Người nuôi chồng và 9 con bằng nghề... viết

Sinh con chỉ vài ngày, rời nhà bảo sinh về nhà đã ngồi viết lại, viết lách như là một “cái nghiệp” giúp nhà báo, nhà văn Bà Tùng Long có tiền “nuôi đủ chín con với một chồng”.


 

 

Tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh tại Ðà Nẵng, tuổi thơ theo gia đình đi khắp nhiều tỉnh miền Trung và tốt nghiệp trung học ở trường Áo Tím (Gia Long), Sài Gòn, bà bộc lộ năng khiếu văn chương từ khá sớm. Khi còn học trung học, bà đã có bài báo, tùy bút hoặc bài dịch về các phụ nữ từ báo Pháp, gửi đăng báo Sài Thành.

Trên báo này, bỗng đăng mẩu quảng cáo “Dạy viết văn, làm thơ, dạy cả chữ Hán, theo cách hàm thụ cho những ai yêu thích văn thơ hay thích nghề làm báo, do cô Nhứt Chi Mai phụ trách”. Dù đã ghi tên học hàm thụ viết văn ở trường Universelle bên Pháp, nhưng do có bạn bè rủ rê, cô nữ sinh Bạch Vân đã gửi thư xin học, từ đó nảy sinh mối tình đẹp và độc đáo trong làng báo Việt Nam.

Thư đi thư lại, bà nhanh chóng biết “cô Nhứt Chi Mai” là đàn ông, rồi biết rằng đó chính là nhà báo nổi tiếng Hồng Tiêu (Nguyễn Ðức Huy). Còn ông, cũng tìm cách đến nhà xem mặt và biết rằng, bà là cô gái không chỉ giỏi giang mà còn rất xinh đẹp.

Ðể đến được với nhau, ông bà đã phải vượt qua rất nhiều ngăn cản của gia đình bà, vì ông trước đó đã từng có một người vợ không chính thức và có ba con, nhưng sau đó chia tay, ông đưa con về cho chị dâu là bà Bút Trà, chủ báo Sài Gòn Mới nuôi giúp. Còn từ khi cưới bà về với đám cưới rất long trọng, thì ông không dám dạy ai nữa!

Dù bà kém ông 13 tuổi, nhưng hai ông bà sống với nhau hết sức hạnh phúc. Từ năm 1952, bà tham gia dạy Việt văn và Pháp văn tại các trường tư thục như Ðạt Ðức, Tân Thịnh, Les Lauriers, sau để tăng thêm thu nhập, bà bắt đầu viết truyện cho các nhật báo. “Vì anh chồng tôi (ông Bút Trà - Nguyễn Ðức Nhuận) làm chủ báo, các cháu tôi cũng có đứa làm chủ nhiệm báo tuần, nên tôi có đất để hoạt động”, bà kể lại.

Bước vào làng báo, bút danh của bà cũng do ông đặt cho, chữ Tùng Long là theo câu “Vân tùng Long, Phong tùng Hổ” (mây theo rồng, gió theo hổ).

Từ đó, bà trở thành nguồn lao động chính của gia đình, do ông Hồng Tiêu không muốn viết báo với Pháp, Nhật và Mỹ. Khi bà đã nổi tiếng, ngồi viết bài cạnh giường ông, có chữ gì không rõ nghĩa, nhất là từ Hán Việt, hoặc điển tích gì khó hiểu, bà hỏi, ông đều giải thích thông suốt. Còn ông Hồng Tiêu thì coi bà là quyển từ điển tiếng Pháp của ông. Lúc ông còn viết báo, khi cần hỏi tên một tỉnh thành nào đó bên Pháp hay một nhân vật nào đang làm Tổng thống ở bên châu Âu, ông chỉ cần hỏi bà là ra. Quả là một cặp vợ chồng trời sinh!

Bà đánh giá, thời kỳ thành công và phồn thịnh nhất trong sự nghiệp của mình là từ năm 1957 đến năm 1963. Lúc còn đi dạy, mỗi tháng lương bà được 10.000 đồng, lúc bấy giờ bằng hai lượng vàng. Tiền viết cho báo Phụ nữ Ngày mai và Phụ nữ Diễn đàn cùng Văn nghệ Tiền phong được 15.000 đồng, tiền viết hai mục ở báo Tiếng Vang là 12.000 đồng. Tiền lĩnh ở báo Sài Gòn Mới cũng 12.000đồng. Tính ra vàng là cả chục cây. Nhờ đó, bà có đủ tiền đề mua căn cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi tập trung rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Có tiền, bà có thể mua thang thuốc “Thập toàn đại bổ” có giá cả lượng vàng ngâm rượu cho chồng uống, mua trà Thiết Quan Âm đắt tiền cho chồng thưởng thức hoặc chiều những thói quen phong lưu khác của ông.

Bà tự đánh giá, danh tiếng của bà xây dựng trong lòng bạn đọc là nhờ vào mục Gỡ rối tơ lòng và Tâm tình cởi mở mà bà giữ trên hai báo hằng ngày Sài Gòn Mới và Tiếng Vang. Ngoài ra, tên bà nổi bật khắp miền Nam nhờ những tiểu thuyết về đề tài xã hội, với nhân vật chính là những người phụ nữ bình dân hết sức gần gũi với các tầng lớp lao động, như Bóng người xưa, Mẹ chồng nàng dâu, Giang san nhà chồng…

Trong vòng 40 năm, bà đã viết gần 400 truyện ngắn và 60 truyện dài, tiểu thuyết đã xuất bản. Nhuận bút mỗi cuốn sách của bà trung bình khoảng 70.000 - 100.000 đồng/cuốn, lúc giá vàng là 5.000 đồng/lượng.

Sau giai đoạn phồn thịnh, đến lúc phải nuôi cả 9 người con đi học ở đủ các cấp, số tiền kiếm được bắt đầu eo hẹp so với chi tiêu, bà chỉ còn cách viết ngày viết đêm để nuôi gia đình.

Theo nhà văn Nguyễn Ðông Thức, con trai Bà Tùng Long, mỗi ngày trừ hai buổi sáng trưa ngồi hầu trà với chồng, và khoảng chục phút đọc báo, nghe đài, xem tin tức trên tivi, hầu hết thời gian hoạt động của bà đều dành cho việc phục vụ chồng con và viết lách. Ðêm nào bà cũng chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không một ngày du lịch nơi đâu. Cứ hết ba trang feuilleton (truyện dài kỳ đăng lần lượt trên báo) cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác. Các tòa báo tự cho người đến nhà bà lấy bài về đăng mỗi ngày.

Chính vì thế, có lúc bà viết cùng lúc bốn tiểu thuyết dài kỳ cho bốn tờ báo. Nhà văn Nguyễn Ðông Thức, hồi tưởng trong cuốn Ði qua nước mắt nụ cười: “Nhiều hôm ngủ một giấc thức dậy, tôi vẫn thấy mẹ cặm cụi ngồi viết, tiếng bút Bic chạy rào rào trên giấy. Sức “cày” đó, suốt đời tôi không chạy theo kịp và cũng khó có nhà văn nam nào làm việc bằng”.

Hồi ký Bà Tùng Long.

Sau năm 1975, nhiều tiểu thuyết của Bà Tùng Long tiếp tục được in và được công chúng đón nhận. Bà mất năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 90 tuổi. Ông Hồng Tiêu cũng thọ 85 tuổi, ông mất năm 1985.

“Tôi không dám cho mình là một nữ văn sĩ vì tôi viết văn để nuôi con”

Bà TÙNG LONG

Trong 40 năm cầm bút, ngoài viết báo hằng ngày, Bà Tùng Long có gần 400 truyện ngắn và 60 truyện dài, tiểu thuyết.

 

TIÊN LONG