Tiếng rao đêm
Không biết từ bao giờ, những tiếng rao đêm đã bám chặt vào ký ức của tôi. Dù đi đâu và xa cách bao lâu,tôi cũng không quên được những tiếng rao đêm giữa lòng Hà Nội. Đều đặn và day dứt, những tiếng rao cứ le lói giữa màn đêm u tịch, khuấy động không gian bằng những thanh âm yếu ớt, rồi xa dần… lọt thỏm vào hư không.Những người bán hàng rong đêm dù là mùa đông hay mùa hè, dù gió mưa hay giá rét vẫn đều đặn cất lên tiếng rao quen thuộc hàng đêm. Nhưng có ai biết đằng sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc mưu sinh khốc liệt thầm lặng, với những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể diễn tả bằng lời.
Những đêm đông mưa phùn, gió bấc, nằm cuộn tròn trong chăn ấm, nghe tiếng rao trĩu nặng nỗi niềm mà lòng rưng rưng... mới cảm thấy hết những nhọc nhằn, vất vả của người bán hàng rong. Những tiếng rao đêm với nhiều cung bậc, màu sắc khác nhau, nhưng mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc buồn sâu lắng. Nhiều đêm chợt tỉnh giấc, những tiếng rao đêm lại dội vào lòng tôi những cảm xúc nao nao khó tả.
Có những đêm mưa xối xả, đi trên đường vẫn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ bán hàng rong gầy gò, xanh xao, đội chiếc nón lá rách bươm, chiếc áo cũ ướt nước mưa dính chặt trên đôi vai mảnh khảnh đang run lên vì lạnh, gương mặt héo mòn những lo toan và in hằn bao nỗi truân chuyên của cả một kiếp người, đôi mắt thăm thẳm nỗi muộn phiền hay trong những đêm Hà Nội lạnh đến tê tái, hình ảnh một người bán hàng rong ế khách ngồi vật vờ ở lề đường, một cụ già bán nước co ro trên vỉa hè, một em bé gầy gò đẩy xe đi rao bán bánh mì đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Bởi lẽ, đằng sau mỗi tiếng rao ấy là một số phận, một cảnh đời khó nhọc vất vả mưu sinh kiếm sống. Dẫu biết mỗi người đều có những nỗi lo toan, vất vả của riêng mình, không ai giống ai, tuy nhiên, khi phải chứng kiến những hình ảnh đó, tôi không khỏi chạnh lòng và thương cảm cho thân phận những người đang phải chịu cảnh vất vả mưu sinh trong trời đêm giá lạnh.Những con người ấy lam lũ, vất vả đến thế nhưng chính họ đã dạy tôi một bài học về giá trị của đồng tiền xương máu tự mình làm ra, về lòng tự trọng dù nghèo khổ vẫn phải kiếm cho mình một cái nghề chứ không như những người còn khỏe mạnh, lành lặn chân tay mà vẫn ngửa tay đi xin từng đồng tiền lẻ bố thí của mọi người.
Hà Nội về đêm,có nơi là những ô cửa sáng đèn ấm áp, có nơi lại là gầm cầu tối tăm bụi bặm; Có nơi là những gia đình sum họp, quây quần, có nơi là những cụ già lang thang trong đêm tối vì không nơi nương tựa … Rồi những tiếng rao lại vang lên, đánh thức đêm buồn, đánh thức những tấm lòng hay trăn trở, nghĩ suy. Hình ảnh những con người và tiếng rao khắc khoải trong đêm đã đánh thức suy nghĩ trong tôi, để lại những dư âm rất dài trong tâm khảm. Trong bức tranh tối sáng của màn đêm, có những tiếng rao vang lên từ đáy sâu tâm hồn, những âm hưởng ấy hòa quện vào nhau tạo sự đồng vọng trong những tâm hồn. .. Cùng với tiếng rao ấy là niềm mong mỏi cuộc sống bớt phần khó nhọc.Tiếng rao ấy cũng cho chúng ta thấy được mặt trái của nơi đô thị phồn hoa náo nhiệt.Phải chăng giữa chốn thị thành vẫn còn rất nhiều mảnh đời éo le bất hạnh?Phải chăng cuộc sống không chỉ toàn là màu hồng?
Cuộc sống với những bộn bề lo toan vất vả, mọi người còn mải lo cho cuộc sống riêng của gia đình mình nên nhiều khi không để ý đến những mảnh đời bất hạnh sống xung quanh chúng ta hay chúng ta vô tình gặp trên đường.Chỉ cần sống chậm lại một chút, suy nghĩ sâu thêm một chút, cảm thông nhiều hơn một chút, ta sẽ thấy mình đang hạnh phúc, sung sướng hơn rất nhiều người, ít nhất là hơn những người đang bán hàng rong đêm tội nghiệp kia. Họ vất vả, lam lũ hơn chúng ta rất nhiều nhưng họ vẫn phải cố gắng cật lực chiến đấu với cuộc sống, họ vẫn có mục đích sống, vẫn có trách nhiệm kiếm tiền để gửi về nuôi gia đình ở quê, vẫn có lòng tự trọng, họ thà kiếm tiền vất vả đêm hôm còn hơn phải ngửa tay đi xin ăn của thiên hạ.Huống hồ, chúng ta được ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định, có nền tảng tốt hơn họ, không có lý gì mà chúng ta lại không cố gắng học tập tốt, làm việc tốt, sống có mục đích, có trách nhiệm với gia đình, tập thể và xã hội.Có lẽ, chúng ta không cần phải học ở đâu xa mà hãy học ngay từ chính những người xung quanh mình, học từ chính những người lao động bình dị mà chúng ta vô tình bắt gặp trên đường.Họ có thể nghèo hơn chúng ta, làm công việc thấp kém hơn chúng ta nhưng nghị lực, ý chí bền bỉ quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của họ chưa chắc chúng ta đã theo kịp họ.
Tôi chợt nhớ đến hai câu danh ngôn khá hay về niềm tin và nghị lực sống: “Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng, mà ở hướng ta đang đi”, “ Niềm tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành điều có thể”.Ngày hôm nay, chúng ta có thể đang phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống nhưng nếu chúng ta kiên trì phấn đấu, quyết tâm vượt ra khỏi cảnh nghèo khó thì chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta sẽ thay đổi được số phận của mình. Tôi hy vọng và tin tưởng mọi điều tốt đẹp hơn sẽ đến với những người giàu ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng sẽ không còn nhiều những tiếng rao nhọc nhằn trong đêm tối như bây giờ...!
TIẾNG RAO ĐÊM
Vũ Ngọc Cầm
Đêm mùa đông mưa gió não nề
Giá buốt cứa vào da thịt
Một tiếng gọi bên thềm yếu ớt :
- Chú mua cho con chiếc bánh mỳ !
Tôi bàng hoàng nhận ra một bé thơ
Thùng bánh nặng kéo xệch vai áo ướt
Tiếng rao khản trong tiếng răng lập cập
(Tấm áo dành che những chiếc bánh mỳ)
Tôi trút cả mấy đồng nhuận bút một bài thơ
Mua cho bé bánh mỳ vài cái
Bánh thì ấm mà lòng tôi tê tái
Cổ nghẹn ngào còn nuốt làm sao !
Lẽ ra giờ này bé phải ở đâu
Căn phòng ấm hay bên bàn học ?
Thùng bánh mỳ, tấm thân gầy lăn lóc
Tự nuôi mình kiếp không mẹ không cha
Người hàng phố bình yên lại qua
Và nhịp sống vẫn trôi về phía trước
Có bàn chân ai ngập ngừng ... dừng bước,
Bên bé lang thang không cửa không nhà ?
Cháu nhìn chú run rẩy thẫn thờ
Chú gạt lệ quay đi, cháu ơi có hiểu :
Cháu thiếu tiền nên đói cơm rách áo
Chú thiếu bầu trời sưởi ấm trẻ mồ côi ...