Tài trí Đoàn Văn Vươn
Cống Rộc thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng. Nơi đây đã từng “nổi tiếng” về vụ anh Đoàn Văn Vươn nổ súng chống đối việc cưỡng chế thu hồi đất, khiến anh và em trai bị phạt 5 năm tù. Giờ đây, anh Vươn lại nổi tiếng làm ra chuỗi nông sản sạch gồm vịt biển, tôm rảo, trứng vịt biển sạch. Nhưng có lẽ ít người biết, nơi đây, thời trai trẻ, anh Đoàn Văn Vươn đã tài trí, kiên cường chinh phục sóng dữ, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân địa phương.
Đoàn Văn Vươn (thứ 2, bên trái sang) cùng lãnh đạo Hiệp hội Những Người lao đông Sáng tạo VN tại Cống Rộc, tháng 11/2017
BÂNG KHUÂNG CỐNG RỘC
Phóng sự của Minh Cao
Chúng tôi về Cống Rộc (thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng) vào một ngày đẹp trời. Nơi đây đã từng “nổi tiếng” về vụ anh Đoàn Văn Vươn nổ súng chống đối việc cưỡng chế thu hồi đất, khiến anh và em trai bị phạt 5 năm tù. Sau 3 năm 7 tháng 21 ngày chấp hành án, họ được đặc xá. Giờ đây, anh Vươn là Hội viên Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam. Anh đang nổi tiếng làm ra chuỗi nông sản sạch gồm vịt biển, tôm rảo, trứng vịt biển sạch.
Nhưng có lẽ ít người biết, nơi đây, thời trai trẻ, anh Đoàn Văn Vươn đã tài trí, kiên cường chinh phục sóng dữ, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân địa phương. Về Cống Rộc, chúng tôi bâng khuâng nghe chuyện cũ.
“Công anh Vươn với địa phương lớn lắm…”
Thoạt nhìn chúng tôi khoác máy ảnh đường đột vào nhà, cụ Phạm Văn Doanh, cựu Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang tỏ vẻ ái ngại. Khi nghe chúng tôi giới thiệu và đề nghị cụ kể chuyện anh Đoàn Văn Vươn trước đây đắp đê chắn sóng, cụ vui vẻ, nói: “Kể chuyện ấy thì được. Còn chuyện về vụ án anh Vươn, đã qua rồi, xin các anh đừng nhắc lại nữa. Chuyện nào ra chuyện ấy. Chuyện anh Vươn có công lấn biển, mang lại lợi ích cho dân cũng phải đánh giá cho đúng. Thời anh Vươn đắp đê ngăn sóng dữ, tôi là Bí thư Đảng ủy xã, đã chứng kiến những việc anh em anh Vươn làm. Anh ấy gan góc, liều lĩnh và tài giỏi lắm mới ngăn được được sóng biển, tạo được vùng đất bình yên như hôm nay. Cũng vì ngăn biển mà con gái của anh ấy tám tuổi bị chết đuối ở Cống Rộc. Cũng vì quyết giữ thành quả lao động của mình mà anh em anh ấy dám liều lĩnh chống người cưỡng chế đất trái phép…”. Tôi hỏi anh Vươn đã gan góc, liều lĩnh như thế nào? Cụ Doanh chỉ tay về phía biển, rồi rằng: “Trước đây, vùng cống Rộc này liên tục bị sóng biển hoành hành. Cách đây hơn nửa thế kỉ, Nhà nước đã làm một con đê chắn sóng bao bọc toàn bộ vùng cửa sông Văn Úc nhưng không cản được sức tàn phá ghê gớm của những trận bão lũ. Tôi nhớ, năm 1987, một trận bão lũ tràn qua bờ đê càn quét nhà cửa hoa màu của dân. Năm đó, chính quyền phải cấp gạo cứu đói cho dân. Dạo ấy người ta đã khảo sát và định di dời cả một làng đi. Một vùng sóng dữ như vậy mà anh Vươn dám dốc tiền bạc, công sức vào để làm đê lấn biển thì liều lĩnh quá. Ngày đó, tôi đã khuyên anh Vươn, chớ dại, không làm được đâu! Anh Vươn không nghe tôi, lên tận huyện xin phép. Lãnh đạo huyện cũng can ngăn. Nhưng anh Vươn nằng nặc thuyết phục, cuối cùng, lãnh huyện cũng đồng ý cho anh Vươn làm. Để làm hệ thống đê này, anh Vươn phải vay 10 tấn thóc; bán tất cả tài sản, lợn gà, vịt…và huy động từ niều nguồn vốn khác. Trên công trường, lúc cao điểm có 700 người. Ban đầu, anh em anh Vươn cũng bị thất bại. Tôi nhớ, có lần, anh ấy thuê 5 sà lan chở đá từ Thủy Nguyên về, đổ xuống biển. Qua một đêm, sóng đánh tơi tả, đá văng tung tóe mỗi nơi một hòn. Nhưng rồi cuối cùng, anh em anh Vươn đã làm được hệ thống đê, tạo cái đầm nước rộng lớn. Để làm được con đê này, không những có nghị lực phi thường mà còn phải mưu trí, sáng tạo nữa. Tôi đã biết con đê vượt biển sang đảo Tuần Châu ngoài vịnh Hạ Long. Nhưng so với con đê của anh Vươn chưa là gì! Là bởi, ở Vịnh Hạ Long không có sóng dữ. Ở đây, anh Vươn phải dùng kiến thức và mưu mẹo mới chinh phục được sóng dữ”.
Rồi cụ Doanh nói về tác dụng của hệ thống đê của anh Vươn với địa phương. Rằng, gần 2 km đê của anh Vươn đã nắn được dòng chảy; anh Vươn đã trồng 70 héc ta rừng chắn sóng nên không còn cảnh bão lụt tràn qua đê, phá hoại hoa màu của dân. “Các anh biết không, trước đây, Công ty Ong Hải Phòng 10 năm không trồng được rừng chắn sóng. Vậy mà anh Vươn làm được đấy. Trước đây, Thành phố còn có đội chuyên sửa chữa, gia cố đê. Sau khi có con đê của anh Vươn, con đê Nhà nước làm được bảo vệ, không cần đội sửa chữa gia cố đê nữa”.
Tài trí Đoàn Văn Vươn
Gặp anh Vươn, tôi hơi ngạc nhiên vì anh to béo, đường bệ hơn hình ảnh tôi đã thấy trên tivi. Anh Vươn bảo, từ khi ra tù, anh tăng 12 kí. Dẫn chúng tôi đi thăm đầm nước, anh gọi là đầm Vươn, anh giới thiệu, toàn bộ đầm rộng 45 ha. Trên mặt nước anh nuôi vịt biển, dưới nước nuôi tôm. Đi bên đầm nuôi vịt nhưng chúng tôi không hề thấy mùi hôi. Anh Vươn giải thích, anh có có xưởng chế biến thức ăn cho vịt, trong đó thêm loại cây do anh trồng quanh đầm trộn với oại men vi sinh. Vì vậy. thịt vịt rất thơm, không có mùi hôi; còn phân vịt thải ra với những vi sinh có ích đã tiêu diệt vi khuẩn có hại cho môi trường nước; đồng thời khiến tôm ăn vào lớn nhanh. Anh Vươn cho biết, sản phẩm của anh gồm vịt biển, trứng vịt biển, tôm rảo. Đây là sản phẩm sạch, được kiểm duyệt khắt khe, từ thức ăn chăn nuôi đến quy trình sản xuất sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn của anh làm ra không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường.
Anh Vươn đẫn chúng tôi đi quanh con đê vững chãi do anh làm dài gần 2 km, rộng chừng 30 mét, cao chừng 4 mét. Trước mặt đê là rừng cây bần xanh tốt, thân cây ngập trong nước. Đến đây tôi mới biết, sóng biển dù có hung dữ đến đâu cũng không thể tàn phá được cả cánh rừng bạt ngàn bao bọc lấy con đê. Tôi hỏi anh, ngày ấy các anh làm cách gì để hoàn thành được con đê này? Anh Vươn bảo: “Nhiều chuyên gia thủy lợi đến đây cũng hỏi tôi tôi như vậy. Bác Đào Đình Bình (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) đến đây cũng kinh ngạc và đánh giá cao vai trò trị thủy của chúng tôi?”. Rồi anh bâng khuâng kể: Gia đình anh ở xã Bắc Hưng, cùng huyện Tiên Lãng. Học xong phổ thông, anh vào bộ đội, được biên chế vào đơn vị công binh. Năm 1986, anh xuất xuất ngũ, trở về địa phương, làm nhiều nghề kiếm sống, trong đó có nghề chăn Vịt. Mùa mưa bão năm 1987, anh đang chăn vịt ở cống Rộc thì nghe đài báo có bão to, triều cường dâng cao, cống Rộc sắp vỡ. Trước cơn bão lớn, chính quyền địa phương ra lệnh dân sơ tán, huy động lực lượng gia cố con đê kia (đê Nhà nước làm cách đây hơn nửa thế kỉ-TG) và nghe đâu, sớm muộn người ta cũng sẽ “bốc” cả một làng đi nơi khác để tránh lũ. Anh Vươn chia sẻ: “Khu vực này có 2 cửa sông lớn là sông Thái Bình và sông Văn Úc. Khi nước lũ rút đi, tôi quan sát hai cửa sông bỗng phát hiện ra mâu thuẫn: Tại cửa sông Văn Úc, lượng phù sa lớn hơn nhiều so với lượng phù sa ở cửa sông Thái Bình. Vậy tại sao, khu vực cửa sông Văn Úc lại bị xói lở ghê gớm như vậy? Và tôi tự hỏi, tại sao người ta không nghĩ đến việc nắn dòng chảy, chống xói lở, ngăn chặn sức tàn phá của bão lũ mà lại phải di dân cho tốn kém? Nghĩ vậy nhưng tôi chưa có ý tưởng đắp đê biển nắn dòng chảy, vì khi đó tôi chỉ là anh chăn vịt ở xã khác đến, đang học tại chức Trường Đại học Nông nghiệp. Đến năm 1992, thay vì ôn thi tốt nghiệp, tôi lên gặp Ban giám hiệu Nhà trường xin được làm đồ án tốt nghiệp đại học với đề tài: “Khảo sát vùng bãi bồi ven biển Vinh Quang, Tiên Lãng phục vụ việc chăn thả vịt biển” và đã được Nhà trường đồng ý. Hướng dẫn tôi làm đồ án tốt nghiệp là cô giáo Nguyễn Việt Tuyết. Chồng cô Tuyết là kĩ sư thủy sản Phạm Văn Đông, làm việc ở Viện Hải dương học. Qua kĩ sư Đông, tôi được biết, Viện Hải dương học cũng đang thực hiện đề tài khảo sát tổng thể vận động tự nhiên của khu vực này. Tìm hiểu qua đề tài nghiên cứu của Viện và đọc nhiều tài liệu khác, tôi phát hiện: Trước đây, lưu lượng sông Thái Bình qua đây rất lớn. Nhưng qua nhiều năm bồi đắp, sông đã nhỏ đi. Trong khi đó, vì bị xói lở, cửa sông Văn Úc ngày càng phình to. Vì thế, lượng phù sa tại cửa sông Văn Úc rất lớn, bằng 2,5 lần so với các cửa sông qua Hải Phòng. Vì thế, dòng nước ngày càng đổ dồn về cửa sông Văn Úc, gây xói lở vùng Cống Rộc. Tại đây, trong lịch sử đã từng xảy ra 3 trận lũ cực lớn, gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho dân. Theo các tài liệu mà tôi đã nghiên cứu, đầu thế kỉ 20, người Pháp cho đào một con sông mới chia đôi huyện Tiên Lãng để phục vụ vận tải nội địa đã vô tình làm chuyển dòng chảy từ sông Thái Bình qua sông Văn Úc đã làm xói lở khu vực này ghê gớm; làm mất hàng ngàn ha đất; người dân nơi đây đã 3 lần phải di dời vào trong đê”
Chỉ tay về phái cống rộc, anh Vươn tiếp: “ Cách đây khoảng 70 năm, phía cống Rộc đang mênh mông nước là khu dân cư, nhưng do bị bão lụt tàn phá, dân phải di dời vào phía trong đê. Đến năm 1955, dân di dời lần thứ 3, hiện nay, phía ngoài đê còn móng nhà thờ và móng nhà chùa. Khi đang khảo sát, tôi nghĩ, nếu phải di dời dân thì khác gì cuộc di dân cách đây 70 năm! Dù đầu thập kỉ 60, Nhà nước đã làm con đê nhưng không điều chỉnh được dòng chảy nên khu vực này vẫn bị xói lở và con đê Nhà nước làm không thể ngăn được lũ lụt do sóng biển. Do đó, tôi xác định, muốn khắc phục tình trạng xói lở cần làm một con đê phía ngoài đê Nhà nước để điều chỉnh dòng nước. Con đê này có hình chiếc mỏ hàn sẽ chặn đứng dòng nước xoáy vào bãi và còn có tác dụng bồi đắp, gia cố vững chắc vùng đất chân đê.
Từ kết quả nghiên cứu trên, tôi đã lập dự án xin đất lấn biển để nuôi trồng thủy sản, trình lên UBND huyện Tiên Lãng. Chờ tới nửa năm, không hề thấy hồi âm, tôi đành lên huyện xin gặp lãnh đạo để trình bày ý tưởng. Lãnh đạo huyện và mọi người đều ngăn cản, cho tôi là viển vông; có người còn chế diễu, thách đố tôi. Cuối cùng huyện cũng cho tôi sử dụng 21 ha, nếu làm được, tiếp tục giao tiếp. Thời ấy, thủ tục giao đất đơn giản lắm”.
Anh Vươn kể tiếp: “Để làm con đê này, chúng tôi đã ba lần bị thất bại. Có lúc, con đê trụ được 3 tháng, sau đó lại bị sóng xóa sổ. Năm 1995, chúng tôi đưa xi măng vào cũng bị sóng tung hê. Suốt cả năm đánh vật với triều cường, chúng tôi mới rút ra kinh nghiệm là phải cạp chân rộng và tranh thủ lúc thủy triều xuống, “đánh” tổng lực và chúng tôi đã thành công. Dòng chảy của biển ngoài đê cống Rộc đã bị khuất phục mà chuyển hướng. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Thay vì lở dần vào đê, đất mặt nước cứ bồi lên.
Sau khi điều chỉnh được dòng chảy, phù sa bồi đắp lên nhanh chóng. Từ chỗ đang bị xói lở, sau 8 năm, kể từ năm 1993 đến năm 2001, lượng phù sa đã bồi đắp trên 3 nghìn ha. Cũng từ đó, nhiều hộ dân đua nhau đắp đầm và tạo cho vành đai đê biển Yên Lãng vững chắc, mở được hàng nghìn ha đầm nuôi trồng thủy, giúp cho người dân phát triển kinh tế.
Cũng từ đó, chúng tôi cũng có được hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Nói thì đơn giản vậy nhưng kể chi tiết việc đắp đê lấn biển ngày ấy thì dài lắm, phức tạp lắm. Tại đây, chúng tôi đã huy động trên 20 nghìn m3 đất đá và đổ ra rất nhiều công sức, tiền của. Ngay việc trồng 70 héc ta rừng cây chắn sóng kia, không dễ. Cây trồng lên lại bị sóng đánh tơi tả. Cũng phải có mẹo mới trồng được”.
Giờ đây, thành quả lao động của anh và em anh đã được luật pháp công nhận. Giờ đây, anh hoàn toàn yên tâm sản xuất chuỗi nông sản sạch trên mảnh đất mà anh và người thân của anh đã đổ công sức, mồ hôi, trí tuệ và cả mạng sống.
Lúc chia tay, anh tiễn chúng tôi ra tận cống Rộc. Ghếch chân trên thành cống, anh nhìn về phía đầm Vươn, gương mặt đau đáu. Có thể anh thương nhớ đứa con gái bé bỏng, đã không chứng kiến thành quả lao động của vợ chồng anh. Cũng có thể anh bâng khuâng nhớ về thời trai trẻ oanh liệt của mình…
Hải Phòng, 1/11/2017
(Bài đăng Tạp chí Sáng Tạo, Xuân 2018)