Bài 23. Bài của ông Phan Đào Nguyên

...Thời ấy, ông Nguyên được ông Phan khen nhanh nhẹ tháo vát nhưng chê… nhỏ con nên quyết định chuyển nghề cho ông Nguyên. Sự hướng nghiệp của ông Phan ngày ấy là một trong những yếu tố tạo bước ngoặt quan trọng để ông Nguyên phấn đấu, thành đạt trong sự nghiệp và có được cuộc sống hạnh phúc, viên mãn hôm nay.


Ông bà Nguyên -Thọ cùng con trai - Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN và cháu nội

 

 

 

“NGÀY ẤY ANH PHAN “CHÊ” TÔI…”

Nhà báo-Nhà văn Phan Đào Nguyên

Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Lao Động;

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công nhân.

Lời Ban Biên soạn:

Gia đình ông Phan Đào Nguyên có cuộc sống thật hạnh phúc, viên mãn. Trước khi nghỉ hưu, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Lao động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công nhân - hai cơ quan thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài công tác quản lí, ông còn sáng tác, nghiên cứu văn học. Đến nay, ông đã cho xuất bản 8 đầu sách. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và được nhiều phần thưởng cao quý khác trong công tác, trong sáng tác văn học. Vợ ông nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, nay đã nghỉ hưu. Ông bà đang sống trong căn hộ khang trang đầy đủ tiện nghi thuộc một khu đô thị lớn của Thủ đô. 3 con trai của ông bà đều thành đạt, là  quan chức trong Đài Truyền hình Việt Nam; là gaism đốc, tổng giám đốc trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; các cháu nội ngoan, học giỏi.

Nhưng ít ai biết, ông Nguyên từng làm thợ lò ở Mỏ than Hà Lầm sau đó được đi tu nghiệp đào lò bằng công nghệ giếng đứng ở Liên Xô, do ông Phan phụ trách. Thời ấy, ông Nguyên được ông Phan khen nhanh nhẹ tháo vát nhưng chê… nhỏ con nên quyết định chuyển nghề cho ông Nguyên. Sự hướng nghiệp của ông Phan ngày ấy là một trong những yếu tố tạo bước ngoặt quan trọng để ông Nguyên phấn đấu, thành đạt trong sự nghiệp và có được cuộc sống hạnh phúc, viên mãn hôm nay.

Dưới đây là lời kể của ông Phan Đào Nguyên:

Tôi biết anh Phan từ năm 1965, khi tôi ở quê ra Mỏ than Hà Lầm làm thợ lò. Gọi là biết, thực ra tôi chỉ nhòm thấy anh ấy khi thì ở nhà ăn tập thể, khi ở trên công trường, khi ở sân bóng chuyền. Ngày ấy anh Phan ở trong khu tập thể bên kia moong than. Moong than này do người Pháp để lại, lúc nào nước cũng trong xanh; còn tôi ở trong khu tập thể đồi cao, cách chỗ anh ở khá xa. Mỗi khi đến nhà ăn số 3, nhìn thấy anh mặc comple đi trên bờ moong, chúng tôi trầm trồ “Anh Phan đấy”. “ Anh Phan học đại học ở Liên Xô về, bằng đỏ đấy”. “Anh Phan Quản đốc Công  trường + 25 đấy”…Thời ấy chúng tôi mới ở quê ra mỏ, đứa nào quần áo cũng xoàng xĩnh, người gầy khô; còn anh Phan trong bộ comple thật đẹp, thật sang. Dáng anh bệ vệ, da cứ trắng hồng lên.

Khi lên công trường, chúng tôi lại thường thấy anh trong bộ bảo hộ lao động, đầu đội mũ lò, chân đi ủng. Khi đó, trang bị trên người anh giống chúng tôi mà tôi vẫn thấy anh sang trọng, lịch lãm. Nhất là lúc anh nói chuyện với mấy chuyên gia Liên Xô bằng tiếng Nga, tôi cảm tưởng như anh là người nước ngoài vậy.

Ngày ấy, phong trào thể thao ở Mỏ than Hà Lầm đã phát triển mạnh. Mỗi buổi chiều, tôi lại thấy anh Phan ở sân bóng chuyền. Anh mặc đồ thể thao, da trắng nõn. Nom anh bệ vệ nhưng vào sân bóng anh nhanh lắm. Anh ở vị trí chuyền hai, nêu bóng rất hay. Ấn tượng ban đầu của tôi với anh Phan là vậy.

Sau 2 năm làm thợ lò ở Mỏ Hà Lầm, tôi là đoàn viên ưu tú, công tác tích cực nên đến năm 1967, tôi được Bộ Điện và Than chọn đi tu nghiệp tại Liên Xô 18 tháng. Đoàn gồm 104 người do anh Phan dẫn đầu. Lúc này, tôi cũng không dám làm quen với anh. Mãi đến khi sang Liên Xô tôi mới được nói chuyện với anh. Đoàn đi Liên Xô ngày ấy chia làm 4 tổ, mỗi tổ ở một thành phố, cách nhau khá xa. Anh Phan phụ trách chung, hàng tháng đến kiểm tra tình hình học tập, sinh hoạt của các tổ. Cảnh sống xa Tổ quốc lại chịu sự quản lí chặt chẽ theo nội quy của đoàn nên chúng tôi rất nhớ nhà. Anh Phan hỏi thăm hoàn cảnh chúng tôi, động viên từng người. Thấy anh Phan cởi mở, gần gũi, tôi đánh bạo kể với anh Phan về những kỉ niệm thời tôi làm thợ lò ở Mỏ than Hà Lầm - nơi anh từng làm quản đốc. Anh Phan khen tôi có trí nhớ tốt lại nhanh nhẹn và…đẹp trai (!).

Đoàn tu nghiệp của chúng tôi sang Liên Xô học 3 nghề chính là đào lò, cơ điện và vận hành thiết bị mỏ, chủ yếu là vận hành máy nâng- loại thang máy chuyên dụng của giếng đứng. Trước đó, tôi là thợ lò ở Hà Lầm nên sang Liên Xô tôi được học nghề đào lò. Khi tập trung, anh Phan chê tôi. Nhìn thấy anh Ngô cao to, học nghề vận hành máy nâng, anh Phan bảo: “Thằng này to khỏe thế này, học vận hành, phí. Nó phải học nghề lò”. Chỉ vào tôi, anh bảo: “Thằng này nhỏ con, thư sinh, nhanh nhẹn, phải học nghề vận hành”.

Nhờ hướng nghiệp của anh Phan, tôi được chuyển sang học nghề vận hành thiết bị mỏ. Lớp học vận hành máy máy nâng ngày ấy có 6 người. Khi về nước, anh em chúng tôi làm nhiệm vụ vận hành máy nâng giếng chính và giếng phụ. Đó là loại thang máy chuyên dụng hiện đại với hệ thống phanh dù đảm bảo an toàn tuyệt đối để vận chuyển người xuống làm việc ở độ sâu 97,5 mét trong lòng đất.

Nghề vận hành máy nâng tuy nhàn nhã nhưng những lúc kiểm tra bảo dưỡng hay những khi thiết bị gặp sự cố đòi hỏi sự nhanh nhẹn tháo vát và sáng tạo của người thợ. Những lúc đó, tôi đã cùng anh em vận dụng kiến thức được tu nghiệp ở Liên Xô và được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, chúng tôi nhanh chóng làm chủ công nghệ. Cho hay rằng, anh Phan đã nhìn nhận lựa chọn thợ phù hợp với năng lực của từng cá nhân.

Nghề vận hành máy nâng thường bận rộn lúc đầu ca và cuối ca, còn lại khá nhàn nhã. Những lúc rỗi rãi, tôi thường đọc sách báo mở mang kiến thức và tích cực tham gia các phong trào thanh niên, phong trào công nhân…được tập thể quý mến, lãnh đạo tin tưởng. Cũng từ đó, tôi được đi học đại học, sau đó chuyển sang nghề xuất bản, nghề báo. Sự trưởng thành của tôi có phần giúp đỡ hướng nghiệp của anh Phan.

Sau này, chuyển sang nghề xuất bản, làm báo, tôi ít có điều kiện gặp gỡ với anh Phan trong công việc chuyên môn nhưng tôi vẫn thường được một số anh em kể nhiều chuyện về Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan. Đặc biệt là anh Phan gắn bó với những anh em trong đoàn thực tập sinh Liên Xô ngày ấy, hình thành nên một Câu lạc bộ những người thợ xây lắp mỏ Mông Dương, duy trì gặp mặt giao lưu với nhau hàng năm kể cả sau khi đã nghỉ hưu, trong đó có tôi tham gia. Những kỳ gặp nhau của CLB chúng tôi rất vui vẻ, đầm ấm, anh Phan bao giờ cũng đúng hẹn và thường ủng hộ thêm vật chất cho CLB. Anh Phan không những rất có trách nhiệm với anh em thợ mỏ trong công việc mà còn rất giàu tình cảm, gắn bó thân tình với mọi người trong cuộc sống…

Khi nhà báo Cao Thâm và nhà báo Thái Hà chia sẻ với tôi về kế hoạch xuất bản cuốn sách về Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan, được nhiều người trong và ngoài ngành Than, ngành Điện ủng hộ, tôi hiểu rằng, người đời đã không quên sự nghiệp và đức độ của anh Phan. Tôi xin góp đôi dòng này như chút tình riêng nhớ anh./.

Ph.Đ.Ng.