Nhớ lời cha dạy (Tìm được cầu nối giữa thế hệ)

Tôi còn nhớ cha tôi có lần biên thư phân tích cho tôi thấy lỗi tự ti, không tin ở chính mình cũng có thể tôi là người tự cao tự đại. Lúc ấy tôi chỉ đủ kiến thức nhớ lời cha bởi niềm tin và tình yêu với cha mẹ đã khiến tôi không cần hay nghĩ nhiều mà cứ thế tâm tâm niệm niệm lời dậy của Người và nhất mực sống để tránh phạm phải sai lầm trên.


Gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trong kháng chiến chống thực đân Pháp.

Kể từ ngày học giáo lý Phật học quán chiếu, càng ngày tôi càng hay nghĩ lại những suy nghĩ và cái hiểu trước đây của mình. Thì ra sự phân biệt để tránh né sai lầm mà tôi làm theo lời cha dậy mới chỉ đọng lại ở sự hiểu trên tầng tâm trí. Mặc dầu đoạn thư mà cho tôi phân tích tự ti không tin ở chính mình với ranh giới trở thành tự cao tự đại khinh thường người khác không xa nhau. Những lỗi ấy dễ dẫn mình xa rời bạn bè...

Bây giờ thì tôi hiểu sâu hơn về lời dậy đó. Chính cha tôi đã vạch ra cho tôi thấy việc mình sẽ đánh giá đúng mình, ảo tưởng về mình dù ở khía cạnh tự ti hay tự đại cũng đều là thiên kiến, đều là sống trên tầng không biết đúng mình, do đó mà luôn bị “lệch pha”. Khi đã sống trong sự thiên kiến rồi thì nhìn người nhìn việc cũng theo thiên kiến đó, cũng giải quyết việc cũng theo thiên kiến đó. Do vậy sống ở đời tự mình gây cho mình nhiều trắc trở, nhiều phiền muộn, đầy rẫy mâu thuẫn...

Cũng may vì tin cha, yêu cha, răm rắp làm theo lời cha dậy nên có chút thận trọng, tự kiềm chế, tự xem xét mình mỗi khi hành động. Tôi luôn tự biết lúc nào mình đang tự ti, lúc nào mình đang tự cao và không để những tính xấu đó làm mất phương hướng hành động của mình. Tự điều chỉnh cho mình đi vào quỹ đạo mà cha mẹ dậy dỗ, trở thành “đích thực con người”. Gần hết cuộc đời tôi mới hiểu ra là mình sống trong tình yêu cha me, vâng lời cha mẹ làm người con hiếu thảo. Điều này không có gì là sai. Ngược lại nhờ đó tôi mới trở thành con người “tử tế”. Nhưng như thế chưa đủ để làm nhiệm vụ “thế hệ nối tiếp thế hệ”. Tôi vẫn tự biết mình còn thiếu điều gi đó không được như thế hệ cha mẹ dậy dỗ con cái. Luôn lo lắng con cái tuột khỏi tay mình ...

May mà được sống cùng cha mẹ, nhờ cha mẹ chỉ dẫn, dang tay cùng tôi dậy các cháu nên các cháu dần trưởng thành. Nhưng trong sâu thẳm tâm tôi có một sự biết là mình thiếu gì đó rất cơ bản để làm tròn vai trò người mẹ, người dẫn đường.... Tôi đã dành không ít thời gian để viết hồi kí. Một phần vì tri ân cha mẹ, một phần muốn lần theo đó tìm xem thế hệ tôi còn thiếu điều gì trên đường nuôi dậy con trẻ, trách nhiệm trước thế hệ mai sau?

Khi hồi ký hoàn thành tôi vẫn thấy không hài lòng vì thực ra là tôi chưa tìm thấy sự thật thiếu hụt đó trong tôi. Tôi chưa trả lời được nghĩa vụ và trách nhiệm với “ thế hệ nối tiếp thế hệ”.

Những ngày tôi lâm bệnh, các con tôi lo lắng, tỏ rõ tình yêu đối với mẹ. Hơn thế nữa sự quan tâm không chỉ về sức khỏe, thuốc men, khám bệnh tìm hướng giải quyết ... Mà quí hơn là các con tôi cả các con dâu đều quan tâm đến phần tâm linh. Hỏi và cầm đọc những quyển sách tôi đã đọc, “Hành trình phương Đông”, “Loài người thoát thai từ đâu”.... Sẵn sàng sửa bản dịch của tôi, những cuốn Osho giảng mà tôi yêu thích, về Lão Tử, về tĩnh tâm...

Đến lúc này tôi thực sự hiểu thế hệ tôi sống trong giai đoạn “vô thần” quá lâu (không phải là mê tín dị đoan cúng bái). Cái phần tâm linh trong mỗi con người ở thế hệ tôi không được khơi dậy một cách đầy đủ vì thế sống hời hợt, sống giả tạo, không có chiều sâu tâm hồn, tất cả suy nghĩ hành vi đều hướng cả ra ngoài. Những người chớm đi sâu về tâm linh, biết quay vào bên trong, đều có những tự sự phiền khổ; những người hiểu sâu sắc, kín đáo, sống trong nội tâm thì cũng không tránh khỏi phiền muộn... Vì thế các con tôi đều học văn nhưng tôi lại không dám để chúng làm việc hết lòng vì sự nghiệp văn – nó nhạy cảm lắm! Khi các con tôi tự chuyển nghề, chúng chẳng phải vất vả học lại nghề nghiệp khác mà chúng theo đuổi, tôi rất mừng vì làm nghề gì cái hồn văn vẫn có ở trong tâm các con tôi...

Khi các con tôi đều cùng tôi đọc chung những cuốn sách về tâm linh lòng tôi thấy nhẹ hẳn. Thì ra cái mà mình thiếu hụt, cái mà mình không dám dũng cảm đi vào chiều sâu của tâm hồn của mình để hiểu thật về mình và để hiểu người, chính là hố sâu ngăn cách giữa thế hệ. Cầu nối thế hệ chính là con đường hiểu rốt ráo ta là ai! Khi biết cách khám phá ta là ai sẽ có cách dẫn dắt thế hệ nối tiếp tự khám phá mình là ai. Chỉ khi đó, không cần chỉ bảo, dắt tay con nên làm, không nên làm! Quát tháo ầm ĩ, đe nẹt vô cớ nữa!

Làm sao cha mẹ biết khơi dậy chiều sâu của tâm hồn con trẻ, để chúng có khoảng trời tự do tự khám phá. Khi cha mẹ đã biết khám phá chính mình rồi thì sẽ chỉ đường dẫn lối cho con khám phá chính mình. Thế thì còn sợ gì chúng không đi tới được đến chân lý tuyệt đối! Tôi tin là vậy. Bởi lẽ khi tâm trong sáng thật sự, tâm thanh tịnh thật sự, tâm bình an thật sự thì mọi ứng xử cuộc đời sẽ thông đồng bén giọt vô cùng, vạn pháp hiện bầy để mà dụng.

Tôi phải cảm ơn cha mẹ, đã nuôi dậy tôi trong môi trường rất bình đẳng, tự do và đầy tình yêu thương. Nếu không có tiền đề đó, khi sống trong tập thể xã hội thời kỳ lịch sử đã qua tôi không thể tự tại đến độ vô tư, sống theo mình nghĩ như vậy. Mỗi khi sống với hai con người là tôi tự biết ngay, tự thấy áy náy... Nhưng vì chiều sâu tâm linh lúc ấy chưa được khơi dậy nên chưa khám phá ra mà chỉ theo bản năng mà sống như cha mẹ sinh ra. Tuy thấy mình “ngu lâu” hơn các bạn nhưng tôi vẫn chấp nhận hài lòng sống trong sự “ngu lâu” đó. Bây giờ tôi càng thấy may về sự “ngu lâu” này làm cho tôi ít bị ô nhiễm si mê quá mức (ở phần thô) với cuộc sống vật chất đời thường. Khi bị bệnh hiểm nghèo, khi ngồi thiền chữa trị, khi quán chiếu thân tâm, khi trược khi xả bỏ tất cả những điều đó, dần dần tôi thấy tâm nhẹ và muốn chia sẻ rất nhiều điều cùng những người mà tôi yêu quí./.

5h sáng 23/5/2010

Giỗ ông nội Hiền, Hậu 10/4 âm

Vừa hoàn thành những trang viết trên, đọc tài liệu tôi gặp bài “ Đời sống tâm linh trong thời đại” của Gyalwang Drukpa đời thứ XII trên Tạp chí Giác ngộ, 27/3/2010, đăng hai kỳ. Tôi không nhớ đến tay tôi là do ai nhưng vì bệnh hiểm nghèo bận lo nhiều việc khám chữa bệnh nên chưa kịp đọc.

Khi viết những dòng tâm sự trên với các con cháu thân yêu tự nhiên đầu bài trên nhắc tôi phải đọc, càng đọc tôi càng thấy tâm đắc. Ở đây tôi ghi lại một đoạn để suy ngẫm. “Việc cải thiện chuyển hóa mình là thực sự bước vào dòng chảy của đời sống và bản chất của đời sống. Nếu bạn nhận thức được bản chất của đời sống (đó chính là bản tâm bạn) bạn sẽ có thể cải thiện được, tưởng dưỡng được chính mình. Khi đó tâm bạn tự nhiên có thể chuyển hóa mà không cần phải dùng ngôn ngữ hay bất kỳ phương pháp gì”.

Đoạn văn của ngài Gyalwang Drukpa XII như đã nói sáng rõ điều tôi muốn nói nhưng vì tầm hiểu của tôi chưa đủ để nói lên vấn đề trên.

NGUYỄN KIM NỮ HẠNH

(Con gái cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên)