"Nội dung Vua" của TS.Phan Quốc Việt
Nội Dung Vua” (Content is King) là danh hiệu của Hội đồng Liên Minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) công nhận TS. Phan Quốc Việt đạt Kỷ lục thế giới về "Phương pháp đào tạo và huấn luyện thành công giúp trẻ tự kỷ thành Kỷ lục gia".
TS.Phan Quốc Việt nguyên là Chánh văn phòng Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); nguyên Chủ tịch HĐQT Liên doanh PetroVietnamTower; nguyên Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội…Hiện ông là Chủ tịch Tâm Việt Group; Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam; Thành viên Học viện Lãnh đạo Oxford (Anh Quốc). Ông từng được đào tạo toán lý và địa vật lý tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô) và được đào tạo quản trị kinh doanh tại các nước như Anh, Mĩ…
TS. Phan Quốc Việt với học sinh tự kỷ của Tâm Việt
TS.Phan Quốc Việt là người tiên phong đặt nền móng kỹ năng mềm ở Việt Nam. Ông là Diễn giả Việt Nam đi giảng cho Đại học Woosong – Hàn Quốc về “Lãnh đạo & Tạo động lực”; ông đã đào tạo hàng chục nghìn giáo viên về “kỹ năng giảng dạy kỹ năng sống” cho: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Quản lý Giáo Dục; hơn 50 Sở giáo dục và hàng chục nghìn hiệu trưởng, hiệu phó các trường học trong ngành Giáo Dục Đào tạo. Ông là Chủ biên của bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” từ lớp 1 đến lớp 9, tái bản lần thứ 5, số lượng đã bán ra gần 5 triệu bản. Bộ sách này được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Tạp chí Sáng tạo có cuộc phỏng vấn ông về đào tạo kĩ năng cho trẻ tự kỷ.
PV. Tôi được biết, hội chứng tự kỷ hiện nay trên thế giới chưa có phương pháp can thiệp hiệu quả. Vậy, Tâm Việt đã làm thế nào để hòa nhập cộng đồng và định hướng nghề nghiệp cho các em?
TS. Phan Quốc Việt (TS.PQV): Phương pháp mà Tâm Việt đã thực hiện thành công đó bài tập tích hợp độ chính xác cao, tái cấu trúc lại hệ liên kết nơ ron. Nơ ron có tính dẻo. Muốn có hệ thần kinh vận động chuẩn mực, độ chính xác cao thì phải có bài tập phức hợp độ chính xác. Chúng tôi phân cơ thể thành 6 phần với bộ bài tập: đội chai, tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh…
PV. Ồ, thế thì khác nào Tâm Việt dạy xiếc cho các em? Và thực tế, 2 em do Tâm Việt đào tạo đạt Kỷ lục Việt Nam cũng về thành tích biểu diễn xiếc đấy thôi.
TS. PQV: Không phải Tâm Việt dạy xiếc mà đó là những bài tập ban đầu giúp tác động lên từng khu vực cơ thể của các em. Sau khi phân thân với từng bài tập đơn lẻ, chúng tôi tích hợp lại, kết hợp đồng thời nhiều bài tập cho các em.
PV. Ông giải thích cụ thể hơn, mục đích của các bài tập đó là gì?
TS.PQV: Bệnh tật thường là do tâm loạn. Trẻ tự kỷ có khả năng tập trung rất thấp. Đội chai là phương pháp thiền động giúp trẻ tự kỉ rèn luyện sự tập trung cao độ. Mấu chốt khi tập cho trẻ tăng động là kiên tâm. Từ chỗ các em không cầm được chai đến cầm được chai, đưa lên đầu… Sau thời gian luyện tập bền bỉ, các em đội được 1 chai, 2 chai, rồi 3 chai. Còn tập cho các em tung bóng là bởi, hầu hết trẻ tự kỷ là không kiểm soát được đôi tay, tay hoạt động rối loạn. Các em thường vận động tay không theo chủ đích. Quá trình rèn luyện tung bóng giúp các em có đôi tay, mắt linh hoạt hơn. Ban đầu, tay các em không cầm được bóng hoặc tung loạn chiều, qua luyện tập, các em sẽ tung 1 bóng lên cao, từ tay này sang tay kia, rồi lên 2 bóng, 3, 4, 5 và đến… 10 bóng. Bài tập thăng bằng trên con lăn là để giúp chân của các em năng động, cho các khớp cột sống linh hoạt, tập trung, tĩnh tâm. Điều quan trọng, bài tập này giúp các rèn ý chí, lòng kiên trì. Đứng thăng bằng trên 1 con lăn đã khó, đứng thăng bằng trên 5 con lăn thì chỉ có diễn viên xiếc chuyên sâu rèn luyện lâu năm mới làm được. Tâm Việt còn tập cho các em đi xe đạp 1 bánh. Đi trên xe 2 bánh đã khó, rất ít người đi được xe 1 bánh vì phải rất tập trung, khéo léo. Sau khi các em thuần thục các bài tập trên, chúng tôi cho các em bài tập tích hợp: Đội chai, tung bóng và thăng bằng trên con lăn hoặc xe đạp 1 bánh. Tiếp đó là bài tập dịch chuyển tâm thế dịch chuyển hiền tài. Các em tự kỷ thường ngồi co ro chơi điện tử, nằm trong một tư thế rất kỳ quặc hoặc lên cơn chạy, cướp, đập phá… Với từng bài tập và nhất là kết hợp cả 3 bài tập thì các em ở trong một tâm thế rất đẹp: uyển chuyển, năng động, hướng thượng, tập trung cao độ, nhiệt huyết, phấn đấu hết mình. Nếu chỉ cho các em chơi các trò chơi đơn sơ thì chỉ giải phóng năng lượng, đỡ “lên cơn” chứ không hình thành được đường truyền ở hệ thần kinh trung ương, không thay đổi đáng kể hoạt động của các em. Tập liên tục tích hợp 3 bài tập hàng ngày, sau 6 tháng thói quen cốt trụ giúp các em từng bước hình thành tâm thế cốt trụ của một hiền tài! Tiếp nữa là tập Plank - chống tay tĩnh. Bài tập plank được thực hiện bằng cách giữ phần thân của cơ thể trên mặt đất theo một đường thẳng. Cái khó của bài tập là gây đau nhức toàn cơ thể. Người bình thường chỉ chịu được 30 giây. Huấn luyện để trẻ tự kỷ đạt trên 3 phút phải vô cùng công phu. Bài tập này được Tâm Việt thực hiện 2 lần/ngày.
PV: Được biết, các em đều học tập, sinh hoạt tập trung tại Tâm Việt. Việc quản lí, giáo dục các em ở đây ra sao, thưa ông?
TTS.PQV: Hiện, Tâm Việt đang đào tạo cho 40 em tự kỉ. Trong gia đình, một em bị tự kỉ đã là gánh nặng. Đối với Tâm Việt, hàng ngày quản lí, huấn luyện cho 40 em, trong đó có em mới 5 tuổi, có em đã ngoài 20 tuổi thì khó khăn càng gấp bội.
Có nhiều em, khi mới vào đây, không kiểm soát được hành vi, la hét, cắn xé giáo viên; thấy thức ăn là cướp, thậm chí, có em còn tùy tiện phóng uế. Vào đây, đồng thời việc thực hành các bài tập nêu trên, các em còn được rèn luyện kĩ năng giao tiếp ứng xử từ những hành vi nhỏ nhất cho tới giáo dục về ý thức tổ chức, tinh thần đồng đội.
PV. Ông có thể cho chia sẻ một số kết quả bước đầu của Tâm Việt về đào tạo kỹ năng cho trẻ tự kỷ?
TS.PQV: Trước khi đến với Tâm Việt, hầu hết các em tự kỷ đều đã trải qua nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, qua nhiều trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Một số gia đình còn đưa con đi điều trị tại nước ngoài, thậm chí tìm đến các thầy cúng để giải phép, trừ tà, … nhưng không mang lại kết quả.
Đến với Tâm Việt, chỉ sau một tuần các em đều có những tiến bộ đáng kể. Sau thời gian đào tạo trên 1 năm, nhiều em đã có những biến chuyển đột phá. Khôi Nguyên là trường hợp điển hình. Em sinh năm 2001, là trẻ tự kỉ dạng “tăng động giảm tập trung”. Những ngày đầu mới đến, em chỉ biết chạy, la hét, giật đồ ăn, không biết cộng-trừ-nhân-chia, không phân biệt được thời gian,... Sau hơn 2 năm huấn luyện, Khôi Nguyên đã trở thành một người hoàn toàn khác, không còn ai có thể nhận ra đó chính là Khôi Nguyên trước kia. Em biết ăn uống lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi, biết phân biệt thời gian sáng-chiều-tối,... Em đã xác lập kỷ lục Quốc gia với tung 9 bóng; đội chai đứng một chân trên 3 con lăn tung 7 bóng; đi xe đạp một bánh, đội chai tung 8 bóng, đứng trên 5 con lăn tung 8 bóng. EmNguyễn Đình Khánh Hưng - cậu học trò bé nhỏ, mặt mũi sáng sủa với cặp kính cận trông rất đáng yêu nhưng tay chân lúc nào cũng bứt rứt, nói lắp bắp, luôn gây gổ với mọi người. 7 tuổi nhưng Hưng không ăn cơm, Sau 3 tháng huấn luyện, em đã ăn cơm bình thường, nói rõ ràng. Khánh Hưng cũng được tôn vinh Kỷ lục gia.
Ngoài Khôi Nguyên và Khánh Hưng, ở Tâm Việt còn nhiều em tiến bộ rất nhanh, hứa hẹn tài năng. Nhưng thành công lớn hơn của Tâm Việt là đào tạo các em từ chỗ không điều khiển được hành vi trở thành những công dân có ý thức, ứng xử có văn hóa, có tính kỷ luật. Đầu tháng 7/2017, Tâm Việt cho các em đi Học kì Sinh Tồn với các học sinh bình thường tại Chí Linh, Hải Dương. Cô Dung, Giám đốc trung tâm phải thốt lên “Tôi không ngờ là các bé tự kỷ còn kỷ luật hơn, tinh thần đồng đội tương trợ tốt hơn lớp học sinh bình thường”.
PV. Vậy thì Tương lai nào cho em, thưa ông?
TS.PQV: Đó là điều lo lắng của các bậc phụ huynh và của chúng tôi. Tuy nhiên, Tâm Việt cũng đã có nhiều hướng cho tương lai của các em. Trong đó, Tâm Việt đã và sẽ tổ chức cho các em biểu diễn, truyền cảm hứng khát vọng sống cho lớp trẻ. Những em đã trở thành tài năng như Khôi Nguyên, Khánh Hưng…chúng tôi sẽ đào tạo các em trở thành giáo viên thực hành cho các em mới. Các em cũng có thể trở thành giảng viên hình mẫu của các trung tâm hòa nhập cộng đồng như Tâm Việt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhà văn – Nhà báo Cao Thâm (thực hiện)