Cái lưỡi

Nhà báo Nguyễn Quang Tình hiện là trợ lí Tổng giám đốc, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc; đã xuất bản 2 tập truyện ngắn và bút ký. quangtinhmvb@gmail.com


 

 

CÁI LƯỠI

 

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình

 

 

Nguyên tên trong hồ sơ được ghi một cách đầy đủ là “ Lương Thị Lươn”, Lươn có người em trai kế tiếp tên là Chạch. Thấy có người cùng quê nói thì có bố tên là Trê. Nghe ra một nhà có cả bố và con đều mang tên những loại cá da trơn, kể ra thì cũng hơi lạ. Lại từng nghe các bậc tiền bối bảo là ngày xưa đặt tên thế để cho ma nó không biết nên khỏi bị nó bắt đi và cho dễ nuôi!

Chuyện cũng chả có gì là đáng kể, vì nói chuyện của người khác thì người viết lại bị hiểu và cho là tọc mạch, hay chĩa mũi vào việc riêng của người khác, hay ho cái quái gì mà nói? Nhưng xem ra biết mà không nói thì để trong lòng cũng khó chịu, vậy nên cứ kể, mặc cho  mọi người suy xét vậy!

Lươn về nhận công việc ở văn phòng X. từ vài năm nay sau hàng chục lần chuyển chỗ, chả có chỗ nào yên vị được ba năm, chỗ thì lương không cao, chỗ thì lãnh đạo thiếu hiểu biết, chỗ khác thì cán bộ nhân viên và  quần chúng không hòa đồng và hiểu mình... vân vân và rất nhiều lý do khác. Đến cơ quan này chắc có lẽ là điểm cuối bởi tuổi cũng đã cao không có cơ hội đi được thêm nhiều chỗ nữa. Chỗ dựa cuối cùng thì cũng đã về nghỉ chế độ, vậy thì phải tu thân để mà yên vị đến lúc về hưu thôi!. Nhìn lại tất cả những chỗ Lươn làm việc thì đều có một nhận xét chung là “Lươn có cái lưỡi siêu hạng”. Mọi việc từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, đơn giản đến quan trọng, bất kể cái gì mà qua lưỡi của ả thì đều có chuyện, mọi lĩnh vực, đề tài, chuyện riêng, chung, văn hóa, xã hội thậm chí cả các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, chuyện thâm cung, bí sử... tất tần tật cái gì cũng biết tuốt. Biết được nhiều thì tốt, nhưng không dừng ở đó, ả tiếp nhận thông tin rồi thêu dệt thêm thắt, bớt, xén, bổ sung thành một chuyện cứ như thật khiến không mấy người không thể không tin. Với thân hình mảnh dẻ, hơi ưa nhìn, cái miệng với đôi môi mỏng hớt cong lên, nhìn thấy thì thôi rồi, chuyện của ả cứ như thật một trăm phần trăm vừa diễn ra. Cơ quan tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm, nghe mọi người kể cho nhau về bệnh tật của mình, ả chú ý nghe, từ chỗ khám bệnh về đến cơ quan đã có chuyện “ Này, mày biết gì không? Cái lão Quảng bị huyết áp cao đến ba trăm năm mươi đấy. Chị ơi: Ông Quân bị tiểu đường cao trên mười chấm (ý bà Lươn muốn nói là lượng đường trong máu của ông Quân trên 10mmonl/lít. Chỉ số tối đa là của nam giới là 6,4 mmol/l). Thằng Y bị u ở cả hai lá gan  to bằng quả bưởi Diễn...”Chuyện đề bạt, kỷ luật, điều chuyển cán bộ, chuyện gia đình của cán bộ nhân viên, bằng cấp của người này thật, người kia là giả, chuyện người nọ nói xấu người kia cứ qua Lươn là mọi việc cứ rối cả lên. Vậy nên mới có việc nghi kỵ, dè chừng rồi hiểu sai dẫn đến cãi chửi nhau, cả cơ quan cứ rối cả lên. Hết công đoàn, rồi cấp ủy phải tiếp nhận ý kiến, rồi giải thích động viên … và tìm ra mọi sự đều từ cái lưỡi của Lươn. Việc thông cảm thì dễ nhưng những việc bị xúc phạm vu khống từ người tốt trở thành người xấu bởi “ Xuất khẩu,  tứ mã nan truy” khó mà hàn gắn lại được. Do có chút  tý vật chất thừa của người nhà từ nước ngoài gửi về, vì không dùng được nên Lươn mang đến cơ quan làm “ từ thiện” cho mấy cô nhân viên có hoàn cảnh khó khăn từ thỏi son cũ không có nhãn mác đến chiếc áo lỗi mốt, kể cả những chiếc soong nồi từ thời bao cấp của Liên Xô, Tiệp Khắc, SNG... Tụ tập được cả “ đội ngũ” nên thu được nhiều sóng ngắn từ khắp các phòng, ban nên chuyện hóng hớt của Lươn ngày càng thêm nhiều tập. Thời buổi bây giờ người ta rất ngại va chạm nên việc  nhắc nhở của lãnh đạo và công đoàn thì cũng chỉ làm lấy lệ thôi, vậy nên mọi việc cứ diễn ra không có cách nào ngăn lại được.

Thế rồi! Đùng một cái, mọi người không thấy tiếng nói của Lươn và cũng không thấy ả đến văn phòng. Mọi người sợ không muốn hỏi và cũng mong là bà ấy không đến cơ quan thì càng tốt, cuối cùng thì chỉ có y tế cơ quan và tổ công đoàn được biết: Lươn bị đau họng, không nói được, đi khám bệnh thì được chẩn đoán là bị ca (k) vòm họng. Chuyện được kể cho nhau nghe, người thì bảo.

-      Khổ cho bà ấy, bị u ở mồm thế thì nói thế nào được! Người khác nói : Nhưng bà ấy không nói được nhưng vẫn nhắn tin được mà, bà ấy có cả hàng chục cái sim rác nhắn cho vợ tôi là tôi có con bồ từ sau Tết đến nay vẫn cứ đi lại. Hôm nào tôi đi công tác xa bà ấy lại nhắn tin cho vợ tôi, tôi không làm sao giải thích được! Vợ bảo không có lửa thì sao có khói?

-      Mấy người lại bảo: không chỉ có nói và nhắn tin, mụ ấy còn tập viết kiểu chữ trẻ con theo dạng thư nặc danh trên những phong bì mầu xanh, đỏ để tố cáo người mình không ưa là “ tham ô, nhận quà cáp, biếu xén, lãnh đạo dùng công quỹ đi làm việc tiêu cực...” đủ chuyện.

Là những người không thích những chuyện lăng nhăng, vớ vẩn, nghe người cùng cơ  quan  mắc bệnh nan y thì thông cảm, xót thương. Họ cầu mong cho chị Lươn sớm khỏi bệnh để đi làm, song có người nghĩ sâu hơn một tý thì bảo “ Nếu y học  phát triển, chữa và thay được cái lưỡi cho bà Lươn thì tốt”...