Người gãi lưng cho ...mình!

Đó là ông Hồ Việt Hoa - người con của làng đào Nhật Tân - đã một mình lên thôn Trấn Sơn (Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang), lập trang trại, bảo tồn giống đào và nhiều loài hoa, loài chim quý hiếm. Ông được mệnh danh là “Người khùng"; là “Nghệ nhân vườn”; Là “Robinxon thời hiện đại” và điều khiến nhiều người chú ý là đến nay (56 tuổi), ông Hoa vẫn “chưa cùng ai”.

 

“Mình tôi làm tất”

Thoạt nhìn ngôi biệt thự khang trang nằm giữa một vườn bạt ngàn hoa, trước là hồ nước rộng, giữa hồ một đôi rồng phun nước, tôi hình dung ông chủ của nó là một đại gia đường bệ, tác phong chậm rãi vẻ quý tộc, ăn mặc chải chuốt, gương mặt lạnh lùng… Nhưng tôi đã nhầm! Ông Hoa gầy, da đen cháy, mặc tuềnh toàng, vui tính và mến khách. Ông vồn vã bắt tay chúng tôi. Bàn tay ông ram ráp và ấm. Rồi ông rót nước mời khách, miệng giục người giúp việc làm cơm nhanh đãi khách. Đồng nghiệp tôi ái ngại vì khách khá đông. Ông Hoa xua tay, không vấn đề gì, ngày nào ông cũng có khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Khách trong Nam, ngoài Bắc, khách nước ngoài, đủ cả. Khách đã đến đây đến bữa là chén. Nhà ông có 10 bộ bàn ghế, tiếp cả trăm người. Cá có mấy tấn dưới hồ, gà có lúc nào cũng mấy chục con. Rau củ quả trong vườn vô tư. Rượu thì hàng nghìn lít, toàn ngâm ủ theo kiểu lên men truyền thống, đặc biệt là rượu chùm ngây. Ai mua thì bán, không thì dùng tất, uống tất…

Đang là tiết Đông mà nắng khiếp. Dường như cả tháng nay không có giọt mưa, khắp nơi cây cối xác xơ. Vậy mà khu vườn của ông vẫn xanh tươi. Những cây đào sum xuê đang chuẩn bị ra hoa đón Tết. Kia là vườn ươm hoa đồng tiền kép, hoa huệ, hoa hồng, violet... Cách chúng tôi một sân rộng, có lưới che sáng để ươm trồng hàng trăm giỏ phong lan rừng. Trên thềm nhà là các lồng chim quý. Nào là họa mi, khiếu, gáy, chích chòe, chào mào cùng nhiều loại yến…

Tôi hỏi ông về quá trình xây dựng trang trại. Ông hào hứng kể, trang trại của ông rộng năm “héc”, mua lại của một người địa phương từ tháng 10 năm 2010. Ngày ông đến, khu đất này có khoảng 1500 gốc vải thiều. Không anh em, không bạn bè, một mình ông cầm cưa đốn hạ toàn bộ vải thiều để trồng đào, trồng các loại hoa; tự tay ông quy hoạch thiết kế khu vườn; tự tay ông làm đường, đào hồ nước; tự tay ông thiết kế, xây nhà…Tôi hỏi, sao ông không thuê người làm? Ông giải thích: “Tôi khẳng định với các anh rằng, làm trang trại mà chủ một nơi trại một nơi thì sớm muộn trang trại phá sản. Làm trang trại mà ông chủ không biết nghề thì công nhân nó phá trước mặt ông mà ông không biết. Họ vẫn làm đấy, nhưng cây không cần nước thì họ cho úng. Vậy là họ phá ngay trước mặt ông mà không biết. Nên tôi cứ tự làm tất. Công nhân chỉ phụ giúp hoặc làm việc dưới sự hướng dẫn của tôi”. Tôi thắc mắc: Để có trang trại thế này phải liên quan đến nhiều nghề. Làm sao ông biết các nghề để tự làm?. “Đừng đùa! ông nói- tôi vốn là lính Hải quân, làm ở Cục đặc biệt, chuyên phục vụ cán bộ cao cấp. Sau đó ra quân, làm phát hành báo chí. Tôi đếm báo nhanh hơn đếm tiền. Cầm tờ báo 500 tờ, thừa thiếu, tôi biết ngay. Tôi có 28 năm làm việc trong biên chế nhà nước, nay có sổ hưu đấy. Nhưng nghề gì tôi cũng làm. Anh nên nhớ là ở Hà Nội vua hoa cưới cũng là tôi. Vua phong lan cũng là tôi. Đời tôi hóa trang, trang trí hàng nghìn cô dâu chú rể. Có ngày tôi chạy xô, hóa trang, trang trí 20 đám cưới. Rồi tôi buôn bán cây cảnh, làm thợ xây, thợ mộc, đào giếng thuê, buôn bán quần áo, từ gói thuốc lào. Các anh tin không, tôi còn làm nghề bốc mả nữa đấy. Chính tự tay tôi đã bốc mả cho mẹ tôi. Khi tiếp quản, trang trại này chỉ có cái nhà hai gian kia. Ban đầu tôi chỉ trồng hoa, tôi rất thích hoa. Phá sạch vườn vải, tôi trồng 2.000 cây đào đủ các loại, nào đào bích, đào phai, đào ta, đào bạch, đào Mông Tự, đào Lòng chai, đào Thất thốn; rồi trồng 4.000 gốc Thiết mộc lan và rất nhiều các loại hoa khác. Nay tôi trồng thêm hơn 600 cây bưởi, trong đó 100 cây bưởi nhập ở nước ngoài Việt Nam chưa nơi nào có. Tôi cũng đang trồng cây anh đào, giống từ Nhật Bản. Tôi còn xây dựng khu chăn nuôi như của một viện nghiên cứu. Ban đầu tôi nuôi nhiều loài động vật quý hiếm như gà 9 cựa, gà rừng, gà lôi, sóc, nhím...Thức ăn cho chúng mỗi ngày hơn một triệu bạc. Tính ra không kinh tế nay tôi chỉ nuôi gà tiếp khách”.

Dừng lời để hút điếu thuốc lào, ông tiếp: “Trong vòng năm rưỡi, tôi đã xây dựng hoàn chỉnh trang trại. Trang trại này tôi mua chỉ có sáu trăm nghìn đồng. Đến nay, tôi đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng. Riêng xi măng Hoàng Thạch, tôi đã đổ vào đây 400 tấn. Trung bình mỗi năm, tôi chi từ 300 - 400 triệu tiền lương cho công nhân; rồi chi phí tiếp khách mỗi tháng 40 - 50 triệu. Các ông thử nhân nó ra, tôi đã đổ công sức tiền của vào trang trại này là bao nhiêu”?  Lại hỏi: Vậy nguồn thu hiện nay của trang trại?. Ông tiếp: “Tôi có rất nhiều nguồn thu từ cây cảnh và các sản phẩm từ trang trại. Những ngày áp Tết, khách đến mua đào, thuê đào, mua hoa, mua và thuê cây cảnh đông lắm...”.

“Thà chết…”

Đang nói chuyện thì ông ông lại có khách từ Bắc Cạn xuống tham quan học kinh nghiệm. Tôi tranh thủ ra vườn nói chuyện với mấy thanh niên. Họ là sinh viên Đại học Nông lâm Bắc Giang đến đây thực tập, được ông Hoa tận tình hướng dẫn kĩ thuật, được nuôi cơm và cho tiền, ông Hoa quý họ như con. Ông Hoa cho hay, nhiều đoàn sinh viên các trường đại học đã về đây thực tập. Những sinh viên giỏi còn được ông cho tiền, vàng, cây giống về lập nghiệp. Ông bảo, ông rất quý bọn trẻ ham học, ham làm việc. Trước đây, ông cũng quý một cậu thanh niên ham làm việc và nhận cậu ta làm con nuôi. Ông chăm sóc nó hơn con đẻ; ông tổ chức đám cưới cho nó to nhất vùng. Cưới xong, vợ chồng nó đến đây đề nghị ông viết…di chúc trao lại cơ ngơi này cho nó. Ông chết lặng, không nói gì, rồi chỉ mặt nó: “Cút!”. Lại có cậu thanh niên bị bị bệnh tâm thần, ông nhận về nuôi để cậu ta sống gần với thiên nhiên, thanh lọc tâm hồn, làm quen với lao động. Sau thời gian ở trang trại, bệnh tình của nó thuyên giảm. Một hôm, mẹ nó lên thăm, căn dặn nó, cố gắng làm việc, thể nào đến Tết bác Hoa cũng cho vài chục triệu đồng. Nghe vậy, ông không nói gì, chỉ tay mặt bà mẹ: “Cút!”.

Cô bạn đồng nghiệp tôi hỏi: “Sao anh đến giờ anh không lấy vợ?”. Ông không nói gì, chỉ tay vào dòng chữ “Thà chết chứ không vơ lấy tội” được lồng trong khung kính, treo trang trọng trên bức tường. Nói rồi ông đọc bài vè trào lộng về nỗi…sợ vợ trong dân gian. Ông thuộc nhiều thơ châm biếm. Ông biết nhiều chuyện, nhiều tích cổ. Chuyện gì ông cũng vận dụng vè, tiếu lâm vào khiến khách cười rôm rả và cảm giác như ông không bao giờ biết buồn?

Tự gãi lưng cho mình

Cạnh ngôi biệt thự của ông là cái lán - “di sản” từ ngày đầu về đây lập trang trại- trên thềm đặt cỗ quan tài đỏ. Ông kể xuất xứ cỗ quan tài rằng, năm 2014, ông bị một trận ốm nặng nên đã chủ động lo hậu sự cho mình. Ngoài thuê người đóng quan tài, ông còn chuẩn bị cả vải liệm và những thứ cần thiết cho người quá cố. Ông bảo, ông không muốn phiền đến ai. Cả đời ông không nhờ vả, vay mượn, phiền toái đến ai. Hỏi đến gia đình em dưới Hà Nội, ông chợt ngậm ngùi “Bố mẹ mất cả rồi. Nhà có 7 anh chị em, tất cả ở Hà Nội, mỗi ông lên trên này. Hộ khẩu thường trú của ông vẫn ở nội thành nhưng ông thề không quay về Hà Nội sinh sống”. Nói rồi ông đưa chúng tôi thăm ngôi biệt thự. Thoạt tiên, ông đưa chúng  tôi thăm căn phòng của mẹ ông. Bước vào phòng tôi lặng người. Mẹ ông mất đã nhiều năm nhưng căn phòng vẫn như có người đang ở. Một tủ đựng quần áo và đồ dùng của bà cụ; những bức chân dung của cụ đính trang sức thật bằng vàng. Chăn gối của cụ vẫn gọn gàng. Một tivi, tối nào ông cũng bật để...cụ xem. Phòng thờ bố mẹ ông đặt bộ bàn ghế bằng gỗ quý, tôi chưa từng nhìn thấy, nghe đâu trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Trong ngôi biệt thự còn nhiều đồ đạc hiện đại. Thế nhưng, phòng ngủ của ông lại đơn sơ một cách kì quặc: Một cái giường mét hai, chăn đệm cũ kĩ, chiếc bàn tre, trên đó là chồng sách. Tôi hỏi, sao ông không đặt cái tivi mà xem cho đỡ buồn. Ông nói “nhà ông có mấy cái tivi đặt các phòng cho những người đến đây làm vườn xem, còn tôi chỉ cái này là đủ”. Nói rồi ông lấy từ đầu giường ra chiếc đài bán dẫn chạy pin do Trung Quốc sản xuất, đáng giá vài chục nghìn. “Còn cái này – ông với cái gãi lưng bằng nhựa, giới thiệu - Cái này của mẹ tôi để lại. Lúc ngứa ngáy, tôi tự gãi lưng cho mình thôi. Hoàn cảnh mình như vậy, biết làm sao. Nhu cầu cuộc sống của tôi đơn giản lắm mà. Tôi ăn cực khỏe, mỗi bữa miệng bát cơm! Sáng ra nửa gói mì tôm, không thì nhịn, chỉ có thuốc lào, nước chè, mà đủ sức làm đến trưa, chiều đúng hai giờ lại làm việc”. Cô bạn tôi chia sẻ, anh làm gì lắm. Không vợ con, của cải ăn cả đời không hết. Ông trầm ngâm: “Có lúc tôi muốn bán quách trang trại, khoác ba lô đi bộ khắp đất nước. Cứ đi, mệt đâu nghỉ đấy. Nghĩ vậy nhưng bàn thờ bố mẹ vẫn ở đây. Với lại, tôi lao động nhiều, càng khỏe ra, thấy vui, quên đi những phiền muộn. Cuộc đời tôi nhiều đau khổ lắm, viết cả cuốn sách không hết chuyện buồn”. Lại hỏi, những ngày Tết, ông sống ra sao?  Ông bảo “Mỗi mình thôi, thường là đến ngày 28 Tết, công nhân về quê hết. Những ngày sau đó, khách đến mua đào, mua cây cảnh cảnh rất đông. Một mình tôi xoay xở, thừa bao nhiêu cứ để ở vườn. Có năm tôi bỏ đi nửa tỷ đồng. Hoàn cảnh mình như vậy, biết làm sao? Làm người có tâm thì khổ lắm”. Nói đoạn, ông cầm cái gãi lưng, luồn sau áo, “đi mấy đường cơ bản”. Tôi chợt nghĩ, lại một cái Tết nữa đang đến gần…

Bắc Giang, cuối năm 2017