Vườn Cổ tích Tâm Việt- Bài 1
Chúng tôi gọi cơ sở dạy kĩ năng cho trẻ tự kỉ của Tâm Việt Group là “Vườn Cổ tích Tâm Việt” vì nơi đây đã làm được những việc thần kì, như là chuyện cổ tích vậy. Câu chuyện về số phận, về gia đình, về quá trình học tập, rèn luyện của những đứa trẻ tự kỉ tại “Vườn cổ tích Tâm Việt” cũng như những chuyện cổ tích.
Tacphammoi.net lần lượt kể những câu chuyện “cổ tích” ở “Vườn cổ tích Tâm Việt”.
Chuyện1.CẬU BÉ TỰ KỈ KHÔNG BIẾT ĂN CƠM TRỞ THÀNH NHÀ KỈ LỤC VIỆT NAM
Gần đây, trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình giới thiệu về một cậu bé tự kỉ khiến dư luận sửng sốt: Sau hơn 1 tháng rèn luyện kỹ năng tại Tâm Việt, cháu Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi (tháng 5/3017), đã được Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam trao bằng “Kỷ lục gia” với thành tích đứng thăng bằng trên 3 con lăn, đội chai nước trên đầu và tung hứng 6 bóng với thời gian lâu nhất. Điều kỳ lạ ở cậu bé này là lên 7 tuổi vẫn không biết ăn cơm.
Trước Khánh Hưng, Tâm Việt đã đào tạo Nguyễn Khôi Nguyên trở thành “Kỉ lục gia” với thành tích: “Cậu bé tự kỉ đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất”
“Con sẽ đạt kỷ lục thế giới”!...
Gặp Khánh Hưng, tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy cháu nhanh nhẹn, nói nói năng lưu loát, khôn ngoan hơn đứa trẻ cùng lứa tuổi, không thể tin cháu bị chứng tự kỉ. Thoạt tiên, khi biết ý định của tôi tìm hiểu viết bài, Khánh Hưng hỏi:
-Bác đã xem anh Khôi Nguyên biểu diễn trên tivi chưa? Chương trình “Điều ước thứ Bảy” í...
-Bác xem rồi. Anh Khôi Nguyên giỏi quá!
Khánh Hưng ngước nhìn tôi, đôi mắt tinh nhanh chớp chớp qua tròng kính, nom rất ngộ:
-Con sẽ vượt anh Khôi Nguyên. Con sẽ đạt kỉ lục thế giới!
Khôi Nguyên thì quá nổi tiếng rồi! Tôi biết Khôi Nguyên cách đây vài năm, khi Tâm Việt còn ở phố Đội Cấn. Tôi nhớ, lần đầu gặp Khôi Nguyên tôi đã rất ngạc nhiên và thương cảm khi thấy cậu bé chừng 13 tuổi, gương mặt ngây ngô, các đầu ngón tay nham nhở những vết thương. TS. Phan Quốc Việt- Chủ tịch Tâm Việt Group giới thiệu:
-Bạn này bị chứng tự kỉ, theo học lớp kĩ năng sống của Tâm Việt. Kết thúc lớp học, các bạn trở lại trường phổ thông, còn lại mỗi bạn này…
-Tay của cháu ấy bị làm sao vậy, anh?
-Bạn ấy tự cắn vào tay mình đấy. Mỗi khi lên cơn, bạn ấy thường có hành động điên rồ như vậy khiến các thầy cô giáo ái ngại, không nhận bạn ấy vào lớp nên tôi giữ bạn ấy ở lại đây đào tạo theo cách của tôi.
Bây giờ tôi mới biết về cách đào tạo trẻ tự kỉ của Tâm Việt gồm nhiều nội dung mang tính khoa học và thực tiễn cao, trên thế giới chưa nơi nào áp dụng. Nhưng ngày ấy tôi chỉ biết, TS. Phan Quốc Việt dạy Khôi Nguyên bằng cách cho tập tung bóng và tập đứng trên những con lăn chồng lên nhau. Đang tập tung bóng, thấy tôi, Khôi Nguyên hỏi “Chú ơi, chú tên gì? Nhà chú ở đâu?”. Lúc sau Khôi Nguyên lại hỏi “Chú ơi, chú tên gì? Nhà chú ở đâu?”. Nhìn gương mặt dài dại, cách hỏi ngây ngô của Khôi Nguyên, tôi nghĩ bụng, bài tập tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn của TS. Phan Quốc Việt chẳng qua là trò chơi để Khôi Nguyên bớt nghịch dại mà thôi?!
Nhưng tôi đã nhầm! Mới đây, tôi vô cùng kinh ngạc khi biết tin Khôi Nguyên đã trở thành kỷ lục Việt Nam. Khôi Nguyên còn được tham gia Hội nghị các tổ chức kỷ lục thế giới lần thứ 2. Trên truyền hình, chuyên gia xiếc nhận xét, nhiều bài tập khó mà Khôi Nguyên thực hiện, đối với diễn viên xiếc chuyên nghiệp phải đào tạo 7 năm và tập huấn ở nước ngoài chưa hẳn đã làm được.Thành tích của Khôi Nguyên xứng tầm kỷ lục thế giới. Nhưng chuyện về Khôi Nguyên tôi sẽ kể sau, bây giờ tôi kể tiếp câu chuyện “cổ tích” của Khánh Hưng.
“Con sẽ vượt anh Khôi Nguyên. Con sẽ đạt kỉ lục thế giới!”-Thật khó tin lời nói của một đứa trẻ tự kỉ 8 tuổi mà quyết vượt qua thành tích của đàn anh. Nhưng ta hãy suy luận, để đạt thành tích kỷ lục Việt Nam, Khôi Nguyên đã mất 5 năm khổ luyện; còn với Khánh Hưng, mới chỉ tập hơn một tháng đã đạt Kỉ lục Việt Nam. Hôm đến Tâm Việt tác nghiệp, trước các nhà báo, Khánh Hưng giải thích: “Thói quen của mọi người luôn nghĩ rằng việc tung bóng trên con lăn rất khó thì nó sẽ khó thật và không làm được. Còn con cho rằng, việc đó chẳng có gì là khó cả, nên con làm được”. Một đứa trẻ 8 tuổi mà suy nghĩ lập luận như vậy thì sao ta lại không tin, Khánh Hưng sẽ trở thành một thiên tài!
Con chung của Tâm Việt
Khánh Hưng sinh ngày 8/4/2010 tại ngõ Hồng Phúc, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm lên 6 tuổi, Khánh Hưng vào lớp 1. Ở lớp, Khánh Hưng có những biểu hiện khác thường như vô cớ đánh bạn, đánh cả cô giáo. Điều kì lạ là lên 7 tuổi, Khánh Hưng vẫn không biết ăn cơm; chỉ uống sữa, ăn bim bim, thỉnh thoảng ăn bún và một vài thứ bánh khác. Khi bắt ăn cơm, Khánh Hưng trở lên dữ tợn, gào thét, cào cấu, đạp vào người các cô giáo. Những hành động kì quặc khác thường của Khánh Hưng khiến các cô giáo nghĩ đến chứng tự kỉ của cháu và đề nghị gia đình cho cháu đi khánh bệnh. Quả nhiên, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chứng tự kỉ. Mẹ cháu là người dân tộc Sán Dìu, không biết chữ nên chỉ biết đưa Khánh Hưng đến học lớp trẻ tự kỉ của chị Mai Phượng. Hoàn cảnh của Khánh Hưng rất khó khăn. Bố mẹ Hưng có 3 con, Hưng là út. Mẹ Hưng bán hàng ăn tại nhà; bố Hưng làm nghề cứu hộ xe cơ giới. Cuộc sống của gia đình Hưng tuy vất vả nhưng cũng tạm ổn. Đột nhiên, bố Hưng đi theo một ông thầy cúng rồi phát điên, mỗi lần lên cơn là đánh đập chửi bới vợ con. Năm 2017, Khánh Hưng 7 tuổi. Qua giới thiệu của cô Mai Phượng, Khánh Hưng được mẹ đưa đến Tâm Việt và ở luôn tại đây. Biết tin, bố Hưng lên Tâm Việt chửi các thầy cô rồi đón Hưng về nhà. Nhưng về nhà, Hưng không được chăm sóc, chữa bệnh tử tế. Thậm chí, khi lên cơn, bố Hưng đánh đập, đuổi mẹ con Hưng ra khỏi nhà. Không có việc làm, không có tiền chữa bệnh cho con, mẹ Hưng đành gọi điện cho TS.Phan Quốc Việt trình bày hoàn cảnh và mong muốn được đưa Hưng trở lại Tâm Việt. Trước tình cảnh đó, thầy Phan Quốc Việt nhận Hưng trở lại Tâm Việt và miễn học phí cho Hưng. Thầy Việt còn tuyên bố “Hưng là con của Tâm Việt”. Từ đó, Hưng trở thành đứa con của các thầy cô giáo Tâm Việt. Các thầy cô giáo ở đây, dù chưa có gia đình, Hưng vẫn gọi là bố, mẹ, xưng con. Vào ngày lễ, các bạn về nhà, còn Hưng cũng có nhà nhưng không dám về. Mỗi khi có ai hỏi: “Nhà con ở đâu?” Hưng trả lời: “Nhà con ở Tâm Việt Phú Xuyên, Hà Nội”.
Từ bài học đầu tiên- tập ăn cơm!
Nhóm nhà báo tác nghiệp ở Tâm Việt hôm ấy có mấy phóng viên Truyền hinh Quốc phòng. Khi tôi đang mải chụp ảnh, đột nhiên nghe tiếng thầy Việt gay gắt:
-Không quay nữa! Tháo gỡ hết băng đi!
Tôi phát hoảng. Lâu nay thầy Việt luôn tôn trọng các nhà báo. Thầy còn là cộng tác viên thân thiết của hàng chục tờ báo. Không hiểu hôm nay các phóng viên truyền hình đã làm điều gì khiến thầy phật ý, nổi nóng? Tôi vội đi về phía đám đông. Mấy phóng viên vẫn tập trung ghi hình, dường như không quan tâm đến yêu cầu của thầy Việt. Thầy Việt đi chân đất, đứng trước mặt Khánh Hưng, xuống giọng:
-Thôi, tôi không cho tháo băng nữa. Anh vào tập với các bạn đi!
Khánh Hưng quệt nước mắt, miệng lí nhí:
-Con xin lỗi thầy ạ. Con tập ngay ạ.
Thì ra, đó là biện pháp rắn của thầy Việt đối với học sinh cá biệt như Khánh Hưng. Thầy Việt nói với tôi:
-Giáo dục học sinh tự kỉ phải vậy, ông ạ. Quát tháo, chửi mắng các con là thất bại. Muốn các con tiến bộ, các con tin yêu, trước hết, các con phải được tôn trọng, được đối xử bình đẳng như con một nhà; các con cần được cổ vũ, được chia sẻ. Như anh Hưng này, ngày mới đến đây, ghê lắm đấy…
Rồi thầy Việt kể: Những ngày đầu vào Tâm Việt, bài học đầu tiên của Khánh Hưng là tập …ăn cơm. Mấy cô giáo bón cơm cho Hưng bị Hưng phì cơm vào mặt, rồi Hưng đánh, đạp, la hét dữ dội. Thấy các cô khổ quá, tôi gợi ý cho Hưng tập ăn cơm trộn sữa. Với kinh nghiệm và tình yêu thương của cô giáo, chỉ trong mấy ngày, Hưng ăn được những thìa cơm đầu tiên, rồi đến ăn rau, ăn trái cây. Tay chân Hưng hay cào gãi lung tung, ngồi không yên nên trong giờ họp, cô giáo thường để vào tay Hưng 2 chai nước cho em cầm.
Tiếp đó là những bài tập chuyên biệt dành cho Hưng: Đội chai, tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh. Nhờ sự kiên trì của các thầy cô, Hưng rèn được tính tập trung, biết ngoan ngoãn nghe lời và đặc biệt phát huy được tính sáng tạo thông minh vốn có của mình. Chỉ hơn một tháng học tập rèn luyện, Hưng đã đạt thành tích Kỉ lục Việt Nam như các anh đã biết.
Các thầy, cô giáo ở Tâm việt cho biết thêm, Khánh Hưng còn tháo vát, biết sửa chữa các thiết bị cơ khí bị hư hỏng. Mỗi khi các thầy cô mua máy về mà không biết cách tháo lắp thì giao cho Khánh Hưng. Thậm chí, có thầy mua cái xe đạp về, lắp mãi không được, phải nhờ đến Khánh Hưng. Ở Tâm Việt, Hưng được cùng các thầy cô đi nhiều nơi, từ khách sạn 5 sao đến các khu resort, về cả các trường nông thôn, vùng núi Thái Nguyên, Bắc Giang, …. để biểu diễn và truyền cảm hứng cho các bạn học sinh.
Khi hỏi về định hướng tương lai cho Khánh Hưng,TS.Phan Quốc Việt chia sẻ: Tâm Việt sẽ đào tạo Khánh Hưng trở thành một diễn giả truyền lửa sống khát vọng hàng đầu Việt Nam. Kì lạ thay! Một cậu bé không chịu nói, chỉ biết gào, thét mà hơn một năm đã được Tâm Việt đào tạo không những trở thành Kỉ lục Quốc gia mà còn khôn ngoan, tháo vát, ứng đáp sắc bén, có thiên hướng là là diễn giả trong tương lai thì chỉ có chuyện cổ tích!
Tác gải bài viết: Cao Thâm