Người "chống lưng" cho nhà báo Kim Quốc Hoa
Ông Kim Quốc Hoa (trái) và tác giả.
NGƯỜI "CHỐNG LƯNG" CHO NHÀ BÁO KIM QUỐC HOA
Minh Cao
Ông kể với tôi, dù bị "đánh" tơi bời trong vụ “tai nạn nghề nghiệp” thật khủng khiếp nhưng ông may mắn được nhiều cán bộ lão thành, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc rất quan tâm, chia sẻ, vẫn rủ nhau đến với ông, nhiều khi không có đủ ghế ngồi. Ông bảo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước gọi ông là “Dũng sĩ diệt tham nhũng”, nhà thơ-nhạc sĩ Vũ Mão gội ông là “Người của công chúng”...
Nghề báo quả thật là “nguy hiểm”…!
Ông Kim Quốc Hoa sinh tháng Giêng năm 1945, quê ở huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Thời trẻ, ông tình nguyện đi miền núi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân các nông trường Quốc doanh Hữu Lũng (Lạng Sơn), Tân Trào (Tuyên Quang), sau đó tình nguyện vào Bộ đội Hậu cần, từng có mặt ở Trường Sơn. Trong cuộc thi thơ “Bộ đội Hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” (1969-1970), ông được trao giải Ba (Phạm Tiến Duật giải Nhất); tiếp đó, ông trở thành phóng viên, biên tập viên rồi được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Chiến sĩ Hậu cần, một cơ quan báo chí luôn đứng hàng đầu về thông tin trong hệ thông báo chí cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng những năm chống Mỹ và giai đoạn chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1990, ông Kim Quốc Hoa - một sĩ quan mang quân hàm Trung tá đã 3 năm, đang đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Tuyên huấn Tổng cục Hậu cần- do không còn Báo Chiến sĩ Hậu cần, ông chuyển ngành ra làm Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Thành đoàn Hà Nội. Năm 1993, ông chuyển về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham gia sáng lập, làm Phó Tổng biên tập thường trực Báo Lao động -Xã hội (Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Thứ trưởng Bộ kiêm Tổng biên tập). Năm 1997, Bộ trưỡng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc mời ông về lập đề án để thành lập và làm Tổng Biên tập Báo Xây dựng thuộc Bộ này. Trong gần 4 năm nghỉ chờ hưu (2002-2006), ông Kim Quốc Hoa sáng lập và làm Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (FDI). Cùng thời gian này, ông được Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ mời và quyết định nhà báo Kim Quốc Hoa làm trợ lí Tổng biên tập. Trong 3 năm tại Báo Văn nghệ, ông dồn trí tuệ, công sức cùng tập thể phụ trương Văn nghệ Trẻ từng bước nâng cao chất lượng thông tin, tăng dung lượng xã hội hóa văn học, góp phần đáng kể đưa tờ báo này tăng nhanh số lượng phát hành (gấp 3 lần trước đó). Ông còn là chủ biên-biên soạn xuất bản cho báo Văn nghệ 2 đầu sách: Tập thơ “Viết ở chiến trường” (120 tác giả) nhân kỉ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cuốn chính luận “Tiếng nói nhà văn"” in số lượng lớn. Riêng ông cũng in một tập thơ mang tựa đề “Cùng người ra trận” và tập “Những điều cần viết” (Thời sự & Bình luận). Các sách ấy đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2005.
Tháng 3 năm 2007, ông về làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi và kiêm Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài hơn nửa năm nữa.
Ngay từ ngày đầu làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa xin lại Giấy phép xuất bản, đề nghị bổ sung chức năng, nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực trong đời sống xã hội. Từ đó, ông đã cho đăng hàng nghìn vụ tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Theo Văn bản số 37/BTV-HNCT của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu kí gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thì trong 8 năm (2007 - 2014) Báo Người cao tuổi đã điều tra, phản ánh, phanh phui hơn 2.500 vụ tham nhũng, tiêu cực từ cấp cơ sở trở lên, cơ bản bảo đảm chính xác. Nhiều vụ điển hình gây xôn xao, chấn động dư luận xã hội như: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô coi thường pháp luật bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị cách chức Chủ tịch tình; Nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi miễn tư cách ĐBQH Khóa XIII; Vụ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trái pháp luật vô cùng nghiêm trọng ở Thủ Thiêm, Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh; Phát hiện tài sản bất minh và phanh phui vụ ồ ạt kí bổ nhiệm cán bộ trái pháp luật của Cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu và những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ; Tiêu cực nghiêm trọng ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Vấn đề nhà công vụ ở Hoàng Cầu; Những tiêu cực trong lực lượng Công an và Quân đội,v.v…Trong hàng nghìn vụ việc do báo nêu đã được nhiều cơ quan chức năng các cấp xem xét, xử lí 137 cán bộ, đảng viên theo pháp luật và kỉ luật hành chính, truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, thu hồi nhiều đất đai ở các địa phương. Có thể nói, Báo Người cao tuổi những năm 2009-2014 là một hiện tượng đặc biệt, hết sức sôi động trong báo giới, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Theo nhận xét của một số đồng nghiệp, trong gần nửa thế kỉ làm báo chuyên nghiệp, ông Kim Quốc Hoa từng lãnh đạo 6-7 cơ quan báo chí (Chiến sĩ Hậu cần, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động - Xã hội, Xây dựng, Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Người cao tuổi và Tạp chí Người cao tuổi) không kể đóng góp đáng kể tại báo Văn nghệ. Ở đâu, ông cũng tâm huyết, làm việc “cháy hết mình” nên tại báo nào ông phụ trách cũng khởi sắc, chất lượng và hiệu quả vượt trội, lượng phát hành đạt tởi đỉnh cao. Đặc biệt, ra khỏi quân đội, ông phụ trách 5- 6 cơ quan báo chí thì tất cả các báo khi ông đảm nhiệm đều không được bao cấp mà phải tự trang trải, nhưng không để lại cho tờ báo nào tình trạng thua lỗ, nợ nần lúc ông ra đi bởi tự cân đối được và có lãi. Ngược lại, ông có khả năng vượt qua thách thức, luôn bứt phá đi lên; quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên được bảo đảm ổn định. Có lần tôi dự Hội Báo Xuân, thấy quầy Báo Người cao tuổi trưng lên bảng “Thực hiện phương châm 5 không nợ: Không nợ nhà in; Không nợ thuế; Không nợ Bảo hiểm xã hội: Không nợ tiền lương: Không nợ nhuận bút”. Tôi hỏi kĩ thì ở Báo Người cao tuổi cả chục năm làm đúng như vậy, thật đảng nể. Có người đứng đầu như thế nên ai nấy trong tòa soạn luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau. Ông Kim Quốc Hoa rất chú tâm xây dựng đội ngũ phóng viên tác nghiệp nghiêm túc, dứt khoát không thương mại hóa và không để phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ở Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông Kim Quốc Hoa còn nổi tiếng và xuất sắc nhất cơ quan Trung ương Hội về hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội nhân đạo, từ thiện. Ông vận động hàng trăm nhà tài trợ ủng hộ các chương trình: Quỹ chăm sóc Người cao tuổi, tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh (nhất là khám mắt, mổ mắt công nghệ cao) miễn phí cho người cao tuổi, làm nhiều nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ người cao tuổi nghèo,v.v…với tống số tiền 80 tỉ đồng mà không nhận thù lao, hoa hồng. Hoạt động ở báo, ông tổ chức nhiều sự kiện truyền thông, mở các cuộc thi viết người tốt việc tốt, thơ, thi cờ tướng, hội thảo và trực tiếp làm chủ biên, xuất bản 10 đầu sách phục vụ cho người cao tuổi: Cây Lược vàng quý hơn vàng (3 tập in hàng chục lần), Tuổi cao-Gương sáng (2 tập), Tự làm bác sĩ (2 tập), Thư gửi lại mai sau, Người đi để lại (Thơ về Đại tướng Võ Nguyến Giáp) và hỏi và đáp về Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi.. Có thể nói, ông Kim Quốc Hoa là một nhà báo giàu trí tuệ, năng động, rất sáng tạo bởi có nhiều sáng kiến, dặc biệt tâm huyết với sự nghiệp Báo chí cách mạng, sự nghiệp Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi.
Bỗng cuối năm 2014, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) quyết định thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi trong 45 ngày làm việc (từ ngày 7/11/2014 đến 7/01/2015). Ngày 9 tháng 2 năm 2015, Bộ TT&TT tổ chức công bố kết luận thanh tra. Theo kết luận, đã phát hiện một số sai phạm về nội dung thông tin trên Báo Người cao tuổi và trang điện tử (nguoicaotuoi.org.vn). Từ đó, Bộ TT&TT ra quyết định thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, hủy tên miền www.nguoicaotuoi.org.vn; thu hồi Thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa. Cùng ngày 9/2/2015, Cơ quan An ninh điều tra -Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Báo người cao tuổi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Người cao tuổi online bị cắt truy cập, các ẩn phẩm báo in vẫn phát hành. Tại số 23 (1549) ra ngày 10/2/2015 có đăng loạt bài phản biện gay gắt xung quanh cuộc thanh tra đột xuất nêu trên với tựa đề “Nhiều sai phạm nghiêm trọng của Đoàn thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra Báo Người cao tuổi” và bài “Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hoạt dộng của Đoàn thanh tra và nội dung kết luận thanh tra Báo Người cao tuổi”, hàm chứa rất nhiều thông tin bức xúc nhưng nghiêm túc. Đặc biệt, bài trả lời phỏng vấn và văn bản của Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam gửi Bộ Thông tin & Truyền thông mạnh mẽ bác bỏ kết luận của đoàn Thanh tra, cho là hoạt động của đoàn có nhiều sai phạm so với luật Thanh tra, thiếu dân chủ, có tính áp đặt lên Báo Người cao tuổi. Năm 2014, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa được Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Toàn quốc” đã bị Bộ TT&TT không hiệp y rồi thông qua việc thanh tra để có bằng chứng bác bỏ.
Ngày 10/2/2015, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kí quyết định thu hồi Thẻ hội viên của ông Kim Quốc Hoa. Ngày 12/3/2015, Ban Thường vụ TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam họp đột xuất đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, miễn nhiệm chức Tổng biên tập báo Người cao tuổi (phải tạm dừng điều hành cơ quan báo chí này) và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng ra quyết định “đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với đồng chí Kim Quốc Hoa” (ông Hoa là Đảng ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan TƯ Hội, Bí thư chi bộ Báo Người cao tuổi). Đồng thời, Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt Báo Người cao tuổi tổng cộng lên tới 699,7 triệu đồng, mức tiền phạt cao kỉ lục, chưa từng có trong lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 12/5/2015, ông Kim Quốc Hoa bị Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an khởi tố bị can về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự.
Qua vụ việc của ông Kim Quốc Hoa, ngẫm ra đúng là nghề làm báo quả là “nghề nguy hiểm” thật…!
Trong gần 2 năm xảy ra vụ án và Cơ quan ANĐT xác minh vụ việc, dư luận xã hội rộ lên những ý kiến trái chiều. Cơ quan chức năng kết luận, thậm chí kiến nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa để đưa ra xét xử nhưng dư luận xã hội và một số cán bộ lão thành, đông đảo cựu chiến binh, người cao tuổi và đồng nghiệp tâm huyết thấy ở Bảo Người cao tuổi và ông Kim Quốc Hoa trong quá trình tác nghiệp có thể có sai sót, khuyết điểm nhưng không thể là có tội tới mức phải truy tố. Hơn 10 Văn phòng luật sư sẵn sàng tham gia bảo vệ cho ông Kim Quốc Hoa, trong đó có 6 Cơ quan là Đoàn luật sư Hà Nội, Công ty luật Hà Sơn và các Văn phòng luật sư Bách Sự Thuận, Trung Hòa, Chính Pháp, Hoàng và Cộng sự,v.v…đã vào cuộc trong quả trình điều tra, đồng loạt gừi kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, một số vị lão thành, nhiều cựu chiến binh, người cao tuổi,v.v…viết rất nhiều đơn, thư gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao…, đề nghị xem xét, giải quyết trên cơ sở pháp luật, khách quan, công bằng đối với nhà báo Kim Quóc Hoa.
Ngày 21/12/2016, sau gần 2 năm điều tra, xác minh,Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xét thấy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đã ban hành quyết định số 01/QĐ-VKSNDTC (V1) đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Kim Quốc Hoa.
Ai “chống lưng” cho nhà báo Kim Quốc Hoa?
Đó là NHÂN DÂN và những CÁN BỘ LÃO THÀNH, CỰU CHIẾN BINH, NGƯỜI CAO TUỔI…Điều này được nhà báo-nhà thơ Kim Quốc Hoa viết trong bài thơ NGƯỜI CHỐNG LƯNG đăng trên báo Người cao tuối số 6 (1532) ngày 9/01/2015 và in trong tập THƠ KIM QUỐC HOA, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2017 như sau:
NGƯỜI CHỐNG LƯNG
Bạn đến hỏi ai “chống lưng” nhà báo
Mà dám làm những chuyện tày trời?
Ai trao cây tầm sét của Thiên lôi
Giáng lên đầu những quan tham nhũng?
Người “chống lưng” cho tôi là quần chúng
Những con người tử tế dám đấu tranh
Những số phận bị “người ta” coi rẻ rúng
Bị dập vùi và cũng bị “hành”…
Người “chống lưng” là các cựu chiến binh
Những lão thành và người cao tuổi
Nhìn thấy tim đen bao kẻ lưu manh
Sống giả dối làm không đi đôi với nói.
Họ hót hay như con vẹt đầu hè
Đứng trên bục ba hoa về đạo lí
Còn việc làm thì bon chen, ích kỉ
Tham cửa nhà, đất đai, tiền bạc của dân...
Lương tâm và trách nhiệm bản thân
Mà xung trận không ngại ngần “tổ quỷ”
Dẫu ai nói “đấm vào cối xay gió”
Hay ngồi trên “đống kiến lửa” mất rồi! (*)
Tôi vẫn đi trên con đường của tôi
Dẫu ai đó rập rình mưu ám hại
Chống cái ác là bản chất kiếp người
Đơn giản vậy có gì mà sợ hãi?
“Chống lưng” cho tôi chính là Nhân dân
Nhân dân anh hùng, Nhân dân vĩ đại
Con đường tôi đi hướng tới mùa Xuân
Và như thế không có gì đáng ngại!
--------
(*)Có người khuyên tác giả: “ Đơn độc chống cái ác chẳng khác nào rơi vào “tổ quỷ”, giống như ngôì trên “đống kiến lửa” để rồi chẳng qua cũng chỉ như “đấm vào cối xay gió”…
Còn trong bài thơ TUỔI BẢY MƯƠI, cũng viết tháng 12/2014, ông Kim Quốc Hoa tự bạch, có đoạn:
Nhiều khi tự vấn thế này
Sao mình cứ sống thẳng ngay quá chừng?
Sao không biết cúi cái lưng
Biết quỳ cái gối biết dùng cái phao?
Sao không biết nói ngọt ngào
Biết nịnh ai đó biết chào xum xoe?
Sao mình lại cứ chẻ hoe
Thẳng như ruột ngựa không e ấp gì?
Thôi đành vững bước mà đi
Ai yêu ai ghét thị phi mặc đời
Bây giờ vào tuổi bảy mươi
“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!...
Như thể được … “lãi” sau vụ “tai nạn nghề nghiệp”!...
Bây giờ, sau 4 năm ông Kim Quốc Hoa trẻ, khỏe hơn rất nhiều so với thời ông còn làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi. Thân hình ông nhỏ gọn, rắn chắc, nước da hồng hào, đôi mắt vẫn tinh anh, minh mẫn, tác phong nhanh nhẹn, luôn lịch lãm, khiêm nhường và sôi nổi trong các câu chuyện thế sự. Ông giải thích, có được cơ thể “như thanh niên” thế này do không còn “tối tăm mặt mũi” với công việc trước đây, lại nhờ có bà vợ hết lòng chăm sóc, tinh thần thanh thản, thoải mái và chăm chỉ tập luyện. Ăn uống đúng cách, tập đúng bài và giữ thăng bằng các chế độ làm việc, nghỉ ngơi, khám bệnh định kì, đi du lịch là phương châm sống khỏe, nên cơ thể hầu như không có bệnh gì. Hàng ngày, ông dành hai tiếng đồng hồ đến trung tâm California tập gym, bơi, xông hơi,v.v… sau đó về ngồi viết, đọc sách, báo. Từ khi nghỉ việc ở Báo Người cao tuổi (tháng 7/2017), ông đã cho xuất bản 4 cuốn sách. Đó đó là tập “Thơ Kim Quốc Hoa”, trên 400 trang (Nhà xuất bản Hội Nhà văn cuối 2017) và tập Thông tin & Bình luận “ Kim Quốc Hoa &Trong mắt người già”, 400 trang (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2018). Ông còn làm chủ biên 2 tập sách “Tự làm bác sĩ” (Nhà xuất bản Hồng Đức-2018) với số lượng in khá lớn phục vụ cho Người cao tuối. Hiện, ông đang chuẩn bị để xuất bản một số sách chính luận, kinh nghiệm nghề báo, thơ, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Ngoài ra, ông còn viết bài cho các báo kí dưới nhiều bút danh. Các sách của ông được công chúng, nhất là người cao tuổi hào hứng đọc, khen ngợi.
Ông kể với tôi, dù bị "đánh" tơi bời trong vụ “tai nạn nghề nghiệp” thật khủng khiếp nhưng đổi ông may mắn lại được nhiều cán bộ lão thành, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc rất quan tâm, chia sẻ, vẫn rủ nhau đến với ông, nhiều khi không có đủ ghế ngồi. Ông bảo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước gọi ông là “Dũng sĩ diệt tham nhũng”, nhà thơ-nhạc sĩ Vũ Mão gội ông là “Người của công chúng”, Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu) tặng ông bảng vàng “Vinh danh Kim Quốc Hoa, Anh hùng trên mặt trận thông tin”,v,v…Ngày 21/6 mấy năm qua, nhà ông ngập hoa như thời còn làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2015) trong khi ông vừa bị khởi tố bị can 40 ngày, đoàn cán bộ của một tổ chức văn hóa bất ngờ đến thăm, đem theo bức tượng Kim Quốc Hoa bằng đồng nguyên chất nặng hơn 20 kg (đúc ở Từ Sơn, Bắc Ninh) tặng, khiến ông hết sức bất ngờ. Họ bảo: “Anh xứng đáng được chúng tôi thay mặt bạn đọc làm việc này…” Lại nữa, cũng trong thời gian Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an lập án, vừa kí kết luận điều tra đề nghị Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao truy tố thì ngày 4/12/2015, Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cùng hai phó Chủ tịch và một số Ủy viên Thường vụ đến thăm, trao cho nhà báo Kim Quốc Hoa Bằng khen vì có thành tích xuất sắc…Bà Cù Thị Hậu nói: “Đáng lẽ anh có thêm một Huân chương nữa nhưng xảy ra vụ việc như thế, Hội không thể làm gì hơn. Trong quyền hạn của mình, Ban Thường vụ tặng anh Bằng khen này để ghi nhận công lao của anh đóng góp cho sự nghiệp Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi. Năm nay tổ chức tổng kết toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ trao khen thưởng cho tập thể, cá nhân. Vì người ta cấm anh đi khỏi nơi cư trú nên chúng tôi đến nhà riêng trao trực tiếp cho anh..”. Ông Kim Quốc Hoa xúc động nói thêm: “Thật sự tôi ứa nước mắt vì những việc làm cao cả đó của chị Cù Thị Hậu và đông đảo bạn đọc. Chị Hậu là người tuyệt vời, đúng là tầm nhìn và bản lĩnh của người anh hùng từ thời kháng chiến chống Mỹ. Chị ấy biết tôi có đóng góp cho sự nghiệp chứ không có tội nên bảo vệ tôi đến cùng…”.
Thì ra, sau khi bị khởi tố do “tai nạn nghề nghiệp”, ông Kim Quốc Hoa tuy có sự mất mát lớn nhưng có vẻ như được…”lãi” lớn về tinh thần!...
Hà Nội, ngày 12/02/2019
Đọc thêm: MÃI MÃI LÀ KIM QUỐC HOA
o.Minh Chuyên
(NSƯT-Nhà văn - Đạo diễn cao cấp, Đài THVN)
Ngay từ cuối những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, “cái tên” Kim Quốc Hoa đã thường xuyên xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân và báo Chiến sĩ Hậu cần. Bút danh “Kim Quốc Hoa” cũng chính là tên gọi ngoài đời của anh. Cái tên có 10 chữ cái nghe sang trọng, vừa đẹp vừa thật ý nghĩa.
Ngày đó tôi còn là một người lính ở đơn vị, là cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân và báo Chiến sĩ Hậu cần. Mỗi lần đọc bài viết của Kim Quốc Hoa tôi rất thích. Thích cả cái tên tác giả của anh và cả nội dung nữa. Bài anh viết nhiều tình tiết hấp dẫn, những điều anh phản ánh thường nêu lên, đặt ra được vấn đề, khiến nhiều người quan tâm. Rồi tôi có dịp được gặp anh trong một buổi báo Chiến sĩ Hậu cần mở hội nghị cộng tác viên, mà khi đó anh là người phụ trách. Tên bút danh đã ấn tượng, gặp con người anh cũng thật ấn tượng. Ngày đó Kim Quốc Hoa còn trẻ lắm. Người anh dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp, đôi mắt sáng, bước đi khoan thai, đĩnh đạc, giọng nói khúc triết, mạch lạc. Chúng tôi chơi với nhau bắt đầu từ ngày đó.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Kim Quốc Hoa và tôi lại cùng theo học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi và anh Nguyễn Tiến Bình là dân nhà quê, nghèo, ra tỉnh học, luôn được anh và các bạn trong lớp giúp đỡ. Ra trường, Kim Quốc Hoa tâm huyết, gắn bó với nghề làm báo cho đến ngày nay. Còn tôi vừa làm báo, viết văn rồi làm đạo diễn phim tài liệu truyền hình. Lớp K9 Tổng hợp Văn của chúng tôi hầu hết anh chị em đều làm nghề cầm bút. Một số người nổi tiếng. Nhiều người làm lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản, lãnh đạo học viện, nhà trường như anh Tạ Ngọc Tấn, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu, nhà văn Đắc Trung, các nhà báo Kim Quốc Hoa, Mai Thục, Vương Thu, Trần Nguyên Trung, Quốc Trị, Nguyễn Trọng Nghĩa, Vũ Xuân Thục, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Công Kiệt, Nguyễn Gia Cương, nhà thơ Nguyễn Tiến Bình, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa quân đội Huy Toàn, nghị sĩ Quốc hội Lê Như Tiến, thiếu tướng Lê Trung Tín,v.v...
Những năm sau này, Kim Quốc Hoa lại làm Trưởng ban liên lạc hội cựu sinh viên K9 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng tôi. Hội đồng môn mỗi năm gặp nhau một đôi lần. Vì thế, với Kim Quốc Hoa, anh em chúng tôi ai cũng am tường, cũng gần gũi, quý mến. Nhất là cuộc đời làm báo đầy sôi động của anh. Cả những lúc vinh quang, cả những khi cay đắng trong nghiệp báo của anh, chúng tôi đều chia sẻ, đồng cảm. Đã từ lâu tôi rất quý trọng nhân cách, đức tính thẳng thắn, không cam chịu sự bất công trong con người Kim Quốc Hoa. Hình như khuynh hướng đó với anh như là một “trận tuyến”. Anh đã dùng cây bút làm vũ khí sắc bén chiến đấu với trận tuyến đó. Cây bút thì sắc đấy, tấm lòng trong sáng đấy nhưng tiếc thay cây bút không có “quyền lực” nên nhiều khi cây bút lại bị quyền lực lấn át. Điều đáng nể là anh rất tâm huyết, hết sức say sưa với nghề làm báo. Anh luôn luôn muốn chuyển tải những thông tin về ý chí, tư tưởng của bài viết đến với công chúng bạn đọc, đặc biệt là dũng khí chống tiêu cực, chống tham nhũng. Những hành vi xấu, những phần tử cơ hội, tham lam, nhũng nhiễu hình như anh bức xúc không chịu được. Anh chỉ muốn phanh phui làm sáng tỏ để mọi người cùng lên án chống lại cái ác, cái xấu, độc hại. Sức lao động không mệt mỏi, dẻo dai của anh cũng rất đáng nể.
Gần nửa thế kỉ làm báo chuyên nghiệp, kể cả hơn 30 năm là người lãnh đạo 6-7 cơ quan báo chí, anh đã viết hàng chục nghìn tin, bài, gồm các thể loại tin tức, ghi chép, phóng sự điều tra, bình luận, bút kí, tiểu phẩm, thơ ca, v.v... Các tác phẩm của anh về thông tấn, về nghệ thuật theo hai xu hướng rất rõ ràng. Một là, biểu dương cổ vũ nhân tố mới, cái đẹp, điển hình tiên tiến. Hai là phê phán thói hư, tật xấu, quan liêu, vô trách nhiệm, vô cảm, đục khoét, nhũng nhiễu của bọn quan tham. Qua những bài viết của Kim Quốc Hoa, nhiều điển hình được nhân rộng, nhiều người tốt được biểu dương, một số sau đó được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Không ít cái ác, cái xấu bị lên án, bị xử lí bằng hành chính, pháp luật, có kẻ phải đi “cải tà” để làm người tử tế… Cả hai khuynh hướng ngợi ca và phê phán trong tác phẩm báo chí của Kim Quốc Hoa đều đậm tính chiến đấu, tính giáo dục, được công chúng bạn đọc và Nhân dân hoan nghênh, có tác dụng tốt với xã hội.
Là một nhà báo chính luận và là người quản lí nhưng tâm hồn nghệ sĩ vẫn trỗi dậy trong tâm hồn anh. Hằng trăm bài thơ của Kim Quốc Hoa ra đời, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, con người. Chất thơ hào sảng nhưng nhân văn, nhất là ngợi ca người chiến sĩ trong chống Mỹ, cứu nước. Các tập thơ Cùng người ra trận (NXB Hội Nhà văn – 2005) Tuyển thơ Kim Quốc Hoa (1965-2015, NXB Hội Nhà văn-2017) và các tập thơ Nén nhang thiêng, Viết ở chiến trường, Lời ru vĩ nhân, một số tuyển tập thơ Đường do anh chủ biên, chủ trì biên soạn thể hiện tài năng và tâm hồn nghệ sĩ. Hồi còn trẻ và ở đơn vị quân đội anh còn viết một số vở kịch, chèo cho địa phương, đơn vị dàn dựng đi hội diễn đoạt giải. Trong tập thơ Cùng người ra trận, trường ca “Cánh thép Trường Sơn” là một bản hùng ca viết về ý chí và tinh thần dũng cảm quên mình của các chiến sĩ lái xe làm nhiệm vụ trên tuyến lửa Trường Sơn ác liệt. Nghệ thuật biểu đạt khéo léo, ngôn ngữ chọn lọc, nội dung hấp dẫn, Kim Quốc Hoa gửi gắm tâm hồn mình vào những vần thơ hay, làm nên “Cánh thép Trường Sơn” bất tử, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Cuộc thi thơ về hình tượng người lính Hậu cần năm 1969-1970, nhà thơ Phạm Tiến Duật giải nhất, hai nhà thơ Trần Nhương, Mai Văn Hai giải nhì. Kim Quốc Hoa đạt giải ba, chứng tỏ nghệ thuật thơ của anh sớm bộc lộ tài năng và tâm hồn thơ tinh tế.
Kim Quốc Hoa không chỉ là một nhà báo giỏi, có tâm, có đức, có tài mà còn là một nhà quản lí cơ quan báo chí cũng thật đáng kính nể. Khi còn tại ngũ, anh đã được phân công phụ trách tờ báo Chiến sĩ Hậu cần lúc rất trẻ. Từ những năm 90 thế kỉ trước cho đến sau này, Kim Quốc Hoa lần lượt được giao trọng trách làm Tổng biên tập, phó Tổng biên tập nhiều tờ báo khác nhau như: Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động -Xã hội, Xây dựng, Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Có thời kì làm trợ lí Tổng biên tập báo Văn nghệ (Hội Nhà vănViệt Nam). Từ năm 2007 đến 2015, Kim Quốc Hoa làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi, cùng giai đoạn còn có gần 2 năm kiêm nhiệm đứng đầu Tạp chí Người cao tuổi nữa. Các tờ báo do anh phụ trách đều phát triển đáng kể cả nội dung, hình thức và tăng trưởng mạnh mẽ lượng phát hành. Tôi càng nể phục anh ở chỗ 5 tờ báo anh đảm nhiệm sau khi rời quân đội đều là các cơ quan báo chí không được bao cấp, không có đến một suất lương ngân sách, vậy mà anh chèo lái rất giỏi, cân đối được thu chi, có lãi, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đời sống cán bộ, phóng viên luôn ổn định, có cuộc sống chủ yếu bằng nghề báo. Một số tờ báo như Lao động -Xã hội, Tuổi trẻ Thủ đô, Xây dựng, Người cao tuổi, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng bạn đọc. Lượng phát hành tăng cao, nội dung sinh động, hấp dẫn, tác động tích cực, được dư luận xã hội quan tâm.
Ngoài làm báo, làm thơ anh còn làm sách. Anh chủ biên và giới thiệu nhiều cuốn sách chính luận và điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt như Hoa đẹp tầm cao (NXB Xây dựng -2000), Kim Quốc Hoa & Những điều cần viết (Tập I), Tiếng nói nhà văn (NXB Hội Nhà văn-2005), Cây Lược vàng quý hơn vàng (3 tập – NXB Thanh Niên 2011-2014), Tuổi cao nêu gương sáng (Tập I,II -NXB Thanh Niên 2010, 2011), Thư gửi lại mai sau (NXB Hội Nhà văn-2013).
Báo Người cao tuổi dưới thời Kim Quốc Hoa làm Tổng biên tập phải nói là một giai đoạn làm được không ít những việc “động trời”, rất có ý nghĩa. Nhiều vụ việc bức xúc trong xã hội được phanh phui trên mặt báo. Qua báo Người cao tuổi những kẻ tham nhũng tiền bạc, đất đai, quyền lực đã hiện hình, bị dư luận xã hội lên án. Việc tham gia chống tiêu cực của những người làm báo, trong đó có báo Người cao tuổi thật sự đem lại niềm tin với công chúng bạn đọc và Nhân dân cả nước. Nhưng cũng từ đây sự “phản biện” lại cũng khá quyết liệt. Loạt bài “nhạy cảm” đăng trên báo Người cao tuổi đã cuốn Kim Quốc Hoa vào “tai họa” khôn lường. Sự đời khen chê đâu có dễ. Tôi cũng từng trải qua mấy cơn giông gió từ một số bút kí “Thủ tục làm người còn sống” và “Người lang thang không cô đơn”… nên đồng cảm và xin chia sẻ cùng anh. Để đi tới chân lí, tôi phải gian nan trong gần 20 năm, nhiều lúc điêu đứng. Khi nhân vật người thật, việc thật trong tác phẩm làm xong thủ tục cuối cùng của người còn sống, nhận cuốn sổ thương binh nặng, thay cho tờ giấy báo tử trước đây, tôi là tác giả mới được “giải oan”. Và khi Chủ tịch Nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật năm 2017 cho tôi, nỗi ám ảnh trong tư tưởng mới thực sự thanh thản. Phải kiên nhẫn anh Kim Quốc Hoa ạ! Cái giá của người cầm bút nhiều khi nghiệt ngã lắm, cam go lắm!
Chúng tôi tin Kim Quốc Hoa sẽ vững bước trên con đường đời, con đường sự nghiệp. Con đường đầy giông gió nhưng rồi cũng sẽ qua đi theo quy luật tất yếu của cuộc sống. Anh mãi mãi vẫn là Kim Quốc Hoa trong lòng đồng nghiệp chúng tôi, trong lòng bạn đọc và Nhân dân.
Hà Nội, tháng 10/2017