Một lần đi theo Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Vào dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghi Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, tại Hà Nội, tháng 2. 2019, tôi có dịp “tháp tùng” nhà thơ Trần Nhuận Minh (TNM). Với tôi, anh là một nhà thơ lớn, và dịp này, tôi có vinh dự được học hỏi thêm. Chuyến đi 4 ngày đã để lại ấn tượng rất khó quên. Tổng số 46 đoàn nhà thơ, nhà văn  quốc tế, với non 200 đại biểu, riêng Hội Nhà văn Đài Loan có 14 người. Chúng tôi nghỉ tại Bảo tàng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam. Anh TNM đến Nhà khách Chính phủ số 37 Hùng Vương để cùng đàm đạo với bạn. Cuộc gặp này có từ một “nhân duyên”.

Đầu năm 2015, Giáo sư tiến sỹ Tưởng Vi Văn là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học Đài Loan, Tổng thư ký Hội Nhà văn Đài Loan dự Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương tại Hà Nội. Ông Tưởng được Ban tổ chức tặng một số ấn phẩm văn học, trong đó có tập thơ của TNM với 163 bài, xuất bản bằng tiếng Trung tại Bắc Kinh năm 2014. Theo ông nói, ông đã đọc liền một mạch hết tập thơ này tại khách sạn ở Hà Nội và khi còn ngồi trên máy bay về Đài Loan, ông đã quyết định phải tổ chức thực hiện việc dịch và xuất bản tập thơ này bằng tiếng Đài cho người Đài Loan đọc. Vì thơ TNM đã chinh phục được ông. Đây là thơ nói về số phận của con người, với những vấn đề chung thường thấy không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở  Đài Loan và nhiều quốc gia khác. Thơ TNM không có biên giới, ông đã nói thế. Và “Đi ngang thế gian - Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh”, đã ra đời tại Đài Bắc. Ngày 13. 8. 2018, Hội Nhà văn Đài Loan và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức giới thiệu tập thơ này tại Hà Nội, và tại cuộc gặp mặt đầu tiên này, TNM đã kí hợp đồng ủy nhiệm cho các bạn Đài Loan toàn quyền sử dụng thơ TNM trong 20 năm, từ 1. 8. 2018 đến hết ngày 31. 8. 2038. Tháng 10. 2018, TNM là nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời sang Đài và được các bạn Đài Loan đón tiếp rất trân trọng và nồng hậu.

Từ Nhà khách Hùng Vương, TNM mời các bạn Đài vào một quán cà phê đêm thanh lịch, rất đậm màu sắc Hà Thành. Và tại đây, tôi được chứng kiến  mối tình bạn bè đồng nghiệp, rất chân tình, rất nồng ấm của các bạn Đài với TNM và cũng như thế ở chiều ngược lại. Nhưng chuyện trò tâm sự rất chân thành và cởi mở, rất thân thiện và bình đẳng. Sự chan hòa đồng cảm, như không còn phân biệt đâu là nhà văn Đài Loan, đâu là nhà thơ Việt Nam, dù ngôn ngữ nói chung là bất đồng. Chiếc bàn mà tôi được “hầu chuyện” có 5 người, gồm ông Trần Minh Nhân, Chủ tịch Hội Nhà văn Đài Loan, ông Tưởng Vi Văn với chức danh đã kể, thỉnh thoảng ông nói được khá rõ một số câu tiếng Việt, ông Lù Việt Hùng chủ biên tập thơ nói trên, và nhà thơ TNM.  Gần đây, có 2 nhà văn Trung Quốc dịch thơ TNM, là Phùng Trọng Bình và Dương Hạ Nguyệt, “Trần Nhuận Minh – thi ca tinh tuyển tập”, do Nhà xuất bản Phát thanh và truyền hình Trung Quốc – Bắc Kinh ấn hành năm 2014. Hai tác giả này đã viết một số bài nghiên cứu về thơ TNM, trong đó có 2 bài đã được dịch và đăng báo ở Việt Nam là “Nhà thơ Trần Nhuận Minh”“ Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh”.

Cách đây ít ngày, tôi có qua TNM, tại số nhà 47, Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, được ông đưa cho xem bức thư, viết ngày 28. 11. 2001, của GSTS Bùi Trọng Liễu, Viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Pháp, bức thư vẫn còn trong bao bọc rất sang trọng, báo tin  cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, em ông, lúc đó còn làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 4 Lí Nam Đế, Hà Nội, có đoạn nguyên văn:  “Tôi đã đọc tập thơ “Nhà thơ và Hoa cỏ” của ông Trần Nhuận Minh, tập thơ rất hay. Tôi chưa thấy tập thơ hiện đại nào của Việt Nam hay như thế. Tôi bàn với các anh ở Nhà Việt Nam và các nhà thơ ở Viện Hàn lâm Văn học Pháp giới thiệu và dịch tập thơ này. Xin được hồi âm…”. Rất tiếc lá thư này, Khoa chuyển cho TNM, ông đọc rồi cất đi và vì bận công việc của một vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, lúc bấy giờ, ông đã quên không trả lời, để các công việc tiếp theo được thực hiện tại Pháp. Nay do sửa nhà, soạn lại các tư liệu cũ, tình cờ ông chợt tìm thấy. Nhờ người thông tin sang Paris, thì được biết, kíp nhà thơ -  Giáo sư Viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Pháp, đã dịch một số bài thơ của TNM, do không nhận được hồi âm về bản quyền, đã tạm bỏ dở công việc và đến nay, sau 19 năm, các vị đều đã từ trần.

Các nhà văn Đài Loan hỏi riêng tôi có kỷ niệm nào về văn học Đài Loan. Tôi kể, sau tháng 4.1975, làm công tác quân quản tại một khu phố Sài Gòn, tôi liền “vồ lấy” đống sách truyện nghiến ngấu đọc. Ấn tượng về nữ nhà văn sống ở Đài Loan, là Quỳnh Giao, trong đó bà có tiểu thuyết “Khói lam cuộc tình”, với tôi là rất có ấn tượng, đến giờ vẫn còn nhớ. Bạn nói, họ đánh giá nữ văn sỹ này không cao, bà chạy từ đại lục ra, nên quen viết truyện bằng chữ Hán. Tôi chợt hiểu, văn học Đài Loan đề cao chủ trương sáng tác bằng tiếng Đài, để có vị trí “Quốc ngữ” độc lập với tiếng Hán, và văn học bằng tiếng Đài từ nhiều năm nay, đã phát triển song song với văn học viết bằng tiếng Hán, nhằm khẳng định rõ bản sắc cho vị thế  của văn chương  riêng mình.

Tôi có cảm nhận rất rõ ràng là nhà thơ TNM rất hiểu văn học Đài Loan văn học Hoa Lục và  văn học phương Đông nói chung, những mối quan hệ tương tác của các nền văn học này trong quá trình giao thoa và phát triển, nên bạn hỏi đến đâu, TNM nói đến đó, rất thoải mái tự nhiên. Còn các bạn nhà văn xứ Đài thì rất yêu Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa. Đặc biệt nền văn chương tiếng Việt của Việt Nam dồi dào phong phú, có đẳng cấp cao, là điều Đài Loan phải học tập và làm theo, để có một nền văn học của xứ Đài, viết bằng tiếng Đài.

Tác giả bài viết: Nhà văn Trọng Khang