Những bóng hồng của làng thi ca

Hồ Xuân Hương (1771-1822)

Nhắc đến Hồ Xuân Hương, người ta sẽ nhớ ngay đến bốn chữ "Bà chúa thơ Nôm", là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam. Bà là người thông minh, thích kết giao bạn bè nhưng đường tình lại ngang trái, hai đời chồng đều phải chịu số phận làm vợ lẽ và cảnh góa phụ.

Tranh minh họa

Thơ Hồ Xuân Hương luôn được trình bày theo phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp được nhận định là điêu luyện nhưng phần chữ Nôm nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ cũng rất táo bạo, dù là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời. Cho nên, Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng kỳ thú của dòng thi ca cổ điển Việt Nam khi tích cực đưa ra cái nhìn đối lập với truyền thống đạo đức, nhưng không vì thế mà tự trở nên suy đồi.

Tập thơ nổi tiếng được đánh giá cao là phải nói đến "Lưu hương ký" gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Qua tác phẩm, nhà thơ đã thể hiện rõ nét tâm sự của một người phụ nữ với người bạn trai bằng một bút pháp nghệ thuật sắc nét. Bên cạnh đó, Hồ Xuân Hương còn có một số bài thơ tiêu biểu khác như: Bánh trôi nước, Mời trầu, Cái quạt, Đánh đu, Chơi hoa, Tát nước, Thiếu nữ ngủ ngày,…

Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)

Trong số nhà thơ nổi tiếng thời cận đại phải kể đến Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848), tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Bà là vợ ông Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan.

Tranh minh họa

Theo Giáo sư Nguyễn Lộc, thơ của bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá... Hơn nữa, nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ. Thơ bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu.

Một số tác phẩm để đời của bà được lưu truyền cho đến ngày nay như: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu (2). Chúng đều là những bài thơ tả cảnh thiên nhiên xinh đẹp, thơ mộng như một bức tranh thủy mặc, mượn cảnh tả cái tình ẩn trong lòng độc đáo.

Sương Nguyệt Anh (1864-1921)

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và là con gái thứ tư của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới". Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.

Tranh minh họa

Có thể nói việc làm thơ của Sương Nguyệt Anh giống như một thói quen, thơ của bà nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên cảnh mất nước nhà tan. Qua đó, mọi người phải có ý thức sống sao không hổ với một đất nước có truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của dân tộc.

Sáng tác của bà tuy nhiều nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn lưu lại một số bài thơ như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô,...

Xuân Quỳnh (1942 - 1988)

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh sinh tại làng La Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà là một nữ thi sĩ, nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, xuất thân trong một gia đình công chức nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Các tác phẩm của bà được công chúng nhận xét giàu cảm xúc với nhiều cung bậc như chính tính cách của bà. Thuyền và biển là bài thơ nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh, đăng trong tập thơ Chồi biếc (1963). Thuyền và biển được nhiều học sinh, sinh viên những năm 1960-1970 chép vào sổ thơ, chuyền tay nhau. Thơ Xuân Quỳnh giàu cung bậc cảm xúc khi hạnh phúc đắm say dâng trào, khi lại đau khổ, suy tư, dè dặt của người phụ nữ hết lòng trong tình yêu. Những tác phẩm của bà luôn gần gũi bởi nó xuất phát từ trái tim chân thành, sâu sắc và xúc cảm của một người phụ nữ trên ba cương vị - thi sĩ, người vợ và một người mẹ.

Nhà thơ được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017. Trong suốt sự nghiệp, Xuân Quỳnh xuất bản nhiều tập thơ như: Chồi biếc (1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (1974); Lời ru trên mặt đất (1978); Sân ga chiều em đi (1984); Tự hát (1984).

Anh Thơ (1921 - 2005)

Nữ sĩ Anh Thơ (1921 - 2005) tên thật là Vương Kiều Ân, sinh tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ngoài bút danh Anh Thơ được nhiều người biết đến, bà còn nhiều bút danh khác như: Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh. Anh Thơ sáng tác từ sớm, năm 17 tuổi với tập Bức tranh quê bà được nhận giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Sau đó bà tham gia viết bài cho báo Đông Tây và một vài báo khác. Nét đặc sắc trong thơ của bà là nét đa tình lại đa đoan, cách dùng ngôn từ cũng rất riêng và giản dị, tìm đến cái mộc mạc đời thường.

Chân dung nữ sĩ Anh Thơ

Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 1 và 2). Từ năm 1971 đến năm 1975 bà làm biên tập viên tạp chí Tác phẩm mới. Bà cũng là ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ gồm: Bức tranh quê (1939); Xưa (thơ, in chung, 1942); Hương xuân (thơ, in chung, 1944); Theo cánh chim câu (1960); Ðảo ngọc (1964); Hoa dứa trắng (1967); Mùa xuân màu xanh (1974); Quê chồng (1979); Lệ sương (1995); Cuối mùa hoa (2000).

Mộng Tuyết (1914-2007)

Nhà thơ Mộng Tuyết tên thật Thái Thị Úc, quê ở Hà Tiên (nay là Kiên Giang) là nhà thơ, nhà báo nổi danh từ thời tiền chiến. Bà có các bút hiệu khác là: Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất Tiểu Muội. Bà cũng là thành viên của nhóm "Hà Tiên tứ tuyệt" gồm các nhà thơ: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà.

Năm 1939, Mộng Tuyết bắt đầu nổi tiếng sau khi được bằng khen về thơ của Tự Lực văn đàn với thi phẩm Phấn hương rừng. Bốn năm sau, Mộng Tuyết cùng với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương xuất bản tập thơ Hương xuân, được xem là tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở Việt Nam.

Chân dung nhà thơ Mộng Tuyết

Nói về thơ của Mộng Tuyết, Hoài Thanh đã viết trong Thi nhân Việt Nam như sau: "...Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu".

Các tác phẩm chính của Mộng Tuyết sau này: Đường vào Hà Tiên (tùy bút, 1960); Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961); Truyện cổ Đông Tây (1969); Dưới mái trăng non (thơ, 1969); Núi mộng gương hồ (hồi ký ba tập, Nhà xuất bản Trẻ, 1998).

Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949)

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Bà được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007.

Chân dung nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà đã viết: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".

Các tác phẩm tiêu biểu của bà như: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Hái tuổi em đầy tay (1989), Mẹ và con (1994), Đề tặng một giấc mơ (1998), Cốm non (2005), Hồn đầy hoa cúc dại (2007), Chuyện cổ nước mình (1978)

Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943)

Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bà làm thơ từ sớm, đầu thập niên 1960 đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Phan Thị Thanh Nhàn được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Chân dung nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Phan Thị Thanh Nhàn viết nhiều thơ tình, theo năm tháng, những bài thơ tình của bà từ nhẹ nhàng, tươi tắn chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng độ lượng hơn. Nhưng dù thế nào, những bài thơ của bà vẫn rất chân thành, gần gũi và vì thế chiếm được chỗ trong lòng người đọc.

Tác phẩm tiêu biểu như: Tháng giêng hai (1969), Hương thầm (1969), Chân dung người chiến thắng (1977), Bông hoa không tặng (1987), Nghiêng về anh (1992), Bài thơ cuộc đời (2000), Thơ với tuổi thơ (2002), Con muốn mặc áo đỏ đi chơi (thơ, 2016).

Ý Nhi (sinh năm 1944)

Nhà thơ Ý Nhi tên thật là Hoàng Thị Ý Nhi sinh năm 1944 tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học. Bà là một trong những nữ nhà thơ hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam. Thơ của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà nghiên cứu thơ phương Tây đánh giá là một trong những nhà thơ Việt Nam đương đại tiên phong sau Đổi mới.

Chân dung nhà thơ Ý Nhi

Ý Nhi thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ nhưng thực sự nổi bật sau chiến tranh với những cách tân hiện đại, làm mới thơ Việt Nam về cả nội dung và hình thức. Thơ Ý Nhi giản dị mà đậm chất trí tuệ, giọng điệu thơ trầm lắng, suy tư, thiết tha mà chua xót. Với ngôn ngữ đậm chất triết luận, thơ Ý Nhi là sự ký thác sâu lắng của một trái tim không khi nào thôi khắc khoải trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

Các tác phẩm tiêu biểu của nữ thi sĩ như: Nỗi nhớ con đường (thơ - in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ, 1984), Đến với dòng sông (1978), Cây trong phố chờ trăng (thơ - in chung với Xuân Quỳnh, 1981), Ngày thường (1987), Mưa tuyết (1991), Gương mặt (1991), Vườn (1998), Thơ tuyển (2000), Ý Nhi tuyển tập (2011).

Đoàn Thị Lam Luyến (sinh năm 1953)

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, quê quán tại xã Anh Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đến với thơ của bà, độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy xuyên suốt các tập thơ là tình cảm yêu thương đằm thắm của người phụ nữ đa đoan đầy truân chuyên và bất hạnh trên con đường đi tìm hai chữ "hạnh phúc".

Chân dung nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến

Thơ của bà không ủ rũ sầu muộn mà ánh lên niềm lạc quan trong tâm hồn. Chủ đề trong thơ chỉ là những vấn đề rất đời thường như tình cảm vợ chồng, tình yêu, tình mẹ con nhưng lại nhẹ nhàng cuốn lấy người đọc bởi sự trải nghiệm, thấu hiểu đến tâm can của những con người đồng cảnh ngộ. Do đó, nó toát lên sự đồng cảm sâu sắc.

Một số tác phẩm thơ tiêu biểu của bà như: Mái nhà dưới bóng cây (in chung, 1985); Lỡ một thì con gái (1989); Cánh cửa nhớ bà 1990); Chồng chị chồng em (1991); Châm khói (1995).

Ngân Giang (1916 - 2002)

Nữ thi sĩ Ngân Giang (1916 - 2002), tên thật là Đỗ Thị Quế, xuất thân trong một gia đình Nho học tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Ngoài ra, bà còn có các bút danh khác: Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên.

Chân dung nhà thơ Ngân Giang

Nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng là một nhà thơ nữ thời tiền chiến và góp cho đời nhiều áng thơ hay lại bị các nhà phê bình văn học lãng quên. Điều ấy có phải ứng với bốn chữ mà ta vẫn thường hay nói "tài hoa bạc mệnh".

Trong khi nhiều nhà thơ lãng mạn cùng thời chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây thì Ngân Giang vẫn gắn bó với thơ Đường luật và các thể thơ dân tộc. Nặng lòng với quê hương, nhiều bài thơ của bà mang hình ảnh đất lạnh, xóm nghèo, chợ chiều, sông quạnh... với một cảm tình nồng hậu nhưng man mác buồn. Tuy Ngân Giang có những bài thơ nổi tiếng một thời như Trưng Nữ Vương, Bạch Đằng giang... nhưng nguồn mạch chủ yếu của nhà thơ vẫn là những mối tình dang dở, bất hạnh…

Tác phẩm tiêu biểu như: Giọt lệ xuân (nhật ký và thơ dưới bút danh Hạnh Liên, 1932), Tiếng vọng sông Ngân (1944), Những ngày trong hiến binh Nhật (1946), Những người sống mãi, (1973).

T.H