Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - chẳng lẽ đời dễ quên ông vậy sao?
Lâu nay khán giả cả nước đã được nghe nhiều ca sĩ thể hiện rất hay làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh “Giận mà thương”. Nhưng dù trên sân khấu hay trên sóng đài Phát thanh truyền hình, khi giới thiệu ca khúc này người ta không được nghe nhắc đến tên tác giả? Nhiều người không hiểu nguồn gốc xuất xứ và nó ra đời trong văn cảnh nào? Hầu như ai cũng nghĩ đây là làn điệu cổ, mà không biết rằng nó ra đời khoảng 50 năm nay và có chủ nhân đích thực. Tìm đến những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực Dân ca ví dặm của tỉnh, tôi ngộ ra nhiều điều…
“Giận mà thương” là lời trích trong vở kịch ngắn “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong viết vào những năm đầu của thập kỷ 70. Vở kịch là câu chuyện của vợ chồng một nông dân xứ Nghệ, khi mà Ban đội (cán bộ HTX) đi vắng, anh chồng tranh thủ đi buôn một chuyến lên chợ Lường, Đô Lương.
Thời bao cấp, đi buôn là một vấn đề lớn, nghiêm trọng lắm. Người vợ khuyên nhủ chồng không nên vi phạm... Khi dàn dựng, đến tình huống này, không có làn điệu nào phù hợp để diễn tả dược trạng thái tâm lý, cảm xúc, giữa lý trí và tình cảm, giữa cái chung và cái riêng của 2 vợ chồng. Sau mấy ngày bí, Nguyễn Trung Phong đã “tạo” ra một làn điệu mới để diễn tả tình huống kịch này. Đó là làn điệu “Giận mà thương”, cho đến nay nó đã đi vào đời sống dân gian.
Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh, Diễn Châu, mất năm 1990. Ông nguyên là Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, là người không qua một trường lớp đào tạo về chuyên môn nhạc và kịch, nhưng đã viết những vở kịch sân khấu nổi tiếng một thời.
Tác phẩm sân khấu lớn nhất của ông là kịch bản chèo “Cô gái Sông Lam”, đoạt HCV hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962. Tối 27/5/1962 đoàn chèo Nghệ An được mời vào Phủ Chủ tịch công diễn, ngay sau đó Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.
Từ một vở chèo, năm 1974 “Cô gái Sông Lam” được chuyển thể sang kịch hát. NSƯT Thanh Lưu, nhạc sĩ Văn Thế, NSƯT Đình Bảo là những người đầu tiên đưa “Cô gái Sông Lam” về âm điệu gần gũi hơn với người dân xứ Nghệ, trở thành biểu tượng về tâm hồn, cốt cách của người Nghệ.
Trải qua gần nửa thế kỷ, những vai diễn một thời như Song Thao, Đình Tân, Viết Cự, Kim Tân… và Nguyễn Trung Phong, những nghệ sĩ góp phần làm nên một “Cô gái Sông Lam” đặc sắc ngày ấy sẽ sống mãi trong lòng người dân và lịch sử sân khấu của Xứ Nghệ.
Từ nhiều vở kịch và sân khấu của Nguyễn Trung Phong mà sau này nhiều thế hệ nhạc sĩ đã bổ sung, cải biên và chuyển thể thành một số làn điệu Dân ca Ví dặm, như: Hát khuyên, hát Ví đò đưa, hát Dặm… làm phong phú thêm kho tàng Dân ca Xứ Nghệ.
Là người làm công tác văn học nghệ thuật, lại đang có ý tưởng viết về vùng đất văn chương khoa bảng - Diễn Châu. Tôi về Diễn Minh, hỏi thăm đến nhà Nguyễn Trung Phong, đến đây được biết thêm, gia đình ông có 4 người đều là những văn nghệ sĩ, là tác giả kịch bản nổi tiếng một thời của Nghệ An: Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Trung Đính và Nguyễn Trung Giáp. Nhắc đến 4 ông, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh ở độ tuổi sáu, bảy mươi ít ai không biết.
Căn nhà cấp bốn nằm giữa xóm, giờ chỉ còn bà Nguyễn Thị Sửu (86 tuổi) vợ ông ở một mình, hương khói cho ông. Các con ông đều đi làm xa, đến ngày giỗ, ngày Tết mới về… Thắp nén hương viếng ông, nhìn trên bàn thờ có hai khung ảnh, bên cạnh bức chân dung viền đen là một bức ảnh đen trắng đã đổ màu không còn rõ nét. Bà nói: “Ngày sắp ra đi, ông dặn cậu con trai đầu vô trong ty Văn hóa tìm chụp lại bức ảnh Bác Hồ tặng huy hiệu cho ông và nhớ đặt lên bàn thờ khi ông mất”.
Miệng bỏm bẻm nhai trầu, một thoáng im lặng bà Sửu nhìn tôi nói có ý trách móc: “Sau ngày ông ấy đi đến nay, anh là cán bộ trong ty đầu tiên về thắp hương cho ông ấy. Từ ngày có lễ chùa Cổ Am, năm nào ngày lễ nghe nói trong tỉnh về đông lắm, rứa mà có ai ghé qua thắp cho ông nhà tui một que hương mô! Mà lại oan cho tui, hàng xóm coi ti vi thấy diễn và hát những bài của ông Phong, họ lại đến hỏi thăm và cứ tưởng tui nhận được tiền nhà nước trả cho ông ấy…”. Tôi hiểu ý bà muốn nói về bản quyền tác giả, nhưng không diễn đạt được.
Những câu chuyện của bà cụ như xoáy vào tôi, định nói với bà một điều gì đó, nhưng tôi không thể! Chẳng lẽ người ta lại thờ ơ với một con người như ông Phong, người đã có tác phẩm để đời, người đã cống hiến và góp phần tạo dựng nền Dân ca ví dặm ngày nay để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Trở lại bàn thờ ông, rồi chia tay bà với những lời động viên chia sẻ, dọc đường về tôi chợt nhớ trong bài viết của mình NSƯT Đình Bảo có nhận xét: “Ông là một người hiền hậu và tài năng, là người viết kịch giỏi nhất của Nghệ Tĩnh trong những năm chống Mỹ cứu nước…”.
Lại nhớ cái lần nhạc sĩ An Thuyên về làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật, chào mừng Vinh đón nhận quyết định đô thi loại 1. Ở Quảng trường Hồ Chí Minh, trong câu chuyện giữa mấy anh em, khi Cao Xuân Thưởng nhắc đến Phan Lương Hảo (tác giả vở Vua Mai và Nguyễn Trung Phong, tác giả vở Cô gái Sông Lam) thì An Thuyên tiếc nuối: “Nguyễn Trung Phong xứng đáng được tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhưng rất tiếc cho đến nay những đóng góp của ông vẫn chưa được ghi nhận”…
Vậy đến bao giờ và cá nhân, tổ chức nào sẽ làm tiếp việc này? Nguyễn Trung Phong, chẳng lẽ đời dễ quên ông vậy sao?
Tin cùng chuyên mục
Vườn Cổ tích Tâm Việt- Bài 1
12/11/2018
Thiên tài nhí ẩn bóng sau hình hài trẻ tự kỷ
08/11/2018
“Thần Đèn” Đỗ Quốc Khánh- Ông là ai?
29/10/2018
Thùy Dương xứ Nghệ
19/10/2018