Nhà thơ Y Phương

Sau Nông Quốc Chấn, Y Phương đã thực sự làm mới thơ ca tộc người Tày, góp một giọng điệu lạ mà chân thật cho thơ Việt thế kỷ XX. Đặt thơ Y Phương trong dòng chảy liên tục của thơ Tày thế kỷ XX, chúng tôi nhận ra: Nếu như thơ của các thế hệ trước chân chất, mộc mạc, thẫm đẫm hồn vía Tày, thì thơ Y Phương trên cơ sở kế thừa sâu sắc truyền thống thơ ca Tày đã thực hiện sứ mệnh mang thơ tộc người Tày gia nhập nền thơ ca Việt Nam hiện đại.


 

 

 

Cuối năm 1979, tôi và Trần Đức Khang tốt nghiệp đại học báo chí trường Tuyên huấn Trung ương về Quân khu I công tác. Báo Quân khu I hồi ấy vẫn trực thuộc Phòng Tuyên huấn Quân khu.

Hồi đó, Phòng Tuyên huấn Quân khu I, ngoài các bộ phận Tuyên truyền, Giáo dục, Nhà văn hóa, Báo chí… còn quản lý Liên đội Điện ảnh và Đoàn Văn công... Liên đội Điện ảnh sinh hoạt cùng Chi bộ Phòng với cánh Báo chí - Điện ảnh chúng tôi. Lần họp nào Bí thư chi bộ cũng nhắc nhở đồng chí Hứa Vĩnh Sước về các “tội” ngủ dậy muộn, không tham gia tập thể dục, tăng gia sản xuất kém… nghĩa là "yếu kém" toàn diện (!).

Khổ nỗi, nghiệp vụ của đồng chí Hứa Vĩnh Sước là giới thiệu phim, mà bộ đội thì cần gì giới thiệu, cấp trên đưa xuống phim gì thì biết xem phim ấy nên hằng ngày chỉ thấy anh cặp kè với anh Bá Đàn, phụ trách báo.

Anh Bá Đàn bảo: "Thằng cha này làm thơ hay lắm đấy, từ thời còn ở Khu V, rồi B2 kia". Thỉnh thoảng anh Đàn lại đăng thơ Sước trên tờ báo Quân khu. Khi thành lập Quân đoàn 26 đóng quân ở Hòa An (Cao Bằng), do thiếu cán bộ, Hứa Vĩnh Sước được điều động về Nhà văn hóa Quân đoàn. Chúng tôi vẫn cứ tếu táo với nhau, mọi điều đều có thể khôi hài chứ không thể giữ bộ mặt nghiêm trang như các bác làm tuyên huấn nên cứ gặp nhau là cười. Cánh có tuổi ở Phòng Tuyên huấn luôn coi chúng tôi là những sỹ quan khó trưởng thành.

Sau này, khi Hứa Vĩnh Sước làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, chúng tôi mới biết ông chính là Nhà thơ Y Phương.

Một giai thoại hài hước mọi người gán cho ông cho là vì hoài niệm cô người yêu cũ tên Phương nên ông lấy bút danh là Y Phương tức là yêu Phương. Nhưng, ông tâm sự “Tôi dùng bút danh Y Phương xuất phát từ ý nghĩa trong Hán tự. Chữ Y gồm có bộ “kỳ” đi cùng với bộ “vi” hợp thành. Y là điều tốt đẹp. Căn cứ vào điều tốt đẹp mà thực hiện. Còn “Phương” có thảo đầu, tôi lấy chữ cuối của bức hoành phi “Đức Lưu Phương” thật hay, thật ý nghĩa về mặt văn hóa đạo đức. Đức là đạo đức, Phương là thơm”. Lưu là lưu truyền, để lại. Lưu phương là để lại tiếng thơm.

Nhà thơ Y Phương sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 tại xã Lăng Hiếu, Trùng Khánh, Cao Bằng. Trước khi về Quân khu I anh là chiến sĩ đặc công, từng lăn lộn ở chiến trường khu V rồi B2; sau đi học Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chuyên ngành “quỷ quái”: “Tuyên truyền giới thiệu phim”. Mãi sau này, khi chuyển ngành, ông mới đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Đối với thơ dân tộc Tày, sau Nông Quốc Chấn là Y Phương. Có rất nhiều người làm thơ nhưng cán được một cột mốc để người đời nhớ, theo tôi không nhiều. Sau khi các tập thơ lần lượt trình làng: Tiếng hát tháng Giêng (Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984), Lời chúc (1987), Đàn then (1996), Chín tháng (trường ca, 1998), Thơ Y Phương (2000), Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt, 2006), Y Phương đã tìm được chỗ đứng của mình trên thi đàn Việt Nam.

Với Y Phương, quê hương là con đường làng, là dòng suối trong, là ruộng nương, là những con người bình dị chân chất, là những gì thân thuộc nhất nơi bản nhỏ và rộng hơn là huyện Trùng Khánh, là tỉnh Cao Bằng là vùng Việt Bắc của ông. Tôi nhớ trong chuyến đi công tác Cao Bằng, tôi ngồi cùng xe với Thượng tướng Đàm Quang Trung, một người con ưu tú của quê hương Cao Bằng. Xe qua Đèo Giàng tôi đọc bài thơ “Lên Cao Bằng” của nhà thơ Y Phương, nghe xong bất ngờ ông phát mạnh vào đùi tôi: Hay, thằng này hiểu Cao Bằng! Tôi nói: Thơ của người Cao Bằng đấy cụ ạ, đến tôi là người Hà Giang còn thấy xốn sang nữa là. Nhớ một câu chuyện vui liên quan đến bài thơ của Y Phương, tôi thêm: Chính bài thơ này đem lại khối rắc rối cho nhà thơ đấy thủ trưởng ạ! Ông hỏi: Sao? Nhân đó tôi kể: Có mấy ông có chức có quyền đọc bài thơ này cho là Y Phương nói xấu dân Cao Bằng, họ bảo câu: “Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ/ Mời rượu cả chum mời quả cả cây” là nói dân Cao Bằng nát rượu và ăn tục. Ông cười to: Chẳng lẽ dân quê tao ngu đến vậy? Nó nói như thế mới đúng chất dân quê tao. Nói như người miền Nam là chơi hết mình!

Thơ Y Phương có cái chất phóng khoáng, lãng mạn rất lạ. “Chúng tôi lên cao Bình, Cao Bằng, bước gió, bước mây, bước mùa đông, bước mùa hè…”. Chỉ ai đã vượt Đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc mới cảm nhận được cái mà Y Phương đã tả. Và nếu không phải người Tày sẽ không bao giở cảm nhận được chất lãng mạn của hình ảnh trong câu “Dòng khuổi shao con gái tắm cùng trăng”. “Khuổi shao” tiếng Tày là dòng suối con gái. Ở đây có một sự chơi chữ nên thơ.

Quê hương, từ cái làng Hiếu Lễ cho đến Khau Liêu, đến Hòa An, Trùng Khánh, đến Đèo Giàng, Đèo Gió… “Cái làng của mẹ sinh con / Có ngôi nhà xây bằng đá hộc / Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt / Có niềm vui lúa chín tràn trề / Có tình yêu tan tành tiếng thác” (Tên làng). Quê hương cứ ẩn hiện, thấp thoáng trong thơ anh như vậy, cạnh đó là những phong tục, tập quán như lày cỏ khi uống rượu, nhuộm chàm trang phục, từ cơm lam, đến xôi ngũ sắc… tất cả đều gần gũi chân thật và sống động.

Còn nhớ, lần đầu tiên đọc bài "Tên làng" chúng tôi thấy anh viết: "Con là con xin của mẹ" nhưng sau thấy in thành "Con là con trai của mẹ". Lúc ấy tôi thấy buồn, thấy tiếc. "Con xin" mới đúng, mới thật chứa chan tình cảm. Một từ dùng rất đắt. Dân miền núi vùng cao đẻ nhiều, nuôi ít nên phải cầu cúng xin thần phật đừng bắt bé đi khi còn trứng nước, đó là con cầu, con cúng, con xin. Nói “đắt” là vì từ “con xin” vừa giàu nghĩa vừa chân thật. Biết bao tình cảm thương yêu, trìu mến, nâng niu, chứa đựng trong cái từ “con xin” ấy. Nếu dùng “con trai” thì hẳn nhiên, có gì là lạ?

…“Người đồng mình thương lắm con ơi / Cao đo nỗi buồn / Xa nuôi chí lớn / Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn / Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói / Sống như sông như suối / Lên thác xuống ghềnh / Không lo cực nhọc / Người đồng mình thô sơ da thịt / Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con / Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương / Còn quê hương thì làm phong tục / Con ơi tuy thô sơ da thịt / Lên đường / Không bao giờ nhỏ bé được / Nghe con”.

Nói như thế mới là Y Phương, đầm sâu trong cách nghĩ truyền thống vừa mở rộng tầm nhìn ra bốn phía. Đó là những trải nghiệm, những trăn trở với một vùng quê yêu dấu. Y Phương đã đưa tâm hồn vào thơ Tày, anh tư duy theo cách của người Tày với thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở của hiện thực. Đọc thơ anh ta thấy sông, thấy suối, thấy đá, thấy rừng cây, thấy thấp thoáng bản nhỏ người Tày bình yên, thấy cái gập ghềnh cách trở của rừng núi và lời mẹ dặn văng vẳng đâu đây. Đặc biệt,bao trùm lên tất cả là tình người mộc mạc, chân chất mà vẫn lãng mạn, bay bổng.

Sau Nông Quốc Chấn, Y Phương đã thực sự làm mới thơ ca tộc người Tày, góp một giọng điệu lạ mà chân thật cho thơ Việt thế kỷ XX. Đặt thơ Y Phương trong dòng chảy liên tục của thơ Tày thế kỷ XX, chúng tôi nhận ra: Nếu như thơ của các thế hệ trước Y Phương như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân… chân chất, mộc mạc, thẫm đẫm hồn vía Tày, thì thơ Y Phương trên cơ sở kế thừa sâu sắc truyền thống thơ ca Tày đã thực hiện sứ mệnh mang thơ tộc người Tày gia nhập nền thơ ca Việt Nam hiện đại.