Hệ luỵ Nguyễn Bính - Bài của Nhà thơ Thang Ngọc Pho
Nhà thơ Nguyễn Bính khi làm ở Báo Trăm Hoa, 1957
I. HỒNG CHÂU
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Bính sống ở Sài Gòn. Kháng chiến bùng nổ, ông trôi dạt vào đồng bằng sông Cửu Long.Từ đây, ông hoà mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và trong sự nghiệp thơ Nguyễn Bính.. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh, sáng tác thơ ca phục vụ kháng chiến, làm chủ nhiệm báo Cứu quốc Rạch Giá.
Cuối năm 1947, ông về Phòng Chính trị khu 8, đến năm 1949 lại về Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ tại khu 9. Hội đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến do Lưu Quý Kỳ làm Chủ tich Hội. Đây là cơ hội cho cuộc hội ngộ giữa Nguyễn Bính và Hồng Châu. Lúc này Hồng Châu chuyển từ báo "Tiếng súng kháng địch" sang báo"Phụ nữ Nam Bộ". Hôm đó, Hồng Châu tới nhà Tô Hà tham quan nhà sách của ông để mở nhà sách kiếm thêm tiền sinh sống và nuôi dưỡng mẹ già (hồi đó cán bộ kháng chiến không có lương mà sống dựa vào dân là chính). Trời mưa, Nguyễn Bính ghé xuồng vô. Rồi một cán bộ lãnh đạo cao cấp của kháng chiến cũng tới. Chẳng biết mấy người đàn ông đã bàn bạc gì với nhau khi Hồng Châu xuống bếp nấu nước. Sau đó, người lãnh đạo ấy gặp Hồng Châu để thuyết phục: hiện địch đang có âm mưu lôi kéo văn nghệ sĩ, Nguyễn Bính là nhà thơ có tài, nhưng rất lãng tử. Cần tạo dựng cho Nguyễn Bính có cuốc sống ổn định để yên tâm phục vụ kháng chiến, Hồng Châu hỏi má. Má biểu không gả cho địch, còn cán bộ kháng chiến thì được. Chi tiết này được Nguyễn Bính thể hiện trong bài thơ "Gửi vợ miền Nam" sau khi ông tập kết ra Bắc:
" Đường công tác thuyền anh ghé bến
Anh ngập ngừng, em thẹn quay đi
Mẹ cười mẹ chẳng nói chi
Đã người kháng chiến mẹ thì cho không."
Đây là một chi tiết khiến bà Hồng Châu khẳng định hình ảnh người vợ trong bài thơ gồm cả hai người: Hồng Châu và Mai Thị Mới.Và thế là cuộc hôn nhân được tác thành (1951). Đôi uyên ương vừa tham gia kháng chiến vừa phát triển nhà sách Hồng Châu, sau đó Nguyễn Bính đổi thành nhà sách Nhân dân.
Năm 1952, tổ uyên ương có thêm một thành viên mới: Hồng Cầu. Lúc mới sinh , Nguyễn Bính đòi đặt tên là Anh Thơ. Nhưng Hồng Châu đâu có chịu bởi đó là tên của một nữ sĩ mà dư luận đồn đại rằng, đã có một thời Nguyễn Bính từng yêu say đắm.
II. MAI THỊ MỚI
Cuộc hợp hôn nhanh chóng và đơn giản bao nhiêu thì cuộc ly hôn cũng nhanh chóng và đơn giản bấy nhiêu. Cuối năm 1952, Hồng Châu đưa con gái lên Sài Gòn chữa bệnh và kết hợp công tác. Thời gian mẹ con Hồng Châu vắng nhà, cô Mai Thị Mới làm ở một lò đường gần đấy thường đến giúp việc cho Nguyễn Bính. Lúc Hồng Châu trở về thì Nguyễn Bính đã nhen nhóm một mối tình trong lòng cô gái trẻ họ Mai! Và mối tình ấy đang "phát triển" không gì cưỡng nổi. Trước tình thế đó, Nguyễn Bính thương lượng với Hồng Châu để cô Mai sinh con rồi tính. Hồng Châu không thể chịu. Thế là tan nát tổ uyên ương! Hồng Châu mang con về sống với má. Bính bán đất và đưa cô mới vào rạch Hang Mai xây tổ mới. Cô Mới làm công thuê, Bính dạy kèm con trẻ để sống qua ngày.Chẳng bao lâu, mối tình thứ hai đã kết quả khai hoa: một đứa con gái ra đời. Bính cũng định đặt tên là Anh Thơ. Nhưng Hồng Châu lại kiên quyết phản đối và đặt cho cái tên là Hương Mai (gọi chệch địa danh Hang Mai (bà Hồng Châu giải thích với tôi như thế), sau đổi thành Hường. Trái tim bà Hồng Châu cũng tan nát theo tổ uyên ương! Bà đã sáng tác một loạt bài thơ để giãi bày tâm sự và để giải toả nỗi đau:
Tim anh thêm bóng người
Lòng tôi quyết xa rời
Ôi! Sao còn pháp lý
Ngậm ngùi chỉ riêng tôi!
(Tim lạnh)
Bà sống trong đáu tranh dằn vặt, rồi tự an ủi bằng gải pháp lao vào công cuộc kháng chiến vì nước vì dân:
Mâu thuẫn nỗi lòng khó tính toan
Quyết không nhớ nữa cảnh sang ngang
Cố đem tài trí bồi non nước
Còn nhắc làm chi nghĩa cũ càng.
(Hận tình)
Sự việc chẳng dừng lại ở đáy. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo Hiệp định Genève, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có nhà thơ Nguyễn Bính. Chỉ sống với cô Mới được vài năm rồi phải chia xa:
Em vâng tiếng gọi nước non
Đưa anh theo bóng cờ son lên đường.
(Gửi người vợ miền Nam)
Nguyễn Bính ra đi tập kết để lại phía sau một khoảng trời thương nhớ! Cuộc chia ly này là tiền đề cho bi kịch mới ở cả hai phía. Sống trong vòng o ép của địch, Mai Thị Mới là vợ của một cán bộ kháng chiến khó bề yên ổn!
Để được yên thân, cô đã bước theo số phận, lấy một người ấp trưởng đứng về phía Cách mạng (1956). Từ đây Hương Mai được đổi tên thành Hường và mang họ dượng : Trần Thị Hường. Cô Mới sinh cho người ấp trưởng một con gái đặt tên là Lệ. Chẳng hiểu cái tên này có chứa đựng nước mắt của màn bi kịch hay không? Bi kịch chia xa với người chồng cũ chưa nguôi ngoai, lại nối tiếp một màn bi kịch mới: Vì che dấu và nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến nên ông ấp trưởng họ Trần ( có người cho rằng ông là cán bộ kháng chiến ẩn danh) bị giặc giết, sau này được truy tặng huy chương kháng chiến. Sau tấn bi kịch này, Mai Thị Mới kiệt sức, một mình phải gắng gượng nuôi hai con gái thơ dại!
III: PHẠM VÂN THANH
Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính về Hà Nội và đã ra một tờ báo, đặt trụ sở ở phố Lê Văn Hưu.: tờ "Trăm hoa". Thư ký toà soạn là cô Phạm Vân Thanh vốn là sinh viên Đại học Văn khoa, con một cán bộ ngành Bưu điện Hà Nội. Chẳng bao lâu, cô thư ký trở thành vợ ông chủ bút và sinh cho ông một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Hiền. Oái oăm thay, ngay từ đầu cuộc hôn nhân này đã tiềm ẩn một nguy cơ tan vỡ. Gia đình Vân Thanh là một gia đình khá giả, bề thế, nền nếp. Còn Nguyễn Bính lại là một thi sĩ lãng tử giang hồ. Vì thế gia đình Vân Thanh không hài lòng về cuộc hôn nhân này. Giọt nước tràn ly, Tờ báo 'Trăm hoa bị đình bản, Nguyễn Bính không có việc gì làm. Cái tổ uyên ương thứ ba bị rạn nứt và tan vỡ! Lại ly hôn! Nguyễn Bính sống bằng khoản trợ cấp hạn hẹp của Hội Nhà văn Việt Nam. Một mình sống còn chật vật, lấy gì để chu cấp cho con! Vân Thanh đi bước nữa để kiếm tìm hạnh phúc bền lâu. Đến lượt Nguyễn Bính Phải nuôi con. Và cái việc thương tâm đã xẩy ra; Nguyễn Bính gửi đứa con trai bé bỏng cho một người lạ ở bến ô tô để đi vệ sinh và đã bị thất lạc...Người đó là ai, ở đâu, có giờ mà biết! Nguyễn Bính một mình với hai bàn tay trắng về công tác tại Ty Văn hoá Nam Định. Sau ngày giải phóng miên Nam, thống nhất đất nước, bà Hồng Châu có ra thăm miền Bắc đã tìm gặp Vân Thanh; Vân Thanh kể cho bà nghe nhiều sự việc quan trọng giữa mình và Nguyễn Bính. trong đó có hai chi tiết rất cảm động. Chi tiết thứ nhất: Nguyễn Bính sáng tác bài thơ "Đôi mắt" miêu tả và ca ngợi đôi mắt của người vợ miền Nam, đôi mắt còn mãi mãi in đậm trong tâm trí tác giả:
...Đường về dựng suối treo ghềnh
Chân ta vững bước, mắt mình dõi trông
Chiều quê lại ngát hương đồng
Đẹp sao đôi mắt tiễn chồng năm xưa.
Vân Thanh đã để hết tâm trí của mình thêu bài thơ này trên lụa. Chi tiết thứ hai:còn cảm động hơn: từ khi Nguyễn Hiền thất lạc, năm nào Vân Thanh cũng may cho con một bộ quần áo vừa lứa tuổi của nó để mong gặp lại và quan trọng hơn là để gửi gắm niềm thương nỗi nhớ đứa con lưu lạc. Bà Hồng Châu kể cho tôi nghe với sự sẻ chia
IV: TRẦN THỊ LAI
Chuyện cũ rồi cũng nguôi ngoai theo ngày tháng. Ở Nam Định, Nguyễn Bính cần có một gia đình để neo đậu, để định cư ở cái tuổi xế chiều sau cuộc hành trình phiêu lãng nhiều năm. Và ông đã đến với bà Trần Thị Lai, một người đàn bà goá và ở vào cái tuổi không còn trẻ nữa. Bà Lai là chị vợ ông chủ tiệm cà phê Ngân Sơn ở thành phố Nam Định. Bà goá chồng và có một người con gái tên là Oanh. Sau khi lấy nhau, không có nhà ở thành phố, chàng và nàng đưa nhau về quê để thực hiện cái mộng "một mái nhà tranh hai trái tim vàng". Song, nàng là người thành thị, trước đây sống bằng lương công chức của người chồng cũ; còn chàng là một thi sĩ lãng mạn,chưa một lần cầm cày, cầm cuốc làm sao sống nổi? Hạnh phúc không mỉm cười với ảo mộng! Thế là chàng và nàng sau một thời gian sống thử, lại dìu nhau trở lại chốn thị thành. Đứa con trai ra đời đặt tên là Nguyễn Mạnh Hùng Thêm một miệng ăn, Nguyễn Bính càng lâm vào cảnh túng quẫn. Và màn bi kịch thứ tư trong cuộc đời Nguyễn Bính tiếp diễn. Hạnh phúc cất đôi cánh mỏng manh...vĩnh viễn bay đi, không một lần ngoái đầu trông lại! Lần này chàng và nàng không ly dị nhưng ly thân.
Năm 1964, máy bay Mỹ không kích phá hoại miền Bắc, Nguyễn Bính ở luôn nơi cơ quan sơ tán tại một vùng nông thôn tỉnh Hà Nam. Vốn thể tạng yếu đuối lại sống chật vật kham khổ, cộng với nỗi bất hạnh về gia đình, sức khoẻ ông ngày càng suy kiệt, không đủ sức chống đỡ bệnh tật. Và cái kết cục bi thảm tất yếu đã đến. Ngày cận Tết Nguyên Đán năm Bính Ngọ (1966), Nguyễn Bính phải nằm viện nơi sơ tán. Ngày 29 Tết (tức 30 do tháng thiếu), y hẹn ông về nhà Tân Thanh, một người hâm mộ thơ Nguyễn Bính ở địa phương ông sơ tán, để dự bữa cơm tất niên. Sau bữa cơm định mệnh đó, ông ra cầu ao rửa tay rồi thổ huyết và ra đi vào cõi vĩnh hằng! Đám tang ông vào đúng ngày Tết nên chỉ có đại diện cơ quan ông và một người hâm mộ, ông Tân Thanh!
Tác giả: Nhà thơ Thang Ngọc Pho