Một người thầy (truyện ngắn)
Giang Viên tên thật là Đào Nguyên Thụy; hiện ở 12C, tổ 1, KP 3, Thị Trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. ĐT: 0917854421
Lâm là học trò của Phong hồi năm lớp năm. Nhà Lâm ngoài con rạch, nhà Phong nằm phía trong gần lộ. Tuy cách nhau không xa lắm, những lúc xuôi gió Phong gọi lớn Lâm có thể nghe được nhưng sự sinh hoạt của hai vùng khá cách biệt, trẻ con trong xóm ít khi ra vùng nhà Lâm chơi, nơi mà chỉ cách nhà Lâm khoảng trăm thước là rừng lá, rừng bần và đồng ruộng mênh mông.
Nhà Lâm nghèo, nhà Phong cũng chẳng khá gì hơn bao nhiêu. Chiến tranh mới chấm dứt vài năm đa số gia đình đều rơi vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau như thế cho nên thầy không giúp trò được gì ngoại trừ thi thoảng mang biếu một vài ký khoai lang mà vợ theo ghe mua từ Trà Ôn đem về bán.
Kinh tế càng ngày càng khó khăn. Cha mẹ Lâm dự định cho Lâm nghỉ học. Lâm học giỏi, giỏi đúng nghĩa chứ không phải giỏi theo kiểu cho điểm rộng rãi để đạt chỉ tiêu. Tính tình Lâm ngoan hiền, bạn bè đều quý mến, Phong nghe vậy mà hết hồn. Phong chưa kịp đến nhà động viên thì cha mẹ Lâm dẫn con vào gặp Phong xin phép cho Lâm nghỉ luôn. Dù đã đoán trước được chuyện sẽ xảy ra nhưng Phong vẫn thấy nhói lòng. Tình thầy trò của hai người thật sự lúc nầy mới bộc lộ rõ ràng. Lâm đứng cạnh mép bộ ván bằng gỗ cây cồng, đầu gục xuống, khoanh tay khóc nức nở. Còn Phong, bây giờ mới nhìn kỹ dáng vóc đứa học trò thân yêu của mình: mười ba tuổi (học trễ) gì mà đẹt câm như đứa bé lên chín không bằng, đôi bàn tay trẻ thơ sao mà khẳng khiu, trơ ra những xương. Sự còm cõi ấy càng làm cái đầu như bự ra, cái trán như dô thêm, đôi mắt thật sáng sâu hơn! Phong không cầm được lòng liền tiến tới ôm em trong vòng tay. Trời ơi! Cái mùi tóc hăng hắc khét nắng, cái mùi áo mặc nhiều lần không đổi chua chua đã làm mất đi ít nhiều mùi thơm da thịt trẻ thơ làm Phong vô cùng xúc động. Phong thì thầm: Lâm ơi! Có phải những giọt nước mắt em rơi xuống như mưa vì không được cắp sách đến trường như những bạn bè trang lứa? Hay có phải em không còn được là học trò của Thầy hằng ngày mình gặp nhau nữa chăng?! Có lẽ là cả hai phải không Lâm?!
Phong quay sang cha mẹ em, hai người đúng là bần cố nông, móng chân, móng tay ngâm thường xuyên trong bùn, trong nước thối hư gần hết, phèn dính vàng khè, lòng bàn tay với những nốt chai nổi cao. Nhà không có một cục đất chọi chim, chính cái nền nhà cũng của một người tốt bụng cho ở tạm, không biết bị lấy lại lúc nào. Cha em đi làm mướn, nặng nhẹ gì cũng làm, sớm muộn gì cũng không từ chối, xa gần gì cũng đi. Có khi theo bạn bè vô tận Cà Mau, Rạch Giá gì đó làm thuê, cả tháng trời đem về được mươi mấy giạ lúa. Nhà năm miệng ăn xoay qua, xoay lại không bao lâu đã hết sạch. Lâm đi học buổi sáng, mẹ em ở nhà như cua rụng càng, chỉ giữ hai đứa con nhỏ, vừa lo cơm nước, giặt giũ, xong, dẫn con ra rừng lá, rừng bần kiếm củi. Buổi chiều có Lâm, rảnh tay, rảnh chân, chị xuống sông mò tôm cá hoặc ra ruộng bắt còng. Thức ăn được phụ thêm từng ấy không thấm tháp gì, trăm vật đều phải mua nên không dư dả đồng nào. Những khi có ai thình lình nhờ làm cỏ vườn, cấy lúa, cuốc đất, gánh nước mướn… chị đành để con ở nhà một mình, cửa nẻo đóng cẩn thận, cột chặt, nhà gần sông rạch lỡ có bề gì thì hối hận cả đời.
Phong cũng như bao nhiêu người khác bao giờ cũng muốn tất cả các em trong độ tuổi đi học đều phải đi học nhưng thực tế tùy hoàn cảnh từng em nên có nào được như mong mỏi của mình đâu. Trong chiều hướng ấy, Phong cố tình tìm cách cứu Lâm, Phong hỏi:
-Nếu nghỉ học, anh chị sẽ cho em Lâm làm gì?
-Tụi em có người chị ngoài Long Khánh, được mấy mẫu vườn trồng mía, đu đủ, thuốc lá. Chỉ nhắn mấy lần biểu Lâm ra ngoải phụ, hằng tháng chỉ cho tiền. Thầy nghĩ coi, tụi em cùng đường đến nổi không có tiền mua cái giỏ, cái đèn để hằng đêm vợ chồng em soi cá, soi còng. Mấy đứa nhỏ không đủ quần áo để bận phải bận khín của anh. Còn Lâm chỉ có mỗi một bộ đồ bận đi học hoài, hôi rình. Không đầy hai tháng nữa nghỉ hè, tựu trường lên lớp sáu, tụi em không biết đào đâu ra tiền mua sách vở, đóng các phí nhà trường, rồi phải sắm quần áo mới…Lâm đi làm. Gia đình bớt được một miệng ăn, còn có tiền phụ tụi em nữa, Thầy!
Phong đành bó tay nhìn tương lai của Lâm mờ mịt. Biết làm sao bây giờ đây? Tuy nhiên trong cái khó ló cái khôn, Phong dùng kế hoản binh:
-Anh chị ráng cho Lâm học đến cuối cấp lấy bằng Tiểu học, nếu có điều kiện thì cho Lâm tiếp tục. Tôi nghĩ sông có khúc, người có lúc. Hết cơn bĩ cực, đến hồi thới lai mà! Về phần tôi, tôi sẽ cố gắng giúp Lâm theo khả năng của mình.
Hình như cha mẹ Lâm thuận theo ý Phong. Phong mừng thầm.
Hôm sau Phong mang nào giỏ, nào đèn, mỗi loại hai cái biếu cha mẹ Lâm, hai bộ đồ may sẵn cho hai đứa nhỏ và hai khúc vải cho Lâm. Năm ngày kế tiếp vợ Phong chở khoai lang về để vốn cho một tạ, bán hết mới trả tiền. Vợ Phong hứa mỗi chuyến đi cũng sẽ giúp cha mẹ Lâm như thế. Cha mẹ Lâm vui vẻ ra mặt. Có phương tiện làm ăn cải thiện ít nhiều cuộc sống, biết đâu chẳng là cái trụ cho hai người lần hồi chống chỏi có hiệu quả những khốn đốn sau nầy.
Những ngày chủ nhật Phong dẫn các con ra nhà Lâm chơi vừa cho các em Lâm có bạn vừa có không khí trong lành. Còn Phong thì hướng dẫn thêm cho Lâm những bài toán đố lắt léo hay gỡ những cái gút của một đề tập làm văn khó. Gần Lâm, Phong mới phát hiện Lâm rất có năng khiếu về vẽ và ca hát.
Có lần Phong đang ngồi câu còng cho các bé chơi, Lâm vẽ từ lúc nào, khi Phong đứng dậy, Lâm đưa bức tranh cho xem. Úy trời! Một người, khá giống Phong, ngồi trên bờ đầy cỏ, cầm cần câu với sợi dây dính tòong teng một chú còng, xa xa có rừng lá, rừng bần, vài con cò trắng lúc bay, lúc đậu và mặt trời chiều dần lặn sau rặng cây. Còn ca hát, nhất là những bài có nội dung buồn của lớp vọng cổ, tiếng ca trẻ trung, cao vời vợi, truyền cảm với giọng ngân điêu luyện khi cuối câu một, ai nghe cũng không khỏi chạnh lòng!
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Lật bật đã đến ngày bãi trường. Các thầy, cô giáo, sau khi được nghỉ dưỡng nửa tháng, qua sự phân công từng toán năm người của ban Giám hiệu, bọn Phong xuống những xã vùng xa, vùng sâu diệt dốt, chứng kiến tận mắt những đứa trẻ lên chín, lên mười vừa rách rưới, vừa không có một chữ lận lưng, sự quyết tâm của Thầy cô giáo càng dâng cao hơn bao giờ hết.
Công tác được hai mươi ngày, Phong được phép về báo cáo kết quả sơ bộ cho trường và mang thêm lương thực, tiền bạc và một số thuốc men thông dụng cho đồng nghiệp. Và…Phong thật sự bị sốc khi vợ Phong cho biết cha mẹ Lâm có đến cám ơn Phong và thông báo chuyển đi. Còn Lâm thì khóc. Phong đứng chết trân thật lâu như người bị trời trồng. Khi bình tĩnh lại, Phong nhận thấy cha mẹ Lâm không thể nào cưỡng nổi vì bị áp lực quá mạnh. Người chị từ Long Khánh vào thấy gia đình em mình xơ xác như thế đã bật khóc: “tụi bây phải đi, ở đây cạp đất ăn để sống hay sao? Tụi bây phải đi, phải đi…”, đồng thời người chủ đất nay mai sẽ lấy đất lại đào ao nuôi cá!
Phong đi ra nhà Lâm, cái chòi thì đúng hơn, nhà vẫn còn nguyên vẹn nhưng trống trải, vắng vẻ đến lạnh người, bất chợt Phong nhìn bức tranh Lâm vẽ Phong ngồi câu còng hồi trước dán lên miếng gỗ treo trên vách, nước mắt Phong bỗng ứa ra!
Con hẻm ngang nhà Phong, năm học tới, chắc chắn sẽ không còn in những dấu chân Lâm, đứa học trò nghèo thân thương của Phong, thường qua!