Đôi bàn tay vàng và trái tim nhân hậu

Suốt ba mươi năm qua gắn bó với chuyên ngành Phụ sản, trực tiếp cầm dao mổ Bác sĩ Vũ Bá Quyết đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chính anh cũng không nhớ hết. Anh được nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng Ba, rồi mới đây là hạng Nhì. Danh hiệu rất đáng trân trọng của ngành Y cũng đã được trao cho anh năm 2012 đó là danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”.

Cuộc trao đổi giữa Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Vũ Bá Quyết và tôi liên tục bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại của đồng nghiệp, của bệnh nhân và người nhà của họ. Vài phút lại có nhân viên xin cắt ngang để ký duyệt các ca mổ, hội chẩn và nhiều tình huống khác nhau. Anh bận bịu tới tấp như thế là tất yếu thôi, vừa liên tục đảm nhận các ca mổ khó vừa làm công tác quản lý. Ấy là chưa kể nhiệm vụ đào tạo cho các đồng nghiệp trẻ trong và ngoài nước. Bác sĩ Quyết là con chim đầu đàn của Ngành Phụ sản Việt Nam. Công tác nghiên cứu khoa học đối với anh là một nhiệm vụ quan trọng. Cập nhật kiến thức mới, hoàn thiện các kỹ thuật hiện đại để điều trị cho người bệnh được đặt ra từng ngày, từng giờ. Chính điều này đã làm nên thương hiệu Vũ Bá Quyết, thương hiệu của Viện Phụ sản Trung ương…

Là người làm báo nhiều năm theo dõi chuyên ngành Y tế nên tôi có cơ hội lắng nghe tâm tình của rất nhiều bệnh nhân ở nhiều vùng miền khác nhau ở nước ta. Những người từng “dính” căn bệnh ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung … thường kể về Bác sĩ Quyết đối với họ như một ân nhân. Họ tin cậy anh ở đôi bàn tay vàng đã mổ và điều trị cứu sống họ, vì căn bệnh hiểm nghèo ung thư phần phụ đối với phụ nữ có tỷ lệ tử vong rất cao. Họ còn nói về anh là người rất giàu lòng nhân ái. Có những bệnh nhân nghèo lắm, suốt đời lam lũ chỉ kiếm đủ miếng ăn, nuôi con. Khi lâm bệnh chỉ biết phó thác cho số phận, đến bệnh viện không có tiền chỉ hy vọng cuối cùng là trông vào các thầy thuốc rủ lòng thương. Bác sĩ Quyết và những đồng nghiệp của anh đã không phụ lòng trông cậy của họ. Hai lần đi học Bác sĩ nội trú, học nâng cao ở cộng hòa Pháp , anh Quyết hiểu sâu sắc trong ngôn từ của người Pháp thường gọi bệnh viện là nhà thương. Anh quyết tâm xây dựng Bệnh viện Phụ sản Trung ương thành một nhà thương thực sự. Anh chi sẻ:

-Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Xã Tân Việt, Huyện Thanh Hà, Tỉnh Hải Dương. Bố tôi là bệnh binh chống Pháp, Mẹ tôi lại bị bệnh mãn tính đau ốm triền miên. Trong hoàn cảnh nghèo khó ấy đi học lên đại học, thực hiện mơ ước vào được Đại học Y Hà Nội  là  sự phấn đấu rất cao rồi. Chính vì thế mà khi trở thành bác sĩ, tôi cảm thông đến vô cùng những bà con cô bác ốm đau, mắc các chứng bệnh hiểm nghèo. Là cán bộ khoa học tôi rất hay làm từ thiện bằng chính chuyên môn của mình. Mổ cho người nghèo, cứu chữa cho họ bằng mọi khả năng mình có nên  nhiều hôm tôi mổ đến tận 21h, 22h mới nghỉ. Điều này chỉ những cộng sự cùng tôi mới biết được. Mà mình cũng không cần ai biết khi đã xác định mình làm việc vì lương tâm, vì lòng thương yêu người bệnh như ruột thịt của mình.

Rồi Bác sĩ Quyết cho biết thêm : “ Năm 2016 tôi phải đóng thuế thu nhập cá nhân tới 570 triệu đồng, năm 2017 khoản thuế ấy của tôi còn cao hơn nữa !”. Nhiều bác sĩ nghe tôi kể chuyện này đều rất kinh ngạc. Họ kinh ngạc và thán phục bởi chỉ là người trong ngành mới hiểu rằng : Đóng thuế thu nhập cao như vậy đồng nghĩa với cường độ  lao động bỏ ra trong chuyên môn, cụ thể là thức mổ phải ở mức phi thường. Biết là thu nhập cao mà không ai muốn gánh vác công việc như vậy.

Suốt ba mươi năm qua gắn bó với chuyên ngành Phụ sản, trực tiếp cầm dao mổ Bác sĩ  Vũ Bá Quyết đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm  nghèo mà chính anh cũng không nhớ hết. Anh được nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng Ba, rồi mới đây là hạng Nhì.  Danh hiệu rất đáng trân trọng của ngành Y cũng đã được trao cho anh năm 2012  đó là danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Nhưng, có một danh hiệu cao quý hơn cả mà anh hết sức tự hào và tôn thờ, đó chính là lòng yêu quý, tin cậy của người bệnh. Cuộc trò chuyện với tôi chỉ trong ít phút mà anh vẫn nhớ lại như in những người mẹ ở Lạng Sơn, hay người chị ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, họ từng bị Chorio di căn lên não và được anh cứu sống từ 10 năm trước. Nay anh dù ngập đầu công việc vẫn để ý theo dõi số phận của họ.

Chia tay anh sau những phút giây ngắn ngủi chuyện trò, tôi mở lòng :

-    Cuộc làm việc hôm nay giữa một nhà báo họ Vũ với một bác sĩ họ Vũ để có bài cho số báo của Tacphammoi.net  anh có thấy vui ?

-     Có chứ, nhưng họ Vũ chúng mình rất khiêm nhường. Có gì anh viết nấy, không khoa trương hay nói quá sự thật. Đó cũng chính là tố chất, lòng kiêu hãnh và đặc tính của người họ Vũ chúng mình !