Người trong song sắt (truyện phim hình sự)

Tác phẩm này được sửa chữa tại Trại Sáng tác Văn học do Bộ Công an tổ chức tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), tháng 4/2013. Đây là một trong 2 tác phẩm của tác giả được hoàn thành trong thời gian tham dự Trại. Tác phẩm đã đăng ký bản quyền và đã xuất bản thành sách. Tác giả mong muốn được hợp tác với các nhà làm phim truyện nhựa hoặc truyền hình. Địa chỉ liên hệ: Nhà báo Cao Thâm, Tòa nhà Báo Tiền phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. ĐT: 0913 841 443; E.mail: caominh1957@gmail.com.

Các nhà văn tham dự Trại Sáng tác đi thực tế tại Mỏ than Cao Sơn

1

Thành phố mỏ nhìn từ trên cao. Những ngôi nhà, đường phố lung linh dưới ánh đèn. Từ chiếc loa công cộng vang lên tiếng hát: “ Ơi hỡi những vì sao người bạn đường đêm nay có thấy chăng?…Sao lấp lánh trên tầng cao, sao lấp lánh trong hầm sâu, sao lấp lánh thành phố mỏ…”

Đường lên mỏ hình xoắn trôn ốc, xe tải  nối đuôi nhau rù rì lăn bánh. Trước cửa lò, tốp thợ mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đầu đội mũ nhựa, gắn đèn ắc quy rầm rập vào ca. Ven mỏ, đoàn tàu chở than thi thoảng rú lên hồi còi. Tại bến cảng, than cuồn cuộn theo băng tải, máy rót đổ xuống một con tàu khổng lồ. Ngoài  kia, trên những những boong tàu, đèn dày đặc lấp lánh như sao. Những đảo đá lô xô tím biếc trên mặt vịnh Bái Tử Long.

Tại một góc phố thợ, lác đác người qua lại. Trên vỉa hè, trẻ con nô đùa. Dưới tán dâu da, mấy thanh niên ngồi uống bia. Họ nói về công việc, về tiền lương, về mấy ngôi sao ca nhạc mới nổi lên.

Lúc này, trong ngôi nhà mặt phố, một phụ nữ  nằm trên đi văng nghe nhạc. Có tiếng đập cửa. Chị giật mình chồm dậy nghe ngóng. Bên ngoài chợt im lặng. Chị nằm tiếp. Lúc sau, những tiếng đập cửa gấp gáp, thôi thúc lại dội vào. Chị lại chồm dậy, gương mặt thảng thốt. Chị rón rén ra mở cửa. Đường phố vắng ngắt. Những hàng dâu da trắng xóa. Gió rít từng đợt. Lá cây rụng bời bời. Tiếng còi tàu từ biển ụ lên những hồi dài như tiếng khủng long thời tiền sử. Chị rùng mình, ngó nghiêng rồi đóng ập cửa.

Phòng khách nhà chị rộng, nối thông với phòng ăn, bếp, phòng vệ sinh. Trong phòng bài trí những đồ đạc đắt tiền. Thứ gì cũng sáng choang. Các bức tường trắng toát. Chiếc đài cassette trên mặt tủ phát ra bản nhạc buồn. Lại có tiếng đập cửa. Lần này, những tiếng đập cửa gấp gáp hơn. Chị lại rón rén ra mở cửa. Trước mặt là người đàn ông chừng ngoài bốn mươi, dắt xe máy Dream II. Chị gượng cười:

- Anh ạ. Vậy mà em tưởng ai trêu.

Người đàn ông không nói gì. Anh dắt xe máy vào nhà cẩn trọng gạt hai tấm đệm cao su căn vào vị trí của chân chống và lốp sau. Xong xuôi, anh bỏ mũ bảo hiểm để lộ cái trán hói xộc lên đỉnh đầu. Gương mặt anh phẳng lặng, khép kín. Người đó là Lê Công Lừ, chồng Na – tên nhân vật trong truyện này. Na lăng xăng cất cặp, cất mũ cho anh. Anh lừ lừ quan sát khắp căn phòng, mũi khịt khịt rồi tắt cassette, nói cộc lốc:

- Ồn quá!

- Anh uống sữa nhá?

- Th…ồ..i.

Nói đoạn, anh lấy phích dốc nước sôi  tráng cốc thật kỹ rồi mới rót nước lọc uống.

Mặt Lừ vẫn không biến dạng. Anh hất hàm:

- Em ngồi xuống đây.

Na ngạc nhiên:

- Dạ…có việc gì thế ạ?

Na rón rén ngồi xuống đi văng. Đột nhiên Lừ tròng tay vào cổ Na. Na hốt hoảng:

- Anh... Anh…?

- Y…ề…n!

Mặt Lừ vẫn vậy. Anh túc tắc hít ngửi lên áo, lên tóc Na, giọng khào khào:

- Hôm nay cô đi với thằng nào?

- Làm gì có chuyện đó ạ!

- Sao người cô toàn mùi thuốc lá?

- À, em mới đi xem hội diễn văn nghệ về. Lúc giải lao, người ta hút thuốc khói um lên, chắc khói bám vào người.

- Ba cái trò văn nghệ văn gừng, dẹp! Đến đấy chỉ để đú đởn.

Na vênh mặt:

- Anh nói thế mà nghe được.

Lừ buông vợ ra, vào phòng vệ sinh. Nhìn thấy quần lót của vợ trong chậu, anh cầm lên, soi xét, rồi đưa lên mũi… ngửi; bộ mặt vẫn phẳng lặng, khép kín.

2

Quán nước đầu phố Lán Tháp xập xệ, nối thông với nhà chính. Trong quán bày bán bánh kẹo, thuốc lá, bia, nước giải khát. Chủ quán là bà Xuyền, chừng ngoài sáu mươi, mặt trát phấn loang lổ, răng vẩu, tóc nhuộm vàng, đang nằm trên võng. Chợt thấy thằng bé chừng mười tuổi đứng tần ngần trước cửa nhà hàng xóm, bà gọi:

- Thằng Tuấn đấy à?

Thằng bé:

- Vâng ạ. Cháu chào bá.

- Vào đây.

Thằng bé vào quán bà Xuyền, mặt rầu rỉ. Nó hỏi:

- Bá có biết bố cháu đi đâu không ạ?

Bà Xuyền cười phe phé:

- Chắc bố mày trúng đề, lại đi xả láng chứ đi đâu. Hôm qua cũng có hai thằng đến đây tìm bố mày. Hôm nào bố mày trúng đề, tao biết ngay. Trúng đề, mặt bố mày hớn hở, nếu không rủ người đến nhậu nhẹt, đàn hát cũng đi đâu đó vài ngày. Mày làm sao mà như cái thằng bụi đời thế kia?

Tuấn cộc lốc:

- Chán!

- Chán là chán thế nào? Mẹ mày lấy ông Tây giàu sụ ra. Nhà lại có mỗi mình mày. Sao lại chán?

Tuấn với chai bia, bật nắp. Bà Xuyền khen:

- Nom mày bật nắp sành điệu nhể? Hết chai này không?

Tuấn không trả lời. Cậu ta ngửa mặt uống một mạch, hết cốc bia. Bà Xuyền gật gù:

- Trẻ con mà uống khiếp.

Bà Xuyền nhìn sang nhà hàng xóm, thấy người đàn ông cao lớn, tóc rối bù đang mở cửa. Bà bảo:

- Bố mày về rồi kìa.

Tuấn nói:

- Bá ghi sổ cho cháu.

Nói đoạn, cậu ta ra khỏi quán, gọi:

- Bố ơi, con bảo cái này…

Trương Nhu – tên người đàn ông - đứng bên thềm, mặt hốc hác, bơ phờ, hấp háy nhìn con trai:

- Cứ vào nhà hẵng.

- Con đang vội lắm.

- Có chuyện gì thế?

-  Bố…cho con xin ít tiền.

- Sao lúc nào sang con cũng xin tiền? Không nói chuyện với bố một lúc à?

- Con đang vội về đi học mà bố.

- Con cần nhiều không?

- Năm trăm.

- Trời! Con làm gì mà tiêu nhiều tiền thế? Tuần trước bố mới cho con năm trăm.

- Con đóng tiền học mà bố. Nhiều khoản lắm.

- Rồi uống bia, đi chát chít nữa chứ gì? Mới tý tuổi đầu đã bia rượu, mặt đỏ gay thế kia à?

Tuấn ấp úng:

- Con …

Nhu mở ví, lấy ra một tờ giấy bạc, mệnh giá một trăm nghìn đồng:

- Bố chỉ còn thế này.

Tuấn cầm  tiền, nài nỉ:

- Bố vừa trúng đề, sao kẹt xỉ thế?

- Ai bảo với con thế?

- Bá Xuyền bảo bố vừa trúng đề. Chắc bố lại đi hát karaoke, cho gái hết rồi chứ gì?

- Mày… hỗn! Ai dạy mày hỗn láo thế, hả?

- Chẳng ai dạy cả. Bố có cho không thì bảo.

- Mày ra lệnh cho tao đấy à?

Tuấn ném tờ giấy bạc vào người Nhu:

- Đồ kẹt xỉ!

Nhu giận run người, tát con. Thằng Tuấn dạt vào bờ tường, ngực lép kẹp, mặt rắn cưng, trân trân nhìn bố. Nhu cũng sững sờ nhìn con như một kẻ xa lạ. Người anh run lên. Bất chợt, anh ôm ghì lấy nó:

- Tuấn ơi, con đã đến nông nỗi này rồi sao?…

Nước mắt anh ứa ra. Anh buông thằng Tuấn, chạy đến quán bà Xuyền, giận dữ:

- Bà Xuyền! Bà đã đầu độc con tôi phải không?

- Chú nói lạ. Tôi đầu độc là đầu độc thế nào?

- Bà cho nó uống bia rồi nói linh tinh về tôi với nó. Nó trẻ con, biết gì!

- Ơ hay.Tôi bán bia, ai có nhu cầu thì tôi bán. Chú cấm tôi à?

- Tôi cấm bà đấy! Từ nay bà còn cho nó uống bia; còn nói linh tinh về tôi với nó, đừng có trách!

Bà Xuyền nhảy cồ cồ:

-        Thì…thì mày làm gì tao, hả?

 

3

 

Na  nhớn nhác tìm số nhà. Cô dừng lại ở nhà số 6, tường xanh tróc lở nhôm nhoam, cửa gỗ cũ kĩ đang đóng kín. Ngập ngừng một lúc, Na gõ cửa. Trương Nhu mở cửa:

- Ôi, em…

Hai người sững sờ nhìn nhau. Lúc sau, Nhu cuống quýt:

- Em vào nhà đi.

Nhà Trương Nhu rộng chừng ba mươi mét vuông, kê chiếc giường đôi, cái tủ gỗ tạp, bộ bàn ghếng cầm. Trên giường bừa bộn chăn, sách báo; trên mặt bàn, mấy cái chén mắt trâu chỏng chơ, cái đựng thuốc lào vụn, cái đựng ớt xanh; dưới gầm bàn một xô nhựa đựng điếu cày trong đó ngập ngụa bã chè và xái thuốc lào. Nhu cài cửa, nói:

- Xin lỗi em, hàng xóm ở đây hay nhìn ngó, tọc mạch lắm.

Na nhìn căn phòng bừa bộn, lặng đi. Nhu nhăn nhó:

- Nhà chẳng có đàn bà, lôi thôi luộm thuộm quá.

Nói đoạn, Nhu với cái ấm màu da lươn định đổ bã.

Na nhanh nhảu:

- Anh để em.

Na lóng ngóng đổ bã chè, lau rửa ấm chén, hỏi:

- Chị với cháu ở đâu, anh?

- Vợ anh…nó đi theo thằng Tây rồi! Chúng nó tưởng đấy là tình yêu! Cứt!...

- Vậy như. Em xin lỗi …đã hỏi chuyện này.

- Không sao, chuyện qua lâu rồi mà.

- Vậy các cháu lớn chưa anh? Đang ở đâu?

- Anh có mỗi thằng, mười tuổi, sống với mẹ bên Bãi Cháy. Thằng bé có năng khiếu âm nhạc nhưng không khéo hỏng. Lần nào về đây nó chẳng hỏi han gì bố, cũng chẳng ngó ngàng tới cây đàn, chỉ xin tiền rồi biến…

- Vậy như. Khổ…Anh kể em nghe đi. Từ bấy đến nay anh đi những đâu? Làm nghề gì? Sao không viết thư cho em?

- Anh đi khắp châu Âu, làm đủ nghề.

- Em cũng nghe nói, có thời anh học âm nhạc ở Nga.

- Học hành quái gì đâu. Sang đấy mải chơi rồi bị nhà trường đuổi học, phải sống chui lủi khắp châu Âu, buôn đồng hồ điện tử, buôn thuốc lá, buôn áo phông cá sấu kiếm sống. Vì thế anh không dám viết thư cho em. Anh có lỗi với em quá.

Nhu định ôm Na. Na khéo léo từ chối. Mắt cô đỏ hoe. Cô hỏi:

- Rồi sao nữa?

- Ở  bên ấy anh góp vốn đi buôn cùng cô gái người Việt, đi xuất khẩu lao động, rồi có với nhau được đứa con - Là thằng cu nhà anh bây giờ đấy. Một lần, bọn anh buôn hàng cấm, bị cảnh sát bắt được, trục xuất về nước. Về nước, anh xấu hổ không dám trở lại cơ quan cũ nên lang thang xin việc mấy cơ quan văn hóa ở Quảng Ninh và Hà Nội nhưng không nơi nào nhận vì anh không có bằng đại học. Em biết không, anh thông thạo bốn ngoại ngữ, chơi đàn piano vào loại khá, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ nhưng không tìm nổi được việc làm trong cơ quan nhà nước đành xây nhà nghỉ chăn Tây.

- Chăn tây là nghề gì ạ?

- Là chăn dắt bọn Tây ba lô, tây chuyên gia, sang đây tham quan du lịch, làm ăn í. Thú thật với em,  mấy năm ngao du buôn bán làm ăn bên Tây, anh cũng tích cóp được ít tiền và học được bốn ngoại ngữ. Nhờ đó mà anh kinh doanh nhà nghỉ, đón các ông Tây về  chăn dắt kỹ lưỡng. Họ cần đi đâu, ăn ở đâu, chơi ở đâu; thậm chí, họ cần gái, cần hút hít, anh chăn tất. Nhưng rồi, chính kiểu làm ăn phi pháp ấy đã đưa anh đến chỗ hư hỏng, gia đình tan nát...

Na:

- Trời ơi.Vậy mà bao năm nay anh không thèm hỏi thăm em xem sống chết thế nào?

- Anh cũng đã hỏi thăm. Nghe mấy người làm cùng nhà sàng với em bảo em đã lấy một anh công an. Anh ta xin cho em ra làm việc ở Công ty thương mại. Cuộc sống giàu có hạnh phúc lắm. Anh sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình em nên…

Na bật khóc:

- Vâng. Em đang rất hạnh phúc…

Nhu:

- Kìa, em sao thế? Cuộc sống của em bây giờ thế nào? Mấy cháu rồi?

Na sụt sịt:

- Giá mà em có đứa con để làm chỗ tựa…

Nhu:

- Chắc… chồng em bị… trục trặc kỹ thuật à?

Na lắc đầu:

- Không phải vậy.

- Hay chồng em bồ bịch, hành hạ em?

Na lại lắc đầu:

- Không!

- Hay chồng em…?

- Đã bảo chồng em không làm sao hết! Giá anh ấy bị ốm đau liệt gường thì em còn có  niềm hạnh phúc được chăm sóc hầu hạ; hoặc giá như anh ấy bồ bịch vũ phu thì em còn có lí do để thoát khỏi sự ràng buộc của anh ấy. Đằng này, anh ấy không hề quát mắng em; thậm chí khi em nổi khùng anh ấy vẫn nhẫn nhục nín chịu; anh ấy lo toan cho bố mẹ em khi gặp tai nạn, lúc  quá cố; anh ấy còn xin việc cho em, cho dì Thắm… …

Nhu:

- Tốt quá!

Na vẫn sụt sịt:

- Anh ấy cũng không không rượu chè, cờ bạc; mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng anh ấy không hoang toàng, thậm chí còn tằn tiện đến mức bệ rạc.

Nhu vỗ đùi:

- Tốt quá! Lấy được ông chồng thế còn gì bằng. Chẳng bù cho anh, thứ gì cũng ham. Kính thưa các thói hư tật xấu trên đời, anh xài tất.

Na thở dài:

- Nhưng nom anh ấy sợ lắm anh ạ.

- Em bảo ông ấy tốt như thế, còn sợ  gì?

- Em không biết nữa, nhưng nom sợ lắm. Lúc nào mặt anh cứ lạnh như kem, chẳng biết buồn hay vui; chẳng biết anh ấy suy nghĩ thế nào. Nhất là  từ ngày bị ngành Công an sa thải, anh ấy càng cô độc, khép kín.

Nhu ngạc nhiên hỏi:

- Ông ấy làm sao mà bị ngành Công an sa thải?

- Anh ấy dính dáng đến vụ bảo kê cho nhóm buôn lậu. Tòa xử cho án treo và bị ngành sa thải. Chuyện xẩy ra hơn năm nay rồi. Từ đó, anh ấy lầm lì, không bạn bè với ai.

- Bây giờ ông ấy làm gì?

- Em cũng không  biết anh ấy đi  đâu làm gì nữa. Mấy lần em hỏi nhưng anh ấy không trả lời, cũng không  cáu gắt hay tỏ thái độ gì. Lạ thế chứ.

- Vợ chồng mà không hiểu nhau thì  mệt lắm. Thế trước khi lấy  nhau em không tìm hiểu à?

Na tỏ vẻ giận dỗi:

- Tại anh còn gì? Sang bên ấy chẳng thư từ gì. Dù vậy em vẫn chờ anh suốt mấy năm trời. Đến lúc nghành Than gặp khó khăn, hàng nghìn công nhân thiếu việc làm, đời sống sa sút thì bố mẹ em bị tai nạn. Khi ấy, em  thấy anh ấy quan tâm chăm sóc bố mẹ em; anh ấy lại có nghề nghiệp ổn định; tính trầm trầm, ít nói nên em nghĩ anh ấy là người chín chắn, điềm tĩnh có thể là chỗ dựa cho em và gia đình nên…

Na lại bật khóc:

- Trời phạt em anh ơi…

Nhu quàng vai Na:

- Anh xin lỗi, đã tệ bạc với em. Bây giờ chúng mình làm lại. Cuộc đời còn dài mà   em…

Na hốt hoảng, gỡ tay Nhu:

- Không, không. Nguy hiểm lắm anh ơi…

Tiếng người đàn bà từ ngoài cổng:

- Ông Nhu ơi, ông Nhu. Ra mà xem này...

Na run bắn, rời Nhu đi ra phía cửa sổ.

Nhu mở cửa. Trên hè, bà Xuyền chân như hai ngẵng cối, đi bai bai. Bà ta chỉ tay về   mấy bã mía trên hè:

- Bữa nào ông cũng ỉa ra đây bắt tôi phải dọn thế này à?

- Chị ăn với nói! Có mấy cái bã mía, hôm qua tôi say rượu, trót vất qua cửa sổ, có  gì to tát đâu mà chị làm toáng lên thế.

- Là tôi nói để ông có ý thức giữ gìn nét đẹp cho tổ dân phố, ông hiểu chưa? Tổ dân phố được nhận bằng văn hóa mà có người ăn uống xong vứt bã bừa ra đường thế này à?

- Thôi thôi, tôi xin chị…Chị hãy để tôi yên!

Hai ngẵng cối của người đàn bà dật đùng đùng:

- Lày lày, chỉ có nhà ông hãy để chúng tôi yên nhá. Lày, nói cho mà biết nhá, tôi nhắc nhở mà ông không tiếp thu là tôi tố cáo lên cả công an phường đấy. Mà tôi không chỉ tố cáo ông về hành vi làm mất mĩ quan thành phố, làm mất trật tự khu dân cư đâu mà còn hành vi đánh số đề, hành vi dắt gái điếm vào nhà ngủ qua đêm. Con Lan phò, con Phượng bớp, chúng nó mò vào nhà ông, tôi còn lạ!

Mặt Trương Nhu chợt co rút lại. Anh nhăn nhở:

- Kìa chị. Sao chị lại nỡ đối xử với tôi như vậy. Mời chị vào nhà. Đứng đây người ta tưởng chị em mình có chyện gì xích mích, to tiếng với nhau.

- Nói vậy còn nghe được.

Bà Xuyền theo Nhu vào nhà. Nhu giới thiệu:

- Giới thiệu với chị, đây là cô Na, làm việc ở Công ty Thương mại. Còn đây là chị Xuyền, hàng xóm của tôi, tổ trưởng dân phố.

Na gượng cười:

- Em chào chị ạ

- Em làm chỗ bác Mai Văn Du à?

- Vâng ạ. Chị cũng biết bác Du ạ?

- Bác ấy giàu nổi tiếng, Công ty làm ăn phát đạt như thế, ai chẳng biết. Cô làm ở đấy là nhất rồi. Còn tôi, chỉ là kẻ vác tù và hàng tổng.Về hưu rồi, làm cái chân loong toong ở tổ dân phố, để cho chú Nhu chú ấy gét.

- Chết, sao chị nói vậy. À, chị uống bia nhá. Hôm qua liên hoan tổng kết lớp học, học sinh nó dúi cho mấy lon bia, mấy bao Ba số.

Nhu đưa cho bà Xuyền lon bia:

- Chị uống đi, cầm cả lon chị ạ, nhà chẳng có cốc.

Bà Xuyền cầm lon bia, mắt nheo nheo, miệng lẩm bẩm:

- Ha-li-da…Loại bia này quảng cáo trên vô tuyến đây.

Nói đoạn, bà giật nắp lon bia thuần thục, ngửa cổ tu, bọt bia bám môi bề bề, trắng xóa. Tu hết lon bia, bà với bao thuốc lá, rút một điếu, nheo mắt ngắm nghía rồi hít ngửi, rồi lẩm bẩm:

- Thuốc xịn đây. Ba số Sinh đây. Hàng xách tay đây. Mấy đứa nhỏ học đàn chú Nhu toàn con nhà giàu, bố làm to, đi nước ngoài mang về chứ loại hàng xịn này, ngoài quán làm gì có.

Nói rồi bà châm lửa rít, nuốt cả khói vào bụng. Mỗi hơi thuốc bà lại cắn vào đầu lọc. Môi bà dày, răng vẩu khiến đầu lọc lút vào mồm bà. Nhu bảo:

- Chị cầm cả mà hút.

Mắt bà sáng rực lên:

- Chú để mà dùng…

- Tôi chỉ hút thuốc lào.

Bà Xuyền rối rít:

- Chú giản dị thật đấy.Người thành phố mà sinh hoạt như nông dân ấy thôi. Quý hóa quá.Thôi, cô chú ngồi chơi nhá. Hôm nay tôi có cuộc họp ngoài phường.

Nói đoạn, bà cầm mấy bao thuốc, khúm núm ra về.

Nhu sượng sùng, chua chát, nói với Na:

- Đấy. Lâu nay anh phải sống cạnh những người như thế đấy. Nhưng thôi, em đừng chấp. Bà này bị lỗi phần mềm.

- Là gì hả anh?

- Là ẩm I xê, là chập mạch!

- Nghĩa là sao ạ?

- Là thần kinh! Bà này trước làm đường trên mỏ, sau chuyển sang làm lãnh đạo cửa hàng thực phẩm. Làm lâu năm trong ngành thực phẩm thời bao cấp, bà ta quen chỉ trỏ, hạch sách, rình rập, xoi mói người khác thành bệnh nghề nghiệp rồi; ăn của đút thiên hạ thành bệnh nghề nghiệp rồi.

- Em hỏi này. Hồi nãy em nghe chị ấy nói...?

- Nói rằng anh dắt gái điếm về nhà rồi đánh đề chứ gì? Bà ấy nói đúng đấy. Em biết không, dân ở đây người ta gọi anh là tiến sĩ đề học.

- Trời ơi, em không hiểu nổi.

- Có gì mà không hiểu. Hình như Mác đã nói rằng, không có gì xa lạ với con người.

- Nhưng con người như anh mà bập vào những thứ ấy thì em không hiểu nổi.

- Cuộc đời anh còn cái đếch gì nữa đâu mà gìn giữ. Vợ hỏng, con hư, không  nghề nghiệp, không còn một niềm say mê. Anh là đồ bỏ đi rồi mà.

- Sao hồi nãy anh bảo với em, cuộc đời còn dài; chúng mình làm lại?

- À, lúc cao hứng anh bảo vậy chứ anh biết, em không dám đâu.

- Vậy anh có biết, hôm nọ anh chơi đàn, công nhân mỏ người ta nồng nhiệt chào đón anh như thế nào không?

- Anh biết chứ. Nhưng anh hỏng hẳn rồi. Anh không còn xứng đáng với tình cảm của họ đâu. Chẳng qua chưa ai biết quá khứ của anh đấy thôi.

Na dịu dàng:

- Anh ơi, phải sống khác đi thôi. Em hỏi này, có phải anh thua đề phải gán nhà?

- Ai bảo với em thế?

- Hôm diễn văn nghệ dưới Dương Sơn, em thấy anh đã kí giấy với họ rồi.

- Kệ anh.

- Sao lại kệ? Bán nhà  thì anh ở  ở đâu?

- Cần quái gì! Anh về quê, làm túp lều lợp lá mía, nuôi đàn vịt, sống cho xong kiếp người.

- Anh nói thế mà nghe được. Anh còn con. Em hỏi nhá? Anh nợ người ta nhiều không?

- Em quan tâm chuyện ấy làm gì.

- Em có thể giúp được anh mà.

- Không, không. Anh làm anh chịu.

 

4

Công ty Thương mại là khu nhà ba tầng, khuôn viên rộng, tường bao quanh. Phòng Tài vụ, nơi Na làm việc ở tầng một, đối diện là tường rào, ngoài kia là cánh đồng rau.  Một người đàn bà chừng năm mươi đến đập cửa. Na mở cửa, tươi cười:

- Em chào chị Liên.

Người đàn bà tên Liên mở toang cửa, vào phòng. Trong phòng có ba chiếc bàn, trên đó có vi tính, sổ sách. Cùng lúc, hai cô gái trẻ vào phòng. Họ rối rít chào bà Liên rồi khen bà bằng những lời phỉnh nịnh, tưng bốc. Bà Liên lấy chiếc điều khiển tắt điều hòa, gắt:

- Trời có nóng đâu mà bật điều hòa!

Na gượng cười:

- Nhưng bên ngoài ồn và bụi lắm chị ạ.

Bà Liên nhăn mặt:

- Cô nhập cuộc với đời sống quý tộc hơi bị nhanh đấy. Ồn ào bụi bặm sao bằng chỗ nhà sàng nơi trước kia cô làm việc!

Na bẽ bàng gằm mặt xuống tờ báo. Hai cô gái nhìn nhau tỏ vẻ đắc chí. Bà Liên tiếp:

- Mà này, hôm qua tôi nghe khách hàng phản ảnh, cô phát cả tiền giả cho họ. Họ mang đến trả, cô còn gây khó dễ với người ta. Có đúng thế không?

Na:

- Dạ, đúng ạ. Nhưng trước khi nhận tiền họ đã kiểm rồi kí nhận đủ. Sau đó hàng tiếng đồng hồ họ mới trở lại, mang tiền giả ra đòi đổi thì em biết thế nào ạ?

Bà Liên:

- Không biết thì phải hỏi chứ! Cô đừng tưởng làm thủ quỹ chỉ có đếm tiền thôi nhá. Nó không đơn giản như sàng than trong mỏ đâu nhá. Phải có nghiệp vụ nhá.

Chỉ tay về hai cô gái trong phòng, bà tiếp:

- Các cô đây bằng cấp đầy mình, vẫn phải học hỏi trau dồi nghiệp vụ. Vậy mà cô, chuyên môn chẳng có, chưa gì đã thỏa mãn, làm ăn cẩu thả. May mà chỉ có tờ một trăm tiền giả chứ nhiều là tôi cho lập biên bản xử lí đấy.

Một cô ngồi ở góc phòng, nói với bà Liên:

- Sếp ơi, em xin lỗi sếp, sếp hơi quan trọng hóa vấn đề đấy. Bây giờ con gái chúng em quan niệm khác rồi. Con gái cần gì phải học ạ; cần gì biết đến thị trường tài chính thế giới biến động thế nào; đồng đô la sụt giảm ra sao cho mệt xác ạ. Cái tài của chị em là chài được thằng đàn  ông có tài làm ra nhiều tiền. Dù già, dù trán hói cũng được, miễn là lắm tiền. Có đúng không Thảo?

Cô gái tên Thảo bốp chát:

- Tao đấm thèm vào! Cái thân ngọc ngà mà để cho lão già giày xéo phí đời lắm. Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn cả tháng nằm trong thuyền chài. Chị  Liên nhỉ?

Bà Liên mắng yêu:

- Còn các cô nữa. Thôi, làm việc đi!

Na gằm mặt xuống tờ báo…

 

5

 

Nhu đang chơi đàn, bản nhạc Beethoven. Bên ngoài, tiếng bà Xuyền chửi đổng kẻ nào đã đổ phân vào quán nhà bà. Có tiếng gõ cửa. Nhu ngừng đàn, ra mở cửa. Nhìn thấy Na, khoác túi nhỏ, Nhu thốt lên mừng rỡ:

- Ôi, em.

Chờ Na vào nhà, Nhu chốt cửa. Na hỏi:

- Anh  đóng cửa làm gì. Nhà chật, ngột ngạt kinh.

Nhu cười:

- Nhà văn Nam Cao viết, đại để, ít nhất chúng ta cũng có cái xó để tự do khi cửa nhà đóng kín. Nhưng em thấy đấy, cửa đóng kín rồi mà tự do vẫn bị xâm phạm.

Na:

- Anh cố chấp với họ làm gì. Phố xá, tránh sao khỏi sự sự phiền phức. Chỗ em thì khác. Hàng xóm với nhau nhưng nhà nào biết nhà ấy, như người xa lạ. Thi thoảng em muốn sang hàng xóm chơi, nhưng ông Lừ cứ ghen.

- Thế hôm nay ông ấy đi đâu mà em...?

- Ai mà biết được ông ấy đi đâu.

Nhu cười cợt:

- Hay ông ấy  hoạt động gián điệp?

- Anh cứ đùa. Anh ăn cơm chưa?

- Anh ăn mì tôm rồi.

Na mở  vung nồi cơm điện. Trong đó có ít cơm nguội đã mọc nấm:

- Khiếp quá, cơm nguội đã mọc nấm rồi này. Chứ mấy hôm nay anh không nấu cơm à?

- Anh ăn mì tôm cho tiện.

- Ăn uống thế lấy đâu sức khỏe?

- Có nhiều sức khỏe cũng chẳng để làm gì.

-Anh thì...

Nói đoạn, Na mang nồi cơm đi rửa. Quanh chậu, ngập ngụa vỏ trứng, vỏ mì tôm. Cô thoăn thoắt lau rửa. Nhu nhìn Na làm, cảm động, nói:

- Thôi, em cứ để đấy, lát nữa anh dọn

- Em làm loáng là xong mà. Anh cứ chơi đàn đi.

- Được rồi. Em nghe nhá…

Nhu ngồi trước cây đàn, bồi hồi, cảm xúc ngập tràn. Rồi anh trút xuống phím đàn bốn nắm đấm. Đó là bốn tiếng đập trong Bản Giao hưởng Định mệnh của Beethoven. Tóc anh xù lên ngang tàng. Người lắc lư như lên đồng. Âm thanh vỡ òa. Na rửa bát, nước mắt ứa ra. Nhu ngừng đàn:

- Ơ kìa. Em khóc thật đấy à?

Na gạt nước mắt, sụt sịt:

- Không hiểu sao, mỗi khi nghe tiếng đàn của anh, em cảm tưởng như đó không phải là âm nhạc nữa mà là máu thịt, là cuộc đời em đang tan vào trong đó.

Nhu cười kiêu bạc. Na nghiêm nét mặt:

- Anh cười gì thế?

- Em nói như diễn viên độc thoại trên sân khấu.

Na đã rửa xong xoong nồi. Cô với ấm pha trà:

- Em cũng thấy thế, cứ như diễn viên trên sân khấu. Cuộc sống của em lúc nào cũng như trên sân khấu, chứa đựng đầy mâu thuẫn và  bi kịch. Mỗi lần về nhà, em cảm giác mình như bị cầm tù. À, anh còn nhớ cái Giang không? Cái Giang làm nhà sàng với em, cắt tóc tém,  hay mặc quần bò í.

Nhu lắc đầu:

- Chịu. Lâu quá rồi.

- Trời ơi, anh vô tâm thế! Con bé lấy anh thợ lò. Chúng nó hạnh phúc lắm. Vậy anh còn nhớ cái Phương làm cùng em, hay hát chèo không?

- À, Phương thấp thấp người Thái Bình chứ gì?

- Đúng rồi. Trước nó hay đi văn nghệ với em.

- Trước cô ấy có biệt danh là Phương Tích để phân biệt với Phương Thao, Phương Thanh. Là vì ngực cô ấy to như hai ấm tích. Có hôm lên sân khấu sữa chảy dề dề. Ông chồng cõng con nhoi nhoi sau cánh gà. Hát xong, cô ta nấp sau cánh gà vạch áo cho con vục mặt vào mút lấy mút để rồi ra sân khấu hát tiếp. Vợ chồng nhà Phương ngày ấy vất vả lắm, nhưng lúc nào cũng vui. Vợ diễn ở đâu chồng cũng bế con đi xem. Bây giờ chúng nó sống thế nào hả, em?

- Chúng nó bây giờ đứa nào cũng khá. Công ty đổ đất đá thải tạo mặt bằng cấp đất cho công nhân làm nhà. Khu sú vẹt hoang vu bây giờ thành làng mỏ rất đẹp. Nhà nào cũng đàng hoàng, đầy đủ. Hai vợ chồng mà cùng làm công nhân mỏ sống xông xênh lắm anh ạ; không nghèo túng, nhếch nhác như trước đâu. Hôm nọ em vào thăm, thấy bạn bè cùng lứa họ sống chan hòa, đầm ấm; nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình mà phát khóc.Vì thế, nghe anh đàn, em thấy như những lời cảm thông thân phận của mình, lại như lời giục giã thôi thúc em phải làm một cái gì đó...

Nhu lại cười bỡn cợt. Na gắt:

- Sao anh cứ cười em?

- Không. Là anh chợt nhớ đến câu chuyện Tử Kì và Bá Nha.

- Chuyện ấy thế nào, em không biết?

- Chuyện rằng, ngày xưa có ông Tử Kì chơi đàn và độc mỗi ông Bá Nha nghe. Khi ông Bá Nha chết, ông Tử Kì đành đập đàn. Vì không ai thèm nghe tiếng đàn của ông.

Na đanh mặt:

- Em chịu anh đấy. Chuyện tày trời thế kia mà anh cứ dửng dưng, cười cợt được.

Nhu tỏ cử chỉ bất cần:

- Bây giờ đối với anh chẳng có chuyện gì to tát nữa.

- Sao lại không còn chuyện không to tát? Người ta sắp lấy nhà của anh rồi còn gì?

- Chyện vặt. Cứ cho họ lấy cho nhẹ nợ.

- Vậy anh ở đâu?

- Anh nói rồi. Anh về quê, quây túp lều lá mía…

Nhu với điếu cày, hút thuốc. Khói bay mù mịt. Na bật ho:

- Khiếp, thuốc lào…

Na lau nước mắt:

- Không thể thế được đâu anh ạ. Vẫn có cách mà anh.

- Chẳng còn cách gì. Trong nhà chỉ còn cây đàn là đáng giá. Nhưng đó là kỷ vật của bố anh để lại; nó còn là người bạn tri kỉ và là cái cần câu cơm. Anh tính rồi, gán quách cái nhà, còn dư ít tiền, về quê tậu mảnh đất. Đưa cả thằng Tuấn về ở quê, môi trường trong lành. Con người sống với nhau chan hòa, thân thiện. Anh chán ngấy cuộc sống ô trọc của thị thành lắm rồi. Mà không khéo, ở đây, thằng bé sẽ hỏng.

Na:

- Không ổn đâu anh ạ. Anh tính lại đi. Liệu rằng mẹ cháu có cho cháu về quê không? Và chắc gì cháu Tuấn sẽ nghe anh. Em nghĩ, anh có thể  ở lại, xin vào mỏ làm. Khi công việc ổn định, anh sẽ có điều kiện quan tâm chăm sóc dạy dỗ cháu. Còn cái nhà thì… anh chỉ mang giấy tờ nhà cắm nợ chứ gì?

Nhu gật đầu.

Na:

- Vậy tốt rồi. Em đã chuẩn bị tiền cho anh rồi đây. Nếu thiếu, em vay thêm chỗ con dì.

Nhu sững sờ:

- Em…em…Nhưng…

Na đưa túi cho Nhu, quả quyết:

- Không nhưng gì hết. Trong này có hai trăm.

Nhu lưỡng lự:

- Không. Anh nói rồi. Anh làm anh chịu. Anh đã  làm khổ em. Anh không muốn em bị liên lụy vì anh nữa.

- Đây là tiền riêng của em, không liên quan gì đến ai cả.Trước mắt, anh phải mang tiền trả cho người ta rồi lấy giấy tờ nhà về. Chừng này có đủ không anh?

- Đủ. Nhưng mà…anh biết lấy gì trả cho em?

-  Anh không phải lo chuyện ấy.

6

Na đang lúi húi dưới bếp. Lừ dắt xe vào. Mọi động tác của anh vẫn cẩn trọng như mọi ngày. Nhìn chiếc xe đạp dựng ở góc nhà, Lừ hỏi trống không:

- Xe máy đâu?

Na ấp úng:

- Em …bán rồi.

Lừ nhìn xoáy vào cổ, vào mấy ngón tay của Na rồi lặng lẽ leo cầu thang, lên gác. Cầu thang lát gỗ bóng loáng. Lừ mở cửa buồng ngủ. Buồng ngủ sang trọng. Ga gối trắng toát, gấp gọn gàng. Lừ quan sát, hít ngửi ga, gối. Sau đó anh móc trong túi quần ra chùm chía khóa, gắn dây xích trắng, móc ở cạp quần. Chùm chìa khóa lủng lẳng nhiều loại chìa, rồi dao, chiếc kéo nhỏ xíu, bấm móng tay, vặn nút chai. Lừ lần tìm trong chùm chìa khóa, lấy ra chiếc chìa có chữ M. rồi mở ngăn tủ. Ngăn tủ nhiều các loại hộp, chai, lọ, được đặt thành những hàng gọn gàng. Lừ lấy ra chiếc hộp dốc đô la ra giường, đếm. Lúc này gương mặt anh mới tỏ vẻ hân hoan. Anh cầm những tờ đô la lên  hít, ngửi rồi  cẩn trọng cho vào các hộp. Tiếp theo, anh lấy trong tủ ra lọ nhựa rất đẹp. Anh kiểm tra nắp nhựa sau đó dốc vàng ra giường, đếm, rồi cẩn trọng cầm những chiếc  nhẫn, dây chuyền, lắc vàng ngắm nghía, cắn, hít ngửi. Chợt, như sực nhớ điều gì, anh cho các thứ vào tủ rồi bắc ghế bê từ nóc tủ chiếc hòm cải tạo thùng đựng thuốc mìn, mở nắp lục soát. Trong hòm  có sổ sách, mấy bộ quần áo nữ cũ. Anh cầm cuốn sổ bìa ni lông, mở ra, mặt chợt biến dạng.

Đặt chiếc hòm mìn vào chỗ cũ, Lừ xuống phòng khách, ngồi vào ghế, giọng lạnh tanh:

- Cô lên đây tôi hỏi.

Na vừa đi vừa lau tay:

- Có việc gì vậy anh?

Lừ chỉ tay vào chiếc ghế đối diện:

- Cô ngồi xuống đi.

Na ngồi xuống ghế  một lúc vẫn không thấy Lừ nói gì, bèn hỏi:

- Anh bảo gì em ạ?

Lừ vẫn chưa lên tiếng, cứ nhìn xoáy vào mắt Na, khiến cô bối rối:

-  Có việc gì vậy, anh?

Lừ rút ống hít ra ngửi, hà hít, mặt vẫn lạnh băng. Lúc sau anh  hỏi:

- Xe máy đâu?

Na:

- Em nói với anh rồi thây. Em bán rồi.

Lừ lại hỏi:

- Hai cái nhẫn vàng đâu?

- Em cũng bán rồi.

- Dây chuyền đâu?

- Em…cũng bán rồi.

- Sổ tiết kiệm đâu?

Na đã lấy lại bình tĩnh. Cô hỏi:

- Anh lục hòm của em à?

Lừ đanh giọng:

- Tôi đang hỏi cô. Sổ tiết kiệm đâu?

Na ấp úng:

- Em…em rút tiền về rồi?

- Thế tiền bán xe máy, bán vàng và rút tiết kiệm đâu?

Na bối rối:

- Em… em…

- Trả lời đi!

- Dạ. Em trót…

- Trót gì?

- Em trót làm thụt …thụt két cơ quan nên…bán những thứ đó để trả nợ.

- Sao làm những việc như thế mà cô không hỏi ý kiến tôi?

- Em sợ anh buồn, tiếc của nên…

Mắt Lừ chợt long sòng sọc. Anh gằn từng tiếng:

- Cô mà là đối tượng xét hỏi của tôi thì đáng ăn mấy cái tát. Cô nên nhớ, tôi từng là cán bộ điều tra ngành công an nhá. Tôi hỏi lại, tiền  đâu?

Mặt Na chợt đanh lại:

- Tôi nói rồi. Số tiền ấy tôi đã đền cho cơ quan. Mà anh cũng không có quyền tra khảo tôi. Đấy là của hồi môn  bố mẹ tôi cho tôi. Tôi muốn sử dụng vào việc gì, kệ tôi.

Mặt Lừ thoắt cái trở nên phẳng lì. Anh nói:

- Là anh muốn biết em sử dụng sử dụng số tiền ấy hợp lí không. Vậy việc này em có báo với cơ quan không?

- Em sợ  cơ quan sẽ kỷ luật nên không báo với ai hết.

Lừ gượng cười:

- Hoan nghênh. Anh không ngờ em lại thông minh, sáng suốt thế. Sự việc này, nếu  không xử lí nhanh, mất việc là cái chắc.

Nói rồi Lừ nhếch mép, nụ cười bí hiểm ma quái.

7

 

Trong phòng, Thảo đang đọc báo, Hiền chơi điện tử trên máy vi tính.Thảo ngừng đọc báo hỏi Hiền:

- Mày biết tin gì chưa?

Hiền:

-Tin gì?

Thảo tỏ vẻ bí mật, nói khẽ:

- Bà Na sắp có quyết định chuyển đi làm vệ sinh rồi đấy?

- Thật à? Sao mày biết?

- Tao nghe lão Xanh, tổ chức nói.

- Nhưng bà ấy bị khuyết điểm gì mà bị kỷ luật như vậy?

Thảo:

- Cần chó gì khuyết điểm. Một khi lãnh đạo không ưa thì họ thiếu gì cách. Mày biết không, trước đây Giám đốc nhà mình nể chồng bà ấy là công an nên  mới tiếp nhận bà ấy về đây. Bây giờ lão chồng bà ấy bị sa thải thì bà ấy phải rời vị trí ấy cho người khác. Thủ quỹ thì cần quái gì bằng cấp. Ai làm chả được.

Lúc đó, Na vào phòng. Cô chào mọi người. Thảo gật đầu rồi nhìn xoáy vào những ngón tay thường đeo nhẫn của Na. Hiền cũng vậy. Thảo nói câu bằng tiếng Anh:

- She got  no ring in her finger now. where is it? (sao hôm nay  không thấy cô ấy đeo nhẫn?)

Hiền cũng nói bằng tiếng Anh:

- She might have sold it for bribery, I guess (chắc là bán để chạy việc rồi)

Thảo:

- Rather sell herself at better price  (thân ấy bán bán được giá hơn).

Cả hai cười phá lên. Na hỏi:

- Các cô cười gì tôi?

Thảo chống chế:

- Ơ hay. Liên quan gì đến chị mà…

Na đanh đá:

- Các cô nói với nhau như thế là không đàng hoàng, là mất lịch sự. Chị em cùng phòng với nhau, tôi có gì không vừa lòng, các cô cứ nói toạc ra!

Hiền:

- Chị biết chúng tôi nói gì mà bảo chúng tôi mất lịch sự? Có giỏi chị cũng đi học ngoại ngữ đi để mà đối thoại.

Mặt Na rắn cưng:

- Tôi không biết ngoại ngữ nhưng thừa biết các cô đang ngấm ngầm châm chọc xỉa xói tôi. Nói thật đi.Tôi đã làm gì xúc phạm đến các cô để đến nỗi các cô phân biệt đối xử với tôi như vậy?

Chợt, bà Liên xuất hiện. Bà hỏi:

- Sao, sao? Lại có chuyện gì mà to tiếng, mất trật tự thế, hả?

Thảo giải thích:

- Báo cáo chị. Em và cái Hiền đang ôn luyện tiếng Anh, vậy mà chị Na tưởng nói xấu chị ấy nên…

Bà Liên nhìn Hiền hỏi:

- Có đúng vậy không cô Hiền?

Hiền:

- Dạ. Đúng ạ. Chị ấy hiểu nhầm rồi to tiếng chứ chúng em có dám nói động đến chị ấy đâu ạ.

Bà Liên nhìn Na, bĩu môi:

- Chị thì đẹp rồi, nhà cao cửa rộng rồi. Ai dám nói động đến chị.

Na:

- Chị Liên! Em có gì không phải chị góp ý chỉ bảo cho em. Chị không nên mỉa mai em như vậy.

Bà Liên chỉ tay vào mặt Na:

- Cô nói vậy nghĩa là sao? Cô bảo tôi góp ý thẳng thắn  nghĩa là lâu nay tôi chưa thẳng thắn với cô à? Cô cãi nhau với khách hàng, tôi kịp thời chấn chỉnh; cô mấy lần cạnh khóe với chị em trong phòng, tôi dẹp ngay. Vậy cô cần tôi thẳng thắn như thế nào nữa nào? Nếu cô cần nói thẳng tôi lại nói thẳng đây: trình văn hóa cô thấp quá, mới hết lớp mười hai bổ túc, không đáp ứng được nhu cầu công việc ở phòng tài vụ này đâu. Cô cần nhường vị trí ấy cho người khác!

Hai cô gái cười hả hê. Na tái mặt, giọng lắp bắp:

- Chị Liên! Chị là trưởng phòng. Chị nên nhìn nhận đánh giá sự việc cho khách quan, công bằng!

Nói rồi Na tức tưởi ra khỏi phòng.

Bà Liên như bị điện giật, tròn mắt nhìn theo Na. Hai cô gái  cười rú lên. Bà Liên hỏi hai cô gái:

- Chúng mày nói gì nó đấy?

Thảo:

- Em thấy bà ấy không đeo nhẫn nên hỏi con Hiền  She got  no ring in her finger now. where is it? Tiếng Anh nghĩa là sao hôm nay  không thấy cô ấy đeo nhẫn?

Con Hiền trả lời She might have sold it for bribery, I guess.

Bà Liên:

- Nghĩa là sao?

Hiền:

- Tiếng Anh nghĩa là chắc là bán để chạy việc rồi.

Thảo:

- Em tiếp luôn một tràng Rather sell herself at better price. Nghĩa là thân ấy bán bán được giá hơn. Đẹp như bà ấy, thà đi làm điếm còn hơn đi dọn hố tiêu hố tiểu. Phải không chị Liên?

Bà Liên vẻ mặt đắc chí:

- Các cô…chỉ được cái…học cho nó lắm chữ vào! Thôi, làm việc đi.

 

8

 

Na ngồi xem ti vi ở phòng khách. Có tiếng đập cửa rụt rè. Cô giật mình, nghe ngóng rồi  mở hé cánh cửa. Thấy Nhu, Na thốt lên:

-Trời, anh…Sao anh liều thế, đến mà không báo trước?

- Tại em tắt điện thoại, gọi máy bàn không thèm nghe….

-  Thế như. Nhưng nhỡ ra …

- Anh linh cảm  mỗi mình em ở nhà…

- Thế như. Anh  vào nhà đi…

Nhu theo Na vào nhà. Anh ngồi vào đi văng, nhìn bức ảnh cưới của Na với người đàn ông trán hói, bộ mặt bí hiểm, đôi mắt sâu, lông mày rậm được lồng trong khung kính gắn trên tường. Na nói:

- Ông xã em đấy. Hôm nay anh ấy đi vắng…

Na run rẩy  pha trà. Hai người yên lặng một lúc. Con chó hít vào gấu quần Nhu. Nhu vuốt lên mình nó:

- Chà, con chó đẹp quá. Nó tên gì hả Na?

- Nó tên nà Vàng.

- Sao em không đặt tên cho nó là Anna chẳng hạn?

- Anh sống bên Tây nhiều, thích tên Tây chứ em chỉ gọi nó là con Vàng, bởi vì lông nó vàng và em cũng quý nó như vàng. Nó khôn lắm anh ạ. Mà sao anh lại thích cái tên Anna. Chắc tên người yêu cũ của anh à?

- Không phải đâu. Đó là tên nhân vật trong truyện "Người đàn bà có con chó nhỏ" của Sê Khốp.

- Thì liên quan gì đến em?

- Có chứ. Là vì cô ấy giống em.

- Vậy như. Chị ấy là người thế nào mà anh bảo giống em?

- Đó là người đàn bà đẹp bị giam hãm tâm hồn dịu dàng đằm thắm của mình trong một ngôi nhà sang trọng, bên người chồng trống rỗng, nhạt nhẽo. Rồi trong một lần cùng con chó nhỏ đi nghỉ mát ở thành phố biển Ianta, Anna đã gặp Gu rốp và con chó nhỏ là sứ giả cho mối tình của họ …

- Anh nói linh tinh gì thế? Làm sao mà em giống chị Liên Xô nào đó trong sách được!

- Anh trêu em đấy mà.

Nói đoạn, Nhu lấy trong cặp chiếc hộp dẹt, bọc giấy màu:

- Hôm nay là sinh nhật em. Anh tặng em món quà nhỏ đây…

Na ngạc nhiên:

- Sao anh biết hôm nay sinh nhật em?

- Anh còn biết ngày em vào làm ở nhà sàng, ngày chúng mình lần đầu đi chơi với nhau; anh còn biết cả tên làng, tên xã của em...

- Chắc anh vẫn giữ cuốn sổ em tặng anh thời anh đi nước ngoài? Trong đó em ghi mấy ngày đáng nhớ của em.

- Anh xin lỗi. Cuốn sổ ấy bị người khác đốt thời anh còn bên Nga. Nhưng những kỷ niệm mối tình đầu làm sao anh quên được...

- Ôi, anh...vậy mà...

- Thôi, em đừng gợi lại những sai lầm của anh trong quá khứ nữa...Đúng như em nói, chúng mình có duyên mà không có phận mà.

Na cảm động nhìn gói quà:

-  Em mở ra nhé?

Nhu gật đầu. Na run run mở túi quà. Đó là đĩa CD, bên ngoài in hình nhạc sỹ Beethoven. Na reo lên:

- Ôi, nhạc Beethoven.

Nhu:

-Trong đấy có bản giao hưởng số Năm và Bản Xô nát Ánh trăng  mà em thích.

Na:

- Em cảm ơn anh.

- Bây giờ chúng mình ra nhà hàng nhé.

- Thôi anh ạ. Anh nhớ sinh nhật em, lại tặng quà cho em là em thấy hạnh phúc lắm rồi.

Na cầm đĩa nhạc, cảm động. Một lúc, cô đưa đĩa nhạc vào đài cassestes. Bốn tiếng đập trong bản giao hưởng Định Mệnh vang lên. Âm thanh vỡ òa. Na rùng mình, nước mắt ứa ra. Cô nói:

- Không hiểu sao mỗi lần nghe bản nhạc này em…

- Em làm sao?

- Em không thể diễn đạt được, chỉ thấy. ..

Na thở dài, hỏi:

- Mấy hôm nay anh ăn uống, làm lụng thế nào mà người rộc đi thế?

Nhu:

- Có lẽ anh hay thức khuya, ăn uống thất thường chứ công việc chẳng vất vả gì. Các cháu học đàn ngoan, chăm chỉ và tiến bộ lắm.

-  Anh có nấu cơm ăn hay là lại mì tôm, cơm bụi?

- Bạ đâu ăn đấy, quan trọng gì! Có hôm nấu một bữa, ăn cả ngày.

Na dịch lại gần Nhu, giọng nồng nàn:

- Sao chúng mình khổ quá. Anh ơi, anh có biết hàng ngày em cô đơn như thế nào không? Khi đi làm, giữa ồn ào, tấp nập em vẫn thấy mình bơ vơ lạc loài. Thậm chí có lúc em còn bị mấy chị trong phòng gẻ lạnh, ngấm ngầm xỉa xói công kích. Em đã làm ở đây hai năm  rồi mà không tài nào hòa nhập được với họ. Em thèm được như họ; thậm chí thèm được xắng xở, ầm ĩ, thô lậu như họ quá. Mà em có lỗi gì đâu. Em đi làm đều đặn; ai sai bảo việc gì em cũng làm; em nói năng lễ phép, ý tứ với tất cả mọi người; em không ganh đua đố kị. Vậy mà sao em vẫn cứ bị mọi người phân biệt đối xử, bị công kích xỉa xói hả, anh?

Điệu bộ Nhu vẻ bất cần:

- Ôi giời, đàn bà ở đâu chẳng thế. Đố kị, ganh gét, lắm điều. Chấp làm quái gì cái bọn mèo mả gà đồng.

Na thở dài:

- Nhưng em nào có sung sướng gì hơn họ. Bất cứ ai nhìn vào đều cho rằng, em lấy chồng không phải vì tình yêu mà vì tiền và em luôn sung sướng vì được sống trong nhung lụa. Thú thật với anh, em lấy chồng ngoài mục đích thoát khỏi cảnh nghèo khổ như mọi người thường nghĩ còn mong ở đấy sự chở che, sự bình ổn. Nhưng bây giờ, cái gì trong em cũng thiếu, cũng thấy bất ổn; ngay tiền bạc em cũng túng thiếu quanh năm. Anh biết không, mỗi khi về nhà lại càng cô đơn khủng khiếp. Một mình một căn phòng lạnh lẽo. Những ngày chồng em về, căn phòng thêm người nhưng đối với em đó là ngày cực hình. Em sợ lắm anh à.

- Em sợ gì cơ?

- Thứ gì xẩy ra trong ngôi nhà này đều làm em sợ hãi. Em sợ cả bức tường lạnh tóat, rờn rợn như ở bệnh viện; sợ cả tiếng mèo kêu; sợ tiếng chó sủa; sợ tiếng gõ cửa; sợ cả tiếng gió rít qua dây điện ngoài cửa sổ. Lạ thế chứ. Thời ở quê, một mình em trong lều canh dưa, giữa đồng không mông quạnh, gió hú ầm ầm, bọn trộm dưa rình rập, em vẫn không sợ. Vậy mà bây giờ kín cổng cao tường em lại sợ. Lạ thế chứ. Mà chẳng riêng em đâu, con cháu em cũng vậy. Nó làm ở xí nghiệp may. Năm ngoái em đón nó về ở cho vui, nó đỡ mất tiền thuê nhà. Được mấy tháng, nó không chịu được, đòi đi. Hỏi lí do, nó bảo về đây nó không ngủ được; làm gì, sờ vào thứ gì nó cũng rón rén, sợ rơi, sợ hỏng, sợ vỡ. Và… nói anh đừng cười, nó còn bảo nhìn chú ấy kinh lắm, bộ mặt rất bí hiểm. Tức là chồng em í. Khi nó quét nhà, hay cúi xuống xới cơm, cặp mắt sâu hoắp của chồng em hau háu xoáy vào mảng ngực, làm nó hãi. Chẳng thà nó mất một tháng mấy trăm tiền thuê nhà còn hơn…

Nhu bật lửa hút thuốc:

- Sống thế khác nào đi tù. Hôm nào anh đưa em đi biển chơi nhá.

- Nhưng em sợ lắm. Nhỡ có ai người ta biết…

- Biết thế quái nào được. Em yên tâm.

- Vâng. Lúc nào đi được em báo. Thôi anh về đi, nhỡ ra…

-  Ừ, anh về nhá…

Nhu đứng lên, đi ra cửa. Na gọi thảng thốt:

- Anh Nhu…

Nhu quay lại. Họ nhìn nhau đắm đuối. Giọng Na chùng xuống:

- Từ từ hẵng. Anh ngồi với em lúc nữa đã.

Nhu quay lại. Bất thần Nhu ôm gì Na. Điếu thuốc rơi xuống đệm làm sém một vệt như chiếc cúc áo. Nhu nhặt điếu thuốc vứt vào gạt tàn, rồi cợt nhả:

- Hay anh ngủ đây để em đỡ sợ.

Na đẩy Nhu ra cửa:

- Anh cứ đùa! Thôi anh về đi…

 

9

Na nằm trên đi văng nghe nhạc Beethoven. Có tiếng đập cửa. Na giật mình nghe ngóng. Tiếng Lừ:

- Mở cửa!

Na rón rén mở cửa. Lừ  đang dắt xe máy. Na chào:

- Anh đã về ạ.

-  Ờ!

Lừ dắt xe máy vào nhà, cẩn trọng gạt hai tấm đệm cao su, lót dưới chân chống và lốp sau xe máy. Xong, anh ta tắt đài casseste. Căn phòng bỗng im lặng đến rợn người.

Na hỏi:

- Anh uống gì để anh lấy?

- Th ..ồ…i.

Đoạn, Lừ với cốc, lau thật sạch, rót nước lọc uống; cặp mắt sâu xoi mói khắp các đồ vật trong nhà. Chợt, Lừ nhìn xoáy vào vết sém trên đệm và mẩu thuốc lá trong gạt tàn,  gương mặt vẫn lạnh lùng, bí hiểm.

Na rụt rè:

- Hôm nay anh có vào chỗ dì Thắm không?

Lừ không trả lời ngay. Anh lấy ống hít trong túi ra, đưa lên mũi. Lúc sau anh mới nhả một tiếng:

- B..ận!

- Anh bận việc gì mà đến nỗi không tạt vào dì ấy mấy phút?

Lừ trừng mắt nhìn cô. Na tiếp:

- Chí ít anh cũng cho em biết công việc của anh đang làm chứ. Đằng này…

- Tôi làm gì mặc tôi, không phải việc của cô!

Lừ vào nhà vệ sinh. Nhìn thấy quần lót của vợ trong chậu, Lừ cầm lên, soi xét, rồi đưa lên mũi…ngửi; bộ mặt vẫn không biến dạng. Vứt quần lót  vào chậụ, Lừ mở vòi nước rửa mặt. Mọi động tác của Lừ đều nhẹ nhàng, chậm rãi, cẩn trọng. Xong, Lừ ra phòng khách, ngồi vào đi văng, hỏi:

- Mấy hôm tôi đi vắng có ai đến tìm  không?

Na:

- Không… Em không thấy…

Mặt Lừ tỏ vẻ đăm chiêu:

- Sao thế nhỉ?

Na:

-  Có thể họ đến nhà lúc em đang đi vắng chăng?

Mặt  Lừ vẫn lạnh tanh, bí hiểm. Anh thò tay vào cái gạt tàn móc ra một đầu mẩu thuốc lá, hỏi:

- Cái gì đây?

Na bối rối:

- Dạ…

Lừ chỉ tay vào vệt sém trên đi văng:

- Ai làm cháy thế này?

Na run bắn:

- Dạ…

Lừ nhìn xoáy vào mắt Na. Na cụp mặt. Không khí căng thẳng kéo dài. Chừng một phút sau, Lừ mới lên tiếng, giọng sắc lạnh người:

- Tôi hỏi.Trước khi đi, tôi đã rửa sạch cái gạt tàn. Vậy thì thằng đàn ông nào đã vào đây  hút thuốc?

Na sợ tái mặt, miệng lắp bắp:

- À… có… Sau khi anh đi vắng có một người lạ mặt  đến tìm anh nhưng lâu rồi. Giờ anh hỏi em mới nhớ.

Lừ nhếch mép:

- Cô mà là đối tượng xét hỏi của tôi thì đáng ăn cái tát. Chỉ cần nhìn nét mặt của cô tôi đã biết, trong khi tôi đi vắng, cô đã dẫn một thằng đàn ông đến đây…

- Anh Lừ, sao anh nói vậy?

- Tôi phân tích cho cô thấy đây. Mẩu thuốc lá này còn mới, chứng tỏ hắn mới đến đây hôm qua, hoặc hôm kia. Hắn ngồi ở vị trí này này và hút thuốc lá. Có lẽ cô ngả vào vai hắn làm hắn luống cuống đánh rơi điếu thuốc hút dở xuống đây- Lừ chỉ vào vết sém bằng cúc áo trên đệm da - Sau đó, vì sự hấp dẫn của thân xác cô hơn thuốc lá nên hắn vứt cả điếu thuốc còn khá dài này vào gạt tàn. Đây! Cái vệt tàn tro này là của nửa điếu thuốc lá tự cháy.

Na lấm lét nhìn Lừ. Mặt Lừ vẫn lạnh tanh. Lừ ngắm nghía mẩu thuốc lá, nói tiếp:

- Những dấu vết để lại trên mẩu thuốc lá cho hay rằng, thằng này nghiện thuốc lào nặng. Tính cách bốp xốp nông nổi; sống phóng túng hoang toàng. Tính cách ấy là đặc thù của bọn văn nghệ sỹ.

Na run lập cập:

- Anh tưởng tưởng gì mà kỳ thế?

Lừ bóp nát mẩu thuốc lừ lừ tiến lại phía Na. Na co rúm người. Bất ngờ, Lừ tròng tay vào cổ Na. Na hốt hoảng:

-   Anh Lừ, anh…định làm gì vậy?

Lừ vẫn lặng thinh. Vòng tay của anh thít chặt vào cổ Na rồi bất thần vít cô xuống đi văng. Na giãy giụa, thét lên:

- Anh làm gì thế?

Lừ gầm gừ:

- Y…ề…n…

Nói đoạn, Lừ chồm lên bụng Na, chậm rãi mở từng chiếc cúc áo, chiếc nịt vú. Nửa thân thể của vợ bày ra nuột nà. Lừ vục mặt vào đấy hít ngửi, rồi túc tắc liếm, mút dứt khoát, thận trọng. Na hét toáng lên:

-  Ối anh Lừ ơi, anh làm gì thế?…

Mặt Lừ vẫn không biến dạng; vẫn lạnh tanh, bí hiểm. Anh co chân khèo vào phần dưới thân thể của vợ. Những móng chân quặp vào cạp quần Na chính xác, thuần thục. Chiếc quần ngủ tuột xuống, một phần da thịt trắng nõn lộ ra. Miệng Lừ nhểu bọt,  túc tắc liếm mút cắn lên vú, lên ngực Na; mấy móng chân co quắp cào bới từng nhát dứt khoát, mạch lạc vào phần kín của Na. Na rống to hơn:

-  Bỏ tôi ra! Bỏ tôi ra!

Lừ bật ho, khạc đờm:

- Y…ề…n!  !

 

10

 

Nhu bê bát tô cơm, trong đó lổn nhổn mấy quả cà, cá mắm; dùng thìa xúc, nhai trệu trạo. Cơm nguội, thiếu canh làm anh bị nghẹn. Anh vội với bình nước lọc, tu rồi vứt ụp tô cơm ăn dở vào chậu, cấu cọng chiếu xỉa răng. Có tiếng gõ cửa. Nhu:

- Cứ vào.

Na mở cửa. Gương mặt cô tỏ vẻ buồn bã. Hai người sững sờ nhìn nhau. Nhu hỏi:

- Em…có chuyện gì vậy em?

Na vẫn lặng yên. Nhu lo lắng:

- Kìa, em nói đi?

Na thở dài:

- Em buồn lắm. Ở nhà thì như ở tu; ở cơ quan thì bị mọi người soi xét, công kích. Em có quyết định chuyển đi dọn vệ sinh cơ quan rồi anh ạ.

Nhu:

- Trời ơi, chuyện có thế làm gì em phải lo nghĩ đến nỗi hốc hác, phờ phạc như vậy? Quên mẹ cái Công ty Thương mại của em đi. Về mỏ! Vất vả, bụi bặm nhưng con người sống với nhau chân thành, đằm thắm.

Na:

- Nhiều lúc em cũng nghĩ vậy. Nhưng…mình đã bỏ đi, bây giờ xin quay lại em thấy thế nào ấy.

- Trước đây anh cũng mặc cảm như vậy nên bỏ phí mất mấy năm trời. Em biết không, hôm đầu tuần anh đưa hồ sơ xuống Công ty than Dương Sơn. Lúc đầu anh cứ tưởng khó khăn, không ngờ Giám đốc Công ty trực tiếp xem hồ sơ và đã đồng ý tiếp nhận anh vào làm ở nhà văn hóa Công ty rồi.

Na:

- Trời ơi, tin vui như thế sao bây giờ anh mới báo cho em biết?

Nhu:

- Hiện đang chờ tổ chức làm thủ tục mà. Anh định chờ khi có giấy tiếp nhận mới báo cho em. Các anh ấy còn giao cho anh tham gia dạy ngoại ngữ, dịch tài liệu thiết bị. Ở Dương Sơn, họ có những chiếc máy đào lò, máy khấu than  hiện đại lắm.

Na chăm chú:

- Vậy như.

- Các anh ấy bảo, công nhân sử dụng những thiết bị hiện đại như thế buộc phải biết ngoại ngữ để làm chủ công nghệ. Họ không yêu cầu công nhân không nhất thiết phải có bằng A, bằng B tiếng Anh mà chỉ cần biết đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị.

- Vậy là anh có đất dụng võ rồi nhá.

Nhu mở cửa sổ. Ánh trăng ùa vào nhà. Nhu thốt  lên:

- Ôi trời...

- Gì thế anh?

- Em lại đây.

Na  đến bên cửa sổ. Nhu chỉ tay:

- Em xem kìa…

Ngoài kia là Vịnh Hạ Long. Ánh trăng lấp lóa trên những chóp núi điệp trùng.Trên mặt vịnh, những chiếc thuyền đập dềnh, đèn lập lòe soi cá. Trên những boong tàu, điện rực sáng in xuống mặt nước lung linh. Na reo lên:

- Ôi, đẹp quá.

Mắt Nhu rực sáng, gương mặt xúc động lạ thường:

- Sống trong nhà mình bao nhiêu năm vậy mà bây giờ anh mới phát hiện ra vịnh Hạ Long hùng vĩ, lãng mạn thế này. Anh tắt điện nhé.

- Để làm gì, hả anh?

- Để cho xúc cảm ngập tràn ngôi nhà này.

Nói đoạn, Nhu tắt điện, đến bên cây đàn:

- Em hộ anh.

Na đến bên anh. Nhu nói gấp gáp:

- Khênh hộ anh ra chỗ cửa sổ.

Hai người cẩn trọng bê đàn ra cửa sổ:

- Em nghe Bản Xô nát Ánh trăng nhé.

- Vâng.

Nhu ngồi vào đàn. Cảm xúc dâng trào. Tay anh lướt trên phím đàn. Âm nhạc Bản Xô nát Ánh trăng của Beethoven nổi lên. Tóc Nhu xù ra, đôi vai lắc lư theo nhịp âm thanh. Ngoài kia, nơi trùng trùng đảo đá, ánh trăng mông lung thao thức. Na ngồi cạnh anh, gương mặt đẫm ánh trăng. Người cô rung lên, ngả dần vào người anh. Nhu ngừng đàn. Mặt Nhu cũng đẫm ánh trăng. Hai gương mặt gần như áp vào nhau, môi họ run rẩy. Bất ngờ, Na bật dậy, thở dài:

- Anh ơi…

Nhu như bừng tỉnh. Anh vung tay trút những nắm đấm xuống phím đàn. Đó là những tiếng đập số phận trong Bản giao hưởng số Năm của Beethoven. Bỗng, cửa nhà anh, tiếng đập rầm rầm. Cả hai hốt hoảng. Tiếng bà Xuyền tru tréo:

- Lày lày. Đàn nhạc ầm ầm, liệu không cho hàng xóm ngủ à? Lại còn rước gái về nhà tắt điện đú đởn với nhau, không thèm khai báo gì à?

 

11

 

Vợ chồng Lừ ngồi đối diện nhau bên mâm cơm. Mâm cơm chỉ có đĩa sườn rang, đĩa rau luộc và bát súp thập cẩm, trong đó lổn nhổn xương, bạc nhạc. Na bê bát súp, xúc một thìa đưa lên miệng, rùng mình. Lừ nhìn Na, hỏi:

- Em sao thế?

- Mùi ghê lắm.

Lừ:

- Em nhập cuộc với đời sống thị thành nhanh quá đấy. Ngày trước ở trong mỏ cá mắm chẳng đủ mà ăn.

- Anh nói hệt như bà Liên cơ quan em. Chẳng thà em ăn cá mắm còn hơn ăn súp của anh. Mùi khê khê nồng nồng, không nuốt nổi.

Lừ cầm bát súp của Na, húp sạch rồi xới cơm. Anh ta có nết ăn rất xấu, người cúi rạp xuống mâm, chan húp xì xụp, rau muống chấm đứng; sau mỗi đợt và, anh gõ bát đều và giòn; thi thoảng đưa tay móc thức ăn ở hàm. Cuối bữa, Na dồn mấy miếng xương định cho chó, Lừ lấy đũa chặn lại, mồm vẫn gặm miếng xương:

- Không ăn nữa thì để vào tủ lạnh.

Nói rồi Lừ vứt cục xương cho chó. Con chó mút mút vào miếng xương trắng hếu, thè lưỡi chồm hỗm nhìn lên mâm. Na quan sát các cử chỉ của Lừ, tỏ vẻ khó chịu.

Ăn xong, Na dọn mâm bát còn Lừ pha nước. Mấy cánh chè vãi ra bàn,