Bố chúng tôi- cụ Nguyễn Đình Giốc

Tôi có được một gia đình hạnh phúc, thành đạt như hôm nay, ngoài sự rèn luyện, phấn đấu lâu dài cùng vợ con, không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng về đạo đức, lối sống của bố mẹ và phong cách làm việc của bố vợ là cụ Nguyễn Đình Giốc nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình.


 

 

Từ ngày được làm con của bố mẹ, cho đến lúc bố mẹ qua đời, tôi chịu ảnh hưởng rất lớn về thái độ trong công tác và cách đối nhân xử thế của bố trong cuộc sống thường nhật. Tôi trở thành người cán bộ tốt, người con hiếu thảo bởi sự khâm phục, biết ơn bố tôi rất nhiều. Tôi tuổi Thân, bố tuổi Thìn, hai tuổi này hợp nhau nên trong cuộc sống, mỗi ngày gặp bố là chuyện trò thoải mái, những suy nghĩ của mình đưa ra bố đều phân tích đến đích cuối cùng của sự việc. Bố con gần nhau, hợp tính nhau nên khoảng cách bố con hầu như không có. Tôi học được nhiều lắm ở bố về cách sống làm người.

Lúc hai đứa mới quen nhau còn là sinh viên Đại học, bố đến thăm con gái, sau bữa cơm trưa, ngồi uống nước, bố tôi bảo rằng : “Đời học sinh, sinh viên là vô tư, nhưng sau này làm cán bộ, không vô tư như bây giờ đâu, bon chen, đố kỵ, kèn cựa nhau khi lên lương, lên chức, đấu tranh quyền lợi cá nhân ghê lắm. Tình người lúc đó giảm sút, không vô tư được như các anh chị sinh viên bây giờ”. Lúc đó, tôi nghe để biết chứ chưa hiểu thấu đáo, phải đến lúc ra làm cán bộ mới nghiệm đúng như lời bố nói, ngày trước lúc đang là sinh viên. Bố tôi đúc kết trong cuộc sống, trong công tác lãnh đạo mà nói lại cho chúng tôi.

Trong quãng thời gian 1970 đến 1980, lúc tôi và Lan đã là vợ chồng, ở Chí Linh - Hải Dương hay ở Hà Nội, mỗi lần đi công tác có thời gian rảnh rỗi là ông lại đến thăm cháu và động viên chúng tôi cố gắng trong cuộc sống và công tác.

Bố tôi thông hiểu chữ Hán nên học làm thuốc, học xem tử vi, tham khảo sách Hán-Nôm mà sau khi ông nghỉ hưu tôi mới biết là ông đã tích lũy rất lâu để cùng bác Bùi Thọ Tỵ viết sách “Tên làng xã tỉnh Thái Bình qua các đời” được giải thưởng Văn học năm 1992. Bố tôi xem tử vi cho con cháu trong nhà, tôi cũng có tử vi. Bố tôi lấy xong tử vi chỉ nói cho tôi thế này: “Anh chỉ là người cán bộ tham mưu giỏi, chứ không làm lãnh đạo được. Nếu có làm lãnh đạo thì người ta lại đưa xuống…”. Tôi nghiệm thấy trong quãng đời làm cán bộ quả đúng như vậy.

Bố tôi xem tôi như con trai, những sự việc anh em trong nhà bố tôi đều nói và tham khảo ý kiến tôi. Có lúc, ông bảo nhờ anh chị tác động, giải quyết việc A, việc B. Tôi quan sát trong cuộc sống hàng ngày, tôi thấy bố tôi đối với các em trai rất mực thương yêu. Những hành động như đưa sách báo cho các chú đọc, mua quần áo cho các chú, giúp đỡ các con các chú có công ăn việc làm, khóc thương em ruột khi qua đời,… những lúc như vậy tôi thương bố vô cùng.

Trong cuộc sống, bố tôi quá đỗi giản dị đến lúc nghỉ hưu. Gia tài mấy chục năm công tác chỉ có một chiếc cặp giả da, một xe đạp và một chiếc giường gỗ ván ép, không có một mét vuông đất để làm nhà. Tôi nhớ trước năm 1980, biết rằng bố sắp nghỉ hưu, nhân lúc từ Hà Nội về thăm quê, thăm bố mẹ, tôi hỏi chuyện bố và nói với ông rằng: “Bố nên xin cấp một căn hộ để đưa mẹ lên ở cùng bố lúc nghỉ hưu”. Theo tôi, bố ở thị xã là hợp lý lắm, gần con trai cả, gần bệnh viện, gần thư viện và bạn bè cùng công tác với bố ở thị xã và nhiều điều khác. Bố chỉ trả lời: “Tôi đã chuẩn bị rồi, về quê với bà ấy, với xóm làng, bà con anh em”. Tôi tưởng sự việc kết thúc ở đấy, không ngờ, khoảng một tuần sau, tôi nhận được bức thư của bố bằng giấy pơluya mười sáu trang. Bố tôi nêu quan điểm là chưa làm cán bộ đã đòi hưởng thụ, ai cho các anh chị được đi học để làm cán bộ như bây giờ, lại được ở Hà Nội là “Đảng và Bác Hồ” các con hãy cố làm việc thật tốt, chăm sóc, giáo dục con cái thành người, các con không cần lo cho chúng tôi… và nhiều vấn đề khác.

Tôi được mẹ tôi và nhiều người khác kể về đức độ liêm khiết của bố tôi rất nhiều, nhưng tôi chỉ nêu hai việc.

Thứ nhất, có một gia đình được minh oan hay là việc gì đấy, ngày Tết có mang đôi gà trống thiến, gạo nếp đến nhà cho mẹ tôi. Khi bố ở tỉnh về, biết tin này, bố kiên quyết trả lại cho người mang đến.

Việc thứ hai, bố được phân một chiếc xe máy Papeta nhưng bố không mua mà cũng không cho người con trai cả đang công tác ở sở Kế hoạch tỉnh Thái Bình với lý do người ta phân cho tôi, tôi không dùng thì tôi trả tiêu chuẩn lại cho Nhà nước. Lúc đó, các con trai cũng không đồng tình với cách giải quyết của bố tôi. Bố chúng tôi là thế đấy, không lợi dụng chức quyền để cầu lợi. Thời bao cấp cũng có một số ít cán bộ xử sự như bố tôi.

Cuộc sống cứ bình lặng trôi theo thời gian, vợ chồng tôi có được ba đứa con. Bố tôi đều quan tâm đến các cháu, ân cần hỏi về chuyện học hành, sau này, có việc làm rồi lại quan tâm đến điều kiện công tác. Các con tôi quý ông ngoại lắm, có dịp lại về thăm ông bà.

Bố tôi sống thanh đạm lắm, đến bữa là ăn, không kêu ca ngon hay dở, mặn hay nhạt, ăn cơm làm sao phải có muối, vừng thế là bữa cơm ngon, đến đâu cũng có lọ muối vừng, hộp trầu cau, thời gian cao tuổi có thêm kẹo. Bố tôi từng bảo: “người ta bỏ công nấu thì ăn, ngon thì ăn nhiều, không ngon thì ăn ít, chứ chê bai thì được ích gì, chỉ tổ cho người ta ghét. Bố tôi ăn uống điều độ, không có nhu cầu ẩm thực nhiều. Tôi không tài nào học được đức tính này của bố.

 

Vợ chồng tôi nghỉ hưu, tôi về quê vợ, mua đất ở gần nhà cậu mợ Giảng (ở Hoàng Diệu - TP. Thái Bình). Bố mẹ tôi ở cùng với cậu mợ Giảng Khay. Tôi mua đất cạnh sông Trà Lý, xã Đông Hòa - thành phố Thái Bình, cách nơi bố mẹ tôi ở khoảng hai ki-lô-mét. Thời gian này được gần bố mẹ tôi nhiều hơn. Những năm cuối đời của bố mẹ, tôi được trò chuyện nhiều hơn, gần gũi hơn, thân thích hơn. Tôi mua đất làm vườn, có lần bố bảo tôi thế này: “Số anh khổ từ bé đến lớn bây giờ nghỉ hưu còn khổ. Như tôi đây về hưu thì sướng cứ kệ đời. Anh chị Giảng Khay cho ăn thì ăn, tôi cứ đi chơi không phải bận tâm như các anh chị. Nhà nước đã cho nghỉ hưu rồi còn tham làm gì”. Sau này, khi tôi làm vườn được tươm tất, có sân, có ao, thoáng mát, đón bố tôi ra ở một thời gian, bố tôi lại bảo: “Các anh chị bây giờ thực tế hơn chúng tôi, sống thế này thì sướng thật, không khí trong lành, không ô nhiễm, người khỏe hẳn ra. Thật là con hơn cha…”. Thời gian sau, bố tôi nặng tai không nghe được nên phải viết ra giấy, tôi thường nói đùa là hai bố con “Bút chuyện” với nhau.

Về nghỉ hưu ở Thái Bình, có thời gian rỗi, nhiều lúc nhìn bố tập thể dục trong vườn lúc sáng sớm, đầu tóc bạc phơ, dáng đi chắc khỏe ở tuổi chín mươi mà mình thèm được như bố. “Ước gì sau này mình có tuổi mà được khỏe mạnh, thật là phúc cho vợ con. Song có chuyện mà bấy lâu nay canh cánh bên lòng mà không có ai giải thích được trọn vẹn. Việc là thế này, nhiều lần ở quê  nghe nói người này người kia cùng hoạt động Cách mạng với bố, có người thành tích tham gia Cách mạng còn ít hơn bố mình mà được công nhận Lão thành Cách mạng. Sao nghe nói bố mình hoạt động Cách mạng từ những năm 1936, 1937 rồi tham gia cướp chính quyền làm đến cán bộ đầu hàng tỉnh mà không có danh hiệu gì. Có lần, mình hỏi các con trai, con gái của bố, người bảo hồ sơ của bố bị thất lạc, người thì bảo lý lịch của bố khai không rõ ràng ,… Mình là con rể nên chỉ biết có vậy. Có lần, Lan và Giá đã tiến hành hỏi Huyện ủy Hưng Hà, chỉ biết là phải đợi trình duyệt cấp trên. Mọi người đều hy vọng.

Thời gian cứ trôi, bố ngày một già và yếu đi nhiều, để cố yên phận thì cũng được, song mình thấy ân hận quá nên bàn với vợ cùng con cháu của bố thử tìm hiểu xem có tìm lại danh dự cho bố không. Trong suy nghĩ tìm biện pháp giải quyết, trong lúc về ở gần bố mẹ và các anh chị em, tôi hỏi bố qua những chuyện của các năm tháng trước đây. Bố nói rành mạch, rõ ràng từng mốc thời gian hoạt động Cách mạng, thời gian công tác, biến cố từng thời kỳ,… Sau này, khi tôi tiếp cận được hồ sơ ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, điểm lại không sai một chút nào trong các mốc thời gian, phải nói rằng trí nhớ của bố tôi lúc tuổi chín mươi thật tuyệt vời.

Anh em, con cháu chúng tôi dồn tâm làm cho kỳ được, lấy lại danh dự cho bố chúng tôi là Lão thành Cách mạng. Tôi tìm hiểu các Nghị định của Chính phủ nói về người có công với Cách mạng, tìm lại hồ sơ về bố đang được lưu giữ ở ban Tổ chức tỉnh ủy, gặp gỡ các anh chị có chức sắc đã nghỉ hưu như ông Hà Văn Trường nguyên là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thái Bình, ông Bùi Tiến Dũng đang đương chức Bí thư tỉnh ủy, những người đang quản lí hồ sơ và giải quyết công việc ở Ban Tổ chức tỉnh ủy như chị Cao Thị Hải Phó ban tổ chức tỉnh ủy, anh Hịnh Phó phòng chính sách của ban Tổ chức hoặc gặp chị Trường chuyên viên cao cấp phụ trách chế độ của Ban Tổ chức Trung ương Đảng ở số 2 Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Cơ quan nào cần gặp, ai cần cho công việc giải quyết quyền lợi cho bố, tôi đều đến để bày tỏ nguyện vọng và đề nghị giải quyết sớm vì bố tôi đã già và yếu nhiều lắm. Mong sao được danh hiệu này khi bố tôi còn sống.

 

Việc gì đến nó sẽ đến, công việc bắt đầu từ tháng 2/2006 đến tháng 2/2007 Rồi ngày vui đó cũng đến với bố tôi và con cháu cùng anh em bà con họ tộc. Tại quyết định số 283-QĐ/TU ngày 05/02/2007 của Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình công nhận bố tôi là cán bộ hoạt động Cách mạng trước ngày 01/01/1945. Vì có Quyết định này, bố tôi được tặng Huân chương Độc lập Hạng 3. Con cháu vui mừng, họ hàng, bà con nội ngoại vui mừng, làng xóm vui mừng khi có người trong làng Họ, trong là Lão thành Cách mạng. Niềm vui lại tiếp niềm vui mà bố tôi lúc đó gọi vui là “Song Hỷ”.

- Ngày 04/02/2007, bố tôi nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

- Ngày 10/02/2007, công bố Quyết định tại Văn phòng Đảng ủy xã Hồng Lĩnh công nhận bố tôi là Lão thành Cách mạng. Hôm đó có các ban ngành của xã, bà con đến dự đông lắm, chật cả hội trường khi hai việc đến với bố và toàn thể con cháu, chắt của bố hân hoan nhận tin vui. Vui quá, mình làm mấy câu thơ như sau:

“Bố ơi vinh dự đến rồi

Cuộc đời Cách mạng sáng ngời vinh quang

Lão thành Cách mạng vẻ vang

Sáu mươi năm tuổi Đảng vinh quang cuộc đời.”

Ngày bố vợ tôi - ông Nguyễn Đình Giốc lên nhận Quyết định công nhận Lão thành Cách mạng ngày 10/02 tức ngày 23 ngày ông Công ông Táo về trời cũng là ngày dỗ mẹ đẻ của tôi nên Lan không về dự được, phải ở nhà cúng tiễn ông Công ông Táo và chuẩn bị giỗ cho mẹ tôi. Hôm đó, anh Vũ Văn Thuyết, Bí thư huyện ủy Hưng Hà lên phát biểu nói về công lao đóng góp của bố tôi cho huyện nhà cũng như của tỉnh Thái Bình, có câu anh nói tôi nhớ mãi:

“Chúng ta có lỗi với bác Giốc, để đến bây giờ bác mới nhận được danh hiệu Lão thành cách mạng, nhưng muộn còn hơn để bác phải thiệt thòi. Huyện nhà tự hào vì trong huyện có thêm một người Lão thành Cách mạng, làm vẻ vang thêm truyền thống của huyện Hưng Hà.”

Chiều hôm đó, đưa bố mẹ tôi về thành phố, tôi ra bến ô tô trở về nhà, đến Hà Nội đã gần 9 giờ tối. Cả nhà đợi tôi về ăn cơm. Niềm vui từ chiều ngày 23 Tết năm đó, tôi kế cho vợ con nghe hết. Con cháu vui mừng cho ông, chắc lẽ giờ này bố ở Thái Bình cũng vui lắm. Năm nay con cháu ăn Tết với bố mẹ thật là vui và phấn khởi khôn tả.

Sau khi nhận hai quyết định trên, bố tôi sống vui vẻ, bảo tôi sang thư viện tỉnh mượn cho bố mấy quyển sách “Thời xa vắng”, “Diện ca lịch sử” của Bác Hồ, bố tôi đọc và chép lại bản “Diện ca lịch sử” nay còn lưu lại ở nhà cậu Giảng. Tuổi già ập đến rất nhanh, ngày 9 tháng 6, bố tôi bị ngã và từ đó không nói được nữa. Ông bị chẩn đoán bị xuất huyết não.

Tối ngày 09/6/2007, chúng tôi đưa bố vào cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, những ngày bố chúng tôi chống chọi với bệnh tật, giành giật cuộc sống, con cháu hết lòng chăm sóc, bệnh viện tận tình nhưng tuổi già không qua khỏi. Chiều ngày 30/6/2007, bố tôi trút hơi thở cuối cùng tại nhà cậu Giang ở Vũ Đoài.

Đám ma của bố chúng tôi được tổ chức ở quê Vũ Đoài. Các cơ quan đoàn thể tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, Viện kiểm sát tối cao, các cơ quan của huyện Hưng Hà, Viện kiểm sát các huyện, cơ quan của các con của bố, bà con thôn xóm đến viếng và đưa tiễn bố chúng tôi đến nơi an nghỉ.

Bố ra đi để lại muôn vàn tình thương yêu cho con, cháu, chắt, bà con nội ngoại và bạn bè của bố lúc còn công tác cũng như lúc nghỉ hưu.

Vĩnh biệt Bố, Ông, Cụ, các con, cháu, chắt nguyện theo gương con đường của bố đã chọn. Cả quãng đời 91 năm (gần một thế kỷ), đời bố vinh quang tuyệt vời. Nhớ bố lại nhớ đến bài thơ bố tặng cho mẹ:

“Quanh năm việc nhà lại việc đồng,

Nuôi cả năm con với mẹ chồng.

Vất vả lo toan khi chồng vắng,

Trằn trọc nằm canh mỏi mắt trông,

Tần tảo sớm khuya mưu cuộc sống.

Nhưng mong con cháu được cậy trông,

Ít người có phúc như bà ấy,

Tuổi già yên ổn cũng thỏa lòng.”

Mười năm bố tôi đi xa đương thế này, tôi viết lại một số kỉ niệm về bố kính yêu để nhớ lại thời gian vừa qua và sau này con cháu có đọc những dòng này để nhớ về ông, cụ là ông Nguyễn Đình Giốc.

Hà Nội, tháng 4 năm 2017