Chuyện về ông "Trưởng thôn" - GS. Nguyễn Lân Dũng
Cộng đồng BlogtiengViet.net (BLV) với hàng nghìn thành viên tự đặt cho mình một cái tên mộc mạc là “Xóm Lá” và tôn vinh GS. Nguyễn Lân Dũng là “Trưởng Thôn”. Đây cũng là lực lượng nòng cốt đồng hành với TÁC PHẨM MỚI (TPM) kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay. Dưới đây là những chuyện về ông “Trưởng Thôn” chung quanh hoạt động của TPM.
“Ông Cố vấn”
Nhiều người đọc TÁC PHẨM MỚI (TPM) bản in và tacphammoi.net thấy đề tên GS. Nguyễn Lân Dũng (GS.NLD) cùng Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc trong vai trò cố vấn tỏ ra ngạc nhiên, hỏi tôi, GS. NLD là nhà khoa học, sao lại làm cố vấn cho ấn phẩm chuyên về văn học nghệ thuật? GS. NLD có tham gia công việc của TPM hay chỉ là đứng tên cho… oai? Tôi thưa, với Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nhà báo Chu Nhạc, do bận công tác quản lí (Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, mới đây xin rút khỏi Ban Cố vấn, nay bổ sung PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho) nên ít có điều kiện tham gia công việc ở TPM, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giao lưu và chia sẻ những bài viết hay của mình với bạn đọc TPM. Riêng GS.NLD, là trụ cột của TPM. Ông đã tổ chức cho chúng tôi gặp những người nổi tiếng như Đạo diễn Vân Long; Nhà báo Trần Đăng Tuấn; Nhà văn Đỗ Chu v.v. để phỏng vấn, viết những kí sự nhân vật sâu sắc. GS.NLD còn trực tiếp viết rất nhiều bài với đủ thể loại, từ những bài phê bình văn học sâu sắc, đầy tính học thuật như bài viết về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, đến những bài diễn ca mộc mạc về ông chủ bánh đậu xanh Rồng Vàng. Số nào ông cũng đôn đốc bài vở, đọc duyệt ma két trước khi in. Ông còn tích cực vận động bạn đọc viết bài và mua TPM; rồi tổ chức các buổi đi thực tế, giao lưu TPM với bạn đọc… Ông chia sẻ với chúng tôi, đọc bài viết trên các trang blog, facebook, ông bất ngờ nhận thấy, trên đó có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật rất hay; những phát hiện độc đáo của những người chưa phải là hội viên Hội Nhà văn; thậm chí có người chưa xuất hiện trên báo chí. TPM cần chọn lọc giới thiệu tác phẩm của họ.
Tôi nhớ, khi chuẩn bị nội dung TPM số Xuân 2014 (năm thứ hai của TPM), chúng tôi đề nghị ông viết bài tổng kết một năm hoạt động và định hướng tiếp theo cho TPM. Ông bảo “xong ngay, xong ngay”. Chừng một tiếng sau, ông đã gửi cho chúng tôi một bài gần hai trang A4 với tiêu đề “Lá thư đầu năm gửi bạn đọc TÁC PHẨM MỚI”. Chúng tôi hết sức kinh ngạc. Trong khoảng thời gian ngắn, ông đã viết một bài tổng kết có tầm khái quát rất cao, chứng tỏ, mọi hoạt động của TPM đều được ông quan tâm, theo dõi sát sao.
Chuyện ở “Xóm Lá”
Luôn bận rộn nhưng GS. NLD vẫn dành sự quan tâm và thời gian của mình cho cộng đồng “Xóm Lá”. Ông đọc hầu hết các bài viết của các blog kết nghĩa, sang thăm và trả lời comment cho từng người. Gặp bài hay, ông đều bảo tác giả “Gửi cho TPM nhé”. Đến công tác tỉnh nào, ông đều tranh thủ gặp gỡ các blogger tỉnh đó. Rất nhiều lần ông gọi cho Nhà thơ Chử Thu Hằng, Chủ biên TPM: “Hằng ơi, tôi đang ở… cho tôi số điện thoại của bạn A, bạn B… nhé”. Gặp nhau, ăn cùng một bữa cơm hay chỉ uống cốc nước, chuyện trò một hai tiếng lại chia tay nhưng ông vẫn kiên trì tiếp xúc, làm cầu nối giữa các thành viên. Ông biết khá rõ hoàn cảnh gia đình của từng người và đặc biệt thích làm “ông mối” cho các bạn còn lẻ bóng cũng như “gán ghép” cho con cái các blogger. Mặc dù “ông mối” này không được “mát tay” cho lắm, nhưng sự quan tâm sâu sát của ông với đời tư của các blogger khiến chúng tôi thật cảm động. Việc hiếu hỉ của các gia đình, nếu có thể thu xếp được thời gian là ông có mặt, đem lại vinh dự cho các blogger. Có lần, ông bay hàng ngàn km dự đám cưới của một thành viên. Có lần, ông thuê taxi mấy chục km, một mình xuất hiện ở đám tang một thành viên khác, khiến họ hàng và gia đình người đã mất cảm động rơi nước mắt.
GS. NLD là người nổi tiếng, nhưng rất thân ái, hòa đồng. Công việc quá bận rộn nhưng khi chúng tôi mời ông đi nói chuyện với nơi nọ, nơi kia, rồi dự các buổi giao lưu, sinh nhật… nếu sắp xếp được thời gian, ông đều vui vẻ tham gia. Một lần dự sinh nhật ở quán karaoke, ông hài hước “thú nhận”, chẳng biết thật hay đùa: Đây là lần đầu tiên ông bước chân vào quán karaoke và bài hát duy nhất ông thuộc là bài… “Quốc ca”! GS. NLD có một niềm vui đặc biệt, đó là đọc sách. Đi thì thôi, hễ ở nhà thì bất kì lúc nào ghé thăm ông, chúng tôi đều thấy hoặc là ông ngồi bên bàn viết, giữa những chồng sách lớn, dày cộm, hoặc là ông đang tiếp khách. Những vị khách đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi nghề nghiệp đến với ông để được ông tư vấn, chia sẻ, cảm thông. Phụ trách chuyên mục “KCT” trên tivi hay “Hỏi gì đáp nấy” trên báo Nông nghiệp Việt Nam, GS. NLD luôn khuyến khích mọi người đưa ra những câu hỏi khó để ông trả lời. Đã 80 tuổi, nhưng ông rất chịu khó học hỏi để làm chủ những phương tiện nghe nhìn hiện đại nhất mà ông có trong tay. Chính vì vậy, ông có thể tra cứu dễ dàng trên Internet để tự bổ sung kiến thức cho mình.
Gần bảy năm “làm nhà” ở BlogtiengViet, với khoảng 450 bài viết đủ các chủ đề, từ thời sự, chính trị, lịch sử, du lịch, văn học đến nông nghiệp, khoa học kĩ thuật… GS. NLD đã chia sẻ cho chúng tôi vô vàn hiểu biết từ kho kiến thức vô tận của ông và của các bạn ông – những người đã gửi bài “đăng nhờ” lên blog của ông bởi tin tưởng đó là một kênh tương tác với bạn đọc một cách tốt nhất. Blog của ông là minh chứng cho mặt tích cực của mạng xã hội. Rất nhiều thành viên Xóm Lá đã gọi ông là Thầy với sự kính trọng và biết ơn sâu sắc.
Không chỉ trên sách vở, GS. NLD còn tổ chức cho cộng tác viên của TPM đi thực tế nhiều nơi, kết hợp tham quan du lịch. BlogtiengViet cũng đã tổ chức được nhiều đợt đi làm từ thiện, với số tiền đóng góp mỗi lần lên đến vài trăm triệu đồng, trong đó có công vận động rất lớn của GS. NLD.
Học được từ cha
Chúng tôi đã nhiều lần ăn cơm cùng GS.NLD. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông ăn rất ít và chỉ uống nước trắng. Tôi nghĩ, không hiểu ông ăn thế sao đủ sức khỏe để đi và làm việc liên tục như vậy. Ở tuổi 80, ông vẫn đảm nhận các chức vụ: Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường của MTTQVN, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Chủ nhiệm Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân , Cố vấn Hội Liên hiệp Thanh niên Quốc tế (IYF), Cố vấn Hiệp hội Công nghệ sinh học Châu Á (AFOB) v.v. Ông đi liên tục, viết liên tục, nói chuyện liên tục. Hôm trước, vừa gặp ông ở hội nghị, hôm sau đã thấy ông ở nước ngoài, viết bài đăng trên blog cá nhân. Hàng tuần, ông giải đáp hàng chục câu hỏi khán giả nghe đài qua chuyên mục Joy FM; viết bài đều đặn trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Kiến thức ngày nay và các báo khác. Rồi ông viết sách, ông đi nói chuyện với nông dân, học sinh, sinh viên…
Tôi đồ rằng, một người khỏe mạnh, không làm gì, ăn rồi chỉ đi theo ông đã mệt. Vậy mà, mỗi bữa ăn ông chỉ lưng bát cơm, không bia rượu. Có lần, tôi giục ông ăn thêm. Ông từ chối, bảo “Tôi ăn ít lắm. Ông cụ tôi cũng vậy. Mỗi bữa cụ chỉ hai lưng cơm đạm bạc mà thọ gần trăm tuổi”. Rồi ông kể về cha mình - Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân - người có công lớn với nền giáo dục nước nhà. Đối với gia đình, cụ cũng là người thầy lớn đã dạy các con, cháu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để trưởng thành như ngày hôm nay. Trong 8 người con của cụ, có tới 7 người là Tiến sĩ, trong đó 3 người được phong hàm Giáo sư và 3 Phó giáo sư; nhiều cháu nội, cháu ngoại của cụ nay cũng là Tiến sĩ, Phó Giáo sư. Dù tuổi cao, cụ vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học, viết sách cho đến khi qua đời. Ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành bộ Từ điển đồ sộ với 2.200 trang. Đây là cuốn sách thứ 42 của cụ. Cuốn sách này cụ nghiên cứu trong 5 năm liền và mỗi từ đều có ba phần (giải thích từ nguyên, ý nghĩa và ví dụ), GS. NLD chia sẻ:
- Sở dĩ cha tôi luôn khỏe mạnh, dẻo dai, cả đời không bệnh tật gì là nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc. Cụ tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những ngày lạnh giá nhất của mùa đông. Và, xin lỗi các bạn, kể cả việc… đi vệ sinh. Ngày nào cũng như ngày nào, đúng vào giờ “cao điểm” của cụ, con cháu trong nhà có nhu cầu, xin chờ nhé, và cụ cũng “giải quyết” rất nhanh, như là lập trình vậy. Hơn nửa thế kỷ liền, cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực. Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khoẻ mạnh, không bệnh tật gì đến gần trăm tuổi! Cụ mất vì căn bệnh ung thư trực tràng, nếu không, cụ còn thọ nữa.
-Vậy, Giáo sư có học tập tinh thần rèn luyện thân thể của cụ không? Tôi hỏi.
-Tôi đi liên tục, thời gian làm việc và sinh hoạt luôn xáo trộn nên khó “bắt chước” được nếp sinh hoạt của cụ. Việc tắm nước lạnh buổi sáng tôi không theo cụ được. Tuy nhiên, có một sự rèn luyện mà anh em chúng tôi đều học cụ, đó là không ngừng học tập để làm giàu kiến thức cho mình; luôn thanh thản, yêu đời và sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường. Cũng nhờ vậy mà anh em chúng tôi luôn khỏe mạnh, được nhiều người yêu mến.
Bị xin… đểu
Dù đã nghỉ sau ba khóa là Đại biểu Quốc hội nhưng ngôi nhà nhỏ của GS. NLD chẳng khi nào ngớt khách. Mọi người đến với ông đủ mọi thành phần, đủ mọi lí do và đều được ông đón tiếp vui vẻ. Nhưng ông cũng không phải là người có quyền năng đặc biệt để có thể thỏa mãn hết yêu cầu của mọi người. Chẳng hạn, có người nhờ ông tiến cử làm thư kí riêng của… Thủ tướng vì “Tôi là người có tài năng đặc biệt” (?!). Có người đúng vào sinh nhật GS.NLD lại nhắn tin “Xin Giáo sư tài trợ cho tôi ba mươi triệu vì tôi là hàn sĩ nghèo” (Chúng tôi biết rõ người này không nghèo, lại trẻ khỏe và có địa vị). Có vị Giám đốc Ngân hàng gọi điện cho tôi hoan hỉ tự giới thiệu: “Tôi là người con nuôi thứ 34 của GS Nguyễn Lân Dũng…”. Cũng không ít người mang đến nhà GS.NLD mấy kilogam… đơn từ, nhờ ông can thiệp, giúp đỡ... Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngoài khả năng can thiệp của ông, khiến ông rất day dứt. Trong ba nhiệm kỳ Quốc hội, ngoài các bài phát biểu hợp lòng dân nên mới được xếp vào “Bộ Tứ”- Nhất Ngoạn, Nhì Trân, Tam Lân, Tứ Thước (về sau là Tứ Quốc), GS.NLD còn tích cực chuyển đơn khiếu nại về nhiều vụ việc. Điển hình là Vụ án Trần Văn Vót ở Hà Nam. Tuy chưa đạt đến kết quả mong muốn nhưng ông Vót cũng đã được về nhà để… chữa bệnh.
Chứng kiến những chuyện trên mới thấy áp lực “người của công chúng” lớn biết chừng nào, và càng cảm phục vì GS NLD vẫn giữ được sự điềm tĩnh, giữ được sự tử tế và niềm tin vào con người. Tại sao ông luôn vui vẻ, lạc quan vậy? Ông chia sẻ “Tâm niệm của tôi là không ghét ai cả. Ai yêu quí mình, thì mình yêu quí lại. Ai ghét mình thì mình quên luôn người đó đi. Vậy là lúc nào mình cũng vui vẻ, sống khỏe”…
Tin cùng chuyên mục
Bơ vơ Trần Hoài Dương
05/09/2018
Người nuôi chồng và 9 con bằng nghề... viết
17/08/2018
Góc khuất Rơ Chăm Phiang
08/08/2018