Tung tẩy Trần Hồng Giang

Trần Hồng Giang sinh năm 1974, ở thôn xóm 6, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đã xuất bản 7 cuốn sách gồm các thể loại: thơ, trường ca, tiểu thuyết. Đạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi do Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và báo Lao Động tổ chức. Anh là một trong số 50 gương mặt tiêu biểu nhất của người khuyết tật Việt Nam. Cuộc đời Trần Hồng Giang, tính đến giờ phút này, chỉ cần được viết ra một cách trung thực nhất, không cường điệu, không thêm bớt, thì cũng đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu.


Trần Hồng Giang đến trò chuyện cùng học sinh trường THPT Nam Trực (Nam Định).

 

 

Không nhớ là tôi nghe tên Trần Hồng Giang từ khi nào, nhưng thi thoảng có đọc, nhớ láng máng ở Nam Định có mấy ông làm thơ trẻ, ngoài Giang còn có một ông rất hay nháy máy, vài tiếng một cú nháy máy cho bất cứ ai ông này quen, sau bị phản ứng, không thấy nháy máy nữa, một ông chuyên lục bát, lấy tên mình gắn với thể thơ luôn, là Kiên Lục bát, thơ làm ra đàn bà con gái nức nở nhớ...

Cho đến khi có facebook thì mới biết rõ về Giang, đọc nhiều hơn, cả thơ và những cái tớt (Status) vui vui, đầy ngạo mạn và mạnh mẽ, rất hài hước nữa, luôn luôn lạc quan, luôn luôn ngạo nghễ...
Sau nữa mới biết Giang không lành lặn như người thường. Làng văn Việt Nam có mấy ông bà rất đặc biệt, như Giang, là Trần Văn Thước, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Ngọc  Hưng, Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Ngọc Ký... vân vân, các ông bà kia là hội viên hội nhà văn cả rồi, nổi tiếng trên văn đàn, nhưng Giang nổi tiếng hơn  trên… facebook.
Không phải bởi thơ, dù thơ Giang đọc rất hay, rất ấn tượng, mà bởi chính thái độ sống của Giang. Ai không biết, đọc lớt phớt, sẽ không biết anh bị khuyết tật, mà lại bị rất nặng. Giang không tự đi được, di chuyển phải ngồi xe lăn, có người đẩy, còn lại là dính với giường, thế giới của anh là cái giường ấy, nhưng đọc các mẩu anh viết trên facebook của mình, đầy ngang tàng, phá phách, nghịch ngợm, tự giễu mình các kiểu, nhưng vẫn rất nhân hậu, ẩn sâu trong ấy là những xúc động cố nén. Nhưng tịnh không thấy than thân trách phận, không thấy thở dài, không tự ti, không cám cảnh, không có ý định lấy sự thương hại của người khác…
Giang rất tự tin, ở cả chữ, và ảnh. Nhìn những cái ảnh anh ngồi xe lăn có bạn bè đẩy, hoặc ảnh bạn văn đến thăm chụp chung với anh trên giường với những cái chú thích tưng tửng, ta cười đấy nhưng lại se thắt nỗi niềm, nhưng ta lại phải ẩn vào trong để hòa với cái tếu táo dí dỏm của Giang. Thậm chí người không rõ còn tưởng Giang tán gái thành thần, rắc thính như rắc… muối. Rất nhiều cô gái xinh đẹp vào comment qua lại với Giang cứ như tình nhân tự thuở nào, nhưng kỳ thực họ chưa một lần gặp nhau ngoài đời.
Người như Giang sẽ rất giàu có, cái sự giàu mà nhiều người bình thường không có được. Sự mạnh mẽ của anh, cái nhìn tươi trẻ trong trẻo của anh, sự tận tụy của anh với bạn bè trong thế giới mạng... khiến anh không cô đơn trong cuộc đời này.
Nhiều đêm, khuya rồi, tôi vào trang của Giang đọc, và hình dung về anh, hình dung về cái thế giới mà anh đang sống. Cái trang phây của anh nhộn nhịp người vào ra, nhộn nhịp chào hỏi, nhộn nhịp trêu nhau, nhộn nhịp nhớ nhung, và gán ghép. Nhưng tôi hiểu, phía sau đấy là cuộc sống cô đơn của một con người không bình thường. Người bình thường cô đơn một thì người như Giang sẽ cô đơn gấp mười…
Cứ nghĩ, nếu ở gần, thể nào cũng đến thăm Giang phát. Chụp với nhau cái ảnh, tếu táo với nhau vài câu, rồi cười, rồi seo phi vài cái ảnh đăng lên mạng, như lâu nay Giang vẫn làm mỗi khi bạn văn bạn phây ghé thăm...
Thì chiều nay, bưu phẩm về, là tập thơ của Giang, tập “Hoang Ngôn”, cái tên cũng rất... hoang ngôn...
Này là má thắm môi xinh
này là dáng trúc bên đình ngả nghiêng
này là nón trắng làm duyên
này là ngả ngớn mạn thuyền đong đưa
này là nắng này là mưa
này là mơ mộng ngày xưa, bây giờ...
Nhân duyên một phút tình cờ
thực đời hay chỉ cơn mơ quá dài
xòe bàn tay bấm đốt gầy
tính năm tính tháng mà quay bước về
Cùng bao sương gió dãi dề
trải lòng cho hết đam mê với đời
hiểu đâu là khóc là cười
để cho thấu hết kiếp người phù du
để ngày trở lại hư vô
tôi không tiếc phút tình cờ lạc chân...
Và đây không phải tập sách đầu tiên của Trần Hồng Giang, mà là tập thứ 5 của anh, cái số lượng mà người viết bình thường cũng đã khó vươn tới.
Tay chân như thế mà viết chữ như thế này, thề, đẹp hơn gấp trăm lần kẻ lành lặn là tôi...
5 tuổi, một chấn thương vào đốt sống cổ đã khiến Trần Hồng Giang trở nên bại liệt. Đấy là một chấn thương khủng khiếp đối với con người, kể cả so với bây giờ, với kỹ thuật y khoa hiện đại, huống gì đã cách đây mấy chục năm, ở một gia đình ở nông thôn. Thế nhưng, bằng tất cả nghị lực của một con người có thể gọi là đặc biệt, bởi không đặc biệt, không phi thường, đã không sống được chứ đừng nói làm được những việc như Giang đang làm, Giang đã tồn tại, đã sống để trở thành một Trần Hồng Giang hôm nay.
Cửa sổ đầu tiên mở ra cho Giang tiếp xúc với đời là cái radio. Giang kể, cái thời đói kém ấy mà bố mẹ dám bán cả tạ thóc để hợp tác xã kéo dây vào nhà mắc riêng cho nhà Giang một cái loa truyền thanh. Giờ chúng ta cứ hay kêu bị loa công cộng tra tấn chứ hồi xưa ấy, với người lành lặn như tôi, cái loa của xã kéo vào từng nhà đúng là một bước nhìn ra thế giới, huống gì người phải lấy giường làm toàn bộ thế giới như Giang. Suốt ngày đêm Giang chu du thế giới từ cái loa công cộng mắc riêng cho nhà ấy. Cửa sổ tiếp theo là Internet. Không chỉ là người chơi phây nổi tiếng (việc chơi phây giờ cũng còn nhiều tranh cãi, có người tuyên bố phây là rất có hại, muốn nên người thì tránh xa, có người thì lại ăn phây ngủ phây, vào toilet cũng phây, đi với người yêu cũng phây- tôi thiên về phây là nơi để ta cập nhật thông tin, những gì cần thiết cho mình, là nơi ta luyện chữ, giữ cảm xúc), Giang còn tự học công nghệ thông tin và giờ đã kiếm được tiền từ việc đó chứ không phụ thuộc vào viết lách và dịch nữa. Có một cô giáo cấp 3 nhắn Giang: “Chị đã kể những điều chị biết về em cho học trò của chị. Bọn trẻ đã có đứa không tin rằng: sao lại có người tài năng và nghị lực đến thế! Ừ, bọn trẻ khó mà tin được một Trần Hồng Giang bị liệt từ lúc 5 tuổi. Giang chưa từng được đến bất cứ một lớp học nào... Nhưng giờ thì Giang đang là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định. Giang giờ biên dịch tin cho báo và thiết kế web. Đã xuất bản 5 cuốn sách gồm thơ, trường ca, tiểu thuyết... Đặc biệt Giang còn đọc và dịch thành thạo tiếng Anh nữa... Thật nể!”…
Giang kể với tôi quá trình học vi tính để giờ thành “thầy”: “Năm 2003 em được một ông người Úc tặng một dàn máy vi tính. Ông này sang Hà Nội làm chương trình về nước sạch và đọc được trên Vietnam News bài viết về em. Sau đó ông ấy liên lạc rồi điện thoại cho em bảo: tao muốn tặng mày món quà, mày thích gì cứ nói, và em chọn máy vi tính. Hồi đó ở quê chưa có internet nên em phải tự học bằng sách, những cái giáo trình cơ bản, sau đó thì cứ tự mày mò dần. Dàn máy vi tính ở thời điểm đó là một gia tài lớn. Và nó chính là bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của em. Giờ em chuyên thiết kế và quản trị web theo hợp đồng, thiết kế thì ai thuê mới có việc làm, còn quản trị thì hiện em quản 3 cái web, mỗi cái tháng được 1,5 triệu. Tháng 4,5 triệu ở quê đủ sống. Em còn cái web tự chế ra để chơi nữa,vui phết, rỗi anh ghé vào chơi nhé: http://vannghenamdinh.com.vn.”...
Nhưng té ra cái đau đáu của Giang bây giờ lại cũng không phải là văn chương, dù với hoàn cảnh hiện tại, văn chương được như Giang có mấy người, và chính văn chương nó cũng làm cho Giang từ một cậu bé tật nguyền trở thành Trần Hồng Giang hôm nay. Giang thổ lộ “Ước mơ hiện tại của em là thành lập được cái trung tâm dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Nam Định. Chuyện viết lách thì vẫn tiếp tục nhưng giờ với em nó cũng là thứ yếu rồi, trong năm 2016 này em sẽ có thêm 2 cuốn văn xuôi nữa được xuất bản, tuy thế em vẫn chỉ xem văn chương như một thú chơi thôi, không đề cao nó thành cái gì cao siêu…”.
Để kết thúc, tôi xin trích 2 đoạn liên quan đến Trần Hồng Giang để ta có cái nhìn đa chiều về anh. Một là một status anh viết trên facebook nhân việc một cuốn sách in ra nói lạc đà là… chim vừa ầm ĩ trên báo chí: “Lạc đà là chim thì cũng tốt chứ, chạy bộ càng khỏe nhá. Thế chả hơn à! Vậy mà rồi cũng lại cứ hố hố lên không cho lạc đà thành chim chứ lị! Mà đây có phải là người ta cố tình đâu, nó là do lỗi phông chữ trong máy tính nhá (không phải lỗi tại thằng đánh máy, càng không phải tại thằng biên tập). Dạ vầng, hay ứ chịu được ấy ạ! Nghe nhời giải thích của ngài giám đốc nhà chữ mà thấy cứ giông giống cái pha “Ui tiếc quá, tôi để quên cái email ở nhà mất giồi!”. Thời này nhiều chuyện nghe như hài kịch nhưng ta vưỡn phải nghe phải nhìn chứ có đứa nào dám chọc mù mắt đi như cụ đồ Chiểu đâu!”. Và hai là một comment của một cô giáo, đã bảo bạn phây của Giang toàn là các cô giáo thông minh, và tất nhiên, xinh đẹp: “Hay quá! Cỏ cây, hoa lá như nhảy múa trước mặt với những người có trí tưởng tượng phong phú như Trần Hồng Giang! Những trang viết thấm đẫm «nhọc nhằn» ấy gợi cho người «lành lặn» suy ngẫm! Trân trọng từng con chữ của Giang! (Đọc tiểu thuyết “Những con vịt cánh sẻ” của Trần Hồng Giang ngỡ như tác giả phải luồn lách từng ngõ ngách...Rất đời, rất tình, rất người...”…
Tôi vẫn luôn hình dung, phía sau những chữ tếu táo ấy, những bức ảnh chụp với chú thích đầy tinh nghịch ấy, là Trần Hồng Giang với những lúc một mình trên cái giường thân thuộc, là cái thế giới sâu thẳm của anh với những nỗi niềm, những suy nghĩ, những mơ ước hoài bão và cả những khát vọng thầm kín. Bởi Giang không chỉ là người bình thường, anh còn là người viết với ngổn ngang tâm trạng, ngổn ngang xúc cảm, ngổn ngang thân phận, ngổn ngang nhân tình thế thái... Những gì phơi ra bên ngoài chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm còn lại ấy, kể cả trong thơ, ta cũng chỉ mới thấy một phía rất nhỏ. Và đấy chính là nghị lực sống của anh, một cách sống vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh để luôn luôn ngạo nghễ tự tin với những gì mà anh đang phải chịu đựng, nếm trải và thanh thản vượt lên như một người bình thường, một người tử tế, một người không đầu hàng số phận. Mà thực ra, ngay là người bình, mấy người sống và làm việc được như anh đã sống, đã làm…