Người Việt đi để về, như lá rụng về cội…

“Chuyến đi dài nhất chính là cả cuộc đời, một cuộc xê dịch triền miên trên cõi tạm. Qua các vùng địa lý, các vùng khí hậu, các vùng văn hóa và sắc tộc. Lên Bắc xuống Nam, Đông sang Tây và Tây trở về Đông. Gửi lại nơi đó những kỉ niệm, và đi đâu thì cũng mang theo trong lòng nỗi niềm hoài nhớ cố hương. Người đang ở bên này, bầu trời trên đầu cũng là trời bên này, nhưng ám ảnh hoài niệm khiến cho cảnh sắc chợt hóa thành bầu trời ở bên ấy.…Như mọi chuyến đi, đi là trở về với bầu trời xứ sở mình, dù có khi chỉ là trở về trong hoài niệm".

Người Việt đi để về, như lá rụng về cội…

Người Việt, trong lịch sử dân tộc nông dân của chính mình, do cái sống gắn chặt với nền văn hóa văn minh lúa nước cổ truyền,vốn không phải là dân tộc thích nay đây mai đó, lang bạt chân trời góc biển, nhất là khi, phải/bị đi khỏi nơi cha sinh mẹ đẻ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ai là người Việt mà không muốn được nằm xuống trên mảnh đất quê mình? Ai là người Việt mà không biết yêu quê, vì nếu không biết, “sẽ không lớn nổi thành người” (thơ Đỗ Trung Quân). Người Việt sẽ tự thấy mình vong bản, nếu bị cắt lìa đời sống khỏi làng quê Việt. Ngay cả người Việt thế kỉ 20, 21, đã thành dân phố thị của nền văn hóa văn minh đô thị kiểu phương Tây, xâm nhập vào đất Việt đã hàng trăm năm, thì hồn vía cư dân Việt, vẫn mang nặng cảm thức đồng quê, luôn chối từ phận xa xứ, lưu vong. Nên, nhà văn Nguyễn Tuân đi đâu cũng vẫn thấy “thiếu quê hương” và nhạc sĩ Văn Cao đi đâu cũng muốn quay về “quy cố hương”. Tết Quý Tỵ năm ngoái, tôi và nhà sử học Lê Văn Lan đã đối thoại về cái sự đi của người Việt trên Lao động cuối tuần. Giáp Ngọ Tết năm nay, lại đối thoại tiếp về cái sự quay về của người Việt-dù đi khắp 4 phương trời, mặc lòng, vẫn chỉ đau đáu quay về quê hương như lá rụng về cội. Bởi vậy, nhận diện cặp phạm trù văn hóa đi-về của người Việt, sẽ có ý nghĩa lớn cho sự phát triển và hội nhập của văn hóa Việt hôm nay…

 

Nguyễn Thị Minh Thái (NTMT): Theo dòng nghiên cứu lịch sử, ông đã cho rằng, từ xa xưa, ở Việt Nam đã có hai nhóm người thích/phải ra đi: một, là nhóm đi buôn bán, giao thương trong nước và nước ngoài. Hai là nhóm quan lại, trí thức của các triều đình phong kiến Việt Nam, được giao sứ mệnh lịch sử là đi sứ. Họ đi là để/muốn trở về, nhằm hoàn tất sứ mệnh, hay là họ có thể…đi luôn? Những người này họ có triết lý không, về sự ra đi và trở về, với quê hương bản quán, ngoài việc tuân thủ sứ mệnh?
Lê Văn Lan (LVL): Đặc điểm chung nhất của hai nhóm này trong lịch sử là đều thích/phải di chuyển ra khỏi làng quê Việt hoặc đất Việt mình,  nhằm mục đích thương mại hoặc ngoại giao. Theo tôi, nhân vật số ba trong “Tứ bất tử” là Chử Đông Tử, phải phiêu dạt từ Khoái Châu, Hưng Yên quê nhà, ra tận đất Đồ Sơn, Hải Phòng là để buôn bán, làm giàu. Giàu đến mức, khi trở về làng, ông được lập đền thờ, được dân tấn phong thành Ông Tổ nghề buôn Việt. Vậy đấy, ngay từ thời các Vua Hùng dựng nước, đã có nhân vật Chử Đồng Tử, là nông dân nghèo rớt, phải rời quê đi buôn mà thành Tổ nghề. Cũng theo cách ấy mà đến thế kỉ 18, nghề buôn phát triển thịnh đạt ở Việt Nam. Nguyễn Hữu Chỉnh, danh tướng đời Hậu Lê, con trai phú thương Nguyễn Mẫn, vừa mê tham chính ở Thăng Long, vừa ham buôn bán. Ông có công lớn làm sầm uất, thịnh vượng vài trung tâm thương mại nổi tiếng thế kỉ 18 ở Việt Nam.
Tuy nhiên, họ vẫn chỉ đi lại buôn bán thành công ở trong nước. Còn ở nước ngoài ư? Từ thế kỉ 15, Việt Nam đã có một kì nữ là Bùi Thị Hý tham vọng buôn bán viễn dương trên đường biển Việt, là một trong vài chủ thuyền lớn nhất của con đường gốm sứ, chỉ huy thương thuyền mang gốm sứ Chu Đậu bán ra nước ngoài. Tiền lãi từ gốm sứ Chu Đậu rất lớn. Có món đồ sứ được thành cổ Istambul Thổ Nhĩ Kỳ mua với giá hàng triệu USD, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia nước này, với chữ kí “thương hiệu” Bùi Thị Hý ngay trên mình sứ Chu Đậu. Biết ơn gốm sứ cho mình tài lộc lớn, phần nhiều lời lãi từ gốm sứ Chu Đậu, bà Hý mang về cung hiến xây dựng đình, chùa, cầu, đường… báo đáp cho chính quê hương Chu Đậu của mình.

 

 

NTMT: Ngoài những nhà buôn Việt đi để đem về giá trị vật chất, làm giàu cho nước Việt, còn có nhóm người đi sứ, nhất là đi sứ sang Trung Quốc ngày xưa. Những thứ họ mang về cho quốc gia,đã không thể đo đếm bằng tiền?

 

LVL: Đúng vậy. Những sứ giả này đều là quan chức-trí thức lớn trong kỉ nguyên Đại Việt, được bắt đầu tính từ triều vua Đinh Tiên Hoàng. Họ vâng mệnh đi sứ, chịu muôn vàn thách thức gian khổ, đặc biệt trong quan hệ bang giao rất phức tạp với Trung Quốc, để đem về cho quốc gia Đại Việt những giá trị văn hóa tinh thần quý báu. Tôi đặc biệt thán phục Lê Quý Đôn, đi sứ với triết lý thấm nhuần văn hóa Đại Việt: Đi sứ nước người là để biết người biết ta! Còn ở trong nước, ông cũng quan niệm: đã là trí thức gánh vác sơn hà, cần phải đi đây đó, cho hiểu đồng bào. Lê Quý Đôn đã triết lý thâm sâu về cái sự đi của mình: Chân không đi vạn dặm đường/ Bụng không chứa vạn quyển sách, thì chẳng đáng làm người. Kết quả cái sự đi để thỏa chí giang hồ phiêu bạt của Lê Quý Đôn đã đem về sách Kiến văn tiểu lục, ra đời trong những chuyến phiêu du của chính ông, là sách nổi tiếng về sự ích lợi khoa học cho cái sống của người Việt. Rồi Phủ biên tạp lục, một tác phẩm sâu sắc, hào hoa về xứ Đàng Trong, ghi lại chuyến hành hương của ông về sông Hương núi Ngự đẹp thơ mộng và lộng lẫy.
Song, tôi dành nhiều ngưỡng mộ nhất cho cái sự đi-về của danh nhân Ngô Thì Nhậm (1746-1803). Năm 1793 ông được cử đi sứ Trung Hoa vào đúng tiết xuân, đi ròng rã hơn một mùa xuân mới đến Bắc Kinh vào mùa hè. Đường về, ông phải mất hơn một mùa thu mới về đến nhà. Cộng cả ba mùa cho hai chuyến đi-về nơi đất khách Trung Hoa, ông viết sách Hoàng hoa đồ phả, kể chuyện đi sứ mất ba mùa, như một hoa trình, vừa đi đường thăm thẳm gian nan, vừa cao hứng viết, vẽ, trong tự hào dân tộc, yêu nước mình trên hết thảy tình yêu, lắng đọng trong câu thơ gan ruột: Quy Ngô ngữ ngã hữu/ Hạnh tai sinh Nam Bang (Tạm dịch: Ta về nói với bạn ta/ Thật là hạnh phúc được là người Nam)…Những sách ấy của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm đã đem về cho người Việt thứ của cải tinh thần vô giá!

 

 

NTMT: Theo dòng suy tưởng của chính ông, nhà sử Lê Văn Lan, tôi thấy một dòng đi vô cùng đặc sắc của các chí sĩ cách mạng, tìm đường cứu nước: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, mà sáng chói nhất là cụ Hồ Chí Minh, người đi nhiều nhất và cũng đem về nhiều nhất cho đất nước. Đó là cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập tự do, lần đầu khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa?

 

LVL: Quả vậy, họ là những chí sĩ cách mạng chân chính thời cận đại Việt Nam, “đã bôn ba nước ngoài vì giống nòi”, theo hướng Đông Du, Tây Du để tìm đường cứu nước, tìm cách canh cải nền kinh tế tiểu nông để cứu nhà. Họ học tập kinh nghiệm tổ chức cách mạng, cách điều hành quốc gia của các cường quốc láng giềng châu Á, châu Âu. Trong số đó, Cụ Hồ đã đến tận Paris, thủ đô nước Pháp, để học cách cứu nước, ngay khi Việt Nam đang là thuộc địa của nước Pháp thực dân. Tôi nghĩ không có cuộc ra đi ấy của cụ Hồ, không thể có cuộc CM Tháng Tám vĩ đại và sau đó là Kháng chiến chống Pháp toàn thắng năm 1954, và sau này, là cuộc Tổng tiến công đại thắng năm 1975, Việt Nam được thống nhất Bắc-Nam, toàn vẹn lãnh thổ, với quốc hiệu mới: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông Tây rất phức tạp và phong phú này, đầu thế kỉ 20, đặc biệt là đầu thế kỉ 21, tôi để ý ở đô thị Việt Nam xuất hiện một số nhân vật lãng du là văn nghệ sĩ, rất mê thích đời sống lang bạt kì hồ, rày đây mai đó, kiểu thi sĩ Nguyễn Bính ngày nào “đa đoan vó ngựa, chung tình bánh xe”…phải vậy không bạn?
NTMT(thay vĩ thanh của cuộc đối thoại):

 

Thưa nhà sử học LVL, về sự xê dịch của văn nghệ sĩ Việt, tôi thấy văn nghệ sĩ đầu thế kỉ 20 có rất nhiều say đắm và tác phẩm phiêu du tuy không nhiều, song có vẻ đích thực hơn thế hệ hậu sinh đầu thế kỉ 21. Thì ra, người ham xê dịch nhất đầu thế kỉ 20 chính là Nguyễn Tuân. Sau đó, là hai thi sĩ Thơ Mới,Thế Lữ và Nguyễn Bính. Đặc biệt là họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, người khai sáng trường phái của riêng mình, vẽ chân dung Tinh tướng họa. Ông rong ruổi từ Bắc vào Nam, sang cả Lào với xe riêng chở cả gia đình, mà ông đặt tên là Nhà lăn Mêly, ôi mê ly thật!

 

Đã ra người thiên cổ, nhưng tác phẩm phiêu du của họ để lại cho đời đều là những cuộc lãng du nghệ thuật trên chữ nghĩa văn chương, trên sắc màu hội họa, và đều làm phong phú bản đồ du kí của người thưởng thức. Họ khao khát đi, để được thấy, được cảm, được biết, được khám phá những mới lạ về con người, sự vật, để được quay về đổi mới tâm hồn, để sáng tạo tác phẩm mới. Và có thể, với họ, đi là để về bản thể nghệ sĩ của chính mình, trong niềm khoái thú vô biên của sáng tạo mới, do phong vị hương xa của chính cái đi khơi nguồn. Tôi bỗng nhớ câu thơ lộng lẫy của thi sĩ Trần Dần về sự khao khát xa khơi: Hãy sống như những con tàu/phải lòng muôn hải lý/Mỗi ngày/Bỏ sau lưng/nghìn hải cảng mưa buồn.
Đầu thế kỉ 21 đã đến hơn một thập niên, văn nghệ sĩ Việt thời hiện đại đang gia tăng số người đi-về hải ngoại. Trên văn đàn xuất hiện một loạt tiểu thuyết du kí của nhà văn Việt hiện đại, với phong vị hương xa mới và khác đầu thế kỉ trước. Với tâm thế mới, họ, những người viết còn rất trẻ, đã sẵn lòng phiêu lưu,hồn nhiên“Xách ba lô lên và đi”( Huyền Chíp). Cứ đi rồi sẽ thấy, sẽ “chạm” vào sự lạ, sẽ ngẫm ngợi nghĩ suy về mình về người, khi “Một mình ở châu Âu”(Phan Việt), để rồi sẽ không ngưng được viết…du kí, như một cử chỉ viết hồn nhiên nhất của người viết trẻ hôm nay.Trên mặt bằng sách du kí ấy, tôi thấy nổi bật bộ ba sách du ký mới của nhà văn Hồ Anh Thái, có lẽ là nhà văn gần như duy nhất, nhiều năm ở nước ngoài, mà cả đời đã phối kết hài hòa giữa việc công là phải đi đây đó của một nhà ngoại giaoViệt, với việc viết văn chuyên nghiệp, cũng của một nhà văn Việt. Hai cuốn sách mới của nhà văn này mang đầy hân hoan phong vị phiêu du phương Đông vừa mới ra mắt cuối năm 2013: Namaska! Xin chào Ấn Độ và Salam! Chào xứ Ba Tư. Cả hai cuốn đều dày hơn 400 trang, và cuốn thứ 3, là tập truyện ngắn hơn 200 trang, mang mang nỗi buồn xa xứ: Người bên này trời bên ấy, với tựa đề lấy từ vở chèo Lưu Bình Dương Lễ: Tình hoài vọng kể sao xiết kể/Thân một nơi lòng để một nơi. Cả ba sách đều được NXB Trẻ xuất bản năm 2013. Chính là tập sách thứ 3, 18 truyện ngắn, có trang bìa 4 do chính nhà văn Hồ Anh Thái viết, đã tinh tế biện giải cho tình tự đi-về của chính mình, với phong cách viết của  một nhà văn cần mẫn, đầy tính chuyên nghiệp, thông minh và đáo để thế sự: “Chuyến đi dài nhất chính là cả cuộc đời, một cuộc xê dịch triền miên trên cõi tạm. Qua các vùng địa lý, các vùng khí hậu, các vùng văn hóa và sắc tộc. Lên Bắc xuống Nam, Đông sang Tây và Tây trở về Đông. Gửi lại nơi đó những kỉ niệm, và đi đâu thì cũng mang theo trong lòng nỗi niềm hoài nhớ cố hương. Người đang ở bên này, bầu trời trên đầu cũng là trời bên này, nhưng ám ảnh hoài niệm khiến cho cảnh sắc chợt hóa thành bầu trời ở bên ấy.…Như mọi chuyến đi, đi là trở về với bầu trời xứ sở mình, dù có khi chỉ là trở về trong hoài niệm”.
Về chủ đề đi-về của người Việt hôm nay, tôi muốn kết thúc cuộc trò chuyện này bằng đoạn tự sự trên của nhà văn-nhà ngoại giao Hồ Anh Thái như một vĩ thanh. Tôi tin nhà sử sẽ chia sẻ, đồng cảm nỗi niềm của nhà văn xa xứ này.

LVL: Tôi hoàn toàn đồng thuận với bạn. Mùa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm nay, xin đọc ngay những tác phẩm mà bạn nói, bất cứ khi nào có thể…

NTMT: Xin cám ơn nhà sử học Lê Văn Lan.