Bài 24 - Bài của Bùi Tố Nga
Nhóm biên soạn cuốn sách về ông Nguyễn Đức Phan nhận được bài viết của tác giả Bùi Tố Nga, con dâu út của gia đình. Đọc bản thảo bài viết, chúng tôi thật bất ngờ: Bài viết ngắn nhưng diễn đạt súc tích, câu chữ chính xác với những cung bậc cảm xúc; khiến chúng tôi thêm xúc động về hình ảnh người cha, người ông thân thương, nhân hậu, ấm áp - ông Nguyễn Đức Phan. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
KÝ ỨC VỀ BỐ
Bố ơi, con về làm dâu nhà mình vậy mà thấm thoắt đã 13 năm. Con còn nhớ con gái khi đi về nhà chồng luôn được dạy rằng “Nhập gia tùy tục” và con đã chuẩn bị sẵn tâm thế như vậy. Nhưng thật may mắn với con, bố mẹ đã cho con cảm giác hết sức thân thiết. Bố mẹ chưa bao giờ để con phải lo lắng, bỡ ngỡ hay cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Con cũng chưa từng có cảm giác mình đang bị những ánh mắt xét nét hay phải nghe những lời lẽ lạnh lùng, cáu gắt. Hoàn toàn không có cái gọi là khoảng cách giữa bố mẹ chồng – nàng dâu trong nhà mình và con rất mừng vì điều đó. Con thật thoải mái khi được sống với sự bộc trực, chân thành, cởi mở đúng với bản chất của mình.
Con nhớ lại những ngày đầu mới về nhà mình, con rất ấn tượng với cách xưng hô của bố mẹ. Mỗi lần bố gọi mẹ bằng “em” xưng “anh” sao nghe ngọt ngào và trìu mến đến vậy, điều mà con hiếm thấy ở những bậc cao niên. Không chỉ vậy, bố còn đích thân đi chợ và vào bếp nấu cho mẹ ăn mỗi khi mẹ ốm, mệt. Với con, bố luôn quan tâm xem con thích ăn gì mỗi sáng để bố nấu. Con thích nhất món cơm rang đậm đà, vàng ruộm của bố, vừa thơm mùi hành, vừa bùi vị trứng. Quên sao được những buổi bố chủ trì họp bàn rôm rả thực đơn cuối tuần cho cả nhà để có bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Cả nhà 3 thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần vui vẻ bên nhau, thưởng thức những món ăn bình dị và trò chuyện trên trời dưới bể, với bố như vậy là vui lắm rồi, hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi. Sự ân cần quan tâm của bố đối với mẹ và những người thân yêu trong gia đình là một trong những nét đẹp tâm hồn bố.
Tháng 10 là tháng khá đặc biệt với gia đình mình bởi lẽ cả cả bố, mẹ và anh Minh – chị Hằng đều cùng sinh nhật trong tháng đó. Con còn nhớ mãi cứ đến dịp tháng 10, bố lại tụ tập các con và lên kế hoạch ăn uống mừng sinh nhật chung. Mặc dù mang trong mình nhiều trọng bệnh phải kiêng khem đủ thứ nhưng bố luôn là người khơi dậy phong trào ăn uống, hào hứng, hăng hái và nhiệt tình trong việc nấu ăn (con thấy mình thật có lỗi bởi lẽ con là người hay kiềm chế thú vui ăn uống của bố nhất). Tháng 10 đến rồi, năm nay là năm thứ hai nhà mình thiếu bố, thiếu “vị chỉ huy trưởng” của cả nhà, nhưng chúng con sẽ vẫn nối tiếp truyền thống bố đã tạo dựng để tổ chức dịp sinh nhật đặc biệt tề tựu cả gia đình. Hôm đó bố nhớ về với mẹ và chúng con bố nhé!
Bố là người rất giàu tình cảm. Không chỉ dành sự chăm sóc ân cần đến những người thân yêu nhất của bố, bố còn luôn gần gũi, tận tâm, chu đáo, ân tình với bạn bè – những người đã đồng cam cộng khổ với bố. Bạn bè và đồng nghiệp của bố đã xúc động kể với chúng con nghe về những năm tháng vất vả của bố để có được thành công. Chúng con thấy tự hào vì bố được rất nhiều người quý mến và nể trọng. Những người bạn tốt của bố giờ đây chúng con vẫn coi như những người chú, người bác thân thiết của gia đình mình. Con đã từng đọc ở đâu đó viết: “Đức hạnh và uy tín của người cha là di sản quý giá nhất của người con”.
Bố là tấm gương về lối sống hồn hậu, thân thiện, vô tư, chính trực và tràn đầy yêu thương. Ngay cả đến những con vật nhỏ bé như con mèo nhà mình cũng được bố dành sự ưu ái đặc biệt. Khi bố còn khỏe, cứ mỗi sớm thức dậy là con đã nghe thấy tiếng dép loẹt xoẹt của bố đi chợ mua cá về cho mèo. Chú mèo được bố nuôi béo múp, ăn cá no căng bụng rồi cuộn tròn như cục bông nghiễm nhiên ngủ trên giường bố. Con cháu đã học được những bài học làm người đầu tiên từ bố qua những điều bình dị trong cuộc sống:
“Làm người phải có tình thương
Thương từ con vật bình thường thương đi”.
Một điều con thấy vô cùng hạnh phúc là hai con của con đã được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của ông bà nội và ngoại. Ngày các cháu còn ẵm ngửa, ông là người đẩy xe cho các cháu đi chơi mỗi sáng, chăm chút mua quà và đồ chơi cho các cháu – bởi ông rất tâm lý và yêu các cháu. Khi con sinh cháu thứ hai, qua lời kể của mẹ, bố vui mừng khôn xiết đến nỗi run run không nói nên lời khi gọi điện thoại báo tin cho các em của bố. Cháu Nguyễn Đức Kiên chào đời trong sự yêu thương, chăm sóc của cả ông bà nội và ngoại. Bố đã đặt một cái tên thật ý nghĩa cho cháu những mong sau này cháu sẽ là người có ĐỨC giống bố, có sự KIÊN nhẫn, KIÊN trì, KIÊN định của bố để theo đuổi những ước mơ, hoài bão và có đủ bản lĩnh để tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống. Nhưng rồi, bố cũng không tránh được quy luật của cuộc đời “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Bố đã không kịp chứng kiến sự trưởng thành của các cháu như bố vẫn hằng mong. Con khó lòng ngăn được những dòng nước mắt khi chứng kiến cảnh bố phải chịu đựng những cơn ho dữ dội, dai dẳng. Còn đâu vóc dáng đường bệ, phong độ, giọng nói hào sảng, khảng khái và cương quyết của bố mà trước đây con được thấy? Bệnh tật đã khiến bố phải nằm trên giường bệnh ròng rã một thời gian dài. Duy chỉ có nước da trắng hồng của bố không vì thế mà phai nhạt đi.
Với con, có lẽ một trong những thành quả lớn nhất với gia đình mình là bố đã tạo dựng được một nền tảng gia đình vững chắc, nền tảng tâm hồn và tính cách hướng thiện cho con cháu. Thật may mắn là con đã thấy ở chồng con hội tụ được nhiều tính cách tốt đẹp của bố và bố thực sự là người có nhiều ảnh hưởng với anh ấy.
Còn rất nhiều điều con nhớ về bố. Hình ảnh thiêng liêng của bố luôn hiện hữu trong gia đình. Những ký ức tuyệt vời về bố sẽ luôn được khắc ghi trong tâm khảm và trái tim của chúng con.
Với tất cả sự nhớ thương và lòng kính trọng,
Con dâu út của bố
BÙI TỐ NGA