Chuyện thợ mỏ đùm bọc nhạc sĩ Phan Lạc Hoa
Ít ai biết, cố Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa – tác giả của ca khúc “Tàu anh qua núi” nổi tiếng từng có một quãng đời hồn nhiên trong trẻo trong sự đùm bọc của những người thợ mỏ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chính quãng thời gian đẹp đẽ đó đã ươm mầm tài năng âm nhạc của sĩ Phan Lạc Hoa.
Tuổi thơ đau buồn
Sinh năm 1947, mất năm 1982, ba mươi sáu năm sống trên cuộc đời, hơn mười năm làm nghệ thuật, sự nghiệp của của Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa quá ngắn. Nói về ông, người ta chỉ biết ông nổi tiếng với ca khúc “ Tàu anh qua núi”; “Tình yêu bên dòng quan họ”…; biết cuộc hôn nhân tan vỡ; biết cái chết đầy bi thương của ông. Nhưng có lẽ ít ai biết, Phan Lạc Hoa từng có một quãng đời thơ ấu đau buồn và thời thanh xuân hồn nhiên trong trẻo trong sự đùm bọc của những người thợ mỏ.
Tôi thuộc thế hệ sau, đặc biệt yêu thích những ca khúc của Phan Lạc Hoa, lại là hàng xóm của anh trai ông là ông Phan Lạc Hứa nên được nghe nhiều chuyện về thân phận của Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Bà Nguyễn Thị Diệp, vợ ông Phan Lạc Hứa kể, anh em ông Phan Lạc Hứa, Phan Lạc Hoa là con của gia đình danh giá và giàu có tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Tp. Hà Nội). Cha chồng bà vốn là một nhà nho nổi tiếng ở trấn Sơn Tây. Nhà có bảy anh chị em, ông Phan Lạc Hoa là con thứ năm. Anh em ông Hứa, ông Hoa đều được học hành tử tế và đều rất xuất sắc. Khi Phan Lạc Hoa được 8 tuổi thì diễn ra “Cải cách ruộng đất”. Vì có chút của ăn của để nên gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, bị đấu tố, bị tịch thu toàn bộ gia sản; anh em li tán…
Lưu lạc đến vùng Than
Năm 1960, ông Phan Lạc Hứa tình nguyện vùng Than làm việc, mang theo Phan Lạc Hoa, khi đó 13 tuổi. Ông Hứa xin vào làm công nhân ở xưởng Điện (nay là Công ty CP Thiết bị điện – TKV) và xin cho Phan Lạc Hoa vào học ở trường Công (nay là Trường THSC Nam Hải, Tp. Cẩm Phả). Hai anh em ông dựng tạm một căn nhà tranh tre trên đồi Lán Gianh, Hòa Bình, cách trung tâm thị xã Cẩm Phả khoảng 6km. Đến nơi ở của anh em ông Hứa, phải leo một con dốc cao.
Ông Hứa tính tình quảng đại, hào hiệp, nhiều tài lẻ nên nhanh chóng kết giao với nhiều bạn bè có năng khiếu âm nhạc và thể thao. Phan Lạc Hoa cũng có nhiều bạn ca hát và bơi lội, trong đó có ca sĩ Quang Thọ (kém Phan Lạc Hoa 1 tuổi). Nhóm bạn Phan Lạc Hoa, Quang Thọ…được ông Tô Sinh dạy đàn, dạy nhạc. Sau này, bạn ông Hứa, ông Hoa nhiều người trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như NSDN Quang Thọ; NSVM Đào Cường; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thám Hoa…Chính những người bạn này đã bao bọc, giúp đỡ hai anh em ông Hứa trong những ngày mưu sinh tại vùng Than.
Cụ Cổn ở Cẩm Phả – người cưu mang anh em ông Phan Lạc Hứ, Phan Lạc Hoa những năm đầu mưu sinh ở vùng Than.
Tôi đã đến gặp ông Nguyễn Long Giang – Con trai cụ Cổn – người đã cưu mang anh em Hứa và coi anh em ông Hứa như con đẻ của mình. Khi nhắc về những kỷ niệm với anh em ông Hứa, ông Giang xúc động, kể:
“..Khi ấy tôi là huấn luyện viên của đội bơi. Phan Lạc Hứa bơi rất giỏi, sau này đạt Kiện tướng bơi lội cấp Quốc gia. Hàng ngày, sau giờ tan tầm, anh Hứa cùng các bạn lại tụ về nhà tôi để học bơi, ca hát, chơi đàn, ngâm thơ, học võ…Trong những cuộc vui đó, anh Hứa thường đưa Phan Lạc Hoa đi theo. Có lẽ vì thế mà tinh thần lạc quan, tình yêu nghệ thuật đã dần ngấm vào tận sâu tâm hồn của Phan Lạc Hoa chăng? Thấy hàng ngày anh em anh Hứa phải đi về một quãng đường khá xa nên bố tôi – Cụ Cổn – bảo anh Hứa đưa em trai về ở tại nhà tôi, vừa tiện đường đi học, tiện tập bơi lại đỡ leo đồi vất vả”.
Ông Giang kể tiếp: “Nhà tôi khi ấy chỉ hai gian nhà nhỏ thôi. Nhưng bố mẹ tôi coi anh em anh Hứa như con đẻ. Hơn ba năm ở nhà tôi, Phan Lạc Hoa và anh trai luôn được sống trong không khí vui vẻ, đầm ấm của gia đình. Ban ngày anh Hứa đi làm, Hoa đi học, thời gian còn lại Phan Lạc Hoa còn sang phụ học khâu giày cho một ông chủ tiệm người Tàu cạnh nhà…”.
Ông Nguyễn Long Giang (con trai cụ Cổn) cùng con cháu.
Ông Giang còn kể cho tôi nghe khá nhiều kỷ niệm sau này khi mỗi lần Phan Lạc Hoa về Cẩm Phả biểu diễn, hoặc ông Giang có dịp lên Hà Nội, họ quấn quýt như gặp lại những người ruột thịt.
Hát trên tầng than
Khi học lên cấp II, Phan Lạc Hoa theo bạn bè lên rừng xuống biển kiếm sống. Ông Đinh Văn Đính, nguyên Trưởng Ban Cơ khí Tập đoàn TKV, bạn học cấp II trường Công với Phan Lạc Hoa kể, đã có thời gian vì cuộc sống khó khăn, Phan Lạc Hoa đi nhặt than ở núi Trọc, Mỏ than Đèo Nai. Ngày ấy có một bộ phận chuyên mua than tận thu từ chân đầu đường, bãi thải nên rất nhiều người không có công ăn việc làm, học sinh trong dịp nghỉ hè thường đến đây nhặt than bán kiếm tiền. Than được nhặt vào bao tải, xếp vào quang xi, gánh về rồi xếp thành khối. Bên công trường sẽ cử người đo khối rồi phát phiếu, cuối ca sẽ quy đổi thành tiền trả cho người nhặt than. Tuy giá không cao, lại lấm lem vất vả, nhưng giữa lúc khó khăn, Hoa kiếm thêm được đồng tiền về giúp gia đình anh trai đong gạo, mua thực phẩm, quý lắm…
Ông Đinh Văn Đính, bạn học với Phan Lạc Hoa thời phổ thông.
Ông Đính kể tiếp, Phan Lạc Hoa khi ấy đã là một cậu thiếu niên choai choai, rất vui tính, đặc biệt kể chuyện có duyên và có giọng hát khá hay. Những lúc nghỉ giải lao, Phan Lạc Hoa thường ngẫu hứng hát những ca khúc nổi tiếng thời ấy. Tiếng hát của anh vang trên tầng than, vọng đến tai của mấy cô công nhân mỏ làm ở Công trường Than Trụ, họ xúm lại, yêu cầu anh hát hết bài này lại bài khác. Các chị còn bảo “Mày cứ ngồi đấy mà hát, không phải nhặt than, để chúng tao ghi phiếu cho!” Thế là ngày ngày, Hoa lên tầng và…hát. Đến nỗi, các cô gái trên công trường thuộc từng câu hát của anh, cứ buổi trưa lại xúm lại quanh cậu bé đen nhẻm, say sưa nghe và hát theo.
Những năm máy bay Mỹ ném bom phá hoại vùng Mỏ, Phan Lạc Hoa theo gia đình anh trai đi sơ tán, thay đổi nhiều chỗ ở. Ở đâu, Hoa cũng tìm kiếm việc làm giúp gia đình anh trai vượt qua gian khổ của thời đạn bom ác liệt. Ở đâu, Hoa cũng được thợ mỏ yêu thương, đùm bọc, chở che.
Năm 1967, nghe tin có đoàn trên Hà Nội về tuyển văn công, Hoa cùng mấy người bạn đánh bạo rủ nhau đi dự tuyển. Năm người đi rốt cục chỉ có Nguyễn Thám Hoa trúng tuyển nhiếp ảnh và Phan Lạc Hoa trúng tuyển thanh nhạc. Từ đó, Phan Lạc Hoa tạm biệt vùng Mỏ lên nhập học tại Nhạc Viện Hà Nội, chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật. Những năm sau này, mỗi lần có dịp về Quảng Ninh biểu diễn, rời sân khấu là Hoa lại ào về nhà anh Giang, uống rượu, hàn huyên trò chuyện với anh em bạn bè thâu đêm.
Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ra đi gần 40 năm. Ông Phan Lạc Hứa, hàng xóm tốt bụng của tôi cũng đã mất năm 1985. Ngồi viết những dòng này giữa bốn bề âm thanh sôi động của vùng Than, trong tôi bỗng văng vẳng da diết bài hát “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay…” của cố Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa…
Cẩm Phả. 25/10/2021
Dạ Yến Thảo