Bố Phan!
“Cha là tất cả cha ơi! Cha là hình ảnh trọn đời thiêng liêng”. Mới chỉ viết xong câu thơ mà đã đọc ở đâu đó từ rất lâu, lòng con đã nghẹn lại, cảm xúc về ông, người bố chồng mà con hết mực yêu quý và kính trọng cứ dội về. Những ký ức về bố như thước phim quay chậm, tái hiện trong tâm trí khiến con càng nhớ bố.
Ông Phan và vợ
BỐ PHAN!
Ngô Thu Hằng
“Cha là tất cả cha ơi! Cha là hình ảnh trọn đời thiêng liêng”. Mới chỉ viết xong câu thơ mà đã đọc ở đâu đó từ rất lâu, lòng con đã nghẹn lại, cảm xúc về ông, người bố chồng mà con hết mực yêu quý và kính trọng cứ dội về. Những ký ức về bố như thước phim quay chậm, tái hiện trong tâm trí khiến con càng nhớ bố.
Bố ơi!
Hãy cho con gọi bố theo cách của một đứa con gái, chứ không phải là một cô con dâu, như người đời vẫn định kiến về mối quan hệ nàng dâu với nhà chồng. Nói vậy bởi lẽ, kể từ khi về nhà chồng con chưa bao giờ bị phân biệt đối xử giữa con dâu với con đẻ, hay con dâu với bố mẹ chồng. Mọi khoảng cách đều được bố mẹ xóa nhòa bằng tình thương yêu và sự tôn trọng giữa các thành viên. Bố! Bằng sự nghiêm khắc, bao dung và độ lượng, bố đã tạo dựng được một đại gia đình hạnh phúc với mỗi người đều biết sống có trách nhiệm và yêu thương nhau lẫn nhau. Bố đã để lại một gia tài vô giá mà con dám hãnh diện để kể với thiên hạ rằng con may mắn được thừa hưởng nó.Và con, đứa con dâu, dù có vụng về đến mấy, vẫn được bố yêu thương, chỉ bảo. Để đến giờ con vẫn tự hào nói rằng bố là chỗ dựa tinh thần vững chắc những lúc con tỏ ra lo lắng hay non kém trong cách ứng xử với gia đình.
Có thể những người không biết sẽ nói là con “nịnh bố”, nhưng chắc chắn những người trong cuộc sẽ hiểu điều này. Con vốn là một cô gái nhu mì, hiền lành, không khéo léo, thậm chí còn vụng về trong mọi nhẽ, nhưng từ khi về nhà mình, bố mẹ chưa một lần mắng nhiếc, chê bai hay nặng nhẹ gì. Riêng với con, bố luôn động viên, an ủi tinh thần mỗi lúc con thiếu tự tin. Điều làm con nể phục và kính trọng bố nhất là sự khéo léo và tế nhị trong những tình huống khó xử. Bố luôn tạo ra cảm giác thân thiện, dễ chịu đến mức chính con cũng tự xóa nhòa khoảng cách để đến gần hơn với bố và mọi thành viên trong gia đình.
Con nhớ như in cái ngày bố mẹ, gia đình ông bà Bảo, các bác và các cô chú sang nhà con tổ chức đám hỏi. Khi ấy con ngượng nghịu lắm, phần vì còn non nớt, phần cũng hơi bối dối. Sau buổi lễ khá đầm ấm, vui vẻ, mọi người ra về và con phải đứng tiễn khách. Lần đầu tiên ra mắt gia đình mà khi đó chưa được gọi là nhà chồng, mọi quan hệ và cách xưng hô với con đều rất mới mẻ. Đứng ở cửa, con chỉ biết lí nhí: “Chào ông bà, chào các bác, các cô chú ...” Đến lượt bố, con chững lại: “Cháu chào bác”. Dường như hiểu được sự ngại ngùng của con, bố cười rất thân thiện, và trìu mến nói: “Từ hôm nay con cứ gọi bằng bố nhé”. Quả thực khi đó con có bối dối, nhưng trong lòng thực sự con cảm thấy rất vui vì sự giản dị và dễ gần của bố. Mặc dù hai gia đình cùng quê và cũng đã biết nhau từ trước (qua sự giới thiệu của gia đình ông Bảo bà Xuân -người chị gái bố), nhưng con vẫn thầm cảm ơn số phận vì được làm con dâu của bố, một người mà con được biết đến là vừa có địa vị xã hội, vừa là một người ông, cha gương mẫu trong gia đình.
Gia đình ông Phan, bà Nguyệt cùng các con cháu trong chuyến tham quan tại Đà Nẵng
Là con dâu cả, vợ chồng con may mắn được sống cùng bố mẹ ngay từ những ngày đầu. Nhờ sự chỉ bảo và yêu thương của bố mẹ, con từ chỗ là đứa con gái ít nói, đã dần cởi mở và chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Ngày con sinh Minh Anh (cháu Bống), mọi e ngại của cô con dâu mới về nhà chồng dường như được cởi bỏ hoàn toàn. Khỏi phải nói, ông bà vui cỡ nào khi nhà mình đón thành viên mới, cũng là cháu nội đầu tiên của bố. Hình ảnh mà con không bao giờ quên hôm ấy là bố dậy rất sớm, đích thân ra chợ mua một bó hoa hồng rất to, đẹp và cũng tự tay cắm lọ hoa để chào đón cháu về. Thậm chí, không giấu được niềm vui, thỉnh thoảng ông còn hát một bài gì đó mà con không nhớ rõ lời, chỉ biết rằng trên mặt ông ánh lên niềm vui khó tả. Rồi mỗi ngày ông chẳng nề hà gì, sẵn sàng giúp bà mọi việc bếp núc, dọn dẹp, đỡ đần vợ chồng con những lúc cháu quấy khóc. Bống hơi biếng ăn nên ông chăm cháu lắm, nhiều hôm ông phải làm đủ trò cũng chỉ để cháu ăn thêm vài miếng. Lớn hơn một chút, chiều nào ông cũng đẩy Bống ra sân chơi, có hôm vừa đi vừa ăn, hàng tiếng đồng hồ mới hết bát bột, nhưng cũng chẳng vì thế làm bố bực dọc.
Rồi thời gian trôi khá nhanh, khi Bống học hết học kỳ I lớp 2 thì vợ chồng con sinh Quỳnh Chi (cháu Thỏ). Thời điểm đó, con thấy buồn và lo vì nghĩ rằng sinh 2 đứa con gái là chưa hoàn thành nhiệm vụ với gia đình nhà chồng. Dù không nói ra, con biết bố mẹ cũng rất mong vợ chồng con có nếp có tẻ và chính điều này làm con suy nghĩ. Một lần nữa bố và mẹ lại ở bên cạnh, động viên con: “Con trai hay con gái đều quý như nhau, quan trọng là phải nuôi dạy các con nên người”. Và đúng thế, suốt thời gian từ lúc Thỏ ra đời, bố mẹ vẫn luôn luôn dành cho gia đình bé nhỏ của con một tình cảm yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt. Bống và Thỏ cũng vì thế mà dành trọn tình thương yêu và dạy dỗ của ông bà. Sự động viên và chia sẻ của ông bà luôn là động lực để con phấn đấu và nguôi đi nỗi lo khó bày tỏ trong lòng. Chính điều này càng khiến con kính phục và yêu thương bố mẹ nhiều hơn.
Không chỉ với con cháu, trong gia đình bố còn là người chồng, người cha, người con sống yêu thương, có trách nhiệm. Với ông bà nội ngoại, bố luôn là người con hiếu thảo. Dù đã cao tuổi, mang trong người nhiều bệnh tật, nhưng mọi công việc lễ nghĩa với họ hàng, quê quán và đặc biệt với các gia đình thông gia, bố luôn cẩn thận và chu đáo. Con nhớ, bất cứ ngày lễ tết, giỗ chạp hay cưới xin trong họ, bố đều cố gắng về tham dự, thậm chí không đi được bố cũng luôn động viên các con cháu về đông đủ. Bố bảo miếng ăn dù chẳng mấy quan trọng, nhưng sự có mặt của anh chị em luôn tạo ra sự đầm ấm, gắn kết với quê hương, bản quán.Với mẹ, tất nhiên rồi, bố là một người chồng tuyệt vời. Bố luôn biết lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ mẹ trong mọi công việc, kể cả những chuyện bếp núc vốn được coi là công việc phụ nữ. Chẳng biết mọi người cứ nói bố cứng rắn, quyết đoán trong công việc thế nào, trong gia đình, bố lại hết sức chiều chuộng và nhẹ nhàng với mẹ. Lối xưng hô tình cảm của bố với mẹ đã minh chứng cho điều này. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, vợ chồng hay gọi nhau là ông bà thay cho con cháu, thì bố vẫn giữ thói quen gọi em xưng anh với mẹ. Nhiều lúc con vẫn nói đùa với bố đẻ con ở nhà rằng, ông không ga lăng và chiều vợ bằng bố chồng con”. Với con cái, dù là dâu hay rể, bố luôn công bằng, không thiên vị, gương mẫu và yêu thương. Chỉ đơn giản bằng những bữa liên hoan cuối tuần với những món ăn tự đạo diễn, bố đã gắn kết được anh chị em chúng con trở nên gần gũi, thân thiết nhau hơn. Sự quây quần, vui vẻ ấy giờ đã trở thành thói quen không thể thiếu mỗi tuần trong gia đình mình. Chỉ bình dị thế thôi, con hiểu bố đã dạy chúng con lẽ sống, cách ứng xử trongcuộc đời. Con biết sẽ khó có thể thực hiện hết được những điều bố đã dạy, nhưng con luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng nuôi dạy Minh Anh và Quỳnh Chi thành những người có ích theo tâm nguyện của bố.
Là người có vị trí trong xã hội, nhưng bố chưa bao giờ tỏ ra trịnh thượng hay bề trên đối với anh em bạn bè, bà con lối phố. Bố sống giản dị, chan hòa, gần gũi ngay cả với những người có hoàn cảnh khó khăn. Bố có thói quen mỗi khi về quê ở Đình Bảng ra, lại gọi con chia quà cho hàng xóm, dù có lúc chỉ là cái bánh nếp, cái bánh xu xuê, hay quả cam quả táo... Thỉnh thoảng đi chơi xa hay du lịch vài ngày về, bố lại mời các bác sang nhà uống trà, ăn bánh kẹo hoặc những đặc sản vùng miền, để kể những câu chuyện về những nơi bố đến. Con còn được nghe kể về việc bố đã giúp Xóm để có được đất làm nhà văn hóa. Bác Vinh, bác Hưng bên cạnh cho đến giờ vẫn nói với con rằng “không có bố Phan của cháu thì Xóm mình không có nhà Văn hóa”. Chẳng phải quá khen đâu, nhưng con thật hạnh phúc khi được nghe những lời ca ngợi bố từ chính những con người hết sức bình dị. Bố thật sự để lại cho anh em, bạn bè, hàng xóm một thứ tình cảm mà không phải ai cũng dễ dàng có được.
Rồi bố trở bệnh, cứ nặng dần, hết vào lại ra viện cũng không cải thiện được nhiều. Những căn bệnh lâu ngày bắt đầu hành hạ bố. Là người quen chịu đựng, có lúc con thấy bố nhăn nhó hoặc đau đớn, nhưng cũng chẳng hề kêu ca, than trách. Có lẽ bố không muốn để chúng con quá lo lắng. Con nhớ nhất cái đêm bố cấp cứu ở bệnh viện Hữu Nghị, chảy máu dạ dày lần thứ 4 và không thể cầm được máu. Con ngồi bên bố cả đêm, chứng kiến hình ảnh bố lịm dần đi mà con không cầm được nước mắt. Lúc ấy con càng cảm nhận được sự mất mát nếu xảy ra sẽ lớn thế nào. Chúng con đãquen có bố, quen với nếp gia đình đầm ấm bố tạo ra, quen với tất cả thói quen, sở thích của bố… Rồi bố ra viện, những ngày mẹ và chúng con chăm sóc bố cũng chẳng kéo dài được bao lâu, những cơn ho lại kéo bố sập xuống. Lần nhập viện này, dù được điều trị tích cực, sức khỏe bố vẫn yếu hẳn đi sau suốt 1 thời gian sốt kéo dài. Cuối cùng bố cũng được các bác sỹ cho về nhà chăm sóc và điều kỳ diệu nhất làm cả nhà mình hy vọng là dần dần bố khỏe lên. Có thể bố thương cả nhà, không phụ lòng chăm sóc tận tụy của mẹ và mọi người mà khỏe hơn. Con hiếm thấy một người vợ nào mà chăm sóc chồng tận tâm như mẹ. Dù có người giúp việc nhưng dường như mẹ chẳng muốn phó thác việc chăm sóc bố cho bất kỳ ai. Mẹ dốc toàn bộ tình yêu thương và sức lực chăm sóc bố từng ly, tưng tý, thậm chí lúc bố chỉ ăn xông bằng cháo nghiền nhưng mẹ vẫn đổi khẩu vị hàng ngày và tự tay cho bố ăn. Thế nhưng niềm vui cũng chẳng được bao lâu, bố lặng lẽ ra đi bất ngờ đến mức mẹ và chúng con không kịp nói lời nào với bố. Sẽ chẳng có gì có thể bù đắp nổi sự mất mát khi thiếu vắng bố và có lẽchính vì vậy bố đã chọn cách ra đi trong sự ấm áp của cả gia đình, trong chính ngôi nhà mà bố từng vun đắp và sống vui vẻ những ngày cuối cùng, để phần nào an ủi chúng con.
Đám tang bố rất đông, họ hàng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... tiễn biệt bố bằng sự thương yêu và lòng kính trọng. Thậm chí con còn thấy có những bác rất già yếu, còn phải chống gậy cũng vẫn đến tiễn đưa bố lần cuối. Với con, có lẽ hôm ấy cũng là ngày mất mát lớn nhất, cái cảm giác không khác gì khi con chứng kiến sự ra đi của bố mẹ mình. Sự trống vắng, hụt hẫng mà con tưởng chỉ phải trải qua khi mất bố mẹ đẻ, thì khi đó con lại cảm nhận rất rõ. Giọng trầm buồn của chú Kiển - Tổng giám đốc, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than-KS Việt Nam, một người thành đạt nhờ sự dìu dắt của bố từ những ngày đầu, trong bài điếu văn truy điệu bố càng khiến con càng nghẹn ngào. Bởi lẽ, khi ấy con được biết thêm những điều chưa từng biết về bố, hiểu thêm những việc bố từng làm. Để có một vị trí như ngày hôm nay, bố đã phải rèn luyện, phấn đấu thế nào suốt bao nhiêu năm tháng, trong đó có cả mồ hôi và nước mắt. Con nhìn thấy sự tôn trọng và nể phục bố từ chính những bạn bè, đồng nghiệp và người thân, đặc biệt là của những bác cùng thời hay được làm việc cạnh bố. Bố ơi, con cũng vậy, trong giờ phút biệt ly ấy, con đã gọi bố và nói rằng “con yêu bố”. Bao năm qua, dù có cố gắng thế nào, con biết cũng có lúc làm bố không khỏi phật lòng, nhưng chắc chắn bố vẫn dành cho con một góc nào đó trong trái tim giàu tình cảm của mình để yêu thương, bênh vực đứa con dâu còn nhiều vụng về của bố.
Với bản thân, dù chưa từng nói ra, con biết lúc ra đi bố cũng rất hài lòng và hãnh diện về một gia đình với đầy đủ con cháu, nội ngoại. Không phải riêng bọn con, bao năm qua, con chắc chắn rằng bố cũng cám ơn số phận vì có được người bạn đời tuyệt vời như mẹ, một phụ nữ hiền lành, tốt bụng, chân chất vô cùng. Suốt cuộc đời chỉ luôn chăm lo cho mọi người trong gia đình mà chẳng bao giờ tính toán hơn thiệt. Không biết nói khéo bao giờ, nhưng mẹ là người thẳng thắn, đối xử công bằng dù là chuyện to hay chuyện nhỏ. Khỏi phải nói, bố còn biết ơn mẹ thế nào khi sinh thành và nuôi dạy 3 người con trưởng thành. Chị Liên, con gái lớn của bố hết sức đảm đang, tháo vát và thành đạt. Chú Ninh, là con trai út, thông minh, ham học hỏi và có một sự nghiệp xán lạn. Chồng con cũng là một người chính trực, chịu khó, yêu thương vợ con và tốt bụng. Đặc biệt anh Minh nhà con rất giỏi về kỹ thuật. Tất cả các con bố giờ đều đã có gia đình riêng và sinh cho ông một đàn cháu ngoan ngoãn.
Riêng với con, con rất biết ơn vì bố mẹ đã sinh ra chồng con và tạo dựng cho chúng con một gia đình nhỏ với hai cháu nội xinh xắn. Những gì chúng con có được ngày hôm nay, từ vật chất đến tinh thần, chắc chắn đều có ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ. Những tháng ngày vợ chồng con cái con được sống bên bố mẹ sẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất mà chúng con không bao giờ quên. Dù bố không được chứng kiến sự trưởng thành của Minh Anh và Quỳnh Chi, nhưng chắc chắn con sẽ kể những câu chuyện đáng tự hào của bố cho các cháu nghe. Con mừng vì Minh Anh, đứa cháu nội may mắn được sống cùng ông lâu nhất, đã đủ lớn để nhớ về ông nội. Thay cho lời kết, con xin trích vài dòng nhật ký của cháu viết về ông. Tuy còn ngô nghê, nhưng nếu nghe được, ở nơi ấy con chắc ông sẽ mỉm cười và hài lòng với cháu của ông: “Tuổi thơ tôi luôn chứa đầy những ký ức đẹp đẽ nhất về ông nội. Từ lúc đi nhà trẻ, cho đến lúc đi học, ông luôn là người bạn chia sẻ, an ủi tôi. Món quà tôi yêu thích nhất mà ông tặng tôi hồi bé là chiếc kèn bằng lá chuối. Món quà đó tuy không đáng giá nhưng đối với tôi nó là tình cảm lớn nhất mà ông dành cho đứa cháu nội bé bỏng… Tôi yêu ông vì ông và tôi có cùng sở thích trong một số món ăn như đậu rán, bò sốt vang, đồ ăn ngọt và cả bim bim nữa…”./.
Với tất cả niềm thương nhớ và lòng kính trọng!
Con dâu cả
Ngô Thu Hằng