Hoàng Tháp-một giọng văn bản thiện.
Cứ thứ Tư hàng tuần, mọi người ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố Uông Bí - nơi đặt Văn phòng Hội VHNT tại tầng 3 - lại thấy tác giả Hoàng Tháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNT thành phố Uông Bí có mặt rất sớm tại Văn phòng. Việc đầu tiên của anh làm là nấu và rót đầy một phích nước sôi, pha trà và ngồi đợi. Chỉ một lát sau, anh em hội viên rục rịch kéo đến. Nước trà được rót ra, câu chuyện về văn chương, thời sự, thơ phú... được bàn luận rôm rả. Mọi công việc có liên quan đến Hội, anh lại cùng mọi người bàn bạc thấu đáo, đi đến quyết định cụ thể. Gọi là "anh" cho thân mật, chứ thực ra năm nay anh đã sang tuổi 70, tuổi "xưa nay hiếm".
Nhà thơ Hoàng Tháp
Tôi nhớ rất rõ, giữa năm 1998, bạn tôi đưa tôi đọc mấy bài thơ viết tay của anh. Cái duyên văn chương, thơ phú đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau và thân thiết như người một nhà. Qua những lần tâm sự, được biết anh có một quãng tuổi thơ đầy trắc ẩn. Có lẽ vì thế mà những vần thơ anh viết luôn đồng cảm với những mảnh đời, những hoàn cảnh éo le từ những góc khuất của xã hội. Những bài thơ: Bố con anh thương binh, Cô gái hát, Em bé đánh giày, Những con gà không mẹ ... cũng như gần đây anh hoàn thành một tập truyện ngắn, hai tập tiểu thuyết đầy ắp nỗi niềm thương cảm, đậm chất nhân văn, đã khắc vào lòng bạn đọc một giọng văn bản thiện. `
Vâng! Những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết tác giả đã trình làng xin không phân tích nữa vì không trước thì sau Bạn Đọc sẽ có dịp tiếp cận được. Tôi chỉ xin thuật lại vài tác phẩm đã được sử dụng, nhưng vì lâu rồi chẳng mấy ai nhớ nữa. Vào năm 1969, khi cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đang xảy ra ác liệt, đang du học tại Ba Lan, anh có viết truyện ngắn Tấm lòng Ban Tích kể về phong trào hiến máu nhân đạo ủng hộ Việt Nam của nhân dân Ba Lan, đã được sử dụng đọc nhiều lần trong mục đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những năm làm kế toán cho Bệnh viện mỏ Vàng Danh, anh viết vở kịch ngắn Ca mổ trên xe nói về tinh thần tận tụy của các y bác sỹ với tinh thần "cứu người như cứu hỏa". Vở kịch đã được dàn dựng và công diễn trong ngành than. Cả hai tác phẩm này thêm một lần chứng minh tính bản thiện như một kim chỉ nam trong suốt mạch viết của mình.
Ấy là nói về văn chương. Trong cuộc sống thường nhật, mọi cư xử của tác giả Hoàng Tháp cũng rất bản thiện. Xin kể câu truyện có thực mà chỉ người có lòng thương yêu tuyệt đối những mảnh đời éo le, người thực sự có lòng dũng cảm và bản lĩnh mới làm nổi: Ngày đó (vào năm 1978), phiên tòa mở để xét xử một cán bộ Mỏ Vàng Danh phạm tội cố ý gây thương tích (đánh kẻ trộm) và bị tòa án xử 12 tháng tù giam. Là người cùng công tác, thấy cảnh vợ con người cán bộ kia đã và sẽ lâm vào hoàn cảnh bi đát, cơm không đủ ăn, các con có nguy cơ thất học..., anh không phải là luật sư nhưng đã đăng ký biện hộ cho bị cáo. Với những lời lẽ đầy thuyết phục từ trái tim nhân hậu của mình, anh đã khiến cho cả phiên tòa sau khi nghị án đã thay đổi hình phạt, tuyên 12 tháng án treo và được những người bị hại cũng cảm phục. Thật lòng tôi không cầm nổi nước mắt khi nghe anh và chính người cán bộ nọ kể lại. Đây chỉ là một trong rất nhiều chuyện mà mỗi khi anh kể cùng với những giọt nước mắt của mình và của những người được nghe, trong đó có tôi.
Tác giả Hoàng Tháp sinh ra tại vùng quê nghèo Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bố là liệt sĩ chống Pháp. Tuổi ấu thơ của anh đầy chông gai trắc trở. Học hết lớp 5 đã phải tự mưu sinh. Năm 1965, mới 17 tuổi, anh xin vào làm công nhân Mỏ Cọc 6 Cẩm Phả với 42 kg cân nặng, không đủ tiêu chuẩn. Vì là con liệt sĩ, anh mới được Mỏ ưu tiên nhận vào. Việc đầu tiên anh được giao là công nhân vác đá kè đường cho xe lên vỉa. Với lòng kiên trì, chịu khó và tốt bụng, anh được mọi người quý mến, cơ quan tin cậy cử anh đi học khai thác hầm lò tại Ba Lan (1966 - 1969). Sau đó, anh về Mỏ Vàng Danh công tác. Không dừng lại với nghề nghiệp đang có, với khát vọng vươn lên, anh tiếp tục học và được cử đi học lớp tại chức Trung cấp kế toán. Qua rất nhiều vị trí công tác, anh luôn hoàn thành tốt công việc được giao trong sáng tạo và tận tụy. Trước khi nghỉ hưu, anh đảm nhiệm chức Trưởng Phòng Tiêu thụ Công ty than Vàng Danh, một vị trí quan trọng đầu ra của Công ty.
Trong thời gian công tác, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng anh vẫn say mê sáng tác. Cho tới nay, anh đã có hàng chục đầu sách thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết ấm áp trong cách viết, nhẹ nhàng trong xử lý. Điều duy nhất trong cách viết của mình vẫn là tính nhân văn đến bản thiện, đã chinh phục được đông đảo bạn đọc gần xa. Được biết anh vẫn tiếp tục viết và sắp cho ra mắt bạn đọc một cuốn tiểu thuyết mới mang tên Thương trường, được coi là quyển thứ ba trong bộ tiểu thuyết đương đại gồm 3 quyển: Đoàn tụ - Khởi nghiệp và Thương trường của anh.
Cho đến giờ không còn cảnh chuông điện thoại dồn dập của khách hàng mua than, của các đối tác trao đổi công việc nữa. Thay vào đó là những cuộc gọi trao đổi văn chương, công việc của Hội VHNT.
Và cũng 4 năm qua, cứ sáng thứ Tư hàng tuần, hàng xóm lại thấy chị Trần Thị My, người vợ nết na xinh đẹp tiễn chồng ra cổng với nụ cười đôn hậu, mãn nguyện. Mặc dù chị biết rõ chồng chị đi làm việc không một đồng phụ cấp nào. Tuy vậy, những sự kiện hiếu, hỷ, buồn vui của Hội anh đều chu tất bằng sự hi sinh cá nhân không một lời phàn nàn. Người chồng ấy chính là tác giả Hoàng Tháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNT Thành phố Uông Bí./.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc Ước