợ con bác ở nhà?”. Ông ức quá, chúng nó không nói gì là nó khinh ông, còn lũ nhân viên mất dạy kia quả là hỗn láo, nếu còn làm việc ông sẽ kỷ luật kiên quyết cho chúng nó thôi việc. Đuổi hết! Cho cút tất. Về được đến nhà, miệng ông vẫn lẩm bẩm như đang quát tháo hồi đang tại vị, ông cảm thấy người mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, không biết trong mình đang tăng hay tụt huyết áp!

+ Chuyện D. Ông Hoàng Cù là cán bộ quản lý cấp trưởng có tính nhỏ nhen, tắt mắt, cố chấp. Có anh bạn đàn em cùng làm, giỏi chuyên môn, nhiều năng khiếu đã giúp đỡ gia đình ông Cù từ lúc còn nghèo khó. Nhưng khi được làm lãnh đạo ông trở mặt thay đổi tính nết, kéo bè cánh trù úm ngay cái người đã là ân nhân của mình, nhằm gạt bỏ nó ra khỏi vị trí. Trời xui đất khiến thế nào mà sau khi ông Cù được đề bạt lên chức vụ cao hơn, nhưng làm quản lý doanh nghiệp không phải là dễ, lỗ liên tục mấy năm, cấp trên lại chuyển ông về cơ quan công ty mẹ làm cán bộ phụ trách một bộ phận. Rồi cái bộ phận ấy làm việc kém lại bị giải thể, ông Cù còn hai năm nữa thì nghỉ nhưng ông vẫn làm đơn xin ở lại để cống hiến, chỉ cần có việc còn làm gì cũng được. Chả có bộ phận nào nhận, lãnh đạo đành nói với cán bộ quản lý bộ phận ngày trước nhận ông về. Chỗ ngồi ông lại phải đúng nơi ngày trước ông đã làm lãnh đạo, gặp đúng người cán bộ cấp dưới mà ông đã đè nén chèn ép bây giờ phụ trách ông. Đáng lẽ theo nguyên tắc thì chỉ bố trí ông làm cán bộ, nhưng nể tình anh em, anh phụ trách đề nghị cho ông Cù làm phó cho mình. Tưởng yên chuyện, nào ngờ đợi lúc anh đi vắng, ông Cù gặp giám đốc để đề nghị cho mình lên làm trưởng, còn anh cán bộ lãnh đạo đương nhiệm chuyển sang bộ phận khác! Giám đốc không thể chiều được ông. Đáng lẽ ông xin về ngay lúc phòng ông giải tán thì chức vụ, mức lương và phụ cấp vẫn giữ nguyên, vì muốn ở lại để lập mưu lật đổ người phụ trách và hòng kiếm thêm chút lợi lộc nên đến khi đủ tuổi để về thì lại bị tụt lương và phụ cấp chức vụ. Sau khi ông nghỉ, người thì bảo “Khôn cho lắm vào, chỉ tưởng có một mình là biết khôn, còn thì tất cả mọi người khác đều dại cả!”. Người khác lại nói “đó là bản chất rồi, có thay máu  cho ông ta cũng không thể tốt hơn lên được”!

+ Chuyện E. Ông Quốc chả có tài cán gì, học hành và kiến thức hiểu biết vào loại thường (nếu không nói là quá tầm thường) nhưng chả hiểu sao mà ông cứ được thăng tiến liên tục trên con đường “quan lộ”.Ông có cái tính hơi khác người là rất ghét, thậm chí ghét cay, ghét đắng những cán bộ dưới quyền mà được mọi người công nhận và khen là giỏi, đặc biệt là những cán bộ đã từng làm việc với cán bộ lãnh đạo cũ còn ở lại làm và giúp việc cho ông. Chức vụ cao thì đồng nghĩa với nhiều quyền, nhiều tiền và bổng lộc. Vì thế ông không muốn nghỉ hưu, mà chỉ muốn làm việc và “chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng. Nhưng đã là luật thì ai cũng phải chấp hành, luật nào chiều nổi ông được, mặc dù dùng trăm phương, nghìn kế nhưng vẫn phải về. Lúc còn đương chức, bao nhiều người cần và nhờ cậy ở nơi ông, kẻ mua quyền là cấp dưới, người bán chức là ông. Ông ban phát, nâng đỡ cho những kẻ bất tài nhưng khéo xu nịnh. Kết quả là khi về hẳn hết người đến, nhà cao cửa rộng nhưng vắng vẻ như ngôi miếu cổ xa khu dân cư có nhiều ma quỷ! Tất cả vắng lặng ! Ngồi một mình, buồn nên ông tự  kiểm điểm và nghĩ : Giá như …

+ Chuyện G. Ông bạn tôi xuất thân từ công nhân, có học hành thêm rồi may mắn được làm cán bộ, thăng tiến dần dần rồi được bầu  vào ban chấp hành, phó rồi Chủ tịch. Làm công tác phong trào nên rất sợ lá phiếu bầu của quần chúng, may cho ông những năm cuối đời ông được làm liền hai khóa chủ tịch. Năm ngoái hết nhiệm kỳ thứ hai, đến tuổi sáu mươi nên phải nghỉ. Trò đời, khi đã có chức có quyền thì nhiều tiền nên khi sau đại hội, chuẩn bị bàn giao cho chấp hành khóa mới, ông thấy tiếc. Từ việc ấy khiến ông suy nghĩ, tự giận thân, nghĩ chán khi gặp tôi ông bảo: “Mình bây giờ mới biết và nhận ra là mình quá ngu ông ạ”!

-      Tôi ngạc nhiên rồi nói: “Ông định đùa và ám chỉ tôi chứ gì! Ông là người giỏi và khôn như giời, sao lại tự nhận là ngu được?”.

-       Ông lại bảo: “ Hồ sơ của tôi sinh năm 19…, biết thế này lúc đang làm việc mình bảo tổ chức nó chữa lại cái số cuối cùng là số 3 thêm có hai cái gạch nối nhỏ thành số 8 thì có phải là mình làm thêm được một khóa nữa không! Quả là dại, người đời có câu “Chó dại có mùa, người dại quanh năm!”. Tôi đành chịu không biết nói thêm câu nào nữa!

+ Chuyện H. Bà Ngọc Mai làm cán bộ lãnh đạo được khoảng gần 10 năm, đến tuổi nghỉ hưu nhưng do còn sức khỏe nên bà vẫn thích đi làm và kết quả là bà xin làm hợp đồng thêm được dăm năm nữa. Nhận xét cho thật khách quan, bà là người giỏi chuyên môn, văn hay, chữ tốt thuộc lớp người quý hiếm, nhất lại là cán bộ nữ nên càng khó tìm cho các doanh nghiệp nhà nước thời buổi này! Lúc còn đương chức thì không sao, nhưng khi đã nghỉ và thôi chức vụ bà lại không muốn truyền nghề nghiệp và kinh nghiệm cho đàn em thay thế. Có bao nhiêu tài liệu và kinh nghiệm bà mang về nhà cả. Anh trưởng phòng kế nhiệm hỏi “ Chị về rồi cho em xin lại những báo cáo sơ, tổng kết của các năm trước để em học tập và làm theo!” Bà Mai bảo lại: Cậu làm lãnh đạo thì phải tự học mà làm lấy chứ, mỗi người điều hành và viết văn theo một kiểu, học làm sao được! Hỏi chả được, xin thì không cho, anh Trưởng phòng tự tìm tòi và nghiên cứu tài liệu đồng thời học hỏi tham khảo thêm ở các bạn bè cùng ngành. Thế là tự mình trở thành một người viết và điều hành tốt công việc. Thấy người kế nhiệm làm việc tốt mà cũng không cần đến những kinh nghiệm của mình, bà Mai lại tự nghĩ: Giữ làm quái gì mấy cái tài liệu này cũ này, đáng lẽ nó hỏi thì mình cho và hướng dẫn nó thì có phải được tiếng là tử tế và cũng không bị mang tiếng là hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ hay không?

+ Chuyện I. Ông Trần Nhượng là cán bộ lãnh đạo lâu năm, ông có tài “Nịnh trên, gạt dưới”. Ai cũng bảo là ông khôn nhưng khôn lỏi, chỉ biết khôn về mình. Cái gì có lợi cho riêng ông và gia đình thì ông hết sức làm và làm cho bằng được, ông chỉ chịu ở dưới một vài người còn đứng trên chán vạn người khác. Khi sắp đủ tháng, đủ năm để về nghỉ thì ông tỏ ra hụt hẫng vì mức thu nhập chỉ còn được bằng một phần nhỏ lúc còn tại chức, đi đâu và đến chỗ nào cũng phàn nàn. Gặp tôi, nghe ông kể lể tôi bảo: ông nghỉ và hạ cánh an toàn, con cái trưởng thành hết rồi, nhà cửa đầy đủ, lương thế là cao so với mặt bằng xã hội rồi, ông là nhất đấy. Ông còn lăn tăn cái nỗi gì? Ông bảo: Nhưng mình cảm thấy khó thích nghi với việc ở nhà, chả có ai và rất ít bạn đến chơi cũng không có chỗ để mà chơi nên chỉ thích được trở lại cơ quan để làm việc! Trước khi nghỉ, gặp để chào mọi người, trong đó có mấy cô nhân viên tạp vụ ông khuyên: “Thời buổi bây giờ chúng mày nói năng in ít thôi, đừng có ý kiến hay thắc mắc gì mà mất việc đấy! Nhìn gương thằng Quang, hay nói thẳng, không biết nịnh nọt và lựa ý của lãnh đạo, thế là mất mẹ nó chức đấy! Nhiều tuổi rồi mà còn ngu, thiệt đơn lại thiệt kép!”

+ Chuyện K. Ông Lê Tưởng là một cán bộ mẫn cán, cả cuộc đời chỉ biết làm công việc phục vụ. Không tham gia việc đấu tranh phê bình, không thắc mắc đòi hỏi, tất cả các quyết định, công văn, chỉ thị, mệnh lệnh và cả “khẩu dụ” của cấp trên đều được ông chấp hành nghiêm chỉnh và gần như là tuyệt đối. Thu nhập chỉ có đồng lương, nhà ông không có đồ chơi, với lại cũng chả thấy ông mua các mặt hàng đồ gốm, sứ, tranh, tượng gì. Tôi đoán là do sở thích vả lại tiền có đâu mà sắm được những mặt hàng xa xỉ cao cấp ấy! Vậy mà buổi tối hôm vừa rồi tôi có việc qua nhà ông lại thấy ở bên ngoài cửa có một pho tượng gốm. Nhìn kỹ thì hóa ra đây là một bức tượng bằng đất nung trường phái Chăm pa (miền Trung- Nam bộ) tượng của một con khỉ cao bằng đứa trẻ khoảng chín tuổi có sáu cái tay (ba đôi), đường nét và bộ mặt con khỉ rất tinh anh, sống động. Hai tay trên nó dùng để bịt tai (không nghe), hai tay tiếp theo nó dùng để bịt mồm( không nói), còn hai tay nữa nó dùng để bịt mắt( không thấy). Thấy lạ, tôi hỏi:

- Này! Ông Tưởng, có thấy ông chơi tranh, tượng bao giờ đâu mà hôm nay đến lại thấy dở chứng có cả tượng khỉ thế?

- Ông Tưởng thủng thẳng: “Cả gia tài nhà tôi và riêng tôi chỉ có “con khỉ” này là đáng quý nhất, nó là thầy tôi, anh em với tôi vừa là bạn tri kỷ để tôi tâm sự, giãi bày lúc đau khổ, chung vui khi hạnh phúc. Tôi mua sắm được nó sau giải phóng miền Nam, mang về nhà để trong phòng ngủ chật hẹp mấy chục năm, không dám cho ai xem và cũng không khoe với người nào. Chính vì có được nó mà tôi sống, làm việc và tồn tại an toàn đến bây giờ chuẩn bị nghỉ hưu đấy! Tôi không phải như ông chỉ là cái anh kỹ sư, có trình độ chuyên môn hơn người một tý nhưng khi đi làm việc lại sử dụng hết cả “công suất” mắt- tai- mồm nên cái giá phải trả cho cuộc đời của ông cũng đâu có rẻ? Tiếc là ông cũng đã nhiều tuổi, hết giai đoạn cơ cấu, nếu còn trẻ tôi cho ông mượn ông “thầy khỉ” này về để dạy ông cách sống và làm việc thì chắc ông còn tiến xa !!!”

Chuyện của ông bạn tôi thì còn nhiều nhưng tôi tuổi cao, mắt kém nên chỉ đọc được có mươi câu chuyện… Ngồi lại với ông, tôi lại chủ động hỏi trước:

- Này ông! Sao chuyện của ông đọc và xem tôi thấy chả ra làm sao cả, trục trà  trục trặc, lẩm cà lẩm cẩm, lẩn thà lẩn thẩn thế nào ấy!

- Ông nói: Thì tôi đã nói trước với ông rồi, tôi có phải viết truyện tình cảm, truyện trinh thám hay tiểu thuyết mộng mơ ướt át đâu! Toàn là chuyện thật cả đấy, cuộc đời con người là một chuyến đi, dài hay ngắn là do số mệnh, nhưng có điều là có đi thì cũng phải biết có điểm dừng. Ở đời cái quan trọng là biết dừng lại đúng lúc, đừng vì lòng tham danh, lợi mà làm thay đổi trật tự và quy luật thì mình phải trả giá mà có khi cái giá ấy nó quá đắt mất hết cả chữ “ tín” mà mình phải cố gắng tạo dựng cả cuộc đời mới có được. Khi đã mất lòng tin rồi thì không bao giờ lấy lại và không còn có cơ hội nào mà sửa lại được! ông có nghe các cụ ngày xưa nói “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường” không? Mà khi đã có tiếng đồn việc làm không hay của mình thì nó giao thoa lớn và rộng lắm, không có cái gì ngăn được. Tôi thấy ông cũng cao tuổi cũng sắp đến giai đoạn phải nghỉ, quy luật là thế, ai chả phải nghỉ, ông chỉ sau tôi vài ba năm, tôi chả dám khuyên ông vì tôi có là mẫu mực tài cán gì đâu mà dám khuyên, chỉ nói là: Những năm cuối đời, ông cố gắng mà tích lấy tý đức cho con  cháu, đừng nên ham muốn và lộng quyền làm hại và khổ cho người khác, sau về cuối đời lại ân hận. Bài học cuộc đời nó nhãn tiền cả ra đấy, chắc ông giỏi giang nên nhìn rõ hơn tôi !!!

Hà Nội,  Rằm tháng Bảy năm Ngọ (10/8/2014)