“Thần Đèn” Đỗ Quốc Khánh- Ông là ai?

Như tin đã đưa, ngày 28/10/2018, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 2, Hiệp hội Những Người Lao động Sáng tạo Việt nam đã bầu ThS. Đỗ Quốc Khánh giữ chức Chủ tịch Hiệp hội với số phiếu tiens nhiệm rất cao. Nhân dịp này, Tạp chí Sáng tạo giới thiệu đôi nét về ông- người được mệnh danh là “Thần Đèn đất Bắc”.

Th.S Đỗ Quốc Khánh sinh năm 1955 tại Hà Nội. Ông có 10 năm học về máy, điều khiển học tại Đại học Kỹ thuật VUT - BRNO ở Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc)(Czech) và được cấp bằng Hệ thống tự động hóa tại đây. Năm 1984, ông về nước và vào làm việc ở Viện Khoa học Công nghệ. Một năm sau, ông là một trong ba người chữa công trình lún nghiêng đầu tiên của Việt Nam. Năm 1993, nhận lời mời của Trung tâm nền móng Đại học Xây dựng, ông đã về đây làm việc trong 8 năm.

Năm 2003, ông thành lập Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Việt Nam và được mệnh danh là "thần đèn đất Bắc" vì đã xử lý lún nghiêng và di dời nhiều công trình xây dựng thành công. Tên tuổi ông gắn liền với những công trình được di dời lớn nhất Việt Nam và chính ông cũng là người xác lập kỷ lục thế giới về độ lớn của công trình được di dời vào năm 2008 là 3 nghìn tấn. Đó là một con số mà đến chính những hãng báo chí danh tiếng nhất thế giới cũng phải xuýt xoa và tôn vinh là "hiện tượng lạ của Việt Nam".

Một số các công trình tiêu biểu gắn liền với tên tuổi ThS. Đỗ Quốc Khánh:

- Dựng thẳng công trình nhà bị nghiêng gấp 8 lần so với tháp Pisa trên địa bàn TP.Hòa Bình.

- Năm 2008, di dời tòa nhà 2 tầng tại khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc nặng 3.000 tấn (cao 2 tầng, rộng 25 m, dài 65 m) đi xa 50m trong thời gian chưa đầy 40 tiếng.

- Di dời nhà 2 tầng Đài Phát thanh huyện Xuân Trường (Nam Định) 650 tấn, đồng thời thực hiện xoay 180 độ.

- Nâng cao tiền sảnh Khách sạn Thắng Lợi lên độ cao 1,07m.

- Nâng biệt thự 4 tầng lên cao 2,62m và luồn thêm 1 tầng bên dưới thành 5 tầng.

-Di dời Tượng Đức Ông (tại Đền Cửa Ông, Quảng Ninh) nặng 40 tấn lên độ cao với góc dốc 46 độ.

Ông đã được các gải thưởng:

-Giải Ba – Giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam VIFOTEC.

- Giải Đặc biệt – Giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam VIFOTEC- năm2008.

- Giải Công trình di dời nặng nhất trong năm – Hiệp hội di dời nhà quốc tế-năm 2009.

-Giải Nhất – Giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam VIFOTEC, năm 2013.

…và nhiều giải thưởng sáng tạo khác.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VIẾT VỀ ÔNG ĐÃ ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ SÁNG TẠO, XUÂN MẬU TUẤT, 2018

Chuyện “Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh di dời tượng Đức Ông lên đồi cao

Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (Đức Ông) là danh tướng thời Trần (1253-1313), đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ông đã cùng binh sĩ đóng quân đồn trú tại Cửa Suốt (tên cũ của Cửa Ông) bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải Đông Bắc Tổ quốc. Ngày 25/12/2017, Đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng tọa lạc tại phường Cửa Ông, do Công ty Tuyển than Cửa Ông xây dựng bằng vốn phúc lợi và tiền công đức của nhân dân trong và ngoài nước. Tượng được đúc bằng đồng, cao 10 mét, nặng trên 40 tấn (tính cả phần khung đỡ), khánh thành ngày11-1-2006. Nhằm hoàn thành dự án cải tạo, mở rộng Khu di tích đền Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định di dời tượng Đức Ông lên đồi cao với góc nghiêng 46%. Việc di dời do Công ty Xử lí lún nghiêng Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ huy của Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và có thể lần đầu tiên trên thế giới di dời bức tượng khổng lồ trên góc nghiêng kỷ lục. Phóng viên Tạp chí Sáng tạo đã ghi lại việc di dời kì tài, đầy sáng tạo này.

Cửa Ông ngày đẹp trời

Sau mấy ngày mưa rét, sáng ngày 26/12/2017,  nắng bỗng bừng lên. Ngay từ sáng sớm, lãnh đạo địa phương cùng hàng nghìn phật tử, khách thập phương đã có mặt tại đền Cửa Ông để làm lễ di dời tượng Đức Ông tới vị trí cao hơn. Nghi lễ Cung nghinh Tôn tượng Đức Ông được Tp. Cẩm Phả tổ chức trang nghiêm, thành kính. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, tượng Đức Ông được di dời tới sân chính của đền Cửa Ông trên chiếc xe tự hành. Đó là chiếc xe có những tính năng đặc biệt, phù hợp với việc cung nghinh tôn tượng. Khi xe xuống dốc, phía đầu xe tự nâng lên; khi xe nghiêng, các bánh tự cân bằng, đảm bảo đầu tượng Đức Ông lúc nào cũng cao hơn chân. Đây là hình ảnh vô cùng ấn tượng, không chỉ phản ánh tiến bộ của khoa học công nghệ mà còn thể hiện sự tôn vinh văn hóa tâm linh của người Việt.

Nghi lễ Cung nghinh Tôn tượng Đức Ông được tổ chức trang nghiêm, thành kính

Một tuần sau, vào ngày 1/1/2018, Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam tiếp tục thực hiện công đoạn di dời tượng Đức Ông từ độ cao mức 5 mét, lên đồi cao mức 38 mét trên góc nghiêng 46%, với độ chênh cao tương đương ngôi nhà 20 tầng, chiều dài theo đường hướng dốc 92 mét;  sau đó tiếp tục di dời tượng Đức Ông lên đỉnh đồi cao mức 62 mét. Đây là công đoạn khó khăn, có lẽ trên thế giới chưa nơi nào áp dụng. Đó là một ngày đẹp trời. Trước lãnh đạo Tp.Cẩm Phả, lãnh đạo phường Cửa Ông và đông đảo phật tử, khách thập phương,Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh thuyết trình về việc di dời tượng Đức Ông bằng các phương tiện hiện đại và biện pháp kĩ thuật tiên tiến, đảm bảo việc di dời tượng Đức Ông an toàn tuyệt đối. Ông cầm mico nói “vo”, không cần tài liệu chuẩn bị sẵn mà mọi thông tin, số liệu được trình bày mạch lạc, đầy tự tin.

Qua báo chí, đông đảo nhân dân cả nước đã biết ông Đỗ Quốc Khánh được mệnh danh là “Thần đèn phía Bắc”. Ông đã từng chỉ huy di dời, chuyển hướng nhiều ngôi nhà khổng lồ. Trong đó, năm 2008, Công ty ông đã di dời 50m tòa nhà 3 nghìn tấn ở đường Láng-Hòa Lạc, được Hiệp hội Quốc tế về di dời công trình công nhận là tòa nặng nhất thế giới. Năm 2009, Công ty ông thực hiện di dời và xoay hướng Đài truyền thanh huyện Xuân Trường (xoay 180 độ tòa nhà 650 tấn) phục vụ giải phóng mặt bằng cho quần thể lưu niệm cố Tổng Bí Thư Trường Chinh; Năm 2011, Công ty ông chống nghiêng cứu nguy cho ngôi nhà 4 tầng có nguy cơ sập ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Sự kiện này gây xôn xao dư luận cả nước. Ông đã nhiều lần được giải thưởng danh giá -Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), trong đó có giải Đặc biệt và cùng con trai ông là TS. Đỗ Quốc Việt giành giải Nhất (năm 2012)… Dù vậy, giờ đây, lần đầu tiên ông chỉ huy di dời tượng Đức Ông nặng 40 tấn trên góc nghiêng quá lớn khiến mọi người hồi hộp, lo lắng.

Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh (thứ 2 từ trái sang)


CBCN Công ty Xử lí Lún nghiêng Việt Nam trước khi làm nhiệm vụ.

Đúng 8 giờ, lệnh kéo tời vang lên. Mọi người nín thở đổ dồn ánh mắt về phía tượng Đức Ông được phủ kín nhích dần trên đường ray. Sau chừng 40 phút, tượng Đức Ông đột nhiên hạ xuống, rồi xoay ngang trước những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Tiếp đó, những người thợ của Công ty nhanh chóng thực hiện các thao tác kĩ thuật chuẩn bị cho công đoạn di dời tượng Đức Ông lên mức 62 mét so với mực nước biển. Đó đó là “màn” đấu cẩu cực kì ngoạn mục. Những chiếc cẩu bánh xích 250 tấn, 90 tấn, vươn cần phối hợp nhịp nhàng, từ từ đưa tượng Đức Ông di chuyển theo mặt bằng mức 38 mét, sau đó vươn lên độ cao mức 62 mét trong tiếng vỗ tay vang rền. Từ độ cao này, tượng Đức Ông cao vọi hiên ngang, kiêu hãnh nhìn ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ và tráng lệ như trong lịch sử Ngài đã từng  trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

“Chúng tôi rất khâm phục”

Theo kế hoạch, việc di dời tượng Đức Ông từ độ cao 5 mét lên độ cao 62 mét được thực hiện trong 2 ngày. Với sự nỗ lực cao độ, Công ty Xử lí Lún nghiêng Việt Nam đã hoàn thành trong một buổi sáng, đảm bảo an toàn tuyệt đối; vượt tiến độ một ngày rưỡi. Ông  Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Cẩm Phả xúc động nói: “Chúng tôi rất khâm phục trình độ kĩ thuật và tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ công nhân Công ty Xử lí Lún nghiêng Việt Nam.Trong thời gian tới, Thành phố Cẩm Phả tiếp tục thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Di tích lịch sử đền Cửa Ông trên quy mô 180.000m2, với các hạng mục công trình: khu sân tượng đài, tường bao, khu đón tiếp du khách, dịch vụ, khu công viên cảnh quan…”.

Ông Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cẩm Phả trao đổi với ông Đỗ Quốc Khánh.

Đã quá trưa, việc di dời tượng Đức Ông đã thành công nhưng nhiều người dân địa phương vẫn hân hoan, lưu luyến. Ông Nguyễn Ngọc Minh, cựu Bí thư  Đảng bộ phường Cửa Ông thốt lên: “Quá giỏi! Kĩ sư Việt Nam quá giỏi!”. Chỉ tay về phía mấy cụ ông, ông Minh tiếp: “Chúng tôi sống ở Cửa Ông lâu năm, thấy rằng, việc di dời tượng Đức Ông lên vị trí này là rất hợp lí. Cụ phải đứng ở vị trí cao thế này để kiểm soát biển Đông!”.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (bên phải), cựu Bí thư Đảng ủy, Phường Cửa Ông.

Sáng tạo tuyệt vời!

Khi tìm hiểu quá trình thiết kế, thi công hệ thống vận chuyển tượng Đức Ông, tôi mới biết sự sáng tạo tuyệt vời của các nhà thiết kế và đơn vị thi công.Trước hết, xin được nêu về thiết kế cầu đường sắt. Như đã nêu, việc di dời tượng Đức Ông trên quãng đường khá xa, góc nghiêng quá lớn, khiến bức tượng lúc nào cũng có xu thế “tùng bê”. Vì vậy, các nhà thiết kế và đơn vị thi công đã làm cầu đường sắt đặc biệt kiên cố để chống lún, chống rung lắc. Để làm cây cầu đường sắt này, đơn vị thi công đã đầu tư vào đây khoảng 250 tấn thép, hàng trăm m3 bê tông.

Trong quá trình di dời tượng Đức Ông trên đường sắt, có một hình ảnh khiến nhiều người khâm phục. Đó là, tượng Đức Ông di chuyển đến cuối đường sắt bỗng tự động hạ xuống mặt bằng mức 38 rồi tự động xoay ngang. Để có được hình ảnh này, tại đây, người ta thiết kế cái cầu bập bênh có ổ quay. Khi tượng Đức Ông lên đến nơi, cột thủy lực phía dưới nâng lên, phía trên hạ xuống và ổ xoay tự động xoay ngang.  Các chuyên gia kĩ thuật của công ty miêu tả, việc thiết kế các đầu chốt, lựa chọn xi lanh và chôn xi lanh gầm cầu yêu cầu tính toán chính xác, kĩ thuật rất cao.

Hệ thống thiết bị phục vụ việc di dời cũng được các nhà thiết kế và đơn vị thi công lựa chọn đảm bảo hệ số an toàn vượt 20 lần so với quy phạm an toàn khi vận tải hàng hóa và gấp 9 lần so với vận chuyển người bằng thang máy. Đối với tời kéo, đơn vị thi công lựa chọn đầu tư mua 3 tời của Nhật, Trung Quốc và của Nga, trong đó có một tời thủy lực. Ngoài các tuyến cáp chính của tời, đơn vị thi công còn bố trí 8 đường cáp dự phòng. Với hệ thống cáp này, trong tình huống xấu do đứt cáp hay mất điện đều hoàn toàn đảm bảo an toàn cho tượng Đức Ông.

Hệ thống phanh cũng được thiết kế đặc biệt. Ngoài thiết bị phanh của tời, đơn vị thi công còn chế tạo 4 con “chó kép” bằng sắt nằm dưới gầm xe goòng. Khi goòng di chuyển khoảng 30 cm, các “con chó” trượt qua điểm chết, phát ra tiếng leng keng. Trong trường hợp mất điện hay đứt cáp, các “con chó” bập vào điểm chết khiến goòng cố định trên đường ray, không thể trôi xuống được.

Hệ thống phanh của xe goòng

Dù đã thiết kế, lựa chọn các thiết bị đảm bảo an toàn tuyệt đối như vậy nhưng trước khi chính thức vận hành thiết bị để di dời tượng Đức Ông, đơn vị thi công đã vận hành thử tải hàng chục lần. Việc thử tải bằng chính việc vận chuyển 2 chiếc cẩu khổng lồ từ mức 5 mét qua đường ray lên đồi cao. Các cẩu được tháo ra từng phần, chất lên goòng, trọng tải tăng dần, trong đó chuyến nặng nhất là 70 tấn. Việc thử tải không những là phép thử khẳng định việc đảm bảo an toàn tuyệt đối của các thiết bị mà còn rèn luyện kĩ năng vận hành của công nhân và góp phần đẩy nhanh tiến độ di dời tượng Đức Ông.

Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh và phu nhân trong niềm vui thắng lợi.

BÀI VÀ ẢNH: CAO THÂM