Thục còng

Thùy xách cái giỏ cá kèo đi bắt còng. Trời nắng như đổ lửa. Nắng 1giờ trưa mùa hạ thì phải biết! Nhìn không gian như có những giọt nắng chen nhau giội xuống. Trời không chút gió, sức nóng của nắng liên tục thiêu đốt, liệu một nữ sinh lớp 10 chịu đựng được mấy ngày? Cha Thùy phạt Thùy như thế đấy. Mỗi ngày phải nạp cho ông hai giỏ còng đầy ắp đến khi nào không còn cần thiết nữa thì ông mới chuyển qua hình phạt khác, có thể là “khắc nghiệt” hơn.

Còng bắt về, trước mặt Thùy, ông không nói không rằng, mặt hầm hầm, trút ào ào xuống con sông sau nhà. Hằng trăm con còng được “tái sinh”, túa ra, bơi trối chết theo dòng nước. Thùy thật bất ngờ, thấy tiếc hùi hụi. Công cực nhọc của Thùy suốt gần bốn tiếng đồng hồ, bỗng chốc đem “đổ sông đổ biển”. Thùy vội quay mặt đi, muốn ứa nước mắt.

Gia đình Thùy có tất cả 6 anh chị em. Nhà Thùy nghèo tận mạng, nói  bữa cháo bữa rau là quá trớn chứ cơm độn khoai thì xảy ra liền xì bốc. Mọi người đều làm việc cật lực, bất kể nắng mưa, giờ giấc. Nửa đêm nửa hôm, ai cần giúp gì, nặng nhẹ, sẽ có người nhận ngay. Vậy mà gia đình vẫn nghèo. Cái nghèo từ đời ông cố Thùy kéo dài lê thê đến đời cha Thùy vẫn còn!

Ngày đầu tiên thi hành án phạt, Thùy không chút động tâm. Buổi sáng, trên con đường từ nhà đến ruộng, Thùy vừa hát, vừa nhảy tung tăng như chân chim, không bận bịu điều gì. Thùy với tay bứt cọng hoa mọc hoang lẻ loi bên vệ đường cài lên tóc làm duyên. Ánh nắng ban mai ấm áp trải vàng trên cánh đồng đã qua mùa thu hoạch từ lâu, còn lơ thơ những cọng rạ mục nằm sát mặt đất. Thùy ngồi trên bờ ruộng dõi mắt theo vài cánh cò xa, lòng ao ước được như cánh chim tung bay khắp bầu trời cao rộng. Thùy nghĩ lại mới hôm qua đây, Thùy còn là đứa học trò bị “nhốt” trong lớp học, bốn bức tường vôi vàng sậm, bụi bám mờ mờ luôn đập thẳng vào mắt làm đầu óc Thùy mụ mị. Rồi tiết Hóa nữa, ớn ơi là ớn! hơn 2/3 lớp không hiểu gì, không “nhét” vào đâu được. Chẳng lẽ tại học trò không chịu học, mất căn bản từ đầu ? Hay tại trình độ chuyên môn của cô T. còn hạn chế, học trò học lực trung bình đành phải bó tay? Tới giờ Hóa, Thùy rất sợ, chui xuống đất được cũng chui. Ngồi dưới bàn, Thùy lấm lét nhìn cô, nghe tim mình đập thình thịch. Một tháng đều đặn tám tiết Hóa như vậy không xê, đè nặng trái tim Thùy, làm sao chịu nổi. Thùy trách Trời bày chi cái món hóa chết tiệt nầy cho khổ thân học trò hổng biết. Một số bạn Thùy căng quá hè nhau nghỉ học. Thùy bị “văng miểng” hưởng ứng theo, xin cha cho nghỉ luôn. Cha Thùy đi cuốc đất mướn mới về, đang ngồi nghỉ mệt ngoài hiên nhà, nghe Thùy nói, ông tưởng mình nghe nhầm, vụt hỏi:

-Con vừa nói gì vậy, Thùy?

-Cha cho con nghỉ học!

Trời ơi! Ông nghe như sét đánh ngang tai. Ông ngớ người nhìn Thùy như một nhân vật lạ lùng từ đâu bất ngờ ập đến. Ông bị sốc, một cú sốc thật nặng, tưởng chừng như không sao gượng nổi. Nét mặt ông đã khắc khổ, giờ trông càng thảm hại, khắc khổ hơn.  Định thần một hồi lâu, khi bình tĩnh trở lại, ông mới ôn tồn hỏi con:

-Con làm sao thế? Có chuyện gì nói cho cha biết coi con?

-Con nhức muốn …bể cái đầu- Thùy bịa- con học không vô nữa. Bọn bạn con cũng nhức muốn… bể cái đầu như con, nghỉ học cả lũ.

Thùy kể một thôi một hồi những bạn gái, bạn trai, có đứa giàu, đứa nghèo nghỉ học để chứng minh rằng chuyện nghỉ học không phải mình Thùy. Nghe con nói, nhìn mắt con, ông biết con nói dối, nhưng ông không muốn hạch hỏi cho ra lẽ sợ kết quả có thể sẽ không như ý mình mong muốn. Ông liền xòe đôi bàn tay xám đen, xương xẩu, lòng đầy những nốt chai nổi cao, đưa cái ống quần đã bị thời gian gặm nhấm rách te tua, phèn dính vàng như nghệ, chỉ hai cái mái nhà lợp lá dừa nước trống muốn thấy trời xanh, đã bốn mùa mưa chưa có tiền thay cho con xem. Ông buồn bã nói:

-Tại cha thất học nên mới vất vả, nghèo khổ như vầy. Cha không muốn các con sau nầy sống như cha đang sống. Cực chẳng đã cha mới cho các anh chị con nghỉ học. Trong các con của cha, chỉ có con là đứa thông minh nhất, đang học cao nhất. Cha đặt rất nhiều hy vọng vào con. Con sẽ là đầu tàu kéo những “toa con cháu” trong tương lai vượt lên những chặn đường đầy rẫy khó khăn.

Ông ngừng giây lác, nhìn con dò xét. Lời nói ông bỗng trầm xuống, nhỏ nhẹ như than thở với con mình:

- Dòng họ ta không còn ai, tính về  lâu dài chỉ còn có mình con gánh vác, lo liệu, đấy Thùy ạ!

Thùy là đứa con gái bướng bỉnh, cứng đầu, ưa cãi nhất nhà, luôn xem ý kiến mình là hay, là đúng. Ông biết tính con từ lâu. Khi đã quyết thì khó lay chuyển được lòng Thùy. Ông đã  móc hết ruột gan ra khuyên Thùy, nhưng  không thể thuyết phục được con, thôi thì…buộc lòng ông phải mạnh tay dùng “roi vọt” để dạy. Và Thùy bị phạt.

*

Quê Thùy nằm gần biển. Những khi triều cường, nước ngập mênh mông. Những lúc triều kém, trong vòng vài ba bữa, nước rút cạn queo. Một ít vuông đất trũng nằm giữa cánh đồng chỉ còn xăm xắp nước.

Ruộng vùng Thùy còng nhiều lắm, nhất là còng quều, loại còng nhỏ hơn ba khía một chút, thân dài hơn, có màu đất nung, mắt lồi, ngoe dài, chậm chạp, quều quào  (có lẽ vì vậy mới có tên là còng quều chăng?), càng kẹp không đau như còng lửa, cái thứ gì nhỏ con mà kẹp đau thấu trời thấu đất lận.

Từ khi hằng đêm người ta đổ xô soi còng phơi bán cho các công ty nghiền làm thức ăn gia súc nên mỗi ngày còng một ít đi, dù vậy nếu quyết tâm, một ngày bắt đầy hai giỏ còng cũng không phải là chuyện hái sao trên trời.

Thùy tìm ruộng đất mềm, gặp hang còng Thùy dùng chân thục chận đầu thật mạnh, những ngón chân ghim sâu, ấn mạnh, nước bị sức đẩy, dồn ép nhanh chóng vọt ra, còng ta bị cuốn theo luôn, Thùy chỉ việc nhẹ nhàng chộp bỏ vào giỏ, khỏe re! Thùy mỉm cười cho rằng bắt còng như vầy đến tết Congo cũng không ngán. Khi đầy giỏ, trời còn sớm chán, Thùy dông ra sông Bà Nhựt “vẫy vùng” cho thỏa thích. Dòng nước trong xanh, mát rượi, lờ đờ chảy, Thùy phóng ào xuống, bơi tới, bơi lui, chân đập đùng đùng, nước văng tung tóe. Chừng thấm mệt, Thùy bơi vào, lần theo mé nước, mò từng hóc kẹt, bụi rậm, bắt cá. Thùy tặc lưỡi, tiếc muốn chết khi chạm được cá mà chả bắt được con nào. Rồi Thùy trèo chót vót lên ngọn cây bần già đứng trơ trọi ven sông, cành lá vẫn sum suê, hái trái. Trên đường về Thùy nhai nát từng miếng bần, miệng chép chép, vị bần chua thấm dần làm mát ruột, mát gan, đã ơi là đã! Thùy khoái chí, chợt nghĩ rằng dại gì đi học cho chôn chặt tuổi xanh, tự do như thế nầy cái nào sướng hơn ta?

Ngày thứ hai, thứ ba cũng lần lượt trôi qua, thời gian tuy chậm hơn, những giỏ còng đầy ắp cũng được mang về cho cha Thùy đem “đổ sông đổ biển”. Nhưng đến ngày thứ tư, buổi sáng cũng vào khoảng giờ ấy, ánh nắng ban mai hình như nóng hơn, mấy cánh cò xa hình như uể oải hơn, bầu trời hình như thu hẹp lại. Sự hưng phấn ban đầu của Thùy hình như cũng vơi đi. Thùy có cảm giác mấy đầu ngón chân ê ê, những khóe móng đau đau. Ngày nào bàn chân Thùy cũng thục hằng trăm lần xuống bùn, bùn nhét đầy khóe, lâu ngày nhiễm trùng nên bị ê ê, đau đau đâu có gì lạ đâu. Đặc biệt cái chóp mũi, nơi cao nhất của khuôn mặt, bị nắng hè liên tục chiếu cố, sao ran rát. Sờ da mặt, Thùy đụng phải một số “cô mụn” bắt đầu nhô ra. Thùy hoảng hồn, buổi chiều, còng vừa đầy giỏ, Thùy hối hả về nhà len lén lấy gương soi. Trời ơi Trời! Thùy không dè, một nhỏ Thùy hoa khôi khối lớp 10 hôm nào, giờ xấu ỉn, mặt nam nám đen, chót mũi da phồng lên sắp lột, như ma lem, không thua gì Chung Vô Diệm!

Thùy muốn khóc! Thùy ngồi trên mép giường nhìn mấy chồng sách vở được cha Thùy sắp xếp gọn gàng, cẩn thận trên bàn học, nhìn hai cái áo dài trắng tinh phất phơ, trước ngực có đính bảng tên trường, được cha Thùy giặt sạch sẽ, ủi thẳng thóm, treo tòong teng trên giá, Thùy chợt nhớ đến trường lớp, thầy cô, bè bạn, nhớ tiếng trống trường đánh thùng thùng báo giờ ra chơi 15 phút. Nhưng chỉ nhớ thoáng qua thôi nghen, đúng không “cô Thùy thân mến”?.

Đêm. Thùy ngủ không được, trăn trở, nghĩ suy. Mấy ngón chân bắt đầu “hành” nhức dữ dội. Sao mà chỗ đau phát triễn mau quá vậy ta? Thùy phát sốt. Lạnh gì mà trùm kín cả người hai lớp mền, một lớp chiếu vẫn lạnh. Thùy rên hì hì. Nghe Thùy càng rên, cha Thùy càng vui. Phương án “mạnh tay dùng roi vọt” của ông sắp có kết quả. Nhất định Thùy không khờ khạo đến nỗi  “nhắm mắt” chọn việc thục còng vất vả,  cực khổ, làm tương lai.

*

Thùy đã và đang là giáo viên dạy giỏi môn hóa của một trường THPT thành phố HCM. Những dip lễ lớn, nghỉ được nhiều ngày, Thùy cố gắng thu xếp việc nhà cửa, tranh thủ về quê hương Bình Đại thăm cha, một “thần tượng” của trọn cuộc đời Thùy. Thùy cũng không quên ra “chiêm ngưỡng” cánh đồng “thục còng” ngày xưa. Những lớp phù sa liên tục tràn về, bồi dần, đã xóa mất vô số những dấu chân của môt thời “vụng dại”. Những dấu chân ấy, có phải là những dấu ấn tốt đẹp mãi mãi hằn sâu trong tâm hồn Thùy không đây? Chắc chắn là như vậy rồi mà!