Thi Hoàng, một phía của nhiều phía

Người ta có thể giấu được mình trong mọi thứ nhưng không thể giấu được mình trong những sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là trong ngôn ngữ thi ca. Viết một câu thơ thì có thể giấu được mình. Nhưng viết đến trăm câu thì nhà thơ đã lộ rõ. Thi Hoàng đã lộ ra hàng ngàn câu thơ của mình. Khu rừng nguyên sinh và lâu đài cổ cùng dáng vẻ một tiều phu già ít khi ra khỏi cửa rừng đã không bảo vệ được sự lẩn trốn của ông trước thời cuộc này.


Nhà thơ Thi Hoàng

 

 

Tôi đã ba lần ngồi nói chuyện với nhà thơ Thi Hoàng. Lần thứ nhất ở đâu và nói chuyện gì? Tôi không còn nhớ. Lần thứ hai ở đâu và nói chuyện gì? Tôi cũng không còn nhớ. Nhưng lần thứ ba thì tôi nhớ. Đây không phải là cách vào đề làm mọi chuyện có vẻ tò mò cho một bài viết khó khăn nhưng nhiều hứng thú của tôi về ông. Lần thứ ba tôi gặp ông là một chiều mưa phố cảng. Trời mưa dầm dề. Tôi đi qua khu vườn nhỏ của ông để vào đến ngôi nhà. Và tôi cảm giác đang đi qua một khu rừng nguyên sinh. Một cái gì đó vừa thâm u, vừa bí ẩn và vừa xa xôi dâng lên. Thi Hoàng hiện ra trước cửa ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ của ông như một tiều phu già. Tóc ông dài được buộc bằng một sợi thun đỏ hay là một sợi dây gì đó. Sự thật là như vậy. Nhưng tôi lại bị một hình ảnh khác xâm chiếm: hình ảnh một người già búi tóc. Hình ảnh không thực này lại hiện thực hơn tất cả. Hình như thi ca cũng vậy. Nó cho chúng ta chọn lựa một hình ảnh mà đôi khi như một ảo ảnh để xác lập một điều gì đó. Để rồi điều đó mãi mãi chiếm ngự ý nghĩ và cảm xúc của ta.

Ngôi nhà của Thi Hoàng ngập tràn cổ vật. Và ông, với vẻ mặt của gốm nung già, với tóc, râu cũ màu và với cách pha trà mời khách không thuộc về thời đại này đã làm ông trở nên đồng điệu với những gì quanh ông và đẩy hình ảnh ông lùi xa vào đâu đấy của quá khứ, trong đầu tôi chiều mưa ấy văng vẳng hai câu thơ của ông: Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc. Người ta đã nói quá nhiều về hai câu thơ này của ông, nhưng thực sự không nhiều người nhìn thấy ông đứng khuất sau hai câu thơ đó như một ẩn sĩ đứng khuất sau hai bức rèm. Người ta vẫn chỉ nói về tài hoa của Thi Hoàng viết về cái sự xanh kia. Nhưng đâu phải vậy. Sau hai bức rèm “thơ” cổ kính luôn luôn xao động vì gió kia là nước mắt, là máu chảy, là đau đớn, là cái đẹp và bi kịch của cái đẹp, là ý chí phi thường của số phận… Mọi người và cả Thi Hoàng có thể phản đối tôi về cảm nhận này. Nhưng thưa nhà thơ, mọi lịch trình của ông cho hai câu thơ đó không còn thuộc quyền kiểm soát của ông nữa. Nó đi qua người đọc và sinh ra một lịch trình khác. Văn bản thứ nhất là của ông nhưng văn bản thứ hai, thứ ba và bất tận lại là của những số phận khác.
Buổi chiều mưa ấy là một buổi chiều lần đầu tiên tôi suy ngẫm về ông. Ông là người ít giao du, ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, ít trà lá, bia rượu, ít lang thang đâu đó trong các quán ăn, nhà hàng, và mỗi khi chạm vào một sự luận bàn nào đó về thời thế nào đó tôi cũng cảm thấy ông khẽ co người lại như một kẻ sợ gió. Dường như ông tìm mọi cách để chống lại việc dính líu đến những việc, những lời của một người hoạt động chính trị hay xã hội. Một trong những cách có vẻ hữu hiệu nhất của ông là khu vườn giống như một khu rừng nguyên sinh và ngôi nhà ngập tràn cổ vật như một lâu đài. Và hình như, cả cái hình thức “cổ nhân” của ông cũng là nơi để cho ông chạy trốn hiện thực của thời đại. Cả cách pha trà, cách uống trà cũng là nơi để cho ông chạy trốn hiện thực của thời đại. Cả cách ông có việc ra phố hay lên Hà Nội cũng chỉ như một ảo ảnh. Liệu có phải Thi Hoàng vừa ngồi uống bia với một vài văn nhân ở cái quán đó không? Tôi không huyền ảo hoá điều gì ở ông. Nhưng tôi luôn mang cảm giác như vậy. Có một điều tôi phải thú thật dù cho ông hoặc ai đó nguyền rủa tôi. Đó là một lần ở Hải Phòng cách đây nhiều năm, khi nhà thơ Mai Văn Phấn trân trọng nhắc đến tên ông thì tôi ngớ ngẩn hỏi: “Thi Hoàng còn sống à?” ông đã giấu ông đến mức ông làm cho tôi mắc lỗi với ông. Nếu chỉ nhìn ông và nghe ông trong ngôi nhà chiều mưa phố cảng xa xăm ấy thì tôi sẽ luôn luôn nghĩ rằng ông không mảy may biết gì về đời sống đang diễn ra bên ngoài khu vườn nguyên sinh và ngôi đài cổ của ông. Bởi ở đó chỉ có một không khí tĩnh lặng, tinh khiết và đầy suy tưởng. Bởi hình như chẳng ai biết có một nhà thơ danh tiếng và thường nổi giận đang trú ngụ. Có người đã lo lắng hỏi Thi Hoàng rằng liệu những cổ vật trong nhà ông có được an toàn không? Tôi tin là rất an toàn bởi cái cổng ngõ như thế, cái cửa nhà như thế, cách bầy cổ vật như một người nông dân để cái rổ, cái rá... như thế và ngôi nhà chỉ có một người đàn ông nhỏ bé và có vẻ già nua như thế chính là ông. Tất cả những cái “như thế” cho thấy lòng tin và sự an toàn của ngôi nhà. Ông nói ông chẳng mảy may có nỗi lo lắng nào về việc mất trộm. Nhưng có một thứ mà ông càng trốn bao nhiêu thì nó lại càng dễ dàng tóm được ông bấy nhiêu. Đó chính là những hiện thực phiền muộn và đau lòng của đời sống mà ông đang sống. Nếu có một vị Chánh án hỏi tôi: người hãy cho Tòa bằng chứng, thì tôi sẽ đặt lên bàn ông ta những tập thơ gần đây của Thi Hoàng.
Người ta có thể giấu được mình trong mọi thứ nhưng không thể giấu được mình trong những sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là trong ngôn ngữ thi ca. Viết một câu thơ thì có thể giấu được mình. Nhưng viết đến trăm câu thì nhà thơ đã lộ rõ. Thi Hoàng đã lộ ra hàng ngàn câu thơ của mình. Khu rừng nguyên sinh và lâu đài cổ cùng dáng vẻ một tiều phu già ít khi ra khỏi cửa rừng đã không bảo vệ được sự lẩn trốn của ông trước thời cuộc này. Không phải bỗng nhiên tôi nói một câu có vẻ vu vơ ở trên rằng ông là một nhà thơ danh tiếng và thường nổi giận. Tôi không có ý định trích thêm bất cứ một câu thơ nào nữa của Thi Hoàng để minh chứng cho nhận định của tôi. Ông đã nổi giận trong những câu thơ tài hoa về sự suy đồi, sự giả dối và sự vô cảm của con người trong thời đại ông đang sống. Sự nổi giận ấy là nhân cách của nhà thơ. Sự nổi giận ấy theo cách dùng chữ của nhà thơ Hồng Thanh Quang là “Sự nổi giận của lương tâm thời đại”. Trước hết, nhà thơ phải có được sự nổi giận ấy. Rồi sau đó anh ta phải biến sự nổi giận ấy thành di sản của ngôn ngữ. Nó phải được thi ca hóa. Tại sao tôi lại đề cập đến sự nổi giận của ông? Là vì tôi tìm cái đối lập với sự im lặng suy tưởng của ông mà thôi.
Đối với một con người, đặc biệt đối với một thi sĩ, anh ta càng im lặng suy tưởng thì hiện thực đời sống tràn vào anh ta càng nhiều. Một nhà thơ không phải là một nhà tổ chức để sắp xếp lại nhân sự, không phải một cán bộ thuế để truy thu thuế của những kẻ trốn thuế, không phải là một người làm công tác vệ sinh môi trường để làm sạch đường phố, không phải là người đi quyên góp từng đồng để làm từ thiện... Một nhà thơ chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là gieo trồng ngôn ngữ. Thất bại duy nhất của mọi nhà thơ là chính những bài thơ của anh ta. Ngoài ra nhà thơ không có thất bại nào đáng để anh ta phải đau khổ. Điều này không phải nhiều nhà thơ thấy được và dám hiến dâng cho thi ca. Cách đây hai tuần, tôi có gọi điện để mời Thi Hoàng gửi thơ cho báo Văn nghệ. Thi Hoàng đã buồn bã thông báo rằng: khi ông quay lại nhìn những bài thơ của mình đã viết gần đây và ông thực sự thất vọng. Ông đã làm được một điều mà không dễ mấy người làm được. Ông đã làm cho tôi kính trọng.
Những gì tôi biết được về Thi Hoàng giống như tôi chỉ nhìn thấy một cạnh trong cái hình bát giác của ông. Tôi chỉ biết một phía mà cho đến bây giờ tôi cũng chỉ dám nghĩ rằng tôi cũng chỉ biết một cách mơ hồ. Tôi đã lấy sự mơ hồ của một nhà thơ để cố nắm bắt sự mơ hồ của một nhà thơ khác. Tôi cố hình dung khi ông đi qua khu vườn thì tâm hồn ông đang đi trên con đường nào và khi ông đang ngồi uống trà im lặng quanh các cổ vật thì sự suy tưởng của ông tọa ở đâu. Chỉ có những câu thơ mới có thể hé lộ một chút cho tôi biết ông là ai và đang sống như thế nào. Bởi để hiểu được một nhà thơ, chúng ta phải dùng toàn bộ thơ ca của nhà thơ đó và vừa run rẩy chạm vào chúng (cảm xúc) vừa giá lạnh mổ xẻ chúng (lý trí) để từng bước lập nên hành trình trong cảm xúc, trong hệ thống ngôn ngữ và trong sự suy tưởng mà nhà thơ đó đi qua. Bởi thế mà tôi có thể thấy được sự đau đớn có thực của Thi Hoàng trong khu vườn và ngôi nhà quá đỗi yên tĩnh của ông bằng chính những câu thơ của ông kể cả hai câu thơ tôi đã trích ở trên. Không ai có thể chạy trốn hay vượt qua được cái thời đại của mình. Nếu anh ta suy đồi thì đó là phía suy đồi của thời đại anh ta sống. Nếu anh ta cao thượng và nhân ái thì đó là phần cao thượng và nhân ái của thời đại anh ta sống. Chúng ta, dù thuộc về bóng tối hay ánh sáng, đều là hiện thực, là con tin của chính thời đại mình.
Thi Hoàng, với tất cả điều kiện và phong cách sống của ông, chúng ta sẽ nghĩ ông như một ẩn sĩ. Tất nhiên, ông là người tìm mọi cách chối từ những chuyện phù phiếm và sự háo danh. Nhưng nếu ông cũng chối từ sự nổi giận của lương tâm và những gì giả dối và suy đồi còn tồn tại trong thời đại của ông thì ông cũng tự “mai táng” mình trong quên lãng và không phải của mọi người mà của chính bản thân mình. Tôi đã đi qua khu vườn và ngôi nhà của ông và tôi đã dừng lại để suy ngẫm. Như thể đã nói thay đôi nghìn chữ của tôi về một thi sĩ. Tôi đã nhìn thấy chân dung ông trong một khoảnh khắc: một Thi Hoàng trốn trong cây lá và nấp sau những cổ vật, một Thi Hoàng búi tó và râu dài. Chỉ nhìn như thế ngỡ tưởng ông đã quên đời sống này từ lâu rồi. Nhưng khi nhìn xuống đôi chân ông thì tôi phát hiện ra đôi chân ấy đầy bụi bặm và có cả những vết cứa rỉ máu. Ông đã mượn trang phục của quá khứ để im lặng đi chân trần qua những hiện thực còn đầy gai nhọn đá sắc của kiếp người trong cuộc đời này.
Tôi đã đi qua một phía của Thi Hoàng và đã nhìn thấy một phía ấy. Mai Văn Phấn đi qua một phía khác. Đình Kính đi qua một phía khác nữa. Bùi Ngọc Tấn lại đi qua một phía khác. Dư Thị Hoàn cũng đi một phía. Hoài Khánh lại đi qua một phía khác nữa. Những gì tôi nhìn thấy Thi Hoàng có thể được cộng thêm bởi những cái nhìn khác và cũng có thể bị trừ đi bởi những cái nhìn khác. Nhưng chỉ có một thứ của ông mà không ai có thể trừ đi hay cộng thêm: đó là những bài thơ của ông.
(Nguồn: lethieunhon.com)