Viết về cha
VIẾT VỀ CHA
Nguyễn Thị Hương (Tp. Hồ Chí Minh)
Kính tặng cha
Trong những lúc đớn đau, tưởng như có thể gục ngã, hình ảnh Cha lại hiện về và tiếp sức cho con. Cha là ánh sáng, là niềm tin để con và các con con vững bước trên đường đời.
Cha là người đàn ông tinh tế nhất, dịu dàng như một người mẹ, nhưng cũng mạnh mẽ nhất, dũng cảm nhất khi dìu dắt gia đình mình với một đàn con thơ dại, một người vợ ốm đau đi qua giông bão cuộc đời.
Ngày xưa nhà mình nghèo lắm, ngày xưa thời bao cấp không ai tổ chức sinh nhật. Nhưng cha vẫn làm những con búp bê bằng vải vụn cho con lúc con bé tí. Năm con 17 tuổi, lần đầu tiên con được tặng hoa sinh nhật, không phải từ một hoàng tử trong mơ, không phải là những bông hồng đắt giá, cha mua cho con những bông đồng tiền đơn giản dị. Những bông hoa đó theo con suốt cả cuộc đời. Sau này, dù con đã có gia đình, con đã thành người đàn bà buồn bã và đa cảm, sinh nhật con, cha vẫn nhất định phải đi mua hoa tặng con. Con nhớ, có một lần, cả nhà bận quá quên sinh nhật con. Qua đi hai ngày, cha mới nhớ ra và cha đã biến nó thành một câu chuyện vui cười nhất.
Mẹ ốm liệt từ lâu, mẹ hay gắt cha con mình. Vậy mà lúc nào cha cũng chiều và dịu dàng với mẹ. Con là con gái nhưng con chả được dịu dàng, có lúc con nói hỗn lại với mẹ. Cha lại ngồi tâm sự với con, cha bảo: “Con thử hình dung xem, nếu con cũng ngồi một chỗ như mẹ, con sẽ khó chịu thế nào? Mẹ con gắt gỏng thế thì con phải thương mẹ hơn chứ, sao con lại nói thế với mẹ?”. Câu nói của cha làm nước mắt con chảy dài trên má, từ ngày ấy con không gắt với mẹ nữa.
Ngày bao cấp, mọi người đều sống bằng tem phiếu, lệ thuộc vào tem phiếu. Mẹ ốm, các anh chị đi học xa. 13 tuổi, con đã phải thay mẹ chăm lo gia đình. Con đi mua thực phẩm và đánh mất hết tem phiếu, về nhà con ôm mẹ và hai mẹ con khóc nức nở. Khi cha về, cha biết chuyện, cha cười và nói: “Con làm một cái bảng, đeo vào lưng, lên chợ đi một vòng, thế nào bọn ăn cắp nó cũng trả cho con”. Cha nói câu đó một cách tỉnh bơ và hài hước đến mức con tưởng thật, cả nhà phá ra cười và chuyện con bị mất cắp, làm cả nhà bị đói biến đi như chưa bao giờ có. Đến giờ, bươn chải cuộc đời, con vẫn không hiểu làm sao cha có thể đối diện mọi chuyện khó khăn nhẹ nhàng như vậy, con vẫn không hiểu sao cha dìu dắt được cả gia đình qua cơn đói đó.
Con đến tuổi dậy thì, cha lo lắng cho con. Cha không thể thay người mẹ chỉ bảo cho con những việc rất nữ tính của phụ nữ. Nhưng sự lo lắng của cha thì thật cảm động. Nhưng buổi con đi làm ca chiều về muộn, con thấy cha đứng ở đầu ngõ bồn chồn đợi con trong cái lạnh cắt da cắt thịt của Hà Nội. Thấy con về là cha mừng rỡ, khi vào nhà bao giờ cũng có phích nước nóng cho con. Chưa bao giờ cha mắng con một lời về tội về nhà muộn, nhưng không bao giờ con dám về khuya cả.
Con có bạn trai, cha tiếp đón bạn của con thật nhẹ nhàng chu đáo, con không bao giờ phải lén lút hẹn hò với bạn như mấy đứa bạn của con. Nhưng các bạn trai của con rất sợ cha, sợ và kính trọng. Con gái cha đoàng hoàng hơn trong mắt bạn bè.
Ngày con đi lấy chồng, cha dặn con: “Con về nhà chồng, phải đối xử với bố mẹ chồng và anh em nhà chồng thật tốt, bởi đấy mới là chỗ dựa cho con, nhà mình ít người, con có thêm người yêu thương thì cha mới yên tâm”. Lời dặn ấy của cha theo con đi suốt cả cuộc đời. Không chỉ với nhà chồng, với anh em bè bạn con cũng cố sống hết lòng, để có thêm bạn bè yêu quí con, cho cha được yên lòng.
Ngày con trai con vào đại học, nó bắt đầu có bạn gái. Khi chồng con gầm gào lên vì chuyện yêu đương của nó. Cha lại chỉ gọi hai vợ chồng vào và nói: “Con trai con 20 tuổi rồi, nó yêu đương là chuyện bình thường, bạn gái nó cũng là đứa có học, ngoan ngoãn, con nhà tử tế, sao con cấm nó”. Rồi cha lại nói thêm: 20 tuổi mà nó chưa có người yêu thì cha mới lo?
Trong cuộc sống, con luôn nhìn thấy những người đàn ông dùng đồng tiền và bạo lực để tạo quyền uy. Con không tin rằng họ tạo được quyền uy thực sự. Con không bao giờ tin rằng họ là người đàn ông mạnh mẽ.
Cha chưa bao giờ dùng bạo lực với mọi người, con cũng chưa bao giờ nhìn thấy cha giàu có, nhưng con tin ai đã gặp cha đều kính phục cha. Cha chính là người đàn ông đích thực. Người đàn ông mạnh mẽ và đầy quyền uy.
Giàn trầu không
Nói “con chưa bao giờ nhìn thấy cha giàu có” cũng không chính xác lắm. Kỉ niệm sâu sắc mà con nhớ về cha là lúc con còn bé lắm, mỗi sáng cha bế con đi uống cà phê. Con nhớ con đường bê tông rất nhỏ và rợp bóng cây, con mặc những chiếc váy rất đẹp. Quán cà phê cha ngồi cũng rất nhỏ, con nhớ cả góc bàn quen cha ngồi, con nhớ cả hình ảnh ông chủ quán gầy gò lấy một chút xíu bơ cho vào ly cà phê của cha, bơ tan ra thành những vòng nhóng nhánh trên ly cà phê, mỗi lần nhìn thấy chút xíu bơ tan ra ấy là con lại đòi uống cà phê và cha bảo: "Con còn bé không uống được". Sau này lớn lên, con vẫn cứ ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao lúc ấy chưa đầy 3 tuổi mà con lại nhớ hình ảnh ấy đến thế, có phải vì nó được lặp đi lặp lại hàng ngày không? Khi con kể lại với cha kỉ niệm đó, cha bảo ông chủ quán cà phê tên là Chi, rồi cha lại thở dài: "Không biết bây giờ ông ấy như thế nào?".
Kỉ niệm về thời kì vàng son đó chỉ đọng lại trong con có vậy thôi. Còn khi con có trí nhớ thì nhà mình đã sa sút lắm rồi. Hình ảnh gắn liền với cuộc đời con là giàn trầu không cha trồng cho mẹ. Nhà mình nhiều thăng trầm lắm. Khi cha mẹ từ nước ngoài về, gặp thời loạn lạc, của cải mất hết, nhà mình phải sống chen chúc trong căn nhỏ cùng những tiếng chửi con của người đàn bà điên, phải đi sơ tán ở quê thời giặc Mỹ, rồi vài bận chuyển nhà, đến đâu cha cũng tìm một chút xíu đất thôi để trồng cho mẹ giàn trầu không. Trầu không là loại cây khó trồng, nhưng khi đã bén rễ thì chỉ cần một bức tường là nó sống và sống khỏe, bởi trầu không sống bằng vôi. Mẹ nghiện trầu nặng, mà lại là người khó tính và cầu kì trong việc ăn uống, trầu của mẹ ăn nhất định phải là trầu quế, lá trầu nhỏ, dày và cay. Nhờ giàn trầu của cha, 26 năm mẹ ốm liệt giường nhưng không bao giờ thiếu trầu cả. Con nhớ vào tiết đông, sương muối, trầu chết nhiều, cha cặm cụi che giàn trầu nhà mình nên cây trầu lúc nào cũng tốt. Lúc ấy, trầu quanh vùng chết hết, trầu ngoài chợ Hà Nội đắt hơn vàng (cách ví von của mấy người ăn trầu), vậy là cha lại bảo con hái trầu đem biếu các bạn ăn trầu của mẹ, nhà mình nghèo rớt mùng tơi, những lá trầu đó cũng đủ để mua rau thịt trừ bữa, nhưng không bao giờ cha mẹ cho con bán trầu cả, trầu này chỉ để biếu bạn bè. Lúc trầu hiếm, ngoài chợ không có trầu, mấy bà già mách nhau nhà mình có giàn trầu liền tìm đến hỏi mua, cha mẹ lại bảo con ngắt trầu ra biếu dù không biết họ là ai… Cứ thế mẹ con ốm liệt một chỗ mà không bao giờ thiếu bạn, lúc nào nhà cũng đầy ắp tiếng cười… Bây giờ cuộc sống đầy đủ rồi, cứ về lại căn nhà xưa là con nhớ đến giàn trầu của cha, đã vài lần con thử trồng lại nhưng con chẳng có duyên, trầu không sao lên được…
Mẹ thường kể với con, ngày xưa cha cũng lãng tử lắm, rất nhiều cô mê cha (cười), và mẹ con cũng phải khá cao tay mới giữ được cha. Mẹ kể ngày xưa cha nghiện đủ thứ: Rượu, trà, thuốc lá, cà phê… Mà cái gì cũng phải là đồ ngon, thật tinh tế. Con là đứa con út, cha mẹ sinh con khi tuổi đã cao nên con yếu ớt lắm. Con bị hen, mỗi khi lên cơn là không thở được, cha thương con, bế con lên và vuốt lưng cho con, con lại càng ho dữ hơn, sau cơn ho hen thì người lả đi. Cha thương con lắm, cha bỏ được rượu và thuốc lá. Mẹ bảo con có công lớn trong việc cai thuốc và rượu cho cha (khóc). Nhà có người giúp việc, nhưng cha lại chỉ muốn tự tay chăm con. Con đã lớn lên trong tình thương yêu vô bờ bến của cha mẹ và các anh chị. Và lý do muôn thuở được mọi người nhắc đến là: Con là út, con ốm yếu bệnh tật, con không được hưởng cảnh giàu sang khi cha mẹ còn là chủ xưởng may và tiệm vải lớn. ..