Sương ơi, đừng rơi nữa

Ngà đứng lặng dưới mái hiên ngoài rèm cửa. Sương đêm cuối năm rơi dày. Sương thấm ướt mái tóc. Sương chảy thành dòng xuống gò má, xuống cổ thấm vào da thịt. Và, cái lạnh tái tê của khối băng giá trong tâm can làm cho Ngà rùng mình, run rẩy. Đã mấy lần Ngà đưa tay lên vuốt những hạt sương đậu trên mái tóc. Bất giác làn môi cô thầm thì vô thức: “Sương ơi! Đừng rơi nữa”.

SƯƠNG ƠI! ĐỪNG RƠI NỮA
Ngà ôm con vào lòng. Cô nâng bầu vú màu phấn hồng nõn nà ấm áp lên nhẹ nhàng đút núm vào miệng con. Đôi môi của bé như hai cánh hoa mười giờ hé ra chóp chép. Dòng sữa có mùi thơm ngọt ngào, mát lành chảy vào cổ làm thằng bé nằm yên. Ngà ngắm nhìn con với ánh mắt yêu thương và cả nỗi niềm trầm uất dồn nén trong lòng. Ngà đã nhận ra những nét đặc trưng không thể nào nhầm lẫn trên gương mặt nó. Lòng cô đau nhói. Những giọt nước mắt ứa ra nóng hổi chảy thành dòng lăn trên gò má rơi xuống ướt mặt con “Con ơi, con bú dòng sữa ngọt của mẹ. Mẹ mong con chóng lớn khôn. Mẹ biết rồi đây con bú dòng sữa đắng chát, dòng sữa chua cay của cuộc đời. Những dòng sữa ấy sẽ dạy con đứng vững giữa dòng đời nghiệt ngã, con ạ. Lúc ấy con sẽ hiểu lòng mẹ...”. Ngà cầm khăn thấm nước mắt mình và những giọt rơi ướt mặt con. Ngà đã phải cắn răng, cúi mặt sống trong cảnh tột cùng của sự cay đắng, tủi nhục để sinh con. Bạn bầu của Ngà ái ngại cho cô. Có người đã tỉ tê rằng hay là bỏ nó đi để tìm lại sự thanh thản cho cuộc đời. Có người lại ỉ eo chép miệng “Giữ làm gì cái giống tệ bạc ấy”. Ngà thở dài ngao ngán “Sao cái số mình xấu thế”.
Cú sốc như trận sóng thần ào đến vùi dập cuộc đời Ngà rồi cũng tan dần đi. Cái chân chất sâu xa của con người như trầm tích trong lòng đất thì đọng lại, lắng xuống làm cho Ngà như khôn, chín hơn. “Dù sao thì bố nó vẫn đó. Mà mang tiếng xấu thì đã xấu rồi...”. Bây giờ nó đây, thương lắm, nó có tội tình gì. Ngà ôm chặt lấy con, nghe con nuốt từng ngụm sữa như nghe được chính nhịp tim mình đang truyền sự sống sang con tim bé bỏng của nó. Ngà đọc sách, cô đã biết ra nhiều điều. Ngà biết rằng trái tim của một người  chỉ to bằng bàn tay của nguời đó nắm chặt lại. Con tim của mình biết phập phồng rung động, biết rạo rực yêu thương, biết đớn đau hờn tủi... Còn con tim của nó đây chỉ bằng ngón tay cái, đã biết gì đâu. “Con ơi, rồi đây khi con lớn khôn có lúc con sẽ nghĩ về mẹ. Mẹ sinh con ra làm gì! Mẹ cho con bú mớm, nuôi nấng con để làm gì! Con khổ. Con làm cho đời mẹ khổ vì con. Ngơời đời chê cười mẹ. Người đời khinh rẻ con. Sao mẹ không nạo bỏ con đi khi còn là cục máu bất hạnh để mẹ không phải suốt đời mang nỗi nhục vì con”.
Ngà xót xa hối hận về phút nông nổi ấy. Đứa cấy giọt máu vào lòng Ngà đã lặn mất tăm rồi. Hắn lẩn trốn Ngà, có nghĩa là hắn chối bỏ đứa con của hắn. Những lúc ấy, người mà Ngà nhớ đến nhất là Thắng. Thắng đang ở trên miền biên cương xa tít tắp. Ngà muốn kêu to lên cho thấu đến trên ấy. Anh Thắng ơi! Anh nguyền rủa em đi. Anh xem em như một thứ rác rưởi, dơ bẩn của xã hội đi. Em quỳ lạy anh. Anh rủa réo em thế nào em cũng chấp nhận. Nhưng anh ơi. Anh hiểu cho lòng em. Không phải em phụ bạc anh. Em đã chảy nhiều nước mắt trong những đêm không ngủ vì nhớ thương anh. Nhưng chỉ vì một phút nhẹ dạ, em không ngăn cưỡng được bản năng con vật trỗi dậy trong em. Giờ đây em hối hận, em tự căm giận sự hư đốn buông thả của mình để đến nông nỗi này. Em căm giận, nguyền rủa cái nơi nhảy nhót kia đã xô đẩy em vào vũng bùn hèn hạ. Anh Thắng ơi!... Ngà yêu Thắng. Ngày Thắng nhập ngũ lên đồn biên phòng vùng Tây Trang canh giữ đất biên cương, bố mẹ Thắng đã chạm ngõ, bỏ trầu “rào cửa”.
Nhưng rồi người bạn thân cùng phố trước đây học cùng trường phổ thông với Thắng, với Ngà là Sở đã gây ra cơ sự này. Nay Sở là sinh viên Đại học. Sở đang thời kì đi thực tế vẽ kiến trúc đình chùa ở các vùng quê để làm bài tốt nghiệp. Sở rủ Ngà cùng đi. Rồi một lần trên đường về, Sở rủ Ngà vào vũ trường xem nhảy. Lần đầu Ngà được nghe tiếng nhạc sao mà rộn ràng đến thế. Tiếng nhạc làm đảo lộn mọi suy nghĩ, mọi tâm tưởng trong đầu. Tiếng nhạc làm cho đôi châm dậm dật, làm cho đôi tay quờ quạng, làm cho đôi môi mấp máy, đứng ngồi không yên. Con tim rạo rực lên với những dư âm tiếng hát lả lơi. Rồi dưới ánh đèn xanh tím chập chờn như ở cõi âm ty, các vũ nữ mông vổng lên ngực ưỡn ra, những cặp đùi trần nõn nà ấp vào nhau lắc lư, quằn quại... Cánh con trai rào rào nhảy cẫng lên như bị kiến đốt, ngửa cổ dán mặt vào đấy. Chúng ngúc ngắc đầu giống như nong tằm ăn rỗi hướng về ngọn dâu non. Ngà nóng bừng mặt. Người rực lên. Mắt hoa. Tâm trí rối bời. Những động tác gợi cảm đó cứ níu chân, giữ hồn hai người lại. Khuya, về đến đoạn vượt qua đường sắt rẽ vào thành phố, Sở dừng xe máy rủ Ngà ngồi nghỉ trên vạt cỏ non... Rồi đầu óc mụ mẫm, đần độn đi, người nhũn ra. Ngà không còn cầm cự nổi. Trời sao mênh mông, nghìn năm trong chớp mắt. Và cái chuyện “khôn ba năm dại một giờ” đã xảy ra.
*
Khi cái bụng đã lùm lùm thì Ngà thẫn thờ, lo sợ. Ngà nói với Sở. Sở thản nhiên, ậm ờ, bằng chân như vại: “Anh sẽ liệu, em yên tâm đi”. Ngà thấy sự bất hạnh đã đến. Ngà khóc lóc, dồn dục: “Anh liệu bằng cách nào”. Mặt cậu sinh viên tươi hơn hớn, nước da trắng trẻo, môi mềm nói dẻo quẹo, lần khân: “Em chờ, bố mẹ anh đang thu xếp”.
Cái thai ngày càng già tháng “máy” càng nhặt, Ngà như ngồi trên đống lửa: “Anh! Còn chờ đến bao giờ nữa?”. Sở nhếch mép cười gượng gạo, ấp úng: “Thì em cứ từ từ, rồi đâu sẽ vào đấy mà...”. Khi nước đã đến chân, Sở mới thú thật việc tày trời đó với bố mẹ. Nghe thủng câu chuyện, mẹ anh tru tréo lên: “Thế là mày bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày rồi. Mày bắt thằng bố, con mẹ mày phải muối mặt cưới chạy như cưới chạy tang hả”. Giọng bà riết róng: “Tao nói cho mày biết nhà này không có cái loại chợ búa có nghé rồi cưới cả mẹ lẫn con đâu nhá. Tao cũng hỏi thật có phải con của mày không hay là nó ăn ốc mày đổ vỏ đấy”. Bố anh trừng mắt: “Tao là cán bộ phường, mày làm thế, tao còn mặt mũi nào để quan trên nhìn xuống, dân phường trông vào. Tao chỉ có mình mày. Tao đã công cốc mất toi rải hàng chục triệu cho cả trăm đám cưới rồi. Tao cứ đinh ninh việc cưới hỏi của mày sẽ làm rạng rỡ cho cái mặt tao, làm danh giá cho cái nhà này. Bây giờ mày trở chứng như thế thì thiệt đơn, thiệt kép, mất cả chì lẫn chài rồi con ơi là con”. Sở chưa kịp phân trần thì mẹ anh đã sấn sổ đến dí ngón tay vào trán con trai. Bà nghiến răng, căng lưỡi mắng té tát: “Mày định cưới nó thì quyến nhau cuốn gói, tìm chỗ mà xéo, tìm ổ mà nằm. Tao coi như không có mày. Không chi một đồng xu nào cho mày...”.
Thế là trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, Sở chỉ còn cách chạy làng đánh bài chuồn, tránh mặt Ngà. Sở khóa máy điện thoại di động. Sở lặn một hơi mất tăm vào tận Vũng Tàu, lên tận Lào Cai thăm ông chú, bà cô.
Bố mẹ của Ngà thương con muốn vo tròn mọi chuyện. Ông bà chịu nước lép đến gặp bố mẹ của Sở thưa chuyện. Ông bà nói rằng đã lỡ làng ra thế, con dại cái mang, đã trót thì phải trét để khỏi miệng tiếng thế gian. Rồi vài lần nữa bố mẹ Ngà lại sang, lại bàn hết nước hết cái rằng ông bà mở lòng nhân ái thương lấy chúng nó, lành thì làm gáo, vỡ làm muôi. Ông bà cho hai đứa đăng ký để đứa con có bố rồi sau đó chúng nó chia tay nhau. Đời chúng còn dài...
Bà mẹ chàng sinh viên với thái độ trịch thơượng, cong cớn mắng xơi xới. Bà nghĩ rằng, nhà bà đã cầm con dao đằng chuôi rồi. Bà chỏng vảnh. Giọng bà the thé: “Nhà này không nảy nòi ra như thế. Con ông bà hư thì ông bà nghĩ cách lo toan che chắn cho nó”. Bà chỉ tay vào Ngà đang ngồi cúi mặt khóc nức nở. Bà hất hàm xỉa xói: “Tôi nói cho cô biết, đàn ông như cái nơm gặp nơi nào úp được thì người ta cứ úp. Mình là đàn bà con gái phải biết giữ thân chứ. Cô không giữ được là việc của nhà cô. Mà tôi nghe nói cô đi lại bờm xơm với nhiều người chứ đâu có một mình thằng Sở nhà này”. Mặt bà sa sầm. Bà bĩu môi. Hai vệt lõm hằn sâu hai bên khóe miệng kéo dài xuống tận cằm. Các cụ dạy rồi, đó là loại mồm “lượng xà xuất khẩu”: “Hay là cô lang chạ mười phương rồi đến đây vu oan giá họa cho nhà này đấy...”. Nói xong, bà lật đật chạy vào bếp xúc một bát gạo lẫn muối ném vung ra sân, ra cửa.
Ngà đứng bật dậy. Hai vai cô run lên vì tức giận. Cô đưa mu bàn tay gạt những giọt nước mắt đục, dính như keo ứa ra quanh bờ mi: “Đã đến nông nỗi này thì tôi không còn giữ thể diện nữa”. Ngà quay mặt về phía bố mẹ mình: “Con xin phép bố mẹ, con phải nói cho bà này mở mắt. Đây là con của anh Sở, dòng máu của nhà bà. Anh Sở hèn hạ không xứng mặt thằng đàn ông đã phủi tay bỏ chạy. Nhà bà vô phúc cũng trở mặt không nhận giọt máu của mình. Con tôi. Tôi đẻ. Tôi nuôi. Dù phải bế nó đi ăn xin, mẹ con tôi cũng nuôi nhau”. Nét mặt tươi tắn, dịu hiền thời con gái của Ngà thoắt trở nên đáo để chưa từng thấy. Đôi mắt cô cháy rực lên như hai đốm lửa. Cô nói méo cả tiếng: “Bà nhớ nhá. Đừng có cạn tàu ráo máng. Trời có mắt. Chờ đấy”.
*
Theo tập tục từ xa xưa ông bà truyền lại khi sinh con, người mẹ lấy nhọ ở ông đầu rau đánh dấu lên mặt con để “trừ tà ma quấy nhiễu”. Nay thì Ngà ấn ngón tay cái vào hộp son môi rồi  chấm đẫm lên trán con, in rõ dấu vân tay như để khẳng định chủ quyền “nó là của mình”. Ngà đặt tên con là Thương. Cái tên gói trọn nỗi lòng người mẹ. Ngà khai sinh nhập hộ cho con mang họ của mình: Nguyễn Văn Thương. Luật hôn nhân gia đình công nhận điều ấy.
Cháu Thương đầy ba tháng, chắc mẩm, chuyện đã trơn bọt lọt lạch. Sở từ Vũng Tàu lò dò ra. Xuống ga tàu hỏa, Sở xách túi lững thững men theo đường sắt, đến vạt cỏ non thì vượt ngang sang. Đi qua vạt cỏ rồi, Sở tần ngần ngoái lại nhìn. Cử chỉ ấy như nhắc điều gì đó thức dậy trong lòng anh... Bước chân khựng lại, anh thẫn thờ lắng nghe tiếng trẻ khóc từ dãy phố bên kia vọng sang. Mắt anh như mờ. Tai anh như lãng... Anh nằm gọn trong bánh sắt con tàu lao tới. Phải mất mấy tiếng đồng hồ sau xe cẩu mới đến. Cẩu phải nhấc bổng cả toa tàu lên, người ta mới kéo được thi thể anh ra. Thật là thảm khốc. Ai cũng kinh hoàng. Bữa đưa tang Sở, Ngà nghỉ đi làm, cô ngồi nhà ôm bé Thương vào lòng. Ngà tủi thân, thương mình một phần thì thương con đến trăm phần. Ngà khóc. Đôi mắt Ngà có cái nhìn u uẩn. Nhìn ai Ngà cũng đọc được suy nghĩ trong lòng họ “Mày biết không, cả xóm phố đang nhìn mày bằng con mắt thương hại, tội nghiệp đấy. Họ chỉ lựa lời nói dịu dàng an ủi mày tránh làm cho mày chột dạ, tủi thân đấy thôi. Những gì tốt lành mọi người dành cho bé Thương như hộp sữa, gói bỉm, tấm áo lọt lòng... là sự làm phúc, cứu tế đứa con bất hạnh của mày đấy...”. Nghĩ đến thế lòng Ngà như muối xát. “Ôi người ta có con thì vui mừng hãnh diện vì con. Tôi có con thì cả trăm điều buồn tủi. Con ơi. Con còn đỏ như hòn máu từ lòng mẹ rứt ra, một bàn tay mẹ thì đầy, hai bàn tay mẹ thì vơi mà đã phải gánh chịu tội nợ này”. Ngà đã nghe ông bà nói rằng ở đời phúc thì khuất nẻo nào cũng tìm đến, mà họa thì dây mơ, rễ má mấy đời cũng không tha. Chẳng biết các cụ, các kỵ nhà mình xưa có ai gieo tai họa gì cho thiên hạ không mà đời mình chuốc lấy quả báo tiền oan nghiệp chướng này. Ngà ôm chặt bé Thương. Vẻ mặt Ngà não nề. Ngà nhìn trân trân vào gương mặt, vào vành môi của bé, thở dài. Bất giác Ngà lấy mảnh vải xô trắng gấp lại buộc lên đầu con. Đôi tay ngập ngừng run rẩy. Bé Thương nằm im trong vòng tay, gục đầu vào bầu vú ấm áp của mẹ. Tội nghiệp, nó đâu biết sự đen bạc đáng nguyền rủa người lớn gây nên mảnh vải xô oan nghiệt buộc vào cuộc đời nó. Bú no, bé nhả vú mẹ mở mắt nhìn ra phía ánh sáng. Mắt bé lơ mơ không biết nhìn vào đâu, không dừng lại chỗ nào... “Con ơi, có phải rồi đây cuộc đời con cũng sẽ không biết nhìn vào đâu mà chỉ bấu víu vào người mẹ bất hạnh này...”. Giây phút đó hai mắt Ngà mờ nhòa như có màn sương chiều đông u ám.
*
Hầu như đêm nào, bố mẹ của Sở cũng mơ thấy con trai về đứng ngoài sân. Đầu mình, chân tay anh máu me bê bết. Anh nỉ non than khóc giọng buồn thê thảm gọi “Thương ơi! Thương ơi!” và gọi tên từng người.
Ông bố của Sở đâm lẩn thẩn nói lảm nhảm một mình, giấc mơ dựng ông dậy, ông thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa. Ông lần bước ra mở cổng đứng thẫn thờ đến sáng. Bà buồn sống trụi thùi lụi lúc tuổi già. Ông bà muốn thưa chuyện để xin được đón cháu Thương về lập đích tôn cho dòng họ. Nhiều buổi chiều, ông bà chống gậy dắt díu nhau nhìn vào nhà trẻ Hoa Hồng, nơi Ngà gửi bé Thương. Ông bà chờ lúc mọi người đón cháu, đón con để được nhìn thấy bé Thương. Bà chỉ thằng bé mơn mởn như bẹ cau mới trổ cho ông: “Nó đấy. Sao mà nó giống thằng Sở đến thế. Giống từ gương mặt, hai con mắt và cả cái miệng cười. Đúng là giỏ...”. Bà vội khựng lại, bẽ bàng nhìn ra xung quanh với ánh mắt ngượng ngùng. Có lần, bà đánh bạo, gọi: “Thương ơi! Thương ơi!”.
Bé Thương ngoái cổ nhìn bà đầy vẻ xa lạ và sợ hãi. Ngà kéo vội con đứng nép vào lòng, giống như gà mẹ xòe cánh che chắn cho con trước loài diều cú. Cặp lông mày cô nhướng cao. Mặt cô bừng bừng: “Nó là con tôi. Tôi cấm bà lân la gần nó. Bát nước đầy các người đã hắt đi rồi. Nếu nhà bà tử tế, con bà không như thế, mẹ con tôi không đến nỗi này. Trời có mắt”. Ngà bế thốc bé Thương đi. Bà lão đứng chưng hửng nheo mắt nhìn theo. Bà nói với, giọng van vỉ: “Cô Ngà. Xin cô mỗi tuần cho tôi được gặp cháu một lần...”. Ngà xẵng giọng: “Ai là cháu bà. Ngày nó mới là hòn máu, nhà bà đã ruồng rẫy nó rồi...”
Bé Thương tròn đôi mắt đen láy ngỡ ngàng nhìn mẹ. Bé đâu hiểu được nỗi lòng trắc ẩn của người lớn. Được mẹ bế đi xa đến mươi bước rồi nhưng bé cứ ngoái cổ nhìn lại. Bỗng bé đập tay vào lưng mẹ:
-         Mẹ! Mẹ ơi!
-         Gì đấy con? - Ngà trả lời con nhưng mắt vẫn nhìn thẳng hướng đường đi
-         Khóc... khóc... mẹ dỗ... nín đi... Cô giáo dạy không được mắng... bạn khóc...
Ngà quay lại nhìn. Bà già lưng còng gập xuống đứng nhìn theo. Hai tay bà run rẩy bám vào cái gậy của ông già mới đứng vững. Bà lảo đảo lúc tay phải buông gậy của ông để kéo vạt áo chấm nước mắt.
Ngà bế con đứng tần ngần. Rồi bước chân cô dùng dằng đi trở lại phía ông bà già...
Giáp Tết, anh Thắng được gia đình đến trại điều dưỡng đón về. Anh bị thương. Cánh tay anh bại liệt rũ xuống như tàu chuối héo. Họa hoằn lắm như lúc thật xúc động hoặc giận hờn, tay anh mới cử động nhẹ được. Viên đạn tội ác của bọn luồn rừng buôn ma túy đã bắn trúng tay anh, lúc anh truy đuổi chúng.
Một buổi tối, gửi bé Thương cho bà, Ngà đến thăm anh. Trước lúc đi, Ngà vỗ về bé, hôn bé. Ngà nhìn đắm đuối vào gương mặt con “Mẹ đã sinh ra con như thế này đây. Lớn lên, con ơi, con hãy nhìn thẳng vào sự bất hạnh này để thành người đàn ông con nhé...”
Gái một con dáng Ngà vẫn đẹp. Cô đẫy đà, mỡ màng hơn. Eo lưng vẫn mềm mại, bờ vai thanh tú, cổ cao gáy trắng nõn nà. Chỉ có đôi mắt Ngà thoáng vẻ buồn. Nhưng điều ấy làm cho vẻ đẹp của Ngà đằm, sâu lắng. Bước chân Ngà nặng trĩu, ngập ngừng. Một bước đi tới hai ba bước muốn quay về với con. Ngà xót xa nuối tiếc những kỷ niệm đầm ấm, hò hẹn bao nhiêu thì càng bẽ bàng, hổ thẹn cho thân phận bấy nhiêu. “Ôi, mình giống như con nợ đang lén tìm đến gặp người chủ để kêu van, cầu khẩn lòng thương? Không! Đó chỉ là lĩnh vực nợ tiền tài. Còn nợ về nhân tình thì lương tâm cắn rứt suốt đời, và không có gì đền trả được”. Có lúc Ngà đứng khựng lại, mắt hoa lên, những vòng tròn xanh đỏ chờn vờn phía trước. “Ôi! Sao trời không sai Nam Tào, Bắc Đẩu giáng thiên lôi, sấm sét xuống đầu tôi! Sao thổ thần, thổ địa không nứt toác đất ra để tôi rơi xuống nơi âm ti vô định! Sao sóng thần không ào đến cuốn tôi mất tăm, mất tích đi, để tôi phải hứng chịu sự trừng phạt này...”. Ngà thở dài đứng tần ngần. Sự day dứt giằng xé tâm can. Ngọt bùi chưa nhiều, nhưng đắng cay đầy ắp trong ký ức, Ngà đã gồng mình lên để chống chọi với cuộc đời... Giờ đây Ngà phấp phỏng không biết anh sẽ xử sự với mình thế nào đây? Anh mắng mỏ mình ư? Anh xỉ vả mình ư? Anh trách móc, chửi bới mình ư? Thực ra anh có quyền làm như thế. Anh sẽ ném vào mặt mình cái nhìn căm ghét thù hận. Ngà biết rằng đàn ông mười người thì mười một tâm địa vị kỷ, nhỏ nhen trong tình cảm. Ngà nhớ năm xưa, trong một bữa cơm chiều được nghe ông nội nói câu “hôn nhân điền thổ vạn cổ thâm thù”. Ngà không hiểu, xin ông giảng giải. Ngà mới rõ, hai điều ấy trong cuộc sống thì không ai mềm lòng chịu nhường ai. Mình đừng hòng mơ hồ lòng vị tha. Mà ví như có điều đó thật thì mình cũng không còn mặt  mũi nào. Mình bây giờ chỉ biết sống bằng sự cứng cỏi của lý trí thôi. Còn sự rung động mềm yếu của con tim đã làm mình bổ chửng thế này đây. Anh Thắng ơi! Đến nước này anh xử sự thế nào em cũng cam lòng. Em đành muối mặt vậy thôi. Biết làm sao...
Ngà đứng lặng dưới mái hiên ngoài rèm cửa. Sương đêm cuối năm rơi dày. Sương thấm ướt mái tóc. Sương chảy thành dòng xuống gò má, xuống cổ thấm vào da thịt. Và, cái lạnh tái tê của khối băng giá trong tâm can làm cho Ngà rùng mình, run rẩy. Đã mấy lần Ngà đưa tay lên vuốt những hạt sương đậu trên mái tóc. Bất giác làn môi cô thầm thì vô thức: “Sương ơi! Đừng rơi nữa”.
Gặp Thắng, Ngà ngước cặp mắt như biết nói lời buồn của người có lỗi, chào anh. Nước mắt Ngà tự nhiên ứa ra. Ngà đưa hai bàn tay lên che mặt. Nước mắt trào ra từ các kẽ ngón tay rơi xuống sàn nhà. Và tiếng nức nở cũng thoát ra từ các kẽ ngón tay. Bỗng nhiên đôi chân Ngà như nhũn ra. Bước đi lểu đểu. Hai đầu gối chùng xuống. Ngà không còn đứng vững được nữa. Cô quỳ sụp xuống trước mặt Thắng. Ngà nói, giọng thương cảm, méo cả tiếng: “Em có tội với anh... Anh hãy xem em như đứa em gái hư hỏng, tội lỗi của anh. Anh...”. Ngà nghẹn ngào. Sự xúc động làm cho Ngà không tự chủ được mình. Cô ôm lấy cánh tay mềm nhũn, thõng xuôi theo chiều ống áo của Thắng. Thắng vẫn ngồi im. Nét mặt anh lặng chìm trong ký ức. Đôi mắt anh trầm tĩnh, xa xăm nhìn vào màn đêm thăm thẳm. Trông anh hiền như tượng ông Thiện trong chùa tỏa hương thơm và sáng ánh hào quang. Bỗng như có một sức mạnh thần kỳ nào chuyền vào cánh tay thương tật của anh. Nó động đậy, nhúc nhích rồi nâng nhẹ lên đủ độ bám được vào bờ vai của Ngà.
-   Đừng... Đừng... Anh. Em không còn... Ngà nức nở như trẻ con. Nước mắt cô nóng hổi thấm ướt tay áo Thắng. Im lặng, nghe rõ tiếng thổn thức của Ngà.
Ngoài hiên ngọn gió lướt nhẹ trên khóm mai chiếu thủy. Những chùm hoa trắng ngát thơm. Gió mùa xuân.
Trần Hữu Tòng
ĐT : 0904614477