Người nổi tiếng
Truyện này, tôi viết dựa vào cảm hứng về một nguyên mẫu có thật, tuy nhiên, nhiều tình tiết trong truyện là không có thật. Nếu ai đó thấy nhân vật trong truyện nhang nhác người nào đó thì cũng không phải là truyện viết về họ.
Vừa bước xuống xe, khi chân còn chưa bén hè phố, và mắt còn ngó nghiêng xác định xem hiện mình đang ở chỗ nào, ông đã giật mình bởi một tiếng gọi như thét: "Ô ô ô. nghệ sĩ Công Hài". Một người đàn ông trung tuổi, râu tóc rậm, miệng mờ khói thuốc lào, từ quán nước vệ phố xổ ra, nắm chặt tay ông, lắc mạnh: "Ðúng rồi!. Nghệ sĩ Công Hài bằng xương bằng thịt đây rồi. Thật hân hạnh cho tui quá, được bắt tay nghệ sĩ hài nổi tiếng". Sau khi đã quen với sự tôn sùng thái quá của người hâm mộ nọ, ông trở lại với thói quen hóm hỉnh vốn có, hỏi: "Này ông, thế ra ông hâm mộ tôi thật à?". "Vâng, còn phải nói. Em là em vô cùng hâm mộ quan bác". Ông tỉnh bơ: "Vậy thì, ông bạn phải biến sự hâm mộ thành hành động thực tế chứ. Ông bạn có thể chiêu đãi tôi ngay bây giờ được không?". "Ồ, vô tư đi. nghệ sĩ đi với em làm đôi cốc bia với mực nướng". Ông phẩy tay: "Vậy ra ông bạn rẻ rúng tôi quá đấy?. Người nổi tiếng như tôi mà lại dùng bia mực nướng á? Tôi là cứ phải..." Ông vờ quay người định bỏ đi. Người đàn ông giữ ghì tay ông lại. Ông ghé sát mặt ông ta: "Tôi chỉ cần.. .bắn ngay một điếu thuốc lào!." Người đàn ông hâm mộ đang ngơ ngác lo mình làm phật ý nghệ sĩ, bật cười, miệng ngoác rộng, nhe hàm răng ám khói thuốc: "Ôi, quan bác vui tính quá". Rồi anh ta miệng nói, tay lôi xềnh xệch ông vào quán. Ông bắn liền mấy điếu thuốc lào phả khói mù mịt cho bõ mấy trăm cây số đường trường nhịn thuốc. Trong đám khói thuốc, cái miệng ông dẩu ra như chiếc ống phun: "Mà này, điếu quê mình tậm tịt quá. Thay nõ đi!".
Nhưng có lẽ, đấy mới chỉ là điểm khởi đầu, ông linh cảm thế. Quả nhiên, khi ông theo mọi người trong đoàn vào phòng lễ tân của nhà khách tỉnh thì ông bắt gặp một tốp phụ nữ già có, trẻ có, váy vó lòa xòa rực rỡ đi ra. Một vài người trong số họ nhìn ông chằm chằm rồi ông nghe họ rì rầm với nhau về ông. Họ nhận ra mình rồi, ông nghĩ vậy, bèn chọn một chiếc ghế khuất lấp, lấy tờ báo ra cắm cúi đọc. Ông nghe những bước chân tiến về phía mình và rồi một giọng nữ trẻ dễ thương cất lên: "Xin lỗi bác. Bác là nghệ sĩ Công Hài?." "Vâng, tôi đây đích thị Công Hài" - biết không giấu được, ông tự nhận trước ba người phụ nữ. Cô trẻ hích tay vào một chị nạ dòng xinh đẹp bảo: "Ðấy chị, em đã nhận ra ngay bác ấy từ ngoài cửa, chị lại bảo ông này điển trai và chỉnh trang hơn màn ảnh. Thấy chưa. trong phim bác ấy diễn hài, còn ngoài đời phải nghiêm túc chứ bác nhỉ?" Ông tủm tỉm: "Cô nghĩ vậy à? Chưa hẳn đâu". Mấy người rúc rích cười. Chị nạ dòng khẽ cúi người giới thiệu: "Thưa anh. Em xưng hô như vậy cho nó trẻ. Em đây tên Hảo, còn đây là Nguyệt, và đứa vừa hỏi anh là Huyền. Chúng em đều đồng hương thủ đô với anh đấy ạ." "Không dám. Tôi quê mùa, mượn thủ đô ở tạm bợ qua ngày thôi". "Dạ, vâng. Chúng en biết". Cười. "Chúng em là bác sĩ trong đoàn phẫu thuật nụ cười vào đây công tác". Ông vui vẻ: "Thế ra các cô là những người chuyên lo việc làm trong sáng nụ cười cơ đấy. Quý hóa quá. Nhưng mà, tôi có một đề nghị thế này." Cả ba người nhao nhao khi thấy ông bỏ lửng. Ông tỉnh khô: "Tôi muốn được các cô phẫu thuật để sao cho tôi không thể cười được nữa. Tôi chán cười lắm rồi, mà chỉ muốn khóc thôi". Ba người bật cười, đấm lưng nhau thùm thụp, cô tên Huyền nói: "Bác đúng là người khôi hài. Khôi hài từ trong tế bào, trong li ti huyết quản khôi hài ra. Người như bác, có khóc thật người ta cũng nghĩ là khóc giả để cù. Phải thế không ạ?" Lúc này ông mới cười bảo: "Cái nhà cô này nói chí lý lắm. Cứ như là đi chân trần vào bụng người ta ấy. Tôi nói thật đấy mà. Vừa nãy, cô nhìn tôi bằng con mắt giải phẫu. Này nhé, các cô để ý mà xem, người kể chuyện cười mà chưa nói đã cười thì kể xong chuyện thành nhạt toẹt. Phải không nào? Còn như." Ðại loại những câu đối thoại như vậy đã làm cho ba người phụ nữ và cả đám nhân viên lễ tân lẫn những người khách vào sau cùng cười. Khi ông bứt được ra thì mọi người trong đoàn đã lên phòng riêng của họ từ bao giờ. Rửa qua loa, ông ngã lưng trên sa-lông lơ đãng nhìn màn hình ti vi, không có điếu cày, ông châm một điếu thuốc lá cắm lên môi. Nhạt thếch. Ông đã trở thành người nổi tiếng, thậm chí rất nổi tiếng. Có gì đó vừa danh giá, lại vừa phiền toái và mỉa mai. Những lúc trên sân khấu, trước đám đông, được mọi người tung hô, ông cảm thấy tự hào, song những phút giây như thế qua nhanh lắm. Sự nổi tiếng cũng không đưa đến cho ông tiền bạc để thành giàu có. Trái lại, sự phiền toái, rắc rối thì vô thiên lủng. Ông đã chẳng vừa trải qua một sự phiền toái bi hài là gì.
Số là, ông mới phải nhận một người em song sinh bất đắc dĩ. Ông nhận được một bức thư, trong thư nói rằng, ông là người anh song sinh với một người tên X hiện đang sống ở Y., chủ nhân của bức thư, và người đó hẹn sẽ đến tìm gặp ông để nhận anh em. Ông cười, cho là chuyện khôi hài của một tay hâm mộ nào đấy, như bao chuyện mà ông đã từng phịa ra để cù khán giả. Ðùng một cái, ngay sau đó ít hôm, ông có khách tìm đến nhà. Mở cửa ra, ông sửng người vì ngỡ mình đang đứng trước gương. Một khuôn mặt, một vóc người tầm thước y hệt ông. Ông tròn mắt, há miệng không thành lời. "Ôi, đúng rồi!. Bác không nhận ra em sao? Em là em ruột bác đây mà", người đó reo lên. "Ông là. là." Người đàn ông buông chiếc lồng gà và chiếc túi bao tải nặng trĩu trên tay xuống: "Người ta bảo người nổi tiếng đãng trí, hay quên, quả nhiên. Hôm nọ, em đã gửi thư cho bác đấy thôi!" "Thì ra. ông chính là người anh em song sinh với tôi đấy ư?" - trước tình thế nực cười như vậy, ông không còn cách nào khác lựa chọn. Sau khi mời người em song sinh bất đắc dĩ vào nhà, vừa pha trà ông vừa quan sát ông ta lôi từ trong túi ba gang ra hầm bà lằn từ những thứ cao cấp của nhà nông như gạo nếp, đậu đen, lạc đến khoai sọ, khoai lang. Giơ chiếc lồng gà lên cao, ông ta khoái trá: "Bây giờ gà trống thiến với mái ghẹ là xưa rồi. Mừng anh em mình đoàn tụ là cứ phải gà trống tơ với rượu cuốc lủi, bác nhỉ?" Rồi ông phải nghe đủ chuyện từ miệng ông ta, nào quê quán ở đâu, nhà mình ngày xưa thế nào, cha mẹ ra sao, có mấy anh chị, chuyện năm đói Ất Dậu cả nhà phiêu bạt tứ xứ và kể từ đấy gia quyến, anh em thất tán. Càng nghe ông càng u u minh minh. Ngay từ đầu, ông là người biết rõ nhất mình là ai, và chẳng máu mủ ruột rà gì với con người giống mình y hệt đang thao thao bất tuyệt kia, song càng nghe những chuyện bịa như thật ấy, ông đâm nghi ngờ mình, rồi tự hỏi xem liệu mình có còn là mình nữa không hay đúng mình là người anh song sinh với ông ta? Chưa hết, hôm ấy ông đành gượng cười, chén chú chén anh với ông ta, và khi ra về, ông ta không quên hẹn sẽ còn quay lại để đưa ông về quê nhận họ nhận hàng. Và rồi điều ấy đã xảy ra. Ðâm lao thì phải theo lao, ông nổi máu hài hước, phiêu lưu, chậc lưỡi nghĩ: "Ừ thì đi, sợ cóc gì. Chuyện được mất ở đời biết đâu mà lường. Chí ít là cũng được tình nghĩa giữa con người với nhau, nhất là lúc người ta đang coi chuyện tình nghĩa như một xa xỉ phẩm". Hôm đưa ông về quê, dọc đường, ông ta chốc chốc lại dặn: "Bác nhớ, về quê thế nào cũng có người nói ra nói vào, chuyện này chuyện nọ. Xin bác để ngoài tai, coi như là điếc ấy mà. Bác nhá! Cái chính là tình nghĩa chân thành giữa hai anh em mình, phải thế không ạ?" Ông phải gạt đi: "Chú yên tâm. Tôi biết phải cư xử thế nào cho phải đạo". Ông không ngờ ở quê họ lại long trọng đến vậy. Có dựng rạp, có trầu thuốc, có cỗ bàn gọi là để mời bà con hàng xóm đến chứng kiến. Ôi thôi, cười nói hoan hỉ và khóc lóc đều có. Tan cuộc, ông bã hết cả người, chẳng biết nên cười hay nên mếu. Trên đường trở về thành phố, ông có cảm giác bẫng lẫng, có lẽ bởi từ nay trở đi ông đã là một con người khác trước. Ông nào ngờ, trong đám đông dân làng hôm ấy, có một vị là phóng viên của một tờ báo nọ về thăm quê và rồi chuyện của ông, ảnh ông trong vòng tay người thân được đăng rành rành trên mặt báo. Anh chị em thật của ông ở thành phố biết chuyện, tức quá, họ kéo đến nhà ông mắng cho ông một trận và còn đe đâm đơn kiện nhà nọ nhận vơ. Ông phải gạt đi, hết phân giải rồi năn nỉ mãi họ mới chịu thôi. Quả là, trong cuộc đời hành nghề biểu diễn và đóng phim của mình, ông đã bịa ra hàng ngàn câu chuyện hài song trí tưởng tượng có phong phú đến mấy ông cũng không tài nào nghĩ ra nổi một câu chuyện như vậy. Ông đi lại quanh quẩn trong phòng khách sạn. Vừa thèm thuốc lào vừa bực mình sáng nay vội đi, ông quên không mang theo điếu cày. Rõ bực mình, đêm qua ông bầu sô gọi điện bảo ông thu xếp đi vài ba ngày và hẹn ông đến địa điểm nọ đón xe. Hỏi đi đâu thì bảo cứ lên xe rồi sẽ biết. Chỗ thân quen ông không nỡ từ chối. Sáng nay ông dậy muộn, cuống cuồng nhảy xe ôm đến chỗ hẹn trễ dăm phút, ngồi quán nước hút thuốc lào vặt chờ mãi chẳng thấy ai. Tức mình định bỏ về thì mobiphone réo. Thì ra cậu thanh niên được giao đón ông đã nhầm ông với một vị khách khác cùng được mời đi. Lúc ngồi trên xe, cậu thanh niên mới phân bua: "Thảo nào. Lúc nhầm, cháu lại đã ngờ ngợ, nghĩ là ở ngoài đời sao bác lại trẻ và khác với trên phim ảnh thế. Song lúc ấy cháu lại cứ ngài ngại, không dám hỏi". Thế đấy. Và chuyến đi này, cho đến khi xe đổ bộ mọi người xuống đây, ông mới biết nơi mình phải đến là đâu, còn như phải làm gì nữa thì chịu. Ông quyết định mò ra quán cóc ngoài khách sạn kiếm thuốc lào để xua đi những ý nghĩ vơ vẩn. Sáng hôm nay, đi biển. Ðầu mùa tắm, bãi biển vắng khách, song hàng quán, dân bán rong và trẻ con nhặt vỏ lon thì nhan nhản. Ông bị mọi người phát hiện ra ngay. Cánh thợ ảnh, đám đàn bà hàng rong và trẻ con bu lấy ông, trầm trồ, réo tên, sờ vào người ông. Cậu thanh niên trong đoàn can thiệp, đùa: "Này, xin mọi người tránh ra, nghệ sĩ nổi tiếng vậy nhưng toàn thân ghẻ lở hắc lào đấy, ông ấy ngượng không dám thay quần áo tắm chỗ đông người". Cả đám cười ồ nhưng đám đông bu quanh thì ngày một dày thêm. Phải đến gần nửa giờ sau, ông mới thoát được đám đông và cánh thợ ảnh xúm quanh đòi chụp ảnh kỷ niệm, để xuống tắm. Buổi trưa, sau bữa ăn có men, ngả lưng mơ màng ngủ thì có tiếng đập cửa. Ông choàng dậy ra mở cửa, thì ra cánh thợ ảnh. Và thế là suốt trưa đến tận chiều, ông bị cánh thợ ảnh quấy nhiễu. Họ mang những bức ảnh chụp chung với ông đến trả. Có một vài người trong số họ tử tế đưa ảnh mà chỉ yêu cầu ông ghi lời đề tặng và ký tên lưu niệm, còn lại đều đòi tiền. Ông không muốn đôi co nên nhắm mắt cho qua chuyện, trả hết hàng trăm ngàn tiền ảnh. Lật những bức ảnh, nhìn cái thân hình còm cõi của mình trong chiếc quần cộc lá tọa, ông bật cười, vơ ảnh vun thành một đống. Rõ hài hước chưa! Vừa lúc ấy thì ông bầu hé cửa ló đầu vào: "Tối nay quan bác diễn cho em một tiểu phẩm hài chừng mươi phút nhá". Ông cáu sườn nhăn nhó: "Bố ai mà cười được! Này ông nội, ông nội giết con rồi đấy! Giờ ông nội mới nói thì làm sao con nghĩ ra kịp?" Ông bầu nhăn nhở: "Ðấy, tôi có cần ông cười đâu. Tôi chỉ cần ông nhăn nhó cho người ta cười kia mà. Thôi, cứ thế nhé!". Cửa lại sập. Buổi chiều, ra xe về thị xã để tối biểu diễn, ông là người lên xe sau cùng. Khi định sập cửa thì một nhân viên bảo vệ khách sạn chạy vội lại, giữ cửa, thò đầu vào bảo: "Xin các bác nán lại một chút. Bà giám đốc khách sạn cháu có đôi lời muốn được thưa cùng nghệ sĩ Công Hài". Giám đốc là một phụ nữ trung tuổi, khá đẹp, ăn vận đúng mốt và khá sang trọng, ra dáng mệnh phụ phu nhân. Chẳng có gì đặc biệt cả. Chỉ là chuyện khi còn trẻ bà giám đốc đã từng hân hạnh được biết ông khi ấy trai trẻ đương sức trong một lần vào đây công tác. Nay gặp lại, ông đã quá nổi tiếng, bà ta muốn bày tỏ sự hâm mộ và thịnh tình tặng riêng ông cùng cả đoàn chút quà quê hương. Nghe vậy, ông không ngạc nhiên, cố lục trí nhớ song cũng không tài nào nhớ nổi người đàn bà xinh đẹp đang ngồi trước mặt mình kia ngày trước là ai. Dăm ba gương mặt con gái lướt về trong tiềm thức cùng đôi chút kỷ niệm của ông với họ nhưng chắc chắn không phải con người này. Ông định pha trò theo thói quen nghề nghiệp lấp liếm cho qua chuyện, song tự dưng nín bặt. Có lẽ ông nhận thấy sự xúc động pha chút trang nghiêm từ dáng vẻ của bà ta. Khi trở lại xe, ông trao quà và thành thật kể lại cho mọi người, thì cả đoàn đều hùa nhau kêu không tin, cười đùa ầm ĩ rồi tán nhăng tán cuội đủ thứ chuyện bắt nguồn từ cái gọi là "sự giàu trí tưởng bở" của họ. Quái lạ, con người ta vốn ít lòng tin vào sự thật, có lẽ bởi sự thật thường là giản đơn. Chẳng trách người xưa mượn việc mắng yêu trẻ con để nói chuyện đời rằng "Mẹ đẻ bế thì khóc ngằn ngặt, còn mẹ ranh bế lại cười khanh khách". Chợt đầu ông lóe lên. Phải rồi, tối nay ông sẽ phịa ra một câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ tình cờ nhạt nhẽo này để kể cho mọi người nghe. Hãy cứ đợi đấy! Tiết mục của ông ở vào giữa chương trình, khi khán giả có dấu hiệu chán bắt đầu lục tục bỏ về. Các vị tổ chức quả có lý khi xếp tiết mục của ông vào thời điểm đó, nó góp phần níu giữ những người kiên nhẫn còn ở lại đến lúc ấy, không những thế, nó còn lôi ngược trở lại nhiều người khác. Mươi phút của ông trên sân khấu, khi thì làm cho khán giả nín thở vì hồi hộp, lúc lại bùng nổ bởi trận cười bột phát đầy bất ngờ. Cái tài của người kể là biết đặt điểm nhấn không phải ở những tình tiết lắt léo, lâm ly, mà ở những đoạn không ngờ nhất. Nhân vật chính là tôi - người kể chuyện, cũng là cái thằng ông lúc trẻ trai với một cô gái xinh xắn, dễ thương và cũng hết sức bạo liệt; một tình yêu sét đánh giữa hai người với nhau trong bối cảnh của khói lửa chiến tranh. Một mô típ, một cốt chuyện bình thường mà bao nhà văn đông tây kim cổ đã từng khai thác. Với tài biểu diễn, khắc họa, ông đã thổi hồn vào câu chuyện, khiến khán giả có cảm giác thật mà hài, rất hài song lại tin được. Ông phải ba lần cúi chào mới bước được vào sau cánh gà trong tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt.
Trời cuối xuân se lạnh mà ông râm rấp mồ hôi. Ông đã thực sự nhập hồn vào nhân vật của mình, trạng thái mà ông ít đạt được trong cuộc đời biểu diễn của mình. Ông lặng lẽ bách bộ trở về khách sạn, có ghé vào quán cóc ven đường uống chén trà nóng và rít vài điếu thuốc lào. Thật may, lần này, bà chủ quán không nhận ra ông, hoặc giả có nhận ra song cũng không phải là người hâm mộ nên ông không bị hỏi han, phiền hà gì. Bấm chốt trong cửa phòng ốc, theo thói quen ông nhấn nút ti vi chẳng phải để xem gì ở đó, ngã lưng thư giãn. Tự nhiên những tình tiết trong câu chuyện ông vừa kể lại hiện về. Ông cười thành tiếng khe khẽ rồi thiếp đi lúc nào không biết. Choàng tỉnh, ông lắng nghe, hình như có ai đó gõ cửa rất nhẹ. Ông cất tiếng hỏi và ra mở cửa, ánh sáng ngoài hành lang đủ để ông nhận biết người gõ cửa phòng mình. Một cô gái, cỡ chừng hai tư, hai nhăm gì đó, và ông đồ là nhân viên khách sạn: "Tôi tưởng sáng mai mới dọn phòng? Nhưng tiện có chị, làm ơn thay cho phích nước sôi thì tốt quá". Cô gái rụt rè: "Dạ, không ạ. Cháu không phải là nhân viên khách sạn. Cháu là." Ông chợt nghĩ là mình ngớ ngẩn, hay cô gái này là. có lẽ không giống với kiểu người đó, mà thôi phải rồi, ông chẳng từng nghe cánh trẻ kháo nhau là bây giờ có nhiều cô gái con nhà lành, sinh viên hẳn hoi nhưng nhà nghèo ở nông thôn không có tiền ăn diện nên đi làm cái nghề. Nghĩ vậy ông bèn quây quẩy: "Tôi biết rồi, cô đi đi, tôi không có nhu cầu". Cô gái nhìn ông ngơ ngác: "Ơ kìa... bác sao thế? Bác nghĩ cháu là..." Cô gái khóc tức tưởi. Ông cười khẩy: "Lại diễn rồi, cô bé!" Quay người, định sập cửa, ông liền bị cô gái túm áo. Cô gái nói trong nước mắt: "Bác. bác đứng lại đã. Bác có biết. bác chính là cha cháu". Ông ngỡ mình nghe nhầm, sửng sốt hỏi lại. Cô gái gật đầu xác nhận. Ông linh cảm có gì đó nghiêm trọng , bèn hỏi: "Khí không phải, năm nay cô bao nhiêu tuổi?" Cô gái thôi khóc, lấy cùi tay chùi nước mắt: "Cháu. cháu hai mươi tư ạ!" Ông cười bảo: "Này nhá, cứ cho là chuyện tôi vừa kể là thật đi chăng nữa thì cũng xảy ra hơn ba mươi năm trước. mà năm nay cô mới có hai tư. Cô thấy chưa?" Cô gái tròn mắt, hơi sững người: "Cháu không biết, chuyện của bác chỉ bác biết. Còn cháu, cháu biết chuyện riêng của mẹ cháu. Bây giờ bác bảo thế nào thì nên thế, chứ." Ông ngẫm nghĩ và chợt bật cười thành tiếng: "A a a. hẳn là cô vừa xem tôi biểu diễn tiểu phẩm ban nãy. Cô liền diễn một tiểu phẩm mới để đáp lại. Cô giỏi lắm! Rất có năng khiếu. Nào, để tôi xem. Nếu cô thích, tôi sẽ giới thiệu để cô thi tuyển vào trường sân khấu - điện ảnh. Tôi có cảm giác, cô sẽ là một nghệ sĩ tài danh trong tương lai". Cô gái di di chân, khóc tấm tức khiến ông khó xử. Hồi lâu, cô gái bảo: "Tại sao bác?. Cháu đã nói rồi. Cháu chính là con gái bác mà bác vẫn không tin? Hay vì bác cả đời chuyên đi bịa chuyện gây cười quen rồi, nên không còn biết tin vào bất cứ chuyện gì là có thật!?. Cháu xin được khẳng định lại một lần nữa, bác chính là cha đẻ của cháu!" Có phải cô gái đã nói thế với ông? Nghệ sĩ Công Hài đứng ngây như trời trồng. Ðâu đó sâu thẳm trong ý nghĩ của ông mách bảo: "Không còn là chuyện hài nữa rồi".
Tin cùng chuyên mục
Đà Lạt - Mùa thu trong tâm hồn
16/09/2014
Mùa thu quyến rũ
14/09/2014
Bước qua lời nguyền
13/09/2014
Ánh mắt
23/08/2014
Kỳ án
13/08/2014
Cha Mẹ tôi - Niềm tự hào của gia đình tôi
26/07/2014