Bài 17: Bài của ông Phạm Phi Châu

Là người nhiều năm quản lí các doanh nghiệp khối cơ khí ngành Than nên ông Phạm Phi Châu biết võ vai trò của ông Nguyễn Đức Phan trong việc chỉ đạo đầu tư xây dựng các nhà máy cơ khí mỏ và mở đường cho các nhà máy cơ khí ngành Than chế tạo sản phẩm phục vụ xây dựng đường dây siêu cao áp 500KV Bắc – Nam; mở rộng thị trường cơ khí Than vào các tỉnh phía Nam.


Ông Phạm Phi Châu

 

 

 

“CHÚNG TÔI BIẾT ƠN BÁC PHAN”…

Phạm Phi Châu

(Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Năng lượng  và Mỏ)

Lời Ban Biên soạn:

Ông Phạm Phi Châu nguyên là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Than Gai, kiêm Giám đốc xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông. Đến tháng 10 năm 1986, Bộ Mỏ và Than quyết định chia tách Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai thành 3 công ty là: Than Hòn Gai, Than Cẩm Phả và Công ty Cơ khí mỏ. Ông Phạm Phi Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Cơ khí mỏ, quản lí các nhà máy cơ khí ngành Than  khu vực Cẩm Phả, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ và Trường CNKT cơ điện Chí Linh (nay là Đại học Sao Đỏ). Đến năm 1994, ông là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Năng lượng và Mỏ thuộc Bộ Năng lượng.

Người dân vùng Mỏ còn biết ông là một họa sĩ. Ông là Hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam. Thời làm Giám đốc Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, ông đã sáng lập nhóm họa sĩ Vùng Vịnh với những họa sĩ nổi tiếng như Bùi Đình Lan, Bùi Trọng Hướng và Ngô Phương Cúc.Ông từng tổ chức triển lãm tranh cá nhân ở Hà Nội, ở Bảo tàng Đôn - Nhét (Liên Xô);tranh của ông được sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Tranh của ông còn được tuyển chọn vào tuyển tập tranh thế kỷ 20…

Là người nhiều năm quản lí các doanh nghiệp khối cơ khí ngành Than nên ông Phạm Phi Châu biết võ vai trò của ông Nguyễn Đức Phan trong việc chỉ đạo đầu tư xây dựng các nhà máy cơ khí mỏ và mở đường cho các nhà máy cơ khí ngành Than chế tạo sản phẩm phục vụ xây dựng đường dây siêu cao áp 500KV Bắc – Nam; mở rộng thị trường cơ khí Than vào các tỉnh phía Nam.

Ngày đầu ấn tượng

Năm 1961, ông Phan Lục – Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Than Hòn Gai gặp mặt đoàn kỹ sư mỏ học tại Liên Xô về Quảng Ninh nhận công tác. Đoàn có 5 người, gồm các ông: Nguyễn Đức Phan; Nguyễn Duyệt; Nguyễn Văn Thường; Hoàng Kim Vĩnh và Chế Ân. Cuối buổi tiếp, ông Phan Lục cử tôi dẫn đoàn đi tham quan. Từ Hòn Gai đi mỏ Hà Tu, lộn qua ấp Xi – Tắc về mỏ Hà Lầm, thăm bến Hòn Gai và Nhà máy cơ khí. Sau đó, tổ chức phân mỗi ông về mỗi mỏ. Ông Phan về Hà Lầm; ông Vính đi Hà Tu; ông Thường về Đèo Nai; ông Duyệt đến Cọc 6; ông Chế Ân về lò Thống Nhất, cuộc đời và sự nghiệp cả 5 ông gắn bó mật thiết với ngành Than nhờ hoàn thành tốt đẹp các trọng trách được giao.

Trong tốp 5 kể trên thì bác Nguyễn Đức Phan nổi trội hơn cả (tới đây xin được gọi là bác Phan), với tấm bằng đỏ trường mỏ Mạc Tư Khoa lại hăng hái lăn lộn trường đời tại nhiều đơn vị công tác. Bác Phan được đề bạt làm Vụ Trưởng Vụ Kiến thiết cơ bản rồi lên Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này. Con đường hoạn lộ thăng tiến của bác Phan không dựa vào các loại “ệ” như ngày nay nhiều người thường nói (hậu duệ, tiền tệ hay quan hệ) mà bằng năng lực và trí tuệ của mình. Bác Phan không cần “chạy chọt” hay nhờ người “chống lưng”. Đây được xem là tiết tháo của kẻ sĩ đất Đình Bảng- Nguyễn Đức Phan.

Đầu năm 1980, Nhà nước chủ trương đầu tư mở rộng gấp đôi Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả và đầu tư xây xựng Nhà máy đại tu ô tô đặc xa 27 tấn, công suất 620 xe/năm. Cả hai nhà máy này đều do Liên Xô giúp đỡ. Việc hợp tác hai nước do bác Phan đảm nhiệm. Hai công trình lớn vào bậc nhất cả nước lúc đó với khối lượng thi công đồ sộ và phức tạp, thầy trò phải dốc sức để sớm hoàn thiện. Quả là hai công trình thế kỷ, khi đưa vào sản xuất hễ ai đến Quảng Ninh, kể cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng đều được bố trí đến thăm.

Điều oái oăm là nhà máy xây dựng xong đúng lúc ngành Than gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất; ngành Điện cũng trục trặc không kém. Khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phóng điện lên lưới thì miền Bắc thừa điện; các nhà máy nhiệt điện trở nên yếm thế (thậm chí có nhà máy Nhiệt điện nhận Huân chương Lao động xong thì…đóng cửa). Trong khi đó cả miền Nam thiếu điện trầm trọng, mỗi tuần cắt điện tới 3 – 4 ngày, khiến sản xuất đình trệ và đời sống sinh hoạt của nhân dân rất vất vả. Trước tình hình đó, Bộ Năng lượng đề xuất giải pháp đưa điện vào miền Nam bằng hệ thống điện siêu cao áp 500 KV được Thủ tưởng Võ Văn Kiệt vui mừng cho lệnh thi công gấp.

Giúp việc “không công”

“Của đau con xót”- bác Phan đã đổ nhiều công sức chỉ đạo xây dựng các nhà máy cơ khí lớn mà công nhân thiếu việc nên luôn trăn trở tìm cách giúp các nhà máy có việc làm cho công nhân. Khi tham gia chỉ đạo xây dựng đường dây 500 KV Bắc – Nam, bác Phan nhìn thấy thời cơ có thể kiếm việc cho các nhà máy cơ khí điện nên hối thúc chúng tôi tiếp cận công nghệ chế tạo các chi tiết cốt thép mạ kẽm - một khối lượng chi tiết lớn có thể tham gia chế tạo trong vài năm. Với dây chuyền công nghệ có sẵn, chỉ bổ sung thêm bể mạ kẽm nóng là “thoát hiểm”.

Sau đó miền Nam rục rịch xây dựng nhiều công trình thủy điện, bác Phan lại chắp nối cho chúng tôi kiếm việc. Nhận thấy tại công trình xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn, món hấp dẫn nhất là chế tạo ống thép khổ lớn, chiều dày thép chịu áp lực lớn mà Bộ định nhập khẩu, chúng tôi đề xuất, nhận chế tạo trong nước. Tại một cuộc họp, có vị quan chức “bật lò xo”, chỉ mặt chúng tôi cảnh báo: “Các ông muốn treo cổ hả? Đây có phải là đường ống thủy lợi đâu! Nó chịu cả trăm át mốt phe, tuổi thọ vài chục năm, nó mà vỡ, các ông đi tù mọt gông!”. Cấp trên lo cho chúng tôi cũng có lý vì gần đây Vinaconex thi công ống dẫn nước sinh hoạt từ Hòa Bình về Hà Nội, quá trình vận hành đã bị vỡ đường ống gần 20 bận, gây hậu quả nghiêm trọng khiến bậu sậu lớn bé bị khởi tố. Nhưng ngày đó chúng tôi có đề xuất riêng: “Dây chuyền sản xuất chúng tôi có sẵn, chỉ nhập thêm một máy cán tôn dày 32mm và thiết bị sơn phủ Epoxy chống mài mòn. Như vậy giá thành hạ lại không phải chở hàng trăm tấn ống rỗng từ xa về. Để cho sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, cần thuê một chuyên gia vừa hướng dẫn công nghệ vừa kiểm tra chất lượng cho loạt sản phẩm đầu”. Đề xuất của chúng tôi được lãnh đạo Bộ và Thủ tướng Đỗ Mười đồng tình. Thế là trong chuyến đi  thị sát các công trình phía Nam, bác Phan lại cho chúng tôi đi theo vào Vĩnh Sơn nhận việc và “đón lõng” việc chế tạo ống thép chịu áp lực cao cho thủy điện Yaly, Thác Mơ và các nhà máy xi măng.

Do có nhiều mối quan hệ, bác Phan còn chắp mối cho chúng tôi chế tạo Rôto tuốc bin phát điện lớn cho hãng chế tạo thiết bị điện nổi tiếng của Mỹ (GE) thành công mỹ mãn; rồi sau đó là liên doanh chế tạo cột điện nhúng kẽm xuất khẩu với Ấn Độ để được trang bị nhiều máy gia công theo chương trình (CNC); liên doanh với hãng chế tạo  biến thế kiểu mới với hãng Takaoka Nhật Bản nâng cấp trình độ nhà máy chế tạo thiết bị điện mỏ…

Có bác Phan quan tâm, giúp đỡ, nhiều lúc chúng tôi như “chết đuối vớ được cọc”. Bác Phan giúp vô tư, ngoài nhiệm vụ của bác. Mỗi khi chắp mối được được hợp đồng, bác Phan lại nhắc: “Tôi làm việc không công cho các bố! Liệu mà làm ăn chu đáo kẻo họ bôi gio trát trấu lên mặt đấy!”. Chúng tôi đều biết ơn bác Phan, bởi ngay khi bác Phan nghỉ hưu, bài học nhãn tiền ập tới. Số là gói thầu sơn Epoxy cho ống thép của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, chúng tôi chắc mẫm sẽ “về tay” mình. Thế nhưng miếng ăn đến  miệng rồi mà vẫn bị người khác lấy mất. Theo quy định của gói thầu thì phía tham gia phải có 2 công trình tương tự đã làm tại Việt Nam. Vậy mà một hãng của Pháp chưa hề đặt chân vào địa hạt này của Việt Nam lại thắng thầu. Mang thắc mắc này hỏi một quan chức phụ trách thì ông này mềm mỏng: “Các cậu thông cảm, sở dĩ giao cho họ vì chủ đầu tư thiết tha đề nghị”. Rõ là lợi ích riêng chà đạp luật lệ (!). Nếu khi đó, bác Phan chưa nghỉ hưu, chắc chắn bác ấy sẽ bảo vệ lẽ phải, ủng hộ chúng tôi.

Ngoài những công việc trong ngành, không ít các địa phương nhờ cậy bác Phan giúp đỡ. Như ở tỉnh Hà Giang, địa đầu tổ quốc nhưng nhiều huyện còn “đói” điện, hay ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, không ít địa bàn cũng trong tình trạng tương tự. Nhìn thấy tiềm năng ấy, bác Phan không quên chúng tôi, kéo chúng tôi cùng đi khảo sát và thi công trọn gói cho các địa phương này lưới điện từ 110KV trở xuống. Nhờ đó chúng tôi “có phần” trong công đoạn chế tạo cáp nhôm lõi thép.

Để giúp Nhà máy đại tu ô tô thêm việc, nhân chuyến công tác Liên Xô thảo luận công việc giữa hai Bộ, bác Phan đã cho chúng tôi theo sang, chắp mối cho chúng tôi liên doanh lắp ráp xe ô tô Kpaz và Kamaz với nước bạn trên cơ sở chúng tôi được chế tạo một số bộ phận tại Việt Nam, cung cấp xe cho trong và ngoài ngành.

Tự hào ghi ơn

Không riêng công việc sản xuất, bác Phan còn rất quan tâm tới lĩnh vực dạy nghề, giúp 2 trường dạy nghề ở Chí Linh và Cẩm Phả có đủ thiết bị vừa dạy, vừa làm nghề nên nhiều học viên của 2 cơ sở đào tạo này đã đạt Huy chương vàng thi tay nghề các nước Asean; nhiều thầy giáo ở đây đã được tạo điều kiện đi bồi dưỡng, đào tạo trở thành thạc sĩ, tiến sĩ; nay cả 2 trường này đều đạt chuẩn Đại học và Cao đẳng. Mỗi khi nhà trường nhận Huân chương, họ lại nhắc đến công ơn của bác Phan. Nhiều học sinh của trường đã trưởng thành đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Nhà máy Đại tu ô tô, Nhà máy Cơ khí Mạo Khê, Nhà máy tuyển than Cửa Ông. Công tác triển khai nghiên cứu khoa học và thiết kế chuyên ngành cũng được bác Phan quan tâm định hướng chiến lược, đón trước việc thực hiện chế tạo thiết bị hầm lò, triển khai chế tạo thiết bị phòng nổ, trang bị phòng thí nghiệm kiểm nghiệm thiết bị chiếu xạ…Vì vậy, khi Viện nghiên cứu Cơ khí Năng lượng và Mỏ và Trường dạy nghề Chí Linh tổ chức ngày hội đón nhận Huân chương Độc lập, có nhiều giáo sư đầu ngành Y (có người đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh) đến dự. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Viện trưởng Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ tủm tỉm cười: “Tất cả các thiết bị khám chữa bệnh của các bệnh viện đều đưa đến Viện đây để kiểm định và sửa chữa cả”.

Thật hiếm có vị Thứ trưởng nào quan tâm lo nhà cửa cho anh em cán bộ cấp dưới nhưng bác Phan. Bác Phan đã “làm” được chung cư L2 Láng Hạ, chung cư cho Viện nghiên cứu Cơ khí Năng lượng và Mỏ ở Trung Văn, nhiều nhà nghỉ dưỡng cho thợ mỏ tại Bãi Cháy, Sầm Sơn, Đồ Sơn…

Sống chan hòa với anh em, không quan cách, bác Phan còn rất giỏi tiếu lâm, mỗi chặng đường xa nghe bác kể chuyện tiếu lâm mọi người đều cười rũ rượi, chẳng riêng cán bộ ta, cả mấy chuyên gia người Nga cũng phá lên cười. Vui và lạc quan là thế nhưng bác Phan sống chừng mực, tự kiểm soát được mình. Thế hệ chúng tôi may mắn được làm việc dưới quyền bác Phan và nhiều cán bộ lãnh đạo khác, họ lao động quên mình vì hạnh phúc mọi người, chung lưng đấu cật gỡ khó cho cấp dưới. Khi nghỉ hưu, bác Phan cùng gia đình về cư ngụ tại con ngõ khuất gần Phà Đen, nhiều anh em ở xa ghé thăm bác Phan lại nhờ tôi dẫn đường để đỡ mất công tìm nhà…

Chứng kiến ngày đầu tiên bác Phan về mỏ và ngày tiễn biệt bác tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội với đông đảo đồng nghiệp có mặt tỏ lòng thương tiếc đủ thấy tình cảm của anh em đối với bác Phan. Riêng chúng tôi còn hàm ơn bác Phan về sự giúp đỡ tận tình trong công việc với lương tâm trong sáng, nhiệt thành. Nhìn dòng người về với bác Phan chật kín nhà tang lễ, chúng tôi cảm nhận được sự tử tế ở nơi bác được đền đáp…/.

Hà Nội – chiều mưa 18/8/2017

P.P.C