NSUT Ngọc Tân, đỉnh cao và vực sâu
Năm 1981, nhật ký của tôi ghi “Cùng đoàn văn nghệ sỹ TPHCM đi thực tế lâm trường Mã Ðà (Ðồng Nai). Ngồi lên xe, Trần Tiến thì thầm: “Ngọc Tân vượt biên rồi”. Choáng váng
Năm 1981, nhật ký của tôi ghi “Cùng đoàn văn nghệ sỹ TPHCM đi thực tế lâm trường Mã Ðà (Ðồng Nai). Ngồi lên xe, Trần Tiến thì thầm: “Ngọc Tân vượt biên rồi”. Choáng váng.
Sau này Tân kể: Tàu đi từ vùng biển Đông Bắc trong một đêm yên ắng, đã tưởng xuôi, ai ngờ đi được một thôi đường bỗng thấy cá nhảy rào rào trước mặt, nhảy cả vào khoang thuyền. Điềm gở rồi. Thêm một quãng trời mây xám xịt, bão tố nổi lên, cuồng phong thịnh nộ, tàu bị đánh dạt vào vùng biển miền Trung. Tan nát, kẻ sống người chết. Hà - người vợ yêu quý của Ngọc Tân vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hà Tĩnh. Ngọc Tân bế được con vùng vẫy dạt vào bờ, nhưng từ đây vướng vòng lao lý!
Sau lao lý, Ngọc Tân trở về với đôi bàn tay trắng. Nhà bố mẹ anh trước cửa Chợ Giời, ngày ra đứng đó kiếm vài ba chục không khó. Nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn chưa nguôi, càng trong bóng đêm lại càng như bừng sáng.
Song bối cảnh lúc ấy, một kẻ vượt biên, được kể như trọng tội, thì ai cho hát?
Ngọc Tân lên tàu vào Nha Trang, rồi đi xe đò lên Đà Lạt, lặng lẽ trong vai trò giáo viên thanh nhạc của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng. Thù lao chủ yếu là rổ khoai, đĩa sắn, dăm ba quả trứng gà. Nhưng hạnh phúc là được sống cùng nghệ thuật, được hát lại. Nửa năm sau khi hoàn thành hợp đồng, Tân xuôi về Sài Gòn, hợp với Trần Tiến thành cặp bài trùng với nghệ danh mới: Bảo Hà (Bảo - Bảo Long, tên con và Hà, tên người vợ đã khuất). Đêm đêm hai ca sỹ “khủng long” chở nhau trên chiếc PC “đèn đỏ thì chạy mà đèn xanh thì dừng”, chạy show.Cũng có khi họ có hợp đồng diễn xa với ông bầu Vũ Ân Khoa, cùng ca sỹ Thanh Lan “ Bắc tiến”. Nhưng dù núp dưới tên Bảo Hà, nhiều nơi vẫn kiên quyết không cho Ngọc Tân diễn. Có nơi bởi không biết Bảo Hà là ai, chuẩn y, nhưng đến khi băng rôn căng lên, ai đó viết thêm vào: “Ca sỹ Bảo Hà chính là Ngọc Tân”, lập tức cơ quan chức năng tuýt còi!
Cũng may một thời gian sau, Đoàn Ca múa Bông Sen ở Sài Gòn dang rộng tay đón Ngọc Tân. Ca sỹ Quang Hưng ngày ấy vào Sài Gòn ra kể: “May quá, Tân nó được Bông Sen nhận rồi. Bước đầu chỉ là cộng tác viên, hợp đồng tạm thời, lương thấp lắm. Mình có đến nơi Tân ở nhờ trong đoàn. Chỗ ở của Tân là góc phòng tập của đoàn. Đêm Tân rủ mình ngủ lại, nó gối lên bốn viên gạch có phủ tờ báo bên trên để gối đầu... Nhưng nó vui lắm vì bắt đầu đã có nơi nhận, đã được đi hát!”.
Năm 1979, lần đầu Ngọc Tân được dự cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Con người và biển cả ở Đức. Dù đã sẵn có 20 ca khúc về biển được một hội đồng âm nhạc tuyển chọn, anh vẫn chưa hài lòng. Một buổi trưa đang đạp xe trên đường, bỗng nghe gọi “Tân ơi” từ một quán nước. Hóa ra ca sỹ Hoàng Long (Đoàn Ca múa Bộ đội Biên phòng). Trong lúc hàn huyên, Hoàng Long hát cho Ngọc Tân nghe một bài về biển còn tươi nguyên nét mực của một nhạc sỹ quân đội, ngoài Hoàng Long chưa ai biết, nhạc sỹ chưa gửi cho ai và cũng chưa ai hát. Vốn nhạy cảm, Ngọc Tân liền xin bà chủ quán tờ giấy, và “tốc ký” ngay theo tiếng hát Hoàng Long. Ít ngày sau, bài hát này theo Ngọc Tân đến với cuộc thi Con người và biển cả. Đó chính là bài Chiều trên bến cảng của Nguyễn Đức Toàn, đã mang lại cho Ngọc Tân giải thưởng đặc biệt.
Hồi còn ở Hà Nội, Tân kinh doanh nhiều chủng loại hàng, thuở hàn vi thì buôn may ơ xích líp xe đạp, rồi đồng hồ (anh từng gửi cả bao tải đồng hồ ở nhà Phan Long). Vào Sài Gòn sau show diễn tối mặt tối mày, lại lặn lội xuống Long An sát biên giới đánh xe “nghĩa địa”, chuyên chở bằng máy bay ra Bắc. Hết phong trào xe nghĩa địa, lại chuyển sang ô tô, và cũng từng cùng bạn bè văn nghệ sỹ mở nhà hàng “Hà Nội quán” nườm nượp khách một thời!
Dù vậy, đến một lúc Ngọc Tân tự ngộ ra, không kinh doanh gì bằng kinh doanh chính tiếng hát của mình. Vậy là từ năm 1994, anh trở thành ông bầu của chính mình, ra Bắc vào Nam tổ chức các show Ngọc Tân. Ngọc Tân thuộc loại siêu bầu, không ai có thể qua mặt. Anh từng tổ chức 160 show diễn thành công cả về nghệ thuật và doanh thu.
Nhìn vóc dáng to cao của Ngọc Tân, giọng hát thì lanh lảnh, lại nhìn cách giữ gìn sức khỏe của anh (không bia rượu, không thức đêm, đi ăn nhà hàng bao giờ cũng trở đầu đũa, uống nước chỉ uống chính chỗ tay cầm là chỗ không ai đưa miệng vào), ai cũng nghĩ Tân khỏe lắm, sẽ thọ lắm. Nhưng trong một lần ra Hà Nội săn sóc người bố bị bạo bệnh (cũng căn bệnh sau Ngọc Tân vướng phải), lúc vào viện không hiểu sao Ngọc Tân lại đòi chụp cắt lớp. Và choáng váng biết gan mình có khối u, dù lúc ấy chỉ xác định là một “nang nước”.
Một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu. Vào Nam ra Bắc. Nơi nào có thuốc hay thầy giỏi là tìm đến. Kể cả đi chùa đi đền, đốt hình nộm...Anh yêu cuộc sống, yêu vợ con, yêu nghệ thuật và quyết không đầu hàng số phận. Nhưng...
Nhớ về anh, là nhớ về một con người từng ở đỉnh cao danh vọng, cũng từng dưới đáy xã hội, một con người phải vẫy vùng vượt qua lớp lớp phong ba bão tố biển khơi và bão tố cuộc đời, một nghệ sỹ phải đối mặt những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nghị lực phi thường, tình yêu vô bờ bến với cuộc sống và nghệ thuật, anh trở thành một ngôi sao rực rỡ, thần tượng nghệ thuật của bao thế hệ, một gương mặt nghệ thuật đẹp.
CHÂU LA VIỆT