Góc khuất Rơ Chăm Phiang

Đại tá Rơ Chăm Phiang vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Nhiều tờ báo đã ghi nhận cống hiến của chị với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Từ năm 13 tuổi, chị đã vào đoàn văn công, phục vụ bộ đội nơi chiến trường ác liệt, mấy lần suýt chết. Từ một cô bé chưa biết chữ, chị đã được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài, nay là thạc sĩ, Tổ trưởng Bộ môn Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Chị đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá trong nước và Quốc tế. Trong bài viết này, chúng tôi tôi kể thêm những góc khuất trong cuộc đời và sự nghiệp của chị.

 

 

Đã lâu lắm, tôi mới lại được nghe NSƯT Rơ Chăm Phiang hát trong chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV1 với chủ đề “Tháng Ba Tây Nguyên”. Vẫn giọng hát đặc biệt cao và sáng, kỹ thuật điêu luyện; vẫn phong cách biểu diễn tự nhiên, gần gũi mà sang trọng, đầy kiêu hãnh.  Đến khi chương trình chuyển sang nội dung bình luận, tôi chờ đợi chị sẽ nói về Tây Nguyên, quê hương của chị. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy chị nói gì. Giữa đám đông ầm ĩ, chị lặng lẽ, mắt nhìn lơ đãng như người ngoài cuộc. Tôi lại tự  hỏi, những nghệ sĩ khác, tuổi cao hơn chị, giọng hát và nhan sắc đã “xuống” nhiều, sao họ vẫn thường xuyên hát trong các chương trình sự kiện lớn của đất nước, còn chị, trẻ hơn, đẹp hơn, giọng hát hay hơn xưa sao lâu nay vắng bóng? Lại tự hỏi, cùng thế hệ, cống hiến của chị không kém ai; thành tích của chị ít người sánh bằng, vậy mà vì sao đến nay chị mới được đề nghị phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân? Những thắc mắc đó ám ảnh tôi khiến tôi nẩy ra ý định sẽ viết về chị.

Từng xem chị biểu diễn trên sân khấu với gương mặt rạng ngời, kiêu hãnh; cái miệng tươi rói, nhả những âm thanh tròn vành vạnh, trong veo và cao vút, quanh chị, hàng chục diễn viên hát, múa phụ họa rực rỡ, tưng bừng. Giờ, gặp chị, tôi có cảm tưởng như gặp Rơ Chăm Phiang khác. Chị ngồi đối diện tôi, lặng lẽ, kín đáo; gương mặt phảng phất buồn, đôi mắt nâu ngơ ngác. Tôi hỏi câu gì, chị trả lời câu ấy, chẳng vồn vã thân thiện và cũng chẳng hững hờ lạnh nhạt:

Từ chối lời mời đi Mĩ

-Tôi được biết, chị đã được ba giải thưởng Quốc tế danh giá, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Chị có thể kể lại những khoảnh khắc huy hoàng đó.

-Năm tôi 19 tuổi, đang học Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cô giáo Mộ La dựng cho tôi 2 tiết mục “Bóng cây kơnia” và  bài hát Nga “Đất nước anh cũng là đất nước tôi” để dự thi Hoa Cẩm chướng đỏ ở Xô-tri Liên Xô. Khi nghe tôi hát bài hát Nga, khán giả đứng bật hết cả dậy, họ vỗ tay, họ ném hoa cẩm chướng, hoa hồng ngập cả sân khấu. Năm 1990, tôi tham dự Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và được giải Nhất. Cuộc Liên hoan này có rất đông thí sinh của 27 nước trên thế giới tham gia. Khi nghe tôi biểu diễn, khán giả cũng vỗ tay nồng nhiệt như vậy.

-Là nghệ sĩ trẻ, thành công rất sớm, lại được đào tạo cơ bản, chị có được các đoàn nghệ thuật mời về đầu quân cho họ không?

- Có đấy. Thậm chí, thời tôi tu nghiệp ở Nga, có một tổ chức âm nhạc ở Mĩ tha thiết mời tôi về đầu quân cho họ với chế độ đãi ngộ rất cao nhưng tôi từ chối.

-Thời ấy, kinh tế của đất nước khó khăn lắm. Nhiều nghệ sĩ trong nước phải bỏ nghề; nhiều giọng hát vàng phải trốn sang nước ngoài. Tại sao chị lại từ chối lời mời của họ?

-Là vì tôi được quân đội nuôi dưỡng, dìu dắt từ năm 13 tuổi. Tôi được quân đội cho đi học từ khi chưa biết chữ, nay đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, tôi phải gắng học để về nước phục vụ quân đội, phục vụ đất nước.

-Vậy mà, từ khi về nước, công chúng ít được nghe chị hát trên sân khấu ca nhạc. Vì sao vậy? Chị không muốn hát trên sân khấu hay chị không có cơ hội để hát?

-Tôi luôn thèm được hát mà! Các anh biết không, mỗi khi nhìn thấy băng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc, tôi lại nhớ sân khấu quay cuồng. Mỗi khi nghe tôi hát, khán giả cũng cổ vũ nồng nhiệt lắm. Nhưng lâu nay tôi ít xuất hiện trên sân khấu là do bận giảng dạy…

-Nhiều giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội, họ vẫn thường xuyên biểu diễn trên các sân khấu, biểu diễn phục vụ mít tinh, hội nghị…đấy thôi.

-Với họ, tôi không biết! Thực ra là tôi luôn bận rộn với công tác giảng dạy mà. Mỗi khi không bận giảng dạy, có nơi mời biểu diễn, tôi vẫn tham gia đấy. Tôi không nặng nề về cát -xê đâu, miễn là được hát phục vụ công chúng. Anh biết không, Câu lạc bộ Giai điệu bạn bè do Nhạc sĩ Mai Sao thành lập cát – xê thấp lắm, chỉ một vài trăm nghìn, nhưng tôi và nhiều người yêu nghề vẫn hăng hái tham gia.

Sự nghiệp cao quý

-Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề dạy học?

-Năm 1996, sau khi tu nghiệp ở nước ngoài, về nước, tôi được tổ chức điều động về Trường cao đẳng Văn hòa- Nghệ thuật quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ tuật Quân đội) làm công tác giảng dạy thanh nhạc. Suốt 13 năm đi học, tôi đều là người của Quân đội nên luôn chấp hành sự điều động của quân đội thôi.

-Khi làm công tác giảng dạy, chị có yêu nghề không?

-Thú thật là ban đầu tôi đã nản lòng về nghề dạy học vì học sinh không ham thích nhạc thính phòng và nhạc cổ điển. Thời tu nghiệp ở nước ngoài, tôi đã say mê học những bài nổi tiếng của thế giới, có những bài dài tới 20 trang qua bản dịch tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng La tinh. Nhưng khi đem kiến thức truyền đạt cho học sinh, nhiều em thờ ơ, học chiếu lệ, khiến tôi chán nản. Biết chuyện, cô Mộ La (cựu giảng viên Nhạc viện Hà Nội, cô giáo dạy nhạc của Rơ Chăm Pheng) khuyên tôi phải kiên trì. Nghề dạy thanh nhạc như đãi cát tìm vàng. Học sinh có năng khiếu chưa đủ, mà cô giáo phải làm cho học sinh yêu nghề, phải tận tụy mới đào tạo ra một tài năng âm nhạc cho đất nước.

-Vậy, hơn 20 năm dạy học, cô giáo Rơ Chăm Phiang và  đã “đãi” được nhiều vàng chưa?

-Nhiều chứ ạ. Tại các cuộc thi âm nhạc danh giá, sinh viên  Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tham gia dự thi đều được giải cao. Trong đó, tôi được tham gia giảng dạy các em: Huyền Trang; Hoàng Hồng Ngọc; Giàng Thị Hoa; Vũ Kiều Ngân…Đây là những em đoạt gải cao tại Sao Mai những năm gần đây.

-Ở Tây Nguyên, quê chị, có nhiều học sinh theo học Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội không?

-Cũng khá nhiều đấy. Thời Nhạc sĩ An Thuyên còn làm Hiệu trưởng, tôi đề nghị với nhà trường tuyển con em Tây Nguyên vào Trường để sau này về phục vụ quê hương. Nhà trường đồng ý và giao cho tôi trực tiếp tuyển chọn. Đợt ấy, tôi tuyển chọn được hơn 40 em. Đến nay, các em đã ra trường, làm việc tại tỉnh hội, huyện đội…

-Tôi đồ rằng, 22 năm qua, nếu chị làm nghề biểu diễn, chắc chắn chị nổi tiếng hơn, giàu có hơn. Bây giờ, nếu được chọn lại, chị chọn nghề dạy học hay biểu diễn?

-Tôi nói rồi, tôi là quân nhân, luôn phục tùng sự phân công của Quân đội. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi vẫn chọn nghề dạy học vì đó là sự nghiệp cao quý. Tôi thực sự hạnh phúc khi học sinh của tôi thành đạt; các em ra trường vẫn quấn quýt bên tôi. Tôi thật tự hào được làm việc dưới mái trường giàu truyền thống, nhiều thành tựu.

Tây Nguyên không xa xôi

Tôi hỏi chị về quê hương, về gia đình chị ở Tây Nguyên, dường như chị thân mật, cởi mở hơn. Chị say sưa kể về buôn Ia Phôn (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) của chị. Nơi đó, chị đã đi theo bộ đội, nhiều lần bị địch phục kích, bỏ chạy, sập hầm chông; nơi bắp chân chị còn vết sẹo. Chị miêu tả về dòng sông Pô Cô hùng vĩ, tráng lệ, nơi gắn liền với bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” (nhạc Cầm Phong, lời thơ Mai Trang). Mới đây, chị về quê, thắp hương cho A Sanh (tên thật là Puih San-Anh hùng LLVT Nhân dân). Trước mộ người anh hùng huyền thoại, chị thành kính: “Anh A Sanh ơi, đã hàng trămlần em hát bài ca ngợi ngợi anh. Mỗi lần hát về anh, về dòng sông Pô Cô, em như được trở lại với quê hương, như được đã nâng đỡ…”. Chị bảo, với chị, Tây Nguyên không hề xa xôi. Hàng năm, chị vẫn về thăm quê. Mỗi lần về quê, chị thường tặng hàng xóm đường, mì chính, có khi cho tiền. Dù chỉ hai trăm nghìn nhưng hàng xóm của chị không dám tiêu mà mua con lợn giống. Khi con lợn béo, hàng xóm lại “Gọi con Phiang nó về giết lợn, liên hoan”…Chị bảo, về với quê hương, chị được sống trong tình thương yêu đùm bọc của đồng bào; được nói những điều ngay thẳng, chân thành mà không cần phải rào đón.

-Vậy, chẳng lẽ gần 40 năm ở Hà Nội, chị phải khép mình, phải điều chỉnh mình, để phù hợp với cuộc sống hiện đại nơi đô thị hay sao? –Tôi hỏi

-Cũng có thể như thế thật. Sống ở Hà Nội nhiều năm nhưng tôi vẫn không bỏ được bản tính mộc mạc, hồn nhiên, thẳng thắn của người Gia Rai chúng tôi. Tôi nghĩ sao nói vậy. Chính vì thế mà nhiều lúc tôi bị hiểu nhầm, bị thị phi mà không biết thanh minh với ai.

Làm mới giọng hát của mình

Tôi bảo với chị, lâu không được nghe chị hát nên tôi đã copy những bài hát của chị trên mạng để nghe. Chị cuống lên “Ấy, ấy. Anh đừng nghe những bài hát copy trên mạng! Hôm nào tôi sẽ tặng anh album của tôi”. Rồi chị khoe, chị vừa ra một alabum, phối khí hiện đại, giọng của chị hoàn thiện hơn, hay hơn. Tôi nghĩ bụng, ở tuổi ngoài 50 mà giọng chị ngày càng hay hơn, hoàn thiện hơn, nghe có gì sai sai. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, chị hát một đoạn ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô” rồi giải thích: Trước đây, bài hát này do Nhạc sĩ Hoàng Lương phối khí. Khi hát, chị đã thể hiện sự hùng vĩ, tráng lệ của dòng sông Tây Nguyên. Tuy nhiên, vẫn xô bồ, có những chỗ bị “đì”, khiến giọng của chị không đẩy lên được. Bây giờ, qua phối khí của Nhạc sĩ Xuân Hiểu, chị mới thể hiện được sự tinh tế, rõ ràng; những chỗ trước đây bị “đì” nay đã được đẩy lên…

Nghe chị hát, dù không có nhạc đệm, tôi thật kinh ngạc về sự khỏe khắn, trẻ trung và kĩ thuật điêu luyện của chị.

THÀNH TÍCH ÂM NHẠC CỦA RƠ CHĂM PHANG

Huy chương vàng Hội diễn Toàn quốc 1980; Giải nhất giọng hát hay Toàn quốc 1981; Giải 3 Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Hoa cẩm chướng đỏ ở Xô-tri Liên Xô 1983; Huy chương Vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng, 1990; Giải nhất cuộc thi Giọng hát Hanoi - ASEAN 1996; Giải nhất cuộc thi Hát thính phòng Việt Nam lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh,1996.